Khí hư ở phụ nữ mang thai: khi nào cần đi khám?

Quá trình mang thai có thể khiến bạn bối rối và phấn khích, không phải lúc nào cũng dễ dàng phân biệt những thay đổi nào là bình thường hoặc là nguyên nhân đáng lo ngại. Một trong những thay đổi là khí hư, có thể thay đổi về độ đặc hoặc độ đục, tần suất và số lượng khi mang thai.

Video: Hiện tượng ra huyết trắng khi mang thai có nguy hiểm không?

Những điều cần biết

Một trong những dấu hiệu mang thai sớm nhất là khí hư tăng lên, và điều này tiếp tục diễn ra trong suốt thai kỳ. Khi một người phụ nữ mang thai, âm đạo sẽ thay đổi, Tiến sĩ Sheryl Ross, một bác sĩ sản phụ khoa và chuyên gia sức khỏe phụ nữ tại Trung tâm Sức khỏe Providence Saint John ở Santa Monica, Hoa Kỳ,  cho biết.

Khí hư bình thường là dịch chứa bạch cầu, màu trong hoặc trắng sữa và có mùi nhẹ. Những thay đổi của khí hư có thể bắt đầu sớm nhất là 1-2 tuần sau khi thụ thai, thậm chí trước khi bị trễ kinh. Khi quá trình mang thai diễn ra, khí hư thường trở nên nhiều hơn và nó đặc nhất vào cuối thai kỳ. Bạn có thể dùng băng vệ sinh không mùi. Không dùng tampon khi mang thai.

Trong những tuần cuối của thai kỳ, bạn cũng có thể nhận thấy khí hư của mình có những vệt chất nhầy đặc kèm theo những vệt máu. Đây là dấu hiệu sớm của chuyển dạ và không gây ra báo động gì.

Nguyên nhân làm khí hư thay đổi

Khí hư ra nhiều và chảy trong suốt chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ là do sự dao động về nồng độ hormone. Khi bạn mang thai, các hormone tiếp tục đóng vai trò trong những thay đổi đối với khí hư.

Những thay đổi của cổ tử cung khi mang thai cũng ảnh hưởng đến khí hư. Khi cổ tử cung và thành âm đạo mềm đi, cơ thể sẽ tiết khí hư để ngăn ngừa nhiễm trùng. Đầu của em bé cũng có thể ép vào cổ tử cung khi gần cuối thai kỳ, điều này thường dẫn đến tăng khí hư.

Khi nào cần đi khám bệnh

Điều quan trọng là phải xin tham vấn ý kiến của bác sĩ về những thay đổi khí hư bất thường, vì đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc vấn đề với thai kỳ. Dưới đây là một số dấu hiệu khí hư bất thường:

  • Màu vàng, xanh lục hoặc xám
  • Mùi nồng nặc và hôi
  • Kèm theo mẩn đỏ hoặc ngứa, hoặc sưng âm hộ

Khí hư bất thường có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng. Nhiễm nấm thường gặp khi mang thai. Nếu bạn bị nhiễm nấm trong khi mang thai, bác sĩ có thể sẽ điều trị bằng thuốc dạng kem hoặc thuốc đặt âm đạo. Để tránh nhiễm nấm, bạn nên:

  • Mặc quần áo rộng rãi, thoáng khí
  • Mặc đồ lót bằng vải cotton
  • Lau khô bộ phận sinh dục sau khi tắm, bơi lội hoặc tập thể dục
  • Bổ sung sữa chua và các thực phẩm lên men khác vào chế độ ăn uống để có thêm lợi khuẩn. 

Khí hư bất thường cũng có thể do bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD). Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC Hoa Kỳ)  khuyến cáo nên sàng lọc tất cả phụ nữ mang thai về bệnh lây qua đường tình dục. Các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể sàng lọc các bệnh lây qua đường tình dục cho bạn ở lần khám trước sinh đầu tiên. Nếu bạn nghĩ rằng mình bị bệnh lây qua đường tình dục, điều quan trọng là phải cung cấp thông tin cho bác sĩ biết càng sớm càng tốt để giúp giảm nguy cơ lây cho con bạn.

Khí hư bất thường cũng có thể báo hiệu một triệu chứng bệnh lý trong thai kỳ của bạn. Hãy đi khám ngay nếu bạn bị ra dịch màu đỏ tươi 30 ml trở lên. Đây có thể là dấu hiệu của rau tiền đạo hoặc rau bong non.

Khi có dấu hiệu nghi ngờ, tốt hơn hết là hãy đến cơ sở y tế gần nhất. Lưu ý thời điểm bắt đầu thay đổi khí hư và bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Điều này giúp bác sĩ xác định xem liệu khí hư có phải là triệu chứng đáng lo ngại hay không.

Xem thêm : 

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!