Video Nhóm máu thực chất là gì ? Tại sao phải xác định nhóm máu ?
ABO là hệ thống phổ biến nhất về phân loại các nhóm máu, với 4 nhóm máu chính là: A, B, O và AB. Trong những nhóm này, có thêm tám nhóm máu khác nữa.
Cứ 2 giây lại có một người ở Hoa Kỳ cần được truyền máu và khi đó, các bác sĩ phải truyền đúng chế phẩm máu cùng nhóm với người bệnh. Nhóm máu không đúng có thể gây ra các tai biến nguy hiểm đến tính mạng.
Nhóm máu được hình thành như thế nào?
Các thành phần chính của máu là:
- Tế bào hồng cầu, mang oxy đi khắp cơ thể
- Tế bào bạch cầu, đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch
- Huyết tương, là một chất lỏng màu vàng có chứa protein và các chất hòa tan
- Tiểu cầu, có vai trò trong quá trình đông máu
Tên nhóm máu sẽ phụ thuộc vào loại kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu. Kháng nguyên là các phân tử là protein hoặc đường. Phân loại và tính năng của kháng nguyên có thể khác nhau giữa các cá thể, do sự khác biệt nhỏ về gen.
Các kháng nguyên trong máu có nhiều chức năng khác nhau, bao gồm:
- Vận chuyển các phân tử khác vào và ra khỏi tế bào
- Duy trì cấu trúc của tế bào hồng cầu
- Phát hiện các tế bào lạ có thể gây bệnh
Các nhà khoa học sử dụng hai hệ kháng nguyên để phân loại nhóm máu:
- Kháng nguyên ABO
- Kháng nguyên Rh
Các kháng nguyên và kháng thể đóng một vai trò trong cơ chế bảo vệ của hệ thống miễn dịch.
Tế bào bạch cầu tạo ra kháng thể. Các kháng thể này sẽ nhắm mục tiêu vào một kháng nguyên nếu chúng coi đó là một vật thể lạ. Vì vậy, đây là lý do tại sao phải lựa chọn nhóm máu khi người bệnh cần truyền máu.
Theo Hội Chữ Thập Đỏ Hoa Kỳ, nếu cơ thể người nhận được truyền vào các tế bào hồng cầu mang kháng nguyên khác với nhóm máu của họ, cơ thể sẽ từ chối và tấn công các tế bào hồng cầu mới. Điều này có thể gây ra một phản ứng nghiêm trọng và có thể đe dọa tính mạng.
ABO và các nhóm máu thông dụng khác
Hệ thống nhóm máu ABO phân loại nhóm máu theo các loại kháng nguyên khác nhau trên bề mặt hồng cầu và kháng thể trong huyết tương.
Các chuyên gia sử dụng hệ thống ABO cùng với hệ kháng nguyên RhD để xác định nhóm máu và lựa chọn khối hồng cầu người cho phù hợp đảm bảo truyền máu an toàn.
Có 4 nhóm máu ABO:
Nhóm máu A: Bề mặt hồng cầu chứa kháng nguyên A, và huyết tương có kháng thể kháng B. Kháng thể kháng B sẽ tấn công các tế bào máu có chứa kháng nguyên B.
Nhóm máu B: Bề mặt hồng cầu chứa kháng nguyên B, và huyết tương có kháng thể kháng A. Kháng thể kháng A sẽ tấn công các tế bào máu có chứa kháng nguyên A.
Nhóm máu AB: Tế bào hồng cầu có cả kháng nguyên A và B, nhưng huyết tương không chứa kháng thể kháng A hoặc kháng B. Những người có nhóm máu AB có thể nhận được bất kỳ nhóm máu ABO nào.
Nhóm máu O: Huyết tương chứa cả kháng thể kháng A và kháng B, nhưng bề mặt của các tế bào hồng cầu không chứa bất kỳ kháng nguyên A hoặc B nào. Vì không có các kháng nguyên này nên một người có bất kỳ nhóm máu ABO nào cũng có thể nhận được loại máu này.
Yếu tố Rh
Một số tế bào hồng cầu có chứa Rh, còn được gọi là kháng nguyên RhD.
Nếu các tế bào hồng cầu chứa kháng nguyên RhD, chúng là Rh+ và nếu không, chúng là Rh-.
Tìm hiểu về ABO và Rh
Các bác sĩ cần xem xét cả ABO và Rh khi kiểm tra nhóm máu. Điều này có nghĩa là có tám nhóm máu chính trong hệ thống nhóm máu ABO/Rh. Một số loại phổ biến hơn ở những người khác.
Theo Hiệp hội Ngân hàng Máu Hoa Kỳ, sự phân bố các nhóm máu ở Hoa Kỳ như sau:
Nhóm máu ABO | Phần trăm số người |
A+ | 30% |
A- | 6% |
B+ | 9% |
B- | 2% |
AB+ | 4% |
AB- | 1% |
O+ | 39% |
O- | 9% |
Khoảng 82% người dân ở Mỹ có nhóm máu Rh+. Nhóm máu hiếm nhất là AB-
Trên đây là những loại nhóm máu chính. Trong tám nhóm chính, cũng có nhiều nhóm máu ít được biết đến hơn và ít phổ biến hơn.
Người cho và người nhận
Nhóm máu O- không chứa kháng nguyên A, B hoặc RhD và hầu như bất kỳ ai với bất kỳ nhóm máu nào đều có thể nhận được các tế bào hồng cầu này.
- Một người có nhóm máu O- là một người có thể hiến tặng máu cho hầu hết tất cả mọi người.
- Người có nhóm máu Rh- có thể hiến cho người có nhóm máu Rh- hoặc Rh+.
- Một người có nhóm máu Rh+ chỉ có thể hiến tặng cho người có nhóm máu Rh+.
Do đó, nhu cầu về nhóm máu O- ngày càng cao, mặc dù chưa đến 10% dân số Hoa Kỳ có nhóm máu này.
Các quy tắc đối với huyết tương ngược lại với các quy tắc đối với Rh. Một người có thể hiến tặng huyết tương cho hầu hết mọi người sẽ có nhóm máu AB.
Truyền máu hòa hợp và tai biến truyền máu
Nhóm máu | Cho | Nhận |
A+ | A+, AB+ | A+, A-, O+, O- |
O+ | O+, A+, B+, AB+ | O+, O- |
B+ | B+, AB+ | B+, B-, O+, O- |
AB+ | AB+ | Tất cả mọi nhóm máu |
A- | A+, A-, AB+, AB- | A-, O- |
O- | Tất cả mọi nhóm máu | O- |
B- | B+, B-, AB+, AB- | B-, O- |
AB- | AB+, AB- | AB-, A-, B-, O- |
Trước khi một người được nhận máu từ người hiến tặng, các bác sĩ sẽ kiểm tra xem máu này có tương thích với máu của người nhận hay không. Khi truyền một nhóm máu khác không tương thích, người bệnh có thể bị đe dọa đến tính mạng và xảy ra các biến chứng nghiêm trọng khác.
Nếu người bệnh có kháng nguyên nhóm B nhận được tế bào hồng cầu từ người có kháng nguyên nhóm A, cơ thể họ sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch và không nhận máu được truyền vào. Kháng thể kháng A trong huyết tương của người nhận sẽ tấn công và phá hủy hồng cầu của người hiến tặng kháng nguyên A.
Khi huyết tương của người nhận tấn công và phá hủy các tế bào của người hiến tặng, máu có thể bị vón cục hoặc ngưng kết. Điều này có thể hình thành các cục máu đông, gây tắc nghẽn mạch máu. Khi tế bào hồng cầu bị vỡ, hemoglobin có thể bị rò rỉ ra ngoài và điều này sẽ gây hại cho cơ thể.
Các tác dụng phụ khác có thể xảy ra bao gồm: phản ứng dị ứng và sốc phản vệ. Trong một số trường hợp, cơ thể có thể đối phó với tình trạng này, nhưng đa phần thường nguy hiểm đến tính mạng.
Một số phản ứng xảy ra cùng một lúc, trong khi những phản ứng khác có thể mất đến 28 ngày mới xuất hiện.
Ngoài ra, máu từ người hiến tặng đôi khi có thể chứa các kháng thể, vi rút hoặc ký sinh trùng có hại. Người cho có thể không có triệu chứng, nhưng chúng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người nhận.
Vì vậy, các bác sĩ và các chuyên gia sẽ phải tiến hành kiểm tra và sàng lọc nghiêm ngặt trước khi bệnh nhân được truyền máu, huyết tương hoặc các thành phần máu khác.
Nhóm máu trong thai kỳ
Nếu hai cha mẹ có nhóm máu khác nhau, người mẹ sẽ không nhất thiết phải có cùng nhóm máu hoặc yếu tố Rh với con.
Nếu người mẹ có nhóm máu Rh- và đứa trẻ có nhóm máu Rh+, điều này có thể gây ra rủi ro trong quá trình mang thai và sinh nở. Một số lượng nhỏ các tế bào hồng cầu từ tuần hoàn của thai nhi có thể đi qua nhau thai và đi vào máu của mẹ. Sau đó, kháng thể chống RhD có thể phát triển trong huyết tương của người mẹ.
Một vấn đề có thể phát sinh nếu sau đó kháng thể này phát hiện ra kháng nguyên “ngoại lai” trong tế bào máu của thai nhi. Các kháng thể có thể bắt đầu tấn công các tế bào hồng cầu của thai nhi như một cơ chế bảo vệ.
Trong một số trường hợp, trẻ có thể bị vàng da nặng và có thể bị tổn thương não.
Tiêm globulin miễn dịch chống RhD G có thể giúp ngăn ngừa máu người mẹ sản xuất kháng thể này và giảm tác động của một vấn đề nhạy cảm đối với thai nhi.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nếu một phụ nữ có nhóm máu Rh-, bác sĩ có thể tiêm globulin miễn dịch kháng D ở tuần thứ 28 và 34 như một biện pháp phòng ngừa.
Xét nghiệm máu khi mang thai có thể dự đoán những rủi ro có thể xảy ra bằng cách kiểm tra xem nhóm máu của thai nhi có hợp với mẹ hay không.
Xét nghiệm nhóm máu
Xét nghiệm máu có thể xác định nhóm máu của một người. Để xét nghiệm máu, kỹ thuật viên xét nghiệm sẽ lấy một lượng nhỏ máu, thường là từ cánh tay. Khi tiến hành xét nghiệm, họ sẽ trộn máu cần dịnh nhóm với các thuốc thử khác nhau và xem phản ứng. Mỗi chất sẽ chứa kháng thể A, kháng thể B, hoặc yếu tố Rh.
Các kháng thể sẽ gây ra một phản ứng khác nhau trong mỗi trường hợp. Nếu máu không tương thích sẽ bị ngưng kết và vón cục. Quan sát những phản ứng này sẽ cho phép kỹ thuật viên xác định nhóm máu của người được xét nghiệm.
Trước khi truyền máu cho người bệnh, kỹ thuật viên sẽ kiểm tra phản ứng bằng cách trộn một mẫu máu của người hiến tặng với mẫu máu của người nhận.
Kỹ thuật viên sẽ xét nghiệm cẩn thận tất cả máu và các chế phẩm máu trước khi truyền cho người nhận
Tóm tắt
Hệ thống ABO, Rh là hệ nhóm máu quan trọng nhất và phổ biến nhất. Trong hệ thống này, có tám nhóm máu chính với nhóm máu O+ là phổ biến nhất và AB- là hiếm nhất.
Nếu một người cần truyền máu, nhóm máu của họ phải tương thích với nhóm máu của người cho để tránh các biến chứng.
Hiến máu cứu người mỗi ngày, nhưng nhận không đúng nhóm máu có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm đến tính mạng.
Xem thêm: