Soạn bài Tri thức Ngữ văn lớp 10 trang 35 Tập 1 ngắn nhất
* Sử thi
Sử thi là một thể loại tự sự dân gian ra đời từ thời cổ đại, thường kết hợp lời thơ với văn xuôi, kể lại những sự kiện quan trọng trong đời sống của cộng đồng thông qua việc tôn vinh, ca ngợi chiến công, kì tích của người anh hùng.
* Thời gian – không gian sử thi
Thời gian sử thi thuộc về quá khứ "một đi không trở lại" của cộng đồng, thường gắn với xã hội cổ đại hoặc xã hội phong kiến. Không gian sử thi thường mở ra theo những cuộc phiêu lưu gắn với các kì tích của người anh hùng.
* Nhân vật anh hùng sử thi
Nhân vật người anh hùng sử thi hiện thân cho cộng đồng, thường hội tụ những đặc điểm nổi bật như: a. Sở hữu sức mạnh, tài năng, lòng dũng cảm phi thường; b. Luôn sẵn sàng đối mặt với thách thức, hiểm nguy; c. Lập nên những kì tích, uy danh lẫy lừng.
* Cốt truyện sử thi
Được tổ chức theo quan hệ xung đột giữa con người với thần quyền, giữa cộng đồng này với cộng đồng khác. Các sự kiện xoay quanh cuộc phiêu lưu và những kì tích của nhân vật chính. Yếu tố kì ảo có tác dụng tạo ra tình huống, vừa thử thách vừa tô đậm phẩm chất của người anh hùng.
* Lời của người kể chuyện và lời của nhân vật sử thi
Trong văn bản sử thi, lời của người kể chuyện thường ở ngôi thứ ba, luôn thể hiện thái độ tôn vinh, gợi ca người anh hùng có công với cộng đồng. Lời của nhân vật người anh hùng thể hiện hành động, tính cách anh hùng, thường là lời đối thoại (với thần linh hoặc với nhân vật khác). Cả lời kể và lời thoại trong sử thi đều giàu chất thơ.
* Thái độ, cảm xúc của người kể chuyện
Người kể chuyện sử thi thể hiện sự trang nghiêm, thành kính đối với sự kiện, nhân vật. Sự trang nghiêm, thành kính bộc lộ cụ thể qua cách sử dụng ngôn từ, giọng điệu, hình ảnh trong văn bản sử thi.
* Cảm hứng chủ đạo của sử thi
Trạng thái tình cảm mãnh liệt, say đắm xuyên suốt tác phẩm văn học gọi là cảm hứng chủ đạo. Cảm hứng chủ đạo của sử thi gắn liền với tư tưởng chống thần quyền trong cuộc đấu tranh chinh phục tự nhiên và chống các thế lực đe dọa sự sống của cộng đồng. Lập trường của người kể đứng hẳn về phía nhân vật anh hùng để ngợi ca sức mạnh của cộng đồng mà sử thi tôn vinh.
* Bối cảnh lịch sử – văn hoá
Một văn bản luôn gắn liền với một bối cảnh lịch sử - văn hóa nhất định. Sử thi ra đời chủ yếu trong giai đoạn xung đột giữa con người với thần quyền, giữa các cộng đồng với nhau, giữa tinh thần tự do của con người và các trật tự của luân lí xã hội. Những vấn đề về thể chế, tập tục, nghi lễ trong kiến tạo văn hóa của các cộng đồng xưa thể hiện khá sâu sắc trong sử thi.
* Cách đánh dấu phần bị tỉnh lược trong văn bản
Khi tạo lập văn bản, người viết có thể sử dụng một số cách thức dưới đây để đánh dấu phần bị tỉnh lược trong văn bản:
• Dùng kí hiệu dấu chấm lửng đặt trong ngoặc đơn (...) hoặc móc vuông [...].
• Dùng cụm từ chỉ báo về sự tỉnh lược như: lược dẫn, lược một đoạn,...
• Dùng một đoạn ngắn tóm tắt nội dung phần bị tỉnh lược.
• Kết hợp một số cách nêu trên.
* Cách chú thích trích dẫn và ghi cước chú
Chú thích trích dẫn là ghi rõ nguồn/ xuất xứ của tài liệu (tên tác giả, tên tài liệu, nhà xuất bản, năm xuất bản, trang được trích dẫn,...) mà người viết sử dụng. Khi trích dẫn nguyên văn, phần trích dẫn cần chính xác từng câu, từng chữ,... và phải được đặt trong dấu ngoặc kép. Khi trích dẫn ý tưởng, chúng ta không sử dụng dấu ngoặc kép; có thể diễn đạt theo cách viết của mình nhưng cần đảm bảo đúng nội dung của bản gốc.
Cước chú là chú thích thường đặt ở cuối trang trong một quyển sách hoặc văn bản. Một cước chú gồm hai phần:
• Phần con số đánh dấu đặt trong trang, ngay sau đoạn văn bản cần được chú thích.
• Phần chú thích đặt ở chân trang mở đầu bằng con số tương ứng.
Xem thêm các bài soạn văn lớp 10 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác: