8 điều cần biết về bệnh đa xơ cứng

Đa xơ cứng là một bệnh mạn tính ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương gồm có não, tủy sống và dây thần kinh thị giác. Tình trạng này có thể dẫn đến một loạt các triệu chứng khắp cơ thể.

Video Bệnh đa xơ cứng có nguy hiểm không

Không thể tiên lượng bệnh đa xơ cứng (MS) sẽ tiến triển như thế nào ở bất kỳ ai. 

Một số người có các triệu chứng nhẹ, chẳng hạn như nhìn mờ, tê bì và ngứa ran ở các chi. Trong một số ít trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể bị liệt, mất thị lực và giảm khả năng vận động.  

Rất khó để biết chính xác có bao nhiêu người bị MS. Theo Viện Quốc gia về Rối loạn Thần kinh và Đột quỵ (NINDS), 250.000-350.000 những người ở Hoa Kỳ đang mắc bệnh Đa xơ cứng. 

Hiệp hội Đa xơ cứng Quốc gia ước tính con số có thể lên tới gần 1 triệu người. 

Các phương pháp điều trị mới đang chứng minh hiệu quả trong việc làm chậm tiến triển bệnh.

Bệnh đa xơ cứng là gì?

Bệnh đa xơ cứng có thể gây tổn thương thần kinh nghiêm trọng dẫn đến liệt vận động.   Nguồn ảnh: centerlab.com

Bệnh đa xơ cứng có thể gây tổn thương thần kinh nghiêm trọng dẫn đến liệt vận động. 

Nguồn ảnh: centerlab.com

Các nhà khoa học không biết chính xác nguyên nhân gây ra bệnh đa xơ cứng, nhưng họ cho rằng, MS là một rối loạn tự miễn ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương. Khi một người mắc bệnh tự miễn, hệ thống miễn dịch sẽ tấn công các mô khỏe mạnh trong cơ thể, giống như cách chống lại virus hoặc vi khuẩn.

Trong trường hợp MS, hệ thống miễn dịch tấn công vỏ myelin bao quanh bảo vệ các sợi thần kinh và gây viêm. Myelin cho phép các dây thần kinh dẫn tín hiệu điện một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Đa xơ cứng có nghĩa là "mô sẹo ở nhiều vùng."

Khi lớp vỏ myelin biến mất hoặc bị tổn thương ở nhiều vùng sẽ để lại sẹo hoặc xơ cứng. Các bác sĩ còn gọi những khu vực này là mảng hoặc tổn thương, chủ yếu ảnh hưởng đến:

  • Thân não.
  • Tiểu não, điều phối chuyển động và kiểm soát thăng bằng.
  • Tủy sống.
  • Dây thần kinh thị giác.
  • Chất trắng ở một số vùng não.

Khi các tổn thương phát triển nhiều hơn, các sợi thần kinh có thể bị đứt hoặc tổn thương nghiêm trọng. Kết quả là, các xung điện từ não không dẫn truyền đến được các dây thần kinh, dẫn đến cơ thể không thể thực hiện một số chức năng nhất định. 

Phân loại đa xơ cứng và giai đoạn

Có bốn loại đa xơ cứng:

Hội chứng cô lập lâm sàng (CIS): Đây là hội chứng đơn lẻ, đầu tiên với các triệu chứng kéo dài trong ít nhất 24 giờ. Nếu một đợt khác xảy ra muộn hơn, bác sĩ có thể chẩn đoán MS tái phát.

Đa xơ cứng tái phát (RRMS): Đây là thể bệnh phổ biến nhất. Khoảng 85% những người bị MS được chẩn đoán ban đầu là RRMS. Đa xơ cứng tái phát liên quan đến các đợt triệu chứng mới hoặc gia tăng, sau đó thuyên giảm, trong đó các triệu chứng biến mất một phần hoặc toàn bộ.

Đa xơ cứng tiến triển nguyên phát: Các triệu chứng nặng dần lên và không có dấu hiệu thuyên giảm. Một số người có thể trải qua những khoảng thời gian ổn định ngắn. Đa xơ cứng tiến triển chính xảy ra ở 15% trường hợp mắc đa xơ cứng.

Đa xơ cứng tiến triển thứ phát: Ban đầu, người bệnh sẽ trải qua những đợt tái phát và thuyên giảm liên tục nhưng sau đó bệnh bắt đầu bước vào giai đoạn tiến triển ổn định. 

Các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu

Tê bì, yếu cơ là triệu chứng hay gặp trong bệnh đa xơ cứng. Nguồn ảnh: victordiaz-prohealth.comTê bì, yếu cơ là triệu chứng hay gặp trong bệnh đa xơ cứng. Nguồn ảnh: victordiaz-prohealth.com

Vì MS ảnh hưởng đến thần kinh trung ương, nơi kiểm soát tất cả các hoạt động trong cơ thể, vì vậy các triệu chứng có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào của cơ thể. 

Các triệu chứng phổ biến nhất của MS là:

  • Yếu cơ: Người bệnh có thể xuất hiện cơ yếu do không vận động hoặc kích thích do tổn thương thần kinh.
  • Tê bì và ngứa ran: Cảm giác kim châm và ngứa rát là một trong những triệu chứng sớm nhất của MS có thể ảnh hưởng đến mặt, thân mình hoặc cánh tay và chân.
  • Dấu hiệu Lhermitte: Người bệnh có thể trải qua cảm giác như bị điện giật khi cử động cổ.
  • Các vấn đề về bàng quang: Người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc làm rỗng bàng quang, đi tiểu thường xuyên hoặc đột ngột hay gọi là tiểu không tự chủ. Mất kiểm soát bàng quang là một trong những dấu hiệu ban đầu của MS.
  • Các vấn đề về ruột: Táo bón có thể gây ra hiện tượng tống phân, dẫn đến đại tiện không tự chủ.
  • Mệt mỏi: Tình trạng này có thể làm suy giảm khả năng làm việc hoặc sinh hoạt hàng ngày của người bệnh và là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của MS.
  • Hoa mắt và chóng mặt: Đây là những vấn đề phổ biến, cùng với các vấn đề về thăng bằng và phối hợp.
  • Rối loạn chức năng tình dục: Cả nam và nữ đều có thể mất hứng thú với tình dục.
  • Co cứng và co thắt cơ: Đây là dấu hiệu ban đầu của MS. Các sợi thần kinh bị tổn thương trong tủy sống và não có thể khiến  cơ bắp đau và co rút, đặc biệt là ở chân.
  • Các vấn đề về thị lực: Một số người có thể bị nhìn đôi, nhìn mờ, mất thị lực một phần hoặc toàn bộ thường ảnh hưởng đến một bên mắt tại một thời điểm. Viêm dây thần kinh thị giác có thể dẫn đến đau khi mắt di chuyển. Các vấn đề về thị lực là một dấu hiệu ban đầu của MS.
  • Thay đổi dáng đi và khả năng vận động: MS có thể thay đổi cách đi bộ do yếu cơ và các vấn đề về thăng bằng, chóng mặt và mệt mỏi.
  • Thay đổi cảm xúc và trầm cảm: Hiện tượng myelin hóa và tổn thương sợi thần kinh trong não có thể gây ra những thay đổi về cảm xúc.
  • Các vấn đề về học tập và trí nhớ: Những vấn đề này có thể khiến người bệnh khó tập trung, lập kế hoạch, học tập, sắp xếp các thứ tự ưu tiên.
  • Đau: Đau là một triệu chứng phổ biến ở MS. Đau dây thần kinh trực tiếp do bệnh. Các loại đau khác xảy ra do yếu hoặc cứng các cơ.

Các triệu chứng ít phổ biến hơn bao gồm:

  • Đau đầu.
  • Mất thính lực.
  • Ngứa.
  • Các vấn đề về hô hấp hoặc thông khí.
  • Co giật.
  • Rối loạn ngôn ngữ.
  • Vấn đề nuốt.

Ngoài ra còn có nguy cơ cao bị nhiễm trùng đường tiết niệu, giảm hoạt động và mất khả năng vận động. Những điều này có thể ảnh hưởng đến vai trò của người bệnh trong gia đình và xã hội.

Ở giai đoạn sau, mọi người có thể trải qua những thay đổi về mặt nhận thức và suy nghĩ, cũng như nhạy cảm với nhiệt.

MS ảnh hưởng đến từng người theo những cách khác nhau. Đối với một số người, bệnh khởi phát với một cảm giác êm dịu và các triệu chứng không tiến triển trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Đôi khi, các triệu chứng xấu đi nhanh chóng trong vòng vài tuần hoặc vài tháng.

Một số người sẽ chỉ có các triệu chứng nhẹ và những người khác có thể trải qua những thay đổi đáng kể dẫn đến tàn tật. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều trải qua những thời điểm khi các triệu chứng xấu đi và sau đó thuyên giảm. 

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ

Bệnh đa xơ cứng hay gặp ở nữ giới từ 20-40 tuổi. Nguồn ảnh: medielephant.modoo.atBệnh đa xơ cứng hay gặp ở nữ giới từ 20-40 tuổi. Nguồn ảnh: medielephant.modoo.at

 Các nhà khoa học không thực sự biết nguyên nhân gây ra MS nhưng các yếu tố nguy bao gồm:

  • Tuổi: Hầu hết mọi người được chẩn đoán đa xơ cứng trong khoảng 20-40 tuổi.
  • Giới tính: Hầu hết các dạng MS có nguy cơ ảnh hưởng đến nữ gấp đôi so với nam.
  • Yếu tố di truyền: Tính nhạy cảm có thể di truyền trong gen nhưng các nhà khoa học cho rằng, tác nhân môi trường cũng cần thiết để MS phát triển, ngay cả ở những người có các đặc điểm di truyền cụ thể.
  • Hút thuốc: Những người hút thuốc dường như có nhiều khả năng bị MS hơn. Ngoài ra, người bệnh cũng có xu hướng bị nhiều tổn thương và teo não hơn những người không hút thuốc.
  • Nhiễm trùng: Tiếp xúc với virus chẳng hạn như virus Epstein-Barr (EBV) hoặc bệnh tăng bạch cầu đơn nhân có thể gia tăng nguy cơ hình thành bệnh đa xơ cứng nhưng nghiên cứu chưa đưa ra bằng chứng khẳng định mối liên hệ này. Các virus khác có thể đóng một vai trò nào đó bao gồm virus herpes ở người tuýp 6 (HHV6) và viêm phổi mycoplasma.
  • Thiếu vitamin D: Bệnh MS thường gặp hơn ở những người ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, cần thiết để cơ thể tạo ra vitamin D. Một số chuyên gia cho rằng, lượng vitamin D thấp có thể ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống miễn dịch.
  • Thiếu vitamin B12: Cơ thể sử dụng vitamin B để sản xuất myelin. Thiếu vitamin này có thể gia tăng nguy cơ mắc các bệnh thần kinh như MS.

Các giả thuyết trước đây bao gồm mắc bệnh sài sốt chó, chấn thương thể chất hoặc aspartame (một chất làm ngọt nhân tạo) nhưng không có bằng chứng nào chứng minh những điều này

Có lẽ không có nguyên nhân chính gây kích hoạt MS nhưng có thể do nhiều yếu tố góp phần.

Chẩn đoán bệnh đa xơ cứng như thế nào?

Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe và thần kinh, hỏi về các triệu chứng và xem xét tiền sử bệnh của từng người. 

Không có xét nghiệm đơn lẻ nào có thể giúp chẩn đoán xác định bệnh, vì vậy bác sĩ sẽ sử dụng một số xét nghiệm trước khi quyết định xem người bệnh có đáp ứng các tiêu chí chẩn đoán hay không, bao gồm:

  • Chụp cộng hưởng từ MRI sọ não và tủy sống, có thể phát hiện các tổn thương.
  • Phân tích dịch tủy sống có thể xác định các kháng thể gợi ý nhiễm trùng trước đó hoặc các protein phù hợp với chẩn đoán MS.
  • Điện não đồ đo hoạt động điện trong não khi đáp ứng với các kích thích.
  • Các bệnh lý khác cũng có các triệu chứng tương tự như bệnh MS, vì vậy bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm khác để tìm nguyên nhân gây ra các triệu chứng của người bệnh.

Nếu được chẩn đoán MS, bác sĩ sẽ phân loại và xác định mức độ hoạt động của bệnh. Người bệnh có thể cần nhiều xét nghiệm hơn trong tương lai để theo dõi và kiểm tra các thay đổi sức khỏe.

Điều trị

Nếu bệnh đa xơ cứng tiến triển nặng, cần điều trị và chăm sóc tại bệnh viện. Nguồn ảnh: PinterestNếu bệnh đa xơ cứng tiến triển nặng, cần điều trị và chăm sóc tại bệnh viện. Nguồn ảnh: Pinterest

Không có phương pháp điều trị đặc hiệu MS nhưng có phương pháp điều trị giúp làm chậm tiến triển của bệnh, giảm số lượng và mức độ nghiêm trọng của các đợt tái phát cũng như giảm các triệu chứng.

Một số người cũng sử dụng các liệu pháp bổ sung và thay thế, nhưng nghiên cứu không phải lúc nào cũng xác nhận tính an toàn của những liệu pháp này.

Các lựa chọn điều trị bao gồm:

Thuốc để làm chậm tiến triển bệnh

Một số liệu pháp điều chỉnh bệnh tật (DMTs) được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép để điều trị các dạng tái phát của MS. Cơ chế hoạt động của thuốc là thay đổi cách thức hoạt động của hệ thống miễn dịch.

Bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc này qua đường uống, tiêm truyền. Tần suất người bệnh cần dùng thuốc và có được điều trị tại nhà hay không sẽ phụ thuộc vào loại thuốc.

Các liệu pháp điều chỉnh bệnh tật sau hiện đang được cấp phép:

Thuốc tiêm:

  • Interferon beta-1a ( Avonex và Rebif).
  • Interferon beta-1b (Betaseron và Extavia).
  • Glatiramer axetat (Copaxone và Glatopa).
  • Peginterferon beta-1a (Plegridy).

Thuốc uống:

  • Teriflunomide (Aubagio).
  • Fingolimod (Gilenya ).
  • Dimetyl fumarate (Tecfidera).
  • Mavenclad (Cladribine).
  • Mayzent (Siponimod).

Thuốc truyền tĩnh mạch:

  • Alemtuzumab (Lemtrada).
  • Mitoxantrone (Novantrone).
  • Ocrelizumab (Ocrevus).
  • Natalizumab (Tysabri).

Các hướng dẫn hiện hành khuyến cáo người bệnh nên bắt đầu sử dụng các loại thuốc này ở giai đoạn đầu của MS, vì có nhiều khả năng chúng làm chậm tiến triển của bệnh, đặc biệt nếu dùng khi các triệu chứng chưa nghiêm trọng.

Một số loại thuốc hiệu quả hơn ở các giai đoạn cụ thể. Ví dụ, bác sĩ có thể kê đơn mitoxantrone ở giai đoạn muộn và nặng của MS.

Bác sĩ sẽ theo dõi đáp ứng của người bệnh với thuốc như thế nào, vì có thể xuất hiện tác dụng phụ và các loại thuốc giống nhau không phù hợp với tất cả mọi người. Các lựa chọn thuốc mới xuất hiện trên thị trường đang được chứng minh là an toàn và hiệu quả hơn một số loại thuốc hiện có.

Tác dụng phụ của thuốc ức chế miễn dịch là tăng nguy cơ nhiễm trùng. Một số loại thuốc cũng có thể gây hại cho gan.

Nếu người bệnh xuất hiện các tác dụng phụ hoặc triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, hãy đi khám ngay. 

Giảm các triệu chứng khi bùng phát

Các loại thuốc khác giúp giảm các triệu chứng nghiêm trọng trong một đợt bùng phát. Người bệnh sẽ không cần sử dụng những loại thuốc này mọi lúc.

Thuốc corticosteroid làm giảm viêm và ức chế hệ thống miễn dịch. Thuốc có thể điều trị đợt bùng phát cấp tính các triệu chứng trong một số loại MS. Ví dụ, Solu-Medrol (methylprednisolone) và Deltasone (prednisone). Steroid có thể gây tác dụng phụ nếu sử dụng thường xuyên và thuốc không có khả năng mang lại bất kỳ lợi ích lâu dài nào.

Các loại thuốc và phương pháp tiếp cận khác có thể điều trị các triệu chứng, bao gồm:

  • Thay đổi hành vi: Nếu người bệnh có vấn đề về thị lực, bác sĩ có thể hướng dẫn dành thời gian cho mắt nghỉ ngơi hoặc giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử. Những người mắc đa xơ cứng có thể cần học cách nghỉ ngơi khi cơn mệt mỏi xuất hiện và tự điều chỉnh nhịp độ để có thể hoàn thành các hoạt động.
  • Vấn đề với khả năng vận động và thăng bằng: Vật lý trị liệu và các dụng cụ hỗ trợ đi bộ như gậy, có thể hữu ích. Dalfampridine được sử dụng để cải thiện việc đi bộ ở bệnh nhân mắc bệnh đa xơ cứng (MS). 
  • Run: Một người có thể sử dụng thiết bị trợ giúp hoặc gắn tạ vào tay chân để giảm run. Thuốc cũng giúp kiểm soát chứng run.
  • Mệt mỏi: Nghỉ ngơi đầy đủ và tránh nóng. Liệu pháp vật lý và vận động có thể giúp rèn luyện cho mọi người những cách làm việc thoải mái hơn. Các thiết bị trợ giúp, chẳng hạn như một chiếc xe tay ga di động, có thể giúp tiết kiệm năng lượng. Thuốc hoặc trị liệu tâm lý giúp tăng cường năng lượng bằng cách cải thiện giấc ngủ.
  • Đau: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống co giật, chống co thắt hoặc tiêm cồn để giảm đau dây thần kinh 5, gây cơn đau nhói ảnh hưởng đến mặt. Thuốc giảm đau như gabapentin, có thể giúp giảm đau toàn thân. Ngoài ra còn có các loại thuốc để giảm đau cơ và chuột rút trong MS.
  • Các vấn đề về bàng quang và ruột: Một số loại thuốc và thay đổi chế độ ăn uống có thể giúp giải quyết những vấn đề này.
  • Trầm cảm: Bác sĩ có thể kê đơn thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRI) hoặc các loại thuốc chống trầm cảm khác.
  • Thay đổi nhận thức: Donepezil, một loại thuốc điều trị bệnh Alzheimer, có thể giúp ích cho một số người.

Các liệu pháp bổ sung và thay thế

Những biện pháp sau đây có thể giúp giảm các triệu chứng khác nhau của MS:

  • Điều trị bằng nhiệt và xoa bóp để giảm đau.
  • Châm cứu để giảm đau.
  • Kiểm soát căng thẳng để cải thiện tâm trạng.
  • Tập thể dục để duy trì sức mạnh và sự linh hoạt, giảm cứng khớp và cải thiện tâm trạng.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây tươi, rau và chất xơ
  • Tránh hút thuốc lá.

Cần sa y tế

Các nghiên cứu cho thấy, cần sa có thể giúp giảm đau, cứng cơ và mất ngủ. Tuy nhiên, không có đủ bằng chứng để khẳng định điều này.

Những người xem xét cách tiếp cận này nên lưu ý rằng có sự khác biệt giữa việc sử dụng cần sa đường phố và cần sa y tế. Ngoài ra, không phải tất cả các dạng bào chế cần sa đều hợp pháp ở tất cả các nước.

Hãy hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng cần sa, vì một số dạng có thể gây tác dụng phụ. Hút cần sa không có lợi và làm cho các triệu chứng nghiêm trọng hơn.

Phục hồi chức năng và vật lý trị liệu

Phục hồi chức năng có thể giúp cải thiện hoặc duy trì khả năng hoạt động hiệu quả của người bệnh ở nhà và nơi làm việc.

  • Vật lý trị liệu: Nhằm mục đích cung cấp các kỹ năng để duy trì và phục hồi khả năng vận động và chức năng tối đa.
  • Liệu pháp nghề nghiệp: Việc sử dụng liệu pháp làm việc, chăm sóc bản thân và giải trí nhằm duy trì, phục hồi cũng như phát triển các hoạt động có ý nghĩa cho người bệnh cả thể chất lẫn tinh thần.
  • Liệu pháp ngôn ngữ và nuốt: Bác sĩ trị liệu âm ngữ sẽ thực hiện khóa đào   chuyên biệt để phục hồi chức năng cho những người cần.
  • Phục hồi nhận thức: Giúp người bệnh quản lý các vấn đề trong suy nghĩ và nhận thức.
  • Phục hồi chức năng nghề nghiệp: Giúp người mắc bệnh đa xơ cứng lập kế hoạch nghề nghiệp, học các kỹ năng làm việc, tìm kiếm và duy trì công việc.
  • Liệu pháp trao đổi huyết tương: Là quá trình lọc máu qua một hệ thống máy lọc để tách huyết tương khỏi các tế bào máu. Trao đổi huyết tương giúp loại bỏ một số kháng thể đang tấn công các tế bào khỏe mạnh, nhưng liệu phương pháp này có thể giúp những người mắc bệnh MS không thì vẫn chưa rõ ràng. Các nghiên cứu đưa ra nhiều kết quả khác nhau.
  • Liệu pháp tế bào gốc: Các nhà khoa học đang xem xét việc sử dụng liệu pháp tế bào gốc để tái tạo các tế bào khác nhau và phục hồi chức năng cơ thể.

Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng một ngày nào đó, các kỹ thuật trị liệu bằng tế bào gốc có thể điều trị những tổn thương do MS gây ra và phục hồi chức năng trong hệ thần kinh.

Tiên lượng  

MS là một thách thức lớn nếu mắc phải nhưng hiếm khi gây tử vong. Một số biến chứng nặng như nhiễm trùng bàng quang, nhiễm trùng hô hấp, khó nuốt có thể dẫn đến tử vong.

Đa xơ cứng không phải lúc nào cũng dẫn đến liệt nặng, 2/3 số người mắc bệnh có thể đi lại. Tuy nhiên, nhiều người cần sự trợ giúp của gậy, xe lăn, nạng hoặc xe tay ga tự động.

Tuổi thọ trung bình của người bị MS thấp hơn người bình thường từ 5-10 năm.

Những điều cần lưu ý

Đa xơ cứng là một bệnh lý nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Tiến triển bệnh ở mỗi người là khác nhau, vì vậy khó có thể tiên lượng được điều gì sẽ xảy ra nhưng hầu hết mọi người không bị tàn tật nặng.

Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã đạt được tiến bộ nhanh chóng trong việc phát triển các loại thuốc và phương pháp điều trị MS. Các loại thuốc mới an toàn và hiệu quả hơn, đồng thời mang lại hy vọng đáng kể trong việc làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Khi các nhà nghiên cứu tìm hiểu về các đặc điểm di truyền và những thay đổi xảy ra với MS, hy vọng rằng sẽ có thể dự đoán dễ dàng hơn loại MS mà một người mắc phải và xây dựng phương pháp điều trị hiệu quả nhất từ giai đoạn sớm.

Người bệnh được điều trị thích hợp và tuân thủ lối sống lành mạnh có thể đảm bảo chất lượng sống như người bình thường. 

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!