Nhiễm ký sinh trùng là gì?
Video Bệnh ký sinh trùng là gì?
Nhiễm ký sinh trùng hiện là một vấn đề lớn ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới (trong đó có Việt Nam). Sốt rét là một trong những bệnh ký sinh trùng nguy hiểm nhất.
Các triệu chứng của nhiễm ký sinh trùng là gì?
Các triệu chứng rất đa dạng tùy thuộc vào từng loài sinh vật. Ví dụ:
- Nhiễm trùng roi trichomonas là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục do một loại ký sinh trùng gây ra và thường không biểu hiện triệu chứng. Trong một số trường hợp, nó có thể gây ngứa, mẩn đỏ, kích ứng và tiết dịch bất thường ở vùng kín của bạn.
- Giardiasis có thể gây đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy, phân nhầy và mất nước.
- Cryptosporidiosis có thể gây co thắt dạ dày, đau dạ dày, buồn nôn, nôn mửa, mất nước, giảm cân và sốt.
- Toxoplasmosis có thể gây ra các triệu chứng giống như bệnh cúm, bao gồm sưng hạch bạch huyết, đau cơ và các triệu chứng này có thể kéo dài hơn một tháng.
Nguyên nhân nào gây ra bệnh nhiễm ký sinh trùng?
Nhiễm ký sinh trùng có thể do ba loại sinh vật gây ra:
- Động vật nguyên sinh
- Giun sán
- Ngoại ký sinh
Động vật nguyên sinh là những sinh vật đơn bào có thể sống và nhân lên bên trong cơ thể bạn. Một số bệnh nhiễm trùng do động vật nguyên sinh bao gồm bệnh giardiasis. Đây là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng mà bạn có thể mắc phải khi uống nước bị nhiễm động vật nguyên sinh Giardia .
Giun sán là sinh vật đa tế bào có thể sống trong hoặc ngoài cơ thể bạn. Một số loài giun sán thường ký sinh trong cơ thể người: sán dây, sán lá, giun móc, giun kim…
Ngoại ký sinh là những sinh vật đa chủng sống trên da của bạn. Chúng bao gồm một số côn trùng và động vật thuộc lớp nhện, chẳng hạn như muỗi, bọ chét, bọ ve và ve.
Nhiễm ký sinh trùng có thể lây lan theo một số cách khác nhau. Ví dụ, động vật nguyên sinh và giun sán có thể lây lan qua nước bị ô nhiễm, thức ăn, chất thải, đất và máu. Một số có thể được lây truyền qua quan hệ tình dục. Một số ký sinh trùng khác lây lan bởi các loại côn trùng hoạt động như vật trung gian hoặc vật mang mầm bệnh. Ví dụ, bệnh sốt rét là do một loài động vật nguyên sinh sống ký sinh và được muỗi truyền sang người khi chúng hút máu người.
Ai có nguy cơ bị nhiễm ký sinh trùng?
Bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm ký sinh trùng. Nhưng một số người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác. Bạn có nhiều khả năng bị nhiễm ký sinh trùng hơn nếu bạn:
- Có hệ thống miễn dịch yếu hoặc có bệnh lý nền
- Sống hoặc đi du lịch ở các vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới trên thế giới
- Thiếu nguồn cung cấp nước sạch
- Bơi ở hồ, sông hoặc ao nơi thường gặp Giardia hoặc các loại ký sinh trùng khác
- Làm công việc chăm sóc trẻ em, làm việc với đất thường xuyên hoặc làm việc trong các môi trường khác mà bạn thường xuyên tiếp xúc với phân
Mèo được thả ngoài đường có thể tiếp xúc với các loài gặm nhấm và chim bị nhiễm bệnh. Điều này khiến chủ nhân của chúng có nguy cơ mắc bệnh do toxoplasma, một loại động vật nguyên sinh gây ra. Bệnh do toxoplasma có thể gây hại cho phụ nữ mang thai và thai nhi đang phát triển trong bụng mẹ. Bệnh lây lan qua phân mèo. Nếu bạn đang mang thai, tốt nhất là bạn nên nhờ người khác dọn hộp vệ sinh cho mèo hàng ngày.
Làm thế nào để chẩn đoán nhiễm ký sinh trùng?
Nhiễm ký sinh trùng có thể được chẩn đoán bằng một số phương pháp sau đây:
- Xét nghiệm máu
- Soi phân: Một mẫu phân của bạn sẽ được thu thập để tìm ký sinh trùng và trứng của chúng trong phân.
- Nội soi hoặc nội soi đại tràng: Các thủ thuật này có thể được chỉ định nếu kết quả xét nghiệm phân không kết luận được. Trong khi bạn được dùng thuốc an thần, bác sĩ sẽ đưa một ống mềm mỏng qua miệng hoặc trực tràng vào hệ tiêu hóa để kiểm tra đường ruột của bạn.
- Chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT): Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh này được sử dụng để tìm dấu hiệu tổn thương các cơ quan trong cơ thể bạn do ký sinh trùng gây ra.
Bác sĩ cũng có thể yêu cầu các xét nghiệm để tìm vi khuẩn hoặc các tác nhân khác có thể gây nhiễm trùng.
Điều trị nhiễm ký sinh trùng như thế nào?
Kế hoạch điều trị sẽ phụ thuộc vào chẩn đoán cụ thể của bạn. Thông thường, bạn sẽ được kê đơn thuốc, ví dụ để điều trị các bệnh trichomonasis, giardiasis hoặc cryptosporidiosis. Bác sĩ có thể sẽ không cần chỉ định thuốc điều trị toxoplasma cho bạn nếu bạn không mang thai và khỏe mạnh, trừ khi bạn đang bị nhiễm trùng nặng và kéo dài.
Các biện pháp điều trị khác có thể cần thiết để làm giảm triệu chứng. Ví dụ, nhiều bệnh nhiễm ký sinh trùng có thể gây tiêu chảy và có thể dẫn đến mất nước. Trong trường hợp này, bạn cần uống nhiều nước để bổ sung lượng nước đã mất.
Làm thế nào có thể ngăn ngừa nhiễm ký sinh trùng?
Một số biện pháp bạn có thể thực hiện để giảm nguy cơ nhiễm ký sinh trùng:
- Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su.
- Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với thức ăn chưa nấu chín hoặc phân.
- Đun nấu thức ăn đến nhiệt độ được khuyến cáo.
- Uống nước sạch, kể cả nước đóng chai khi bạn đi du lịch.
- Tránh nuốt phải nước từ hồ, suối hoặc ao.
- Tránh tiếp xúc với ổ mèo, chất thải và phân mèo khi bạn đang mang thai.
Nếu bạn nghi ngờ mình bị nhiễm ký sinh trùng, hãy tới các cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bằng cách điều trị sớm, bạn có thể giúp ngăn chặn sự lây lan của bệnh sang người khác.