Soạn bài Chữ người tử tù lớp 10 | Kết nối tri thức

1900.edu.vn xin giới thiệu soạn bài Chữ người tử tù Ngữ văn lớp 10 Kết nối tri thức hay, ngắn gọn nhất giúp học sinh nắm được nội dung chính của bài, dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn 10. Mời các bạn đón xem:

Soạn bài Chữ người tử tù ngắn nhất

* Trước khi đọc

Câu hỏi (trang 21 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Dựa vào nhan đề Chữ người tử tù, bạn thử suy đoán xem tác phẩm viết về câu chuyện gì.

 

Trả lời:

- Truyện có thể viết về những dòng chữ của người tù mắc tội nghiêm trọng. Những dòng chữ này có thể được người tử tù viết trong một hoàn cảnh đặc biệt nào đó.

* Đọc văn bản

1. Tóm tắt nội dung cuộc trò chuyện giữa nhân vật quản ngục và thầy thơ lại.    

- Cuộc trò chuyện của quản ngục và thơ lại xoay quanh nội dung trại giam sắp nhận được sáu tên tù án chém, trong đó người đứng đầu là Huấn Cao. Khi nhận ra Huấn Cao chính là người mình đã ngưỡng mộ từ lâu, quản ngục tỏ ý muốn biệt nhỡn Huấn Cao.

2. Chú ý các chi tiết cho biết ngoại hình, suy nghĩ, lời nói, sở thích, môi trường sống của quản ngục và những câu văn khái quát được tính cách nhân vật này.  

- Những chi tiết miêu tả nhân vật quản ngục:

+ Ngoại hình: Đầu đã điểm hoa râm, râu đã ngả màu. Những đường nhăn nheo của một bộ mặt tư lự, bây giờ đã biến mất hẳn. Ở đấy, giờ chỉ còn là mặt nước ao xuân, bằng lặng, kín đáo và êm nhẹ. 

+ Tính cách: Có tâm điền tốt và thẳng thắn, biết quý trọng người tài.

+ Sở thích: Sưu tầm chữ để treo trong nhà 

+ Môi trường sống: Sống trong môi trường ngục tù, nơi đầy rẫy những cái xấu, cái ác.

+ Câu văn khái quát nhân vật quản ngục: “một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đã hỗn loạn xô bồ”.

3. Theo bạn, viên quản ngục sẽ đối xử với Huấn Cao như thế nào? Chi tiết nào ở phần 1 có thể khiến bạn suy đoán như vậy?    

- Quản ngục là người đứng đầu nhà giam, Huấn Cao là một tử tù là tội phạm của triều đình. Vì vậy, theo lẽ thường, quản ngục sẽ phải cho người trông coi Huấn Cao cẩn thận, nghiêm ngặt, đối xử theo đúng tội của một tên tử tù.

- Tuy nhiên, khi biết tin nhà lao sắp nhận được tử tù Huấn Cao, quản ngục không những không lo sợ mà còn tỏ ý ngưỡng mộ tài viết chữ của Huấn Cao, có thái độ biệt đãi đối với Huấn Cao.

4. Hình dung hoàn cảnh của cuộc gặp gỡ giữa quản ngục và Huấn Cao.   

- Cuộc gặp gỡ của hai người sẽ diễn ra trong chốn ngục tù tăm tối. Đó sẽ là cuộc gặp gỡ đặc biệt nhưng cũng éo le.

5. Huấn Cao đã tiếp nhận sự “biệt đãi” của quản ngục như thế nào?    

- Huấn Cao đã chấp nhận sự biệt đãi của viên quản ngục bằng cách “vẫn thản nhiên nhận rượu thịt, coi như đó là một việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình lúc chưa bị giam cầm”.

6. Dự đoán xem Huấn Cao có bằng lòng cho chữ viên quản ngục không.

- Theo em, Huấn Cao sẽ không bằng lòng cho chữ viên quản ngục. Bởi ông cho rằng, quản ngục cũng chỉ là một tên tham quan, độc ác như bao tên tham quan khác trong xã hội đương thời.

7. Lưu ý các chi tiết được tác giả sử dụng để dựng cảnh cho chữ: Bối cảnh: thơi gian, không gian. Lời nói, cử chỉ, hành động của người xin chữ và người cho chữ.      

* Cảnh cho chữ:

- Bối cảnh:

+ Không gian: buồng giam tăm tối, chật hẹp, ẩm mốc, đầy những phân chuột, phân gián.

+ Thời gian: vào ban đêm, khoảng thời gian cuối đời của người tử tù.

- Hành động:

+ Người nghệ sĩ tài hoa say mê tô từng nét chữ không phải là người được tự do mà là một kẻ tử tù đang trong cảnh cổ đeo gông, chân vướng xiềng và chỉ sớm tinh mơ ngày mai đã bị giải vào kinh chịu án tử hình.

+ Thầy thơ lại: “run run bưng chậu mực

+ Quản ngục: “khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ”.

→ Trật tự, kỉ cương trong nhà tù bị đảo ngược hoàn toàn.

8. Nhân vật Huấn Cao khuyên quản ngục điều gì? Quản ngục có thái độ như thế nào trước lời khuyên đó?       

- Lời khuyên của Huấn Cao dành cho quản ngục:

+ “Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng với những nét chữ vuông vắn tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người”.

“Thầy Quản nên tìm về quê mà ở đã, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”.

- Thái độ của quản ngục trước lời khuyên của Huấn Cao:

+ Ngục quản cảm động, vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: Kẻ mê muội này xin bái lĩnh.

9. Nội dung câu chuyện được kể có giống với suy đoán của bạn lúc mới đọc nhan đề tác phẩm hay không?        

- Nội dung câu chuyện được kể giống với suy đoán của em lúc mới đọc nhan đề tác phẩm.

* Sau khi đọc:

Nội dung chính: Chữ người tử tù

 Văn bản Chữ người tử tù đã khắc họa thành công hình tượng Huấn Cao – một con người tài hoa, có cái tâm trong sáng và khí phách hiên ngang, bất khuất. Qua đó, nhà văn thể hiện quan niệm về cái đẹp, khẳng định sự bất tử của cái đẹp và bộc lộ thầm kín tấm lòng yêu nước.

Soạn bài Chữ người tử tù - Kết nối tri thức (ảnh 1)

Câu 1 (trang 27 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1)Hãy xác định tình huống truyện trong Chữ người tử tù.

Trả lời:

- Trong Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân đã xây dựng được một tình huống truyện độc đáo. Hai nhân vật Huấn Cao và quản ngục, trên bình diện xã hội, hoàn toàn đối lập với nhau. Nhưng cả hai nhân vật này đều là những con người có tâm hồn nghệ sĩ, trên bình diện nghệ thuật, họ là tri âm, tri kỉ với nhau. Nguyễn Tuân đã đặt những nhân vật của mình vào chốn ngục tù tối tăm nhơ bẩn, tạo nên cuộc gặp gỡ kì lạ của họ. Nguyễn Tuân đã tạo ra một tình huống độc đáo: Mối quan hệ đặc biệt éo le, đầy trớ trêu giữa những tâm hồn tri âm, tri kỉ.

- Tác giả đã đặt những nhân vật này trong một tình thế đối địch: tử tù và quản ngục. Chính tình huống độc đáo này đã làm nổi bật vẻ đẹp của hình tượng Huấn Cao, làm sáng tỏ “tấm lòng biệt nhỡn liên tài" của viên quản ngục, đồng thời cũng thể hiện chủ đề của tác phẩm.

Câu 2 (trang 27 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1)Lời kể về nhân vật quản ngục (trong phần 1) là của ai? Lời kể ấy tác động đến cách nhìn của bạn về nhân vật này như thế nào?

Trả lời:

- Lời kể về nhân vật quản ngục trong phần 1 là lời kể của chính tác giả. Việc sử dụng ngôi kể thứ ba giúp cho cách kể linh hoạt hơn. Đồng thời, giúp người đọc hình dung một cách khái quát, có những cảm nhận riêng về nhân vật quản ngục trong truyện.

Câu 3 (trang 27 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Sự kiện nào đã tạo nên bước chuyển trong thái độ của Huấn Cao với quản ngục? Sau sự kiện ấy, mối quan hệ của họ đã thay đổi như thế nào?

Trả lời:

- Sự kiện tạo nên bước chuyển trong thái độ của Huấn Cao với quản ngục là sự kiện thầy thơ lại kể rõ tâm sự của quản ngục cho Huấn Cao nghe.

- Khi đã hiểu rõ con người, nhân cách của quản ngục,  Huấn Cao đã đồng ý cho chữ. Lúc này, mối quan hệ giữa họ không còn là mối quan hệ giữa quản ngục -  tử tù mà đã chuyển thành một quan hệ tri âm, tri kỉ.

Câu 4 (trang 27 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1)Nhân vật Huấn Cao được tác giả khắc hoạ qua những chi tiết tiêu biểu nào? Hãy dựa vào các chi tiết đó để khái quát đặc điểm tính cách Huấn Cao.

Trả lời:

Vẻ đẹp của hình tượng nhân vật Huấn Cao được thể hiện ở những phương diện sau:

- Tài hoa nghệ sĩ: 

+ Huấn Cao là người có tài viết chữ đẹp, “chữ ông Huấn đẹp lắm, vuông lắm. Có được chữ ông Huấn mà treo là có được vật báu trên đời”.

- Khí phách hiên ngang: 

+ Huấn Cao là một anh hùng, dũng kiệt. Huấn Cao trở thành tử tù bởi ông dám khởi nghĩa chống lại triều đình. Khí phách hiên ngang của Huấn Cao được thể hiện rõ nhất trong thời gian ông ở trong nhà lao.Ngoài ra, trong ngục tù, Huấn Cao không những không sợ, không quy phục viên quan coi ngục mà còn ung dung nhận phần rượu thịt mà viên quan coi ngục mang cho, thậm chí, còn tỏ rõ thái độ của mình đối với viên quan coi ngục.

- Nhân cách trong sáng, cao cả:

+ Huấn Cao không vì vàng bạc hay quyền lực mà cho chữ nhưng lại cảm kích trước tấm lòng biệt nhỡn liên tài của viên quan coi ngục và quyết định cho ý chữ ở ngay chốn ngục tù.

→ Qua hình tượng nhân vật Huấn Cao, thể hiện quan niệm của Nguyễn Tuân về cái đẹp: cái đẹp, cái tài phải luôn đi liền với cái tâm, với cái thiên lương trong sáng.

Câu 5 (trang 27 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1)Chỉ ra các yếu tố khiến cảnh cho chữ trở thành một cảnh tượng “xưa nay chưa từng có”. Hãy phân tích ý nghĩa của cảnh tượng kì lạ đó.

Trả lời:

- Cảnh cho chữ - cảnh tượng xưa nay chưa từng có:

+ Về không gian: Huấn Cao cho chữ viên quản ngục trong nơi ngục tù ẩm mốc, bẩn thỉu, đầy những phân chuột phân gián.

+ Về thời gian: cảnh cho chữ này diễn ra vào thời gian giữa đêm khuya thanh vắng. Đặc biệt đó là đêm cuối cùng trước khi Huấn Cao bị thi hành án tử.

+ Tác phong người cho chữ và người xin chữ cũng vô cùng đặc biệt: Người cho chữ mặc dù bị cùm gông nhưng vẫn ung dung, tự tại, oai phong phóng bút với những nét bút đẹp tuyệt trần. Trong khi đó, viên quản ngục và thầy thơ lại cúi đầu đón nhận như một đặc ân từ tử tù.

+ Trật tự, kỉ cương trong nhà tù bị đảo lộn hoàn toàn: Tù nhân trở thành người ban phát cái đẹp.

- Ý nghĩa: Cảnh cho chữ làm nổi bật chủ đề của tác phẩm. Đó là sự chiến thắng của ánh sáng đối với bóng tối, của cái đẹp đối với cái xấu xa, nhơ bẩn, của cái thiện đối với cái ác,…

Câu 6 (trang 27 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Theo bạn, tác giả đã gửi gắm những thông điệp gì qua câu chuyện xin chữ và cho chữ?

Trả lời:

- Thông điệp của tác giả:

+ Cái đẹp có thể sinh ra, tỏa sáng giữa chốn hôi hám, dơ bẩn nhưng cái đẹp không thể chung sống cùng cái xấu, cái ác.

+ Con người xứng đáng được thưởng thức cái đẹp chỉ khi giữ được thiên lương.

+ Cái đẹp có thể cảm hóa được con người.

Câu 7 (trang 27 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1)Nêu và nhận xét về một điểm chung mà bạn nhận thấy giữa hai nhân vật Tử Văn (Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên, Nguyễn Dữ) và Huấn Cao (Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân).

Trả lời:

- Ngô Tử Văn và Huấn Cao đều là những người anh hùng, mang những vẻ đẹp, tài năng phẩm chất đáng trân trọng. Tử Văn dám châm lửa đốt đền của tên tướng giặc trừ hại cho dân. Huấn Cao vì thấy dân chúng lầm than mà khởi nghĩa chống lại triều đình. Họ không vì quyền uy, tiền bạc mà bị mua chuộc, đánh mất đi chính mình. Họ đều là những người dám nghĩ dám làm, hi sinh lợi ích của bản thân để cứu giúp nhân dân.

* Kết nối đọc – viết

Bài tập (trang 27 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 1): Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) phân tích một yếu tố nghệ thuật đặc sắc trong truyện ngắn Chữ người tử tù.

Đoạn văn tham khảo

*Phân tích nghệ thuật xây dựng tình huống truyện đặc sắc:

Trong “Chữ người tử tù” tình huống truyện xoay quanh cuộc gặp gỡ kỳ ngộ giữa Huấn Cao và quản ngục. Đó là một tình huống có tính chất éo le, kịch tính và ngang trái, bởi Huấn Cao là tử tù cò quản ngục là quản tù; Huấn Cao đứng đầu đội quân phiến loạn triều đình còn quản ngục lại là công cụ bảo vệ triều đình, đại diện cho triều đình. Huấn Cao là một anh hùng có chí khí, khí phách hiên ngang và có tài viết chữ thư pháp được ví như người tài lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa còn quản ngục mặc dù sống trong chốn cặn bã, lừa lọc, tàn nhẫn nhưng lại yêu cái đẹp, trọng người tài. Huấn Cao bị cầm tù về nhân thân nhưng tự do về thân cách còn quản ngục tự do về nhân thân nhưng lại bị cầm tù bởi nhân cách. Trên bình diện xã hội, họ ở hai chiến tuyến đối lập nhau, chính vì thế tình huống truyện càng gay gắt và kịch tính hơn. Tình huống truyện giúp cho cốt truyện phát triển từ cuộc gặp gỡ đến sự biệt đại của quản ngục cho Huấn Cao rồi đến sự hiểu nhầm của Huấn Cao trước tấm lòng của quản ngục để rồi sự trân trọng và quý mến khi nhận ra tấm lòng chân thành và sự biệt đãi của quản ngục, một người biết quý trọng người tài, yêu cái đẹp. Bằng tài năng và tấm lòng yêu con người, yêu cái đẹp. Nguyễn Tuân đã sáng tạo ra được tình huống truyện đặc sắc và hấp dẫn, chỉ có thể là một cây bút tài năng mới thành công như vậy. Chữ người tử tù luôn là một truyện ngắn hấp dẫn bởi giọng riêng của Nguyễn Tuân.

Xem thêm các bài soạn văn lớp 10 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Truyện về các vị thần sáng tạo thế giới

Tản Viên từ Phán sự lục

Thực hành tiếng Việt trang 28

Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện

Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm truyện

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!