Video: Huyết áp thấp có nguy hiểm như huyết áp cao không?
Huyết áp được đo khi tim đập và giữa các khoảng nghỉ của nhịp tim. Huyết áp tâm thu là áp lực của máu lên động mạch khi tim co bóp. Huyết áp tâm trương là áp lực máu lên thành động mạch khi tim giãn ra.
Ở thì tâm thu, máu được bơm tới toàn bộ cơ thể, và ở thì tâm trương, máu đổ vào qua động mạch vành để nuôi tim. Huyết áp được viết là huyết áp tâm thu trên huyết áp tâm trương. Huyết áp thấp ở người trưởng thành được định nghĩa là huyết áp nhỏ hơn hoặc bằng 90/60mmHg.
Nguyên nhân gây ra huyết áp thấp
Huyết áp của mỗi người đều giảm vào lúc này hoặc lúc khác và hiện tượng đó thường không gây ra triệu chứng đáng chú ý nào. Một số tình trạng có thể gây ra những giai đoạn hạ huyết áp kéo dài và gây nguy hiểm nếu không được điều trị. Những tình trạng này bao gồm:
- Mang thai, do cả mẹ và thai nhi đang lớn trong bụng đều cần máu nhiều hơn
- Mất một lượng máu lớn do chấn thương
- Suy giảm tuần hoàn do nhồi máu cơ tim hoặc hở van tim
- Mắc bệnh kèm với tình trạng sốc mà đôi khi đi kèm với mất nước
- Sốc phản vệ, phản ứng dị ứng nặng
- Nhiễm trùng máu
- Rối loạn nội tiết như đái tháo đường, suy tuyến thượng thận, và các bệnh tuyến giáp
Thuốc cũng có thể làm hạ huyết áp. Thuốc chẹn beta và nitroglycerin, được sử dụng trong điều trị bệnh tim, cũng là nguyên nhân phổ biến. Thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm ba vòng và thuốc điều trị rối loạn cương dương cũng có thể gây ra hạ huyết áp.
Một số người có huyết áp thấp mà không rõ nguyên do. Kiểu huyết áp thấp này gọi là huyết áp thấp mãn tính không triệu chứng và thường không có hại.
Triệu chứng hạ huyết áp
Một số người bị hạ huyết áp có thể biểu hiện triệu chứng khi huyết áp giảm xuống dưới 90/60mmHg. Các triệu chứng đó bao gồm:
- Mệt mỏi
- Đau đầu
- Chóng mặt
- Buồn nôn
- Da lạnh, ẩm hoặc nhợt nhạt
- Trầm cảm
- Hoa mắt
- Mất ý thức
Các triệu chứng thay đổi theo mức độ nặng nhẹ khác nhau. Một số người có thể chỉ cảm thấy hơi không thoải mái, trong khi một số người khác có thể cảm thấy ốm yếu.
Các loại huyết áp thấp
Huyết áp thấp chia ra thành 4 loại theo thời điểm hạ huyết áp
Hạ huyết áp thế đứng
Hạ huyết áp thế đứng xảy ra khi thay đổi tư thế từ ngồi hoặc nằm sang đứng. Nó thường xảy ra ở tất cả các độ tuổi. Khi cơ thể thay đổi tư thế sẽ có thể chóng mặt một lúc, như người ta hay nói là “nhìn thấy trăng sao” khi đứng dậy.
Hạ huyết áp sau ăn
Dạng hạ huyết áp này sảy ra sau khi ăn. Đây là một dạng của hạ huyết áp thế đứng. Những người lớn tuổi, đặc biệt những người bị chứng Parkinson, thường có khả năng bị hạ huyết áp sau ăn hơn.
Hạ huyết áp qua trung gian thần kinh
Hạ huyết áp qua trung gian thần kinh xảy ra sau khi đứng một thời gian dài. Trẻ con thường hay bị hơn người lớn. Những sự kiện buồn bã cũng có thể gây ra loại này.
Hạ huyết áp thể nặng
Hạ huyết áp thể nặng thường liên quan tới sốc, khi các bộ phận trên cơ thể không được nhận đủ máu và oxy để duy trì hoạt động chức năng. Thể hạ huyết áp này có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Điều trị hạ huyết áp
Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra hạ huyết áp. Có thể kết hợp với thuốc điều trị bệnh tim, tiểu đường hay nhiễm trùng.
Uống nhiều nước để tránh hạ huyết áp do mất nước, đặc biệt khi đang nôn mửa hoặc tiêu chảy.
Cung cấp đủ nước có thể giúp cho việc điều trị và phòng ngừa các triệu chứng của hạ huyết áp qua trung gian thần kinh. Nếu bạn bị hạ huyết áp sau khi đứng một thời gian dài, hãy nhớ nên ngồi xuống một lúc.
Ngoài ra, bạn cũng cần giảm stress để tránh sang chấn tinh thần.
Điều trị hạ huyết áp thế đứng bằng chuyển động chậm rãi và từ từ. Thay vì đứng dậy nhanh chóng, hãy ngồi hoặc đứng dậy bằng những chuyển động từ từ. Bạn cũng có thể tránh hạ huyết áp thế đứng bằng cách không bắt chéo chân khi ngồi.
Hạ huyết áp do sốc là tình trạng bệnh nghiêm trọng nhất, cần điều trị ngay lập tức. Nhân viên cấp cứu sẽ truyền dịch, máu và các chế phẩm của máu để tăng huyết áp và ổn định các dấu hiệu sống.
Kết luận
Hầu hết mọi người có thể điều trị và phòng ngừa huyết áp thấp bằng cách hiểu và học về nó. Hãy tìm hiểu về tình trạng của bạn và cách tránh để tình trạng đó xảy ra. Và nếu bạn được bác sĩ kê đơn, hãy làm theo hướng dẫn để làm tăng huyết áp và tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Và hãy nhớ rằng, nếu bạn lo lắng về huyết áp hay bất cứ triệu chứng nào của mình, tốt nhất là nên thông báo cho bác sĩ nhé.