Giải SGK Khoa học tự nhiên 8 (Kết nối tri thức) Bài 2: Phản ứng hóa học

1900.edu.vn xin giới thiệu giải bài tập Khoa học tự nhiên 8 Bài 2 (Kết nối tri thức): Phản ứng hóa học sách Kết nối tri thức hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Khoa học tự nhiên 8. Mời các bạn đón xem:

Giải KHTN 8 Bài 2 Phản ứng hóa học

Mở đầu trang 11 Bài 2 KHTN 8Khi đốt nến, một phần nến chảy lỏng, một phần nến bị cháy. Cây nến ngắn dần. Vậy phần nến nào đã bị biến đổi thành chất mới?

Trả lời:

Phần nến bị cháy đã bị biến đổi thành chất mới. Cụ thể nến cháy sinh ra carbon dioxide và nước.

I. Biến đổi vật lí và biến đổi hoá học

Hoạt động trang 11 KHTN 8Thí nghiệm về biến đổi vật lí

Chuẩn bị: nước đá viên; cốc thuỷ tinh 250 mL, nhiệt kế, đèn cồn, kiềng sắt.

Tiến hành: Thực hiện thí nghiệm như mô tả trong Hình 2.1.

Quan sát hiện tượng và thực hiện các yêu cầu sau:

1. Xác định các giá trị nhiệt độ tương ứng với các bước thí nghiệm mô tả trong Hình 2.1.

2. Ở quá trình ngược lại, hơi nước ngưng tụ thành nước lỏng, nước lỏng đông đặc thành nước đá. Vậy trong quá trình chuyển thể, nước có biến đổi thành chất khác không?

Thí nghiệm về biến đổi vật lí

Trả lời:

1. Học sinh thực hiện thí nghiệm và xác định các giá trị nhiệt độ tương ứng với các bước thí nghiệm mô tả trong Hình 2.1.

Kết quả tham khảo:

Bước

a

b

c

Nhiệt độ

oC

oC

100 oC

2. Trong quá trình chuyển thể, nước chỉ bị thay đổi trạng thái, không bị biến đổi thành chất khác.

Hoạt động trang 12 KHTN 8Thí nghiệm về biến đổi hoá học

Chuẩn bị: bột sắt (Fe) và bột lưu huỳnh (S) theo tỉ lệ 7 : 4 về khối lượng; ống nghiệm chịu nhiệt, đèn cồn, đũa thuỷ tinh, thìa thuỷ tinh.

Tiến hành:

- Trộn đều hỗn hợp bột sắt và bột lưu huỳnh. Lần lượt cho vào hai ống nghiệm (1) và (2) mỗi ống 3 thìa hỗn hợp.

- Đưa nam châm lại gần ống nghiệm (1). Quan sát hiện tượng.

- Đun nóng mạnh đáy ống nghiệm (2) khoảng 30 giây rồi ngừng đun. Để nguội và đưa nam châm lại gần ống nghiệm (2). Quan sát hiện tượng.

Thí nghiệm về biến đổi hoá học

Trả lời câu hỏi:

1. Sau khi trộn bột sắt và bột lưu huỳnh, hỗn hợp thu được có bị nam châm hút không?

2. Chất trong ống nghiệm (2) sau khi đun nóng và để nguội có bị nam châm hút không?

3. Sau khi trộn bột sắt và bột lưu huỳnh, có chất mới được tạo thành không? Giải thích.

4. Sau khi đun nóng hỗn hợp bột sắt và bột lưu huỳnh, có chất mới được tạo thành không? Giải thích.

Trả lời:

1. Sau khi trộn bột sắt và bột lưu huỳnh, đưa nam châm lại gần ống nghiệm (1) thấy nam châm hút, suy ra hỗn hợp thu được có bị nam châm hút.

2. Chất trong ống nghiệm (2) sau khi đun nóng và để nguội không bị nam châm hút.

3. Sau khi trộn bột sắt và bột lưu huỳnh không có chất mới tạo thành, do đây chỉ là sự trộn vật lí, không có sự thay đổi về chất và lượng, sắt trong hỗn hợp vẫn bị nam châm hút.

4. Sau khi đun nóng hỗn hợp bột sắt và bột lưu huỳnh, có chất mới được tạo thành. Do đã có phản ứng hoá học xảy ra, sinh ra chất mới không bị nam châm hút.

Câu hỏi trang 12 KHTN 8Lấy một số ví dụ trong đời sống về các quá trình xảy ra sự biến đổi vật lí, biến đổi hoá học.

Trả lời:

- Một số quá trình xảy ra sự biến đổi vật lí:

+ Nước lỏng để một thời gian trong ngăn đông tủ lạnh hoá rắn.

+ Hoà tan muối ăn vào nước.

+ Hoà tan đường ăn vào nước.

- Một số quá trình xảy ra sự biến đổi hoá học:

+ Đốt cháy than để đun nấu.

+ Tượng đá bị hư hại do mưa acid.

+ Dây xích xe đạp bị gỉ.

II. Phản ứng hoá học

Câu hỏi trang 13 KHTN 8Than (thành phần chính là carbon) cháy trong không khí tạo thành khí carbon dioxide.

a) Hãy viết phương trình phản ứng dạng chữ của phản ứng này.

Chất nào là chất phản ứng? Chất nào là sản phẩm?

b) Trong quá trình phản ứng, lượng chất nào giảm dần? Lượng chất nào tăng dần?

Trả lời:

a) Phương trình phản ứng dạng chữ của phản ứng:

Carbon + oxygen → carbon dioxide.

Trong đó chất phản ứng là carbon và oxygen; chất sản phẩm là carbon dioxide.

b) Trong quá trình phản ứng, lượng chất phản ứng (carbon, oxygen) giảm dần, lượng chất sản phẩm (carbon dioxide) tăng dần.

Câu hỏi trang 13 KHTN 8Quan sát Hình 2.3 và trả lời câu hỏi:

Quan sát Hình 2.3 và trả lời câu hỏi:

1. Trước và sau phản ứng, những nguyên tử nào liên kết với nhau?

2. Trong quá trình phản ứng, số nguyên tử H và số nguyên tử O có thay đổi không?

Trả lời:

1. Trước phản ứng 2 nguyên tử H liên kết với nhau, 2 nguyên tử O liên kết với nhau.

Sau phản ứng 1 nguyên tử O liên kết với 2 nguyên tử H.

2. Trong quá trình phản ứng, số nguyên tử H và số nguyên tử O không thay đổi.

Hoạt động trang 14 KHTN 8Dấu hiệu nhận biết có chất mới tạo thành

Chuẩn bị: dung dịch hydrochloric acid (HCl) loãng, sodium hydroxide (NaOH), copper(II) sulfate (CuSO4), barium chloride (BaCl2), kẽm viên (Zn); ống nghiệm, ống hút nhỏ giọt.

Tiến hành:

- Cho khoảng 3 mL dung dịch hydrochloric acid vào ống nghiệm (1) chứa kẽm viên và ống nghiệm (2) chứa 2 mL dung dịch barium chloride.

- Cho khoảng 3 mL dung dịch sodium hydroxide vào ống nghiệm (3) chứa 2 mL dung dịch copper(II) sulfate.

Quan sát hiện tượng xảy ra và trả lời câu hỏi:

Ống nghiệm nào xảy ra phản ứng hoá học? Giải thích.

Trả lời:

Ống nghiệm (1) và (3) xảy ra phản ứng hoá học do có những dấu hiệu nhận ra có chất mới tạo thành. Cụ thể:

+ Ống nghiệm (1) viên kẽm tan dần, có khí không màu thoát ra.

+ Ống nghiệm (3) có kết tủa xanh tạo thành.

Câu hỏi 1 trang 14 KHTN 8Trong phản ứng giữa oxygen và hydrogen, nếu oxygen hết thì phản ứng có xảy ra nữa không?

Trả lời:

Trong phản ứng giữa oxygen và hydrogen, nếu oxygen hết thì phản ứng dừng lại.

Câu hỏi 2 trang 14 KHTN 8Nhỏ giấm ăn vào viên đá vôi. Dấu hiệu nào cho biết đã có phản ứng hoá học xảy ra?

Trả lời:

Nhỏ giấm ăn vào viên đá vôi. Dấu hiệu cho biết đã có phản ứng hoá học xảy ra là xuất hiện sủi bọt khí, chỗ đá vôi bị nhỏ giấm tan ra.

Câu hỏi 1 trang 14 KHTN 8Thức ăn được tiêu hoá chuyển thành các chất dinh dưỡng. Phản ứng hoá học giữa chất dinh dưỡng với oxygen cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động là phản ứng toả nhiệt hay thu nhiệt? Lấy thêm ví dụ về loại phản ứng này.

Trả lời:

- Phản ứng hoá học giữa chất dinh dưỡng với oxygen cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động là phản ứng toả nhiệt.

- Ví dụ một số phản ứng toả nhiệt:

+ Phản ứng đốt cháy than;

+ Phản ứng đốt cháy khí gas…

Câu hỏi 2 trang 14 KHTN 8Quá trình nung đá vôi (thành phần chính là CaCO3) thành vôi sống (CaO) và khí carbon dioxide (CO2) cần cung cấp năng lượng (dạng nhiệt). Đây là phản ứng toả nhiệt hay thu nhiệt?

Trả lời:

Quá trình nung đá vôi (thành phần chính là CaCO3) thành vôi sống (CaO) và khí carbon dioxide (CO2) cần cung cấp năng lượng (dạng nhiệt). Đây là phản ứng thu nhiệt do khi ngừng cung cấp nhiệt phản ứng cũng dừng lại.

Hoạt động 1 trang 15 KHTN 8: Than, xăng, dầu, … là nhiên liệu hoá thạch, được sử dụng chủ yếu cho các ngành sản xuất và hoạt động nào của con người? Em hãy sưu tầm hình ảnh và trình bày ứng dụng của các nhiên liệu này trong đời sống.

Trả lời:

- Than, xăng, dầu, … là nhiên liệu hoá thạch. Than được sử dụng chủ yếu cho ngành nhiệt điện …  Xăng, dầu được sử dụng chủ yếu trong ngành giao thông vận tải…

Trong đời sống than được dùng làm nhiên liệu; xăng, dầu dùng để chạy động cơ ô tô, xe máy ..

- Các hình ảnh minh hoạ:

Than, xăng, dầu, … là nhiên liệu hoá thạch, được sử dụng chủ yếu

Hoạt động 2 trang 15 KHTN 8Các nguồn nhiên liệu hoá thạch có phải là vô tận không? Đốt cháy nhiên liệu hoá thạch ảnh hưởng đến môi trường như thế nào? Hãy nêu ví dụ về việc tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng thay thế để giảm việc sử dụng các nhiên liệu hoá thạch.

Trả lời:

Các nguồn nhiên liệu hoá thạch không phải là vô tận. Các loại nhiên liệu hoá thạch mất hàng trăm triệu năm mới tạo ra được. Nếu tận thu nhiên liệu hoá thạch sẽ làm cạn kiệt nhiên liệu này trong tương lai.

- Đốt cháy nhiên liệu hoá thạch sẽ thải vào môi trường một lượng lớn các khí thải, bụi mịn và nhiều chất độc hại khác, gây ô nhiễm môi trường, phá huỷ hệ sinh thái và cảnh quan nhiên nhiên, gây các bệnh về hô hấp, mắt … cho con người.

- Một số ví dụ về việc tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng thay thế để giảm việc sử dụng các nhiên liệu hoá thạch:

+ Sử dụng xăng sinh học E5; E10 …

+ Sử dụng năng lượng gió để chạy máy phát điện, di chuyển thuyền buồm …

+ Sử dụng năng lượng mặt trời để tạo ra điện hoặc nhiệt.

Xem thêm lời giải bài tập SGK KHTN lớp 8 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Xem tất cả hỏi đáp với chuyên mục: Phản ứng hóa học
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!