Video rối loạn nội tiết tố cảnh báo bệnh gì
Ở phụ nữ, các hormon bao gồm estrogen, progesterone và hormon kích thích nang trứng (FSH) rất quan trọng đối với kinh nguyệt và mang thai. Ở nam giới, hormon sinh dục là androgen hay testosterone. Thông thường, các tuyến nội tiết trong cơ thể giữ cho các hormon sinh sản ở mức ổn định, nhưng nhiều yếu tố có thể làm cho nồng độ hormon tăng cao hoặc hạ thấp dẫn đến các vấn đề rối loạn tình dục, khả năng sinh sản,...
Nhiều rối loạn hormon sinh sản có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất và cảm xúc. Bài viết này giúp bạn tìm hiểu về rối loạn nội tiết tố, cách chẩn đoán và điều trị.
Các bác sĩ chuyên khoa nội tiết sẽ xác định loại hormon trong cơ thể bị ảnh hưởng cũng như tìm nguyên nhân gây ra những rối loạn, đồng thời thiết lập một kế hoạch để đưa nồng độ hormon trở lại trạng thái cân bằng.
Rối loạn hormon sinh dục phổ biến bao gồm những loại sau đây.
Giảm nồng độ testosterone
Lượng testosterone được sản xuất nhiều nhất ở tuổi dậy thì và giảm dần sau 30 tuổi. Bên cạnh tuổi tác, các yếu tố khác có thể góp phần vào giảm testosterone chẳng hạn như chấn thương tinh hoàn, nhiễm trùng, đái tháo đường tuýp 2, thuốc men,... Đối với một số nam giới, việc giảm testosterone có thể gây ra các triệu chứng như giảm ham muốn tình dục, trầm cảm hoặc rối loạn cương dương.
Chẩn đoán và điều trị giảm testosterone
Bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm máu để định lượng nồng độ testosterone. Nếu testosterone hạ thấp, liệu pháp thay thế hormon có thể đưa mức testosterone trở lại bình thường. Hãy trao đổi với bác sĩ về những lợi ích và rủi ro của việc điều trị bằng testosterone.
Hội chứng buồng trứng đa nang
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là một rối loạn nội tiết tố phát triển khi các hormon sinh sản của phụ nữ mất cân bằng. Trong khi buồng trứng bình thường tạo ra một số lượng nhỏ hormon sinh dục nam (androgen) thì phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang có nồng độ androgen cao hơn bình thường. Thông thường, phụ nữ mắc PCOS có nhiều u nang nhỏ lành tính trên buồng trứng.
Hội trứng buồng trứng đa nang có thể cản trở quá trình rụng trứng. Ngoài ra, có thể ảnh hưởng đến khả năng sử dụng insulin của cơ thể, cuối cùng dẫn đến bệnh đái tháo đường.
Các triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang có thể bao gồm:
- Mụn trứng cá.
- Tăng cân.
- Rậm lông trên mặt và toàn thân với tóc mỏng ở da đầu.
- Kinh nguyệt không đều.
- Vô sinh.
- Trầm cảm.
Chẩn đoán và điều trị hội chứng buồng trứng đa nang
Các bác sĩ chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang thông qua khám sức khỏe và các xét nghiệm định lượng nồng độ hormon trong máu. Ngoài ra, cũng có thể siêu âm vùng chậu để tìm u nang.
Đối với nhiều phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang, thay đổi lối sống là một phần quan trọng của việc điều trị. Giảm cân có thể giúp đưa các hormon trở lại trạng thái cân bằng. Tập thể dục thường xuyên và tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh có thể giảm các triệu chứng. Nếu cần, bác sĩ có thể kê đơn thuốc tránh thai hoặc các loại thuốc khác để điều trị tình trạng mất cân bằng nội tiết tố và làm giảm các triệu chứng.
Thời kỳ mãn kinh
Thời kỳ mãn kinh hay sự kết thúc chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ là một quá trình diễn ra từ từ, được đánh dấu bằng những thay đổi đáng kể nồng độ estrogen trong cơ thể.
Những thay đổi hormon có thể gây ra nhiều triệu chứng về thể chất và cảm xúc khác nhau như thay đổi tâm trạng, xuất hiện các cơn bốc hỏa, bệnh tim và loãng xương. Các bác sĩ sẽ làm việc với những phụ nữ có các triệu chứng mãn kinh và cung cấp dịch vụ chăm sóc tốt nhất.