Soạn bài Kiến thức ngữ văn trang 3
1. Cách xác định đề tài và chủ đề trong tác phẩm văn học
- Khái niệm đề tài và chủ đề đã được giới thiệu ở sách Ngữ văn 6, tập hai. Bài học này hướng dẫn các em cách xác định đề tài và chủ đề. Để xác định đề tài, người ta thường đặt câu hỏi: Tác phẩm viết về cái gì (hiện tượng, phạm vi cuộc sống)? Còn để xác định chủ đề, thường phải trả lời câu hỏi: Vấn đề cơ bản mà tác phẩm nêu lên là gì? Ví dụ, truyện Lão Hạc (Nam Cao) viết về đề tài người nông dân trong xã hội cũ, còn chủ đề của truyện là vấn đề cuộc sống cùng khổ và nhân phẩm con người. Tuy nhiên, cần chú ý là mỗi tác phẩm lớn có thể đặt ra nhiều vấn đề cơ bản (nhiều chủ đề).
2. Từ ngữ toàn dân, từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội
– Từ ngữ toàn dân của một ngôn ngữ là từ ngữ được sử dụng rộng rãi trong mọi vùng miền của đất nước, ví dụ: cha, mẹ, sắn, ngô, gì, nào, sao, thế... Là khối từ ngữ cơ bản và có số lượng lớn nhất của ngôn ngữ, từ ngữ toàn dân không chỉ có vai trò rất quan trọng trong giao tiếp ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội mà còn là cơ sở cho sự thống nhất ngôn ngữ. Hiểu được nghĩa và sử dụng đúng từ ngữ toàn dân là điều kiện để giao tiếp có hiệu quả.
– Từ ngữ địa phương là những từ ngữ được sử dụng ở một vùng miền nhất định, ví dụ: thầy, u, mì, bắp, chi, răng, rửa... Mặc dù từ ngữ địa phương có số lượng không lớn và có phạm vi dùng hạn chế nhưng lại phản ánh được nét riêng của con người, sự vật ở mỗi vùng miền nên cũng có vai trò quan trọng, nhất là đối với hoạt động giao tiếp trong sinh hoạt hằng ngày và đối với sáng tác văn chương. Hiểu được nghĩa và biết sử dụng đúng chỗ, đúng mức từ ngữ địa phương sẽ góp phần nâng cao hiệu quả giao tiếp.
Biệt ngữ xã hội là những từ ngữ được dùng với nghĩa riêng trong một nhóm xã hội nhất định. Ví dụ, một số từ ngữ được tạo ra bằng cách nói, viết chệch âm chuẩn như bit (biết), rùi (rồi), pó tai (bỏ tay) hoặc nói tắt như ga tô (ghen ăn tức ở), chuyển nghĩa như hồng lâu mộng (mơ mộng), thậm chí “nói bồi” tiếng nước ngoài như nâu pho gấu (no four go – vô tư đi) ... là những biệt ngữ đang phổ biến trong giới trẻ. Trong tác phẩm văn chương, lời ăn tiếng nói của nhân vật cũng có thể phản ánh biệt ngữ của nhóm xã hội mà nhân vật thuộc vào. Tuy nhiên, việc sử dụng biệt ngữ xã hội trong đời sống cũng như trong tác phẩm văn chương đều cần có chừng mực để bảo đảm hiệu quả giao tiếp và giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ dân tộc.
Xem thêm các bài soạn văn lớp 8 Cánh diều hay, chi tiết khác: