Lý thuyết Lịch sử 10 Bài 10: Hành trình phát triển và thành tựu của văn minh Đông Nam Á (thời kì cổ - trung đại)
A. Lý Thuyết
I. Hành trình phát triển của văn minh Đông Nam Á
- Từ những thế kỉ tiếp giáp Công nguyên đến thế kỉ VII: đây là giai đoạn hình thành và bước đầu phát triển của văn minh Đông Nam Á
+ Gắn với sự hình thành và phát triển của các quốc gia đầu tiên, như Văn Lang - Âu Lạc, Phù Nam, các quốc gia ở hạ lưu sông Chao Phray-a,...
+ Ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ và văn minh Trung Hoa đối với khu vực Đông Nam Á đã thể hiện rõ nét.
- Từ thế kỉ VII đến thế kỉ XV: đây là giai đoạn phát triển rực rỡ của văn minh Đông Nam Á
+ Gắn với sự hình thành và phát triển thịnh đạt của các quốc gia phong kiến
+ Các quốc gia phong kiến Đông Nam Á tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của văn minh Ấn Độ và văn minh Trung Hoa.
- Từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XIX: đay là giia đoạn văn mknh Đông Nam Á có những chuyển biến quan trọng
+ Gắn với quá trình suy yếu của các vương triều phong kiến và sự xâm nhập của chủ nghĩa tư bản phương Tây
+ Văn minh Đông Nam Á có những chuyển biến quan trọng, chịu ảnh hưởng của văn minh phương Tây, đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực chính trị, văn hoá, khoa học, kĩ thuật,...
II. Một số thành tựu tiêu biểu
a) Tín ngưỡng, tôn giáo
* Tín ngưỡng
- Trước khi chịu ảnh hưởng của các nền văn hoá lớn từ bên ngoài, ở Đông Nam Á đã tồn tại các hình thức tín ngưỡng bản địa phong phú, đa dạng.
- Về cơ bản, tín ngưỡng Đông Nam Á bao gồm ba nhóm chính:
+ Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên
+ Tín ngưỡng phồn thực
+ Tín ngưỡng thờ cúng người đã mất
Lễ hội đền Hùng gắn với tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng của người Việt Nam
- Các hình thức tín ngưỡng bản địa được bảo tồn trong quá trình phát triển của lịch sử Đông Nam Á và tiếp tục tồn tại đến ngày nay
* Tôn giáo
- Bằng nhiều con đường khác nhau, các tôn giáo lớn của thế giới như Phật giáo, Hin-đu giáo, Hồi giáo, Công giáo lần lượt được du nhập vào Đông Nam Á và có ảnh hưởng lớn trong đời sống tinh thần của cư dân từng quốc gia trong khu vực này.
+ Phật giáo du nhập từ khoảng những thế kỉ đầu Công nguyên và có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội và văn hoá của cư dân nhiều nước (Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia,...).
+ Hồi giáo được truyền bá thông qua hoạt động thương mại của các thương nhân Ấn Độ vào khoảng thế kỉ XIII. Hồi giáo phát triển hưng thịnh ở Đông Nam Á với sự ra đời của các quốc gia Hồi giáo: Ma-lắc-ca, A-chê… vào các thế kỉ XV-XVII.
+ Đầu thế kỉ XVI, Công giáo được truyền bá vào Phi-líp-pin. Cùng với quá trình các nước phương Tây mở rộng xâm lược Đông Nam Á, Công giáo tiếp tục được truyền bá đến nhiều nước khác trong khu vực.
- Nhìn chung ở Đông Nam Á thời kì cổ - trung đại các tôn giáo cùng tồn tại và phát triển một cách hoà hợp.
Phật giáo (Tiểu thừa) được cư dân Thái Lan sùng mộ
b) Chữ viết và văn học
* Chữ viết
- Trước khi sáng tạo chữ viết riêng, các nước Đông Nam Á sử dụng các chữ viết cổ của Ấn Độ (chữ Phạn, chữ Pa-li) và Trung Quốc (chữ Hán).
- Dần dần, cư dân các nước Đông Nam Á đã sáng tạo ra một hệ thống chữ viết riêng để ghi ngôn ngữ bản địa của mình như: chữ Chăm cổ, Khơ-me cổ, Mã Lai cổ, Miến cổ, chữ Nôm của người Việt,...
* Văn học
- Trên nền tảng văn minh nông nghiệp lúa nước, cư dân Đông Nam Á đã sáng tạo ra kho tàng văn học dân gian phong phú, đa dạng.
Trong dòng văn học dân gian, nổi bật nhất là các truyền thuyết, thần thoại, cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn, truyện thơ khuyết danh,...
- Trên cơ sở chữ viết riêng, cư dân các nước Đông Nam Á đã tạo dựng một nền văn học viết đa dạng với nhiều tác phẩm xuất sắc còn được lưu giữ đến ngày nay, như Truyện Kiều (Việt Nam), Riêm Kê (Cam-pu-chia), Ra-na-kiện (Thái Lan),...
c) Kiến trúc và điêu khắc
* Kiến trúc
- Cư dân Đông Nam Á đã tạo dựng hàng loạt công trình kiến trúc (đền, chùa, tháp) mang phong cách Phật giáo và Hin-đu giáo ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ nhưng vẫn có nét độc đáo riêng, thể hiện bản sắc văn hoá của từng dân tộc.
* Điêu khắc
- Trước khi tiếp thu ảnh hưởng của các nền văn hoá lớn từ bên ngoài, cư dân ở Đông Nam Á đã sáng tạo ra nghệ thuật tạo hình độc đáo và đa dạng, thể hiện qua nghệ thuật chạm khắc hoa văn trang trí trên các hiện vật bằng gốm, đồng,...
- Cùng với các công trình kiến trúc đồ sộ là hàng loạt tác phẩm điêu khắc nổi tiếng, với hai loại hình chủ yếu là phù điêu và tượng.
- Cư dân các quốc gia Đông Nam Á tiếp thu có chọn lọc những thành tựu từ bên ngoài, để sáng tạo nên một nền nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc đặc sắc mang đậm bản sắc của riêng mình.
- Kiến trúc và điêu khắc Đông Nam Á đạt đến đỉnh cao rực rỡ với nhiều công trình đặc sắc, tiêu biểu là:
+ Quần thể kiến trúc đền Bô-rô-bu-đua (In-đô-nê-xi-a),
+ Quần thể kiến trúc Ăng-co Vát và Ăng-co Thom (Cam-pu-chia)
+ Chùa Phật Ngọc (Thái Lan)
+ Chùa Vàng (Mi-an-ma)
+ Khu đền tháp Mỹ Sơn (Việt Nam),...
Đền Bô-rô-bu-đua (In-đô-nê-xi-a) là kì quan Phật giáo lớn nhất thế giới
B. Trắc Nghiệm
Câu 1. Giai đoạn hình thành và bước đầu phát triển của văn minh Đông Nam Á tồn tại trong khoảng thời gian nào?
A. Từ thiên niên kỉ II TCN đến những thế kỉ đầu Công nguyên.
B. Từ những thế kỉ trước và đầu Công nguyên đến thế kỉ VII.
C. Từ thế kỉ VII đến thế kỉ XV.
D. Từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XIX.
Đáp án đúng là: B
Giai đoạn hình thành và bước đầu phát triển của văn minh Đông Nam Á bắt đầu từ những thế kỉ trước và đầu Công nguyên cho đến thế kỉ VII. Đây là thời kì gắn với sự phát triển của các quốc gia đầu tiên như Văn Lang - Âu Lạc, Phù Nam, các quốc gia ở hạ lưu sông Chao Phray-a,… (SGK - Trang 86)
Câu 2. Từ cuối thế kỉ XVIII, yếu tố nào sau đây đã dẫn tới sự suy sụp của các vương quốc trong khu vực Đông Nam Á?
A. Sự xâm chiếm và cai trị của người Mãn.
B. Quá trình giao lưu văn hóa với phương Tây.
C. Sự giao lưu kinh tế giữa các nước trong khu vực.
D. Sự xâm nhập của chủ nghĩa tư bản phương Tây.
Đáp án đúng là: D
Từ cuối thế kỉ XVIII, sự xâm nhập của chủ nghĩa tư bản phương Tây đã dẫn tới sự suy sụp của các vương quốc trong khu vực Đông Nam Á. (SGK - Trang 86)
Câu 3. Tín ngưỡng nào sau đây không phải là tín ngưỡng bản địa của người Đông Nam Á?
A. Tín ngưỡng thờ Phật.
B. Tín ngưỡng phồn thực.
C. Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên.
D. Tín ngưỡng thờ cúng người đã mất.
Đáp án đúng là: A
Trước khi chịu ảnh hưởng của các nền văn hóa lớn từ bên ngoài, ở Đông Nam Á đã tồn tại các hình thức tín ngưỡng bản địa phong phú, đa dạng. Về cơ bản, tín ngưỡng Đông Nam Á bao gồm ba nhóm chính: tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, tín ngưỡng phồn thực và tín ngưỡng thờ cúng người đã mất. (SGK - Trang 87)
Câu 4. Hồi giáo được truyền bá vào Đông Nam Á thông qua con đường nào?
A. Hoạt động xâm lược của đế quốc A-rập.
B. Hoạt động thương mại của thương nhân Ấn Độ.
C. Hoạt động truyền bá của các giáo sĩ phương Tây.
D. Hoạt động truyền bá của các nhà sư Ấn Độ.
Đáp án đúng là: B
Hồi giáo được truyền bá vào Đông Nam Á thông qua hoạt động thương mại của các thương nhân Ấn Độ vào khoảng thế kỉ XIII. Hồi giáo phát triển hưng thịnh ở Đông Nam Á với sự ra đời của các quốc gia Hồi giáo: Ma-lắc-ca, A-chê, Giô-hô vào các thế kỉ XV - XVII. (SGK - Trang 87)
Câu 5. Đầu thế kỉ XVI, Công giáo được truyền bá vào Phi-líp-pin thông qua các linh mục người nước nào?
A. Bồ Đào Nha.
B. Anh.
C. Tây Ban Nha.
D. Hà Lan.
Đáp án đúng là: C
Đầu thế kỉ XVI, Công giáo được truyền bá vào Phi-líp-pin thông qua các linh mục người Tây Ban Nha. Cùng với quá trình các nước phương Tây mở rộng xâm lược Đông Nam Á, Công giáo tiếp tục được truyền bá đến nhiều nước khác trong khu vực. (SGK - Trang 88)
Câu 6. Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng tình hình tôn giáo ở Đông Nam Á thời kì cổ - trung đại?
A. Tôn giáo ảnh hưởng lớn tới đời sống tinh thần của cư dân.
B. Là khu vực đa tôn giáo, du nhập nhiều tôn giáo lớn trên thế giới.
C. Các tôn giáo cùng tồn tại và phát triển một cách hòa hợp.
D. Các tôn giáo luôn đối lập và xung đột gay gắt với nhau.
Đáp án đúng là: D
Đông Nam Á là khu vực đa tôn giáo, có sự du nhập của nhiều tôn giáo lớn trên thế giới như Phật giáo, Hin-đu giáo, Hồi giáo, Công giáo,… Các tôn giáo này có ảnh hưởng lớn trong đời sống tinh thần của cư dân từng quốc gia trong khu vực.
Nhìn chung, thời kì cổ - trung đại, các tôn giáo ở khu vực Đông Nam Á cùng tồn tại và phát triển một cách hòa hợp. (SGK - Trang 87, 88)
Câu 7. Trước khi sáng tạo chữ viết riêng, các nước Đông Nam Á sử dụng chữ viết cổ của những quốc gia nào?
A. Ai Cập và Lưỡng Hà.
B. Ấn Độ và Trung Quốc.
C. A-rập và Ấn Độ.
D. Hy Lạp và La Mã.
Đáp án đúng là: B
Trước khi sáng tạo chữ viết riêng, các nước Đông Nam Á sử dụng chữ viết cổ của Ấn Độ (chữ Phạn, chữ Pa-li), và Trung Quốc (chữ Hán). (SGK - Trang 89)
Câu 8. Loại chữ viết nào sau đây được sáng tạo trên cơ sở chữ Hán?
A. Chữ Chăm cổ.
B. Chữ Khơ-me cổ.
C. Chữ Miến cổ.
D. Chữ Nôm.
Đáp án đúng là: D
Chữ Nôm của người Việt được sáng tạo trên cơ sở chữ Hán của người Trung Quốc.
Câu 9. Trên cơ sở chữ viết cổ Ấn Độ và Trung Quốc, cư dân các nước Đông Nam Á đã sáng tạo ra một hệ thống chữ viết riêng nhằm
A. ghi ngôn ngữ bản địa của mình.
B. làm phong phú tiếng Hán và tiếng Phạn.
C. dùng làm ngôn ngữ liên quốc gia.
D. chứng minh sự khác biệt giữa các thứ tiếng.
Đáp án đúng là: A
Trên cơ sở chữ viết cổ Ấn Độ và Trung Quốc, cư dân các nước Đông Nam Á đã sáng tạo ra một hệ thống chữ viết riêng để ghi ngôn ngữ bản địa của mình như chữ Chăm cổ, Khơ-me cổ, Mã Lai cổ, Miến cổ, chữ Nôm,… (SGK - Trang 89)
Câu 10. Riêm Kê là tác phẩm văn học nổi tiếng của quốc gia nào sau đây?
A. Thái Lan.
B. Lào.
C. Cam-pu-chia.
D. Việt Nam.
Đáp án đúng là: C
Riêm Kê là bản trường ca sáng tác bằng thơ ca dân gian nổi tiếng của Cam-pu-chia. Cốt truyện của tác phẩm chủ yếu vay mượn từ sử thi Ra-ma-y-a-na của Ấn Độ.
Câu 11. Ăng-co Vát là công trình kiến trúc tiêu biểu của quốc gia nào?
A. Cam-pu-chia.
B. Thái Lan.
C. Mi-an-ma.
D. Ma-lai-xi-a.
Đáp án đúng là: A
Ăng-co Vát là công trình kiến trúc tiêu biểu của Cam-pu-chia. (SGK - Trang 90)
Câu 12. Tháp Thạt Luổng (Lào) là công trình kiến trúc chịu ảnh hưởng của tôn giáo nào?
A. Hin-đu giáo.
B. Phật giáo.
C. Nho giáo.
D. Hồi giáo.
Đáp án đúng là: B
Thạt Luổng (That Luang) là một tháp Phật giáo ở Viêng Chăn, Lào. Tòa tháp này được cho xây từ năm 1566, dưới triều của vua Xệt-tha-thi-lạt. Tháp xây theo hình dáng một nậm rượu, ở trên phế tích của một ngôi đền Ấn Độ vào thế kỷ XIII.
Câu 13. Quần thể kiến trúc đền Bô-rô-bu-đua là công trình kiến trúc và điêu khắc tiêu biểu của quốc gia nào?
A. Ma-lai-xi-a.
B. Phi-líp-pin.
C. Xin-ga-po.
D. In-đô-nê-xi-a.
Đáp án đúng là: D
Bô-rô-bu-đua là một ngôi đền Phật giáo có niên đại từ thế kỷ thứ IX, toạ lạc ở miền Trung Gia-va, In-đô-nê-xi-a, là một trong những ngôi đền cũng như di tích Phật giáo lớn nhất thế giới. Ngôi đền có chín tầng, xếp chồng lên nhau, bao gồm sáu vuông, ba tròn và trên cùng là một mái tròn, được trang trí bằng 2672 tấm phù điêu chạm khắc nổi và 504 pho tượng Phật. Mái vòm trên cùng được bao quanh bởi 72 pho tượng Phật, mỗi tượng được đặt trong một phù đồ.
Quần thể kiến trúc đền Bô-rô-bu-đua được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Câu 14. Kiến trúc đền, chùa ở Đông Nam Á thời kì cổ - trung đại chủ yếu chịu ảnh hưởng của những tôn giáo nào?
A. Phật giáo và Hin-đu giáo.
B. Hồi giáo và Công giáo.
C. Nho giáo và Phật giáo.
D. Hin-đu giáo và Công giáo.
Đáp án đúng là: A
Cư dân Đông Nam Á thời kì cổ - trung đại đã tạo dựng hàng loại công trình kiến trúc (đền, chùa, tháp) mang phong cách Phật giáo và Hin-đu giáo ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, nhưng vẫn có nét độc đáo riêng, thể hiện bản sắc văn hóa của từng dân tộc. (SGK - Trang 89)
Câu 15. Một trong những minh chứng cho sự phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình bản địa ở Đông Nam Á thời kì cổ đại là
A. khu đền tháp Mỹ Sơn (Việt Nam).
B. trống đồng Đông Sơn (Việt Nam).
C. chùa Phật Ngọc (Thái Lan).
D. Ăng-co Thom (Cam-pu-chia).
Đáp án đúng là: B
Trống đồng, thạp đồng Đông Sơn (Việt Nam) là minh chứng cho sự phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình bản địa ở Đông Nam Á thời kì cổ đại. (SGK - Trang 90)
Xem thêm các bài Lý thuyết Lịch sử 10 sách Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Lý thuyết Bài 8: Các cuộc cách mạng công nghiệp thời kì hiện đại
Lý thuyết Bài 9: Cơ sở hình thành văn minh Đông Nam Á thời kì cổ - trung đại
Lý thuyết Bài 11: Một số nền văn minh cổ trên đất nước Việt Nam
Lý thuyết Bài 12: Văn minh Đại Việt
Lý thuyết Bài 13: Đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam