Nhiễm toan ceton do đái tháo đường: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và biến chứng

Nhiễm toan ceton do đái tháo đường là một biến chứng đe dọa tính mạng ở bệnh đái tháo đường typ 1 (mặc dù hiếm gặp và có thể xảy ra ở những người mắc đái tháo đường typ 2) xảy ra khi cơ thể sản xuất quá nhiều thể ceton do thiếu insulin.

Video Các biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường

Các dấu hiệu vài triệu chứng của nhiễm toan ceton do đái tháo đường 

  • Lú lẫn
  • Đi tiểu thường xuyên,
  • Buồn nôn, nôn
  • Đau bụng 
  • Mất nước.

Các yếu tố nguy cơ gây nhiễm toan ceton do đái tháo đường là bệnh đái tháo đường typ 1 và thường xuyên thiếu insulin, hoặc tiếp xúc với tác nhân gây căng thẳng cần liều insulin cao hơn (nhiễm trùng, v.v.).

Nhiễm toan ceton do đái tháo đường được chẩn đoán bằng nồng độ glucose máu tăng, ceton máu tăng và pH máu giảm.

Phương pháp điều trị nhiễm toan ceton do đái tháo đường là truyền insulin, bù dịch và điện giải.

Nhiễm toan ceton do đái tháo đường có thể được ngăn ngừa bằng cách tiêm insulin đúng liều và theo dõi nồng độ glucose, ceton máu.

Tiên lượng cho người bệnh bị nhiễm toan ceton do đái tháo đường phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và các tình trạng bệnh lý khác.

Nhiễm toan ceton do đái tháo đường là gì?

Nhiễm toan ceton do đái đường (DKA) là một biến chứng nặng và đe dọa tính mạng của người bệnh. Bệnh xảy ra khi các tế bào trong cơ thể không nhận được glucose để cung cấp năng lượng vì không đủ insulin để chuyển hóa glucose vào trong tế bào. Cơ thể nhận ra điều này và bắt đầu dùng cơ và chất béo để lấy năng lượng. Sự phân hủy này tạo ra thể ceton làm mất cân bằng điện giải trong cơ thể dẫn đến nhiễm toan ceton. Glucose không thể sử dụng vì thiếu insulin sẽ ở trong máu (thay vì đi vào tế bào để cung cấp năng lượng). Thận lọc đường và bài tiết qua nước tiểu.

Những dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm toan ceton do đái tháo đường 

Nhiễm toan ceton. Nguồn ảnh: breathewellbeing.Nhiễm toan ceton. Nguồn ảnh: breathewellbeing.

 Các dấu hiệu và triệu chứng điển hình của nhiễm toan ceton do đái tháo đường bao gồm:

  • Da và miệng khô
  • Đau bụng
  • Giảm ý thức (ngủ gà, lú lẫn, hôn mê)
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Hơi thở thơm mùi trái cây
  • Khó thở
  • Thở nhanh, sâu (thở kiểu Kussmaul)
  • Buồn nôn và nôn
  • Mất nước

Nguyên nhân gây nhiễm toan ceton do đái tháo đường

Nói chung, nhiễm toan ceton do đái tháo đường xảy ra do không có đủ insulin để chuyển glucose vào tế bào để tạo ra năng lượng. Bên cạnh việc thiếu insulin, một số tác nhân gây căng thẳng kết hợp với bệnh đái tháo đường, như nhiễm trùng hoặc bệnh nền khác có thể gây ra nhiễm toan ceton.

Nhiễm trùng có thể gây toan ceton ở bệnh nhân đái tháo đường. Nguồn ảnh: dpt.nhs.Nhiễm trùng có thể gây toan ceton ở bệnh nhân đái tháo đường. 
Nguồn ảnh: dpt.nhs.

Đôi khi nhiễm toan ceton là dấu hiệu đầu tiên của bệnh đái tháo đường ở những người không biết mình bị đái tháo đường trước đó.

Ai có nguy cơ mắc bệnh nhiễm toan ceton do đái tháo đường?

Những người mắc bệnh đái đường typ 1 không dùng insulin, đang bị nhiễm trùng hoặc bệnh khác có nguy cơ cao bị nhiễm toan ceton do đái tháo đường.

Thông thường bệnh xảy ra ở những người mắc bệnh đái tháo đường typ 1. Mặc dù hiếm gặp ở những người mắc đái tháo đường typ 2, nhưng nó có thể xảy ra.

Các biến chứng của nhiễm toan ceton do đái tháo đường 

Bởi vì nhiều người tiến triển thành nhiễm toan ceton do đái tháo đường có nhiều bệnh nền, việc nhiễm toan ceton có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như ngừng tuần hoàn, suy thận, thậm chí tử vong

Việc điều trị cho bệnh nhiễm toan ceton do đái tháo đường cũng có thể dẫn đến các biến chứng sau:

  • Hạ đường huyết
  • Phù não 
  • Hạ kali máu.

Làm thế nào để chẩn đoán nhiễm toan ceton do đái tháo đường?

Nhiễm toan ceton do đái tháo đường được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu và nước tiểu, tiền sử bệnh nhân và thăm khám từ bác sĩ. Các dấu hiệu và triệu chứng điển hình cùng với tiền sử bệnh có thể gợi ý chẩn đoán. Sự kết hợp của nồng độ glucose máu, ceton trong máu hoặc nước tiểu tăng cao và pH máu toan thường xác định chẩn đoán. Bác sĩ cũng chỉ định thêm các xét nghiệm máu khác để đánh giá toàn trạng bệnh nhân như kiểm tra điện giải đồ, đặc biệt là kali máu.

Xét nghiệm máu và nước tiểu giúp chẩn đoán bệnh. Nguồn ảnh: freepik.Xét nghiệm máu và nước tiểu giúp chẩn đoán bệnh. Nguồn ảnh: freepik.

Khi thăm khám, nhịp tim của bệnh nhân thường tăng cao và huyết áp hạ. Bệnh nhân có thể lú lẫn và thường sẽ bị mất nước.

Nếu nghi ngờ nguyên nhân nhiễm trùng, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm khác (chụp X-quang phổi, cấy máu).

Hướng dẫn điều trị nhiễm toan ceton do đái tháo đường 

Nhiễm toan ceton do đái tháo đường cần được điều trị bằng nhiều cách. Mục đích là để bình thường hóa độ pH máu, đồng thời từ từ làm giảm lượng glucose máu và đưa nồng độ các chất điện giải về giới hạn bình thường được thực hiện bằng cách truyền insulin, bù dịch và điện giải cho người bệnh.

Nhiễm toan ceton do đái tháo đường có thể gây ra rối loạn điện giải (đặc biệt là kali) đòi hỏi bác sĩ phải theo dõi chặt chẽ điện giải đồ và bổ sung các chất điện giải bị thiếu hụt. Một trong những biến chứng của việc điều trị nhiễm toan ceton do đái tháo đường là sự dao động nghiêm trọng của nồng độ kali.

Để đảo ngược tình trạng mất nước, bác sĩ sẽ truyền dịch đường tĩnh mạch cho bệnh nhân để bù lượng dịch đã mất. Thành phần của dịch truyền và tốc độ truyền dịch cần được quan tâm khi chăm sóc bệnh nhân nhiễm toan ceton do đái tháo đường.

Truyền dịch để bù lại lượng nước đã mất. Nguồn ảnh: https://www.easymed.health/Truyền dịch để bù lại lượng nước đã mất. Nguồn ảnh: https://www.easymed.health/

Bất kỳ bệnh tiềm ẩn nào gây ra nhiễm toan ceton do đái tháo đường cũng sẽ được điều trị như:

  • Nhiễm trùng
  • Nhồi máu cơ tim
  • Các yếu tố gây căng thẳng khác

Chăm sóc hỗ trợ như thở oxy và các loại thuốc khác của bệnh nhân thường sẽ được bổ sung.

Làm thế nào để ngăn ngừa nhiễm toan ceton do đái tháo đường?

  • Nếu bạn bị đái tháo đường, hãy dùng tất cả các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
  • Học cách nhận biết các triệu chứng của đường máu cao.
  • Đừng quên tiêm insulin 

Tiêm insulin. Nguồn ảnh: diabetesTiêm insulin. Nguồn ảnh: diabetes

  • Kiểm tra đường huyết thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ.
  • Kiểm tra nước tiểu tại nhà (đặc biệt khi cảm thấy ốm) để phát hiện ceton niệu tăng cao.
  • Hãy đi khám nếu bạn cảm thấy mệt hoặc đường máu cao hơn bình thường để ngăn ngừa nhiễm toan ceton do đái tháo đường trở nên nghiêm trọng hơn.

Bạn có thể chết vì nhiễm toan ceton do đái tháo đường?

Nhiễm toan ceton do đái tháo đường có tỷ lệ tử vong và nguy cơ biến chứng cao. Tiên lượng phụ thuộc vào việc phát hiện bệnh sớm hay muộn, bệnh nền và nguyên nhân gây nhiễm toan ceton 

Bác sĩ điều trị nhiễm toan ceton do đái tháo đường typ nào?

Bệnh nhân nhiễm toan ceton do đái tháo đường thường cần nhập viện điều trị. Bác sĩ chuyên khoa cấp cứu sẽ tiếp nhận bệnh nhân ban đầu. Sau khi nhập viện, bác sĩ nội khoa, chuyên gia y học gia đình hoặc bác sĩ nội tiết sẽ tiếp tục điều trị. Bác sĩ nội tiết chuyên về hệ thống nội tiết và bệnh đái tháo đường, thường sẽ tham gia vào quá trình chăm sóc bệnh nhân.

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!