Công dụng của Esomeprazole
Esomeprazole được sử dụng để điều trị các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) và các bệnh lý khác liên quan đến tăng mức axit trong dạ dày như hội chứng Zollinger-Ellison. Ngoài ra, Esomeprazole cũng được dùng để thúc đẩy quá trình chữa lành bệnh viêm thực quản bào mòn (tổn thương thực quản do axit dạ dày gây ra).
Esomeprazole cũng được dùng để ngăn ngừa loét dạ dày do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) hoặc do sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và thuốc cũng không có khả năng giúp giảm ngay các triệu chứng ợ chua.
Esomeprazole cũng có thể được sử dụng cho các mục đích không được liệt kê trong hướng dẫn của thuốc.
Cảnh báo esomeprazole
Esomeprazole có thể gây ra các vấn đề về thận. Hãy cho bác sĩ biết nếu dùng thuốc mà đi tiểu ít hơn bình thường hoặc có máu trong nước tiểu.
Tiêu chảy có thể là dấu hiệu của một đợt nhiễm trùng mới nên hãy liên hệ ngay cho bác sĩ nếu bị tiêu chảy ra nước hoặc có máu.
Esomeprazole có thể gây ra các triệu chứng mới hoặc làm trầm trọng hơn chúng ở bệnh lupus. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bị đau khớp, phát ban trên da ở má, cánh tay và tình trạng xấu hơn khi ra dưới ánh sáng mặt trời.
Cũng có trường hợp bị gãy xương khi dùng esomeprazole lâu dài hoặc nhiều hơn một lần mỗi ngày.
Trước khi dùng thuốc esomeprazole
Ợ chua có thể giống với các triệu chứng ban đầu của đau tim. Gọi cấp cứu ngay lập tức khi bị đau ngực, cơn đau lan đến hàm hoặc vai và có cảm giác lo lắng, choáng váng.
Không sử dụng thuốc nếu:
- Gặp các vấn đề về hô hấp, thận hoặc có tiền sử phản ứng dị ứng nghiêm trọng sau khi dùng esomeprazole
- Dị ứng với esomeprazole hoặc các loại thuốc tương tự như lansoprazole, omeprazole, pantoprazole, rabeprazole, dexilant, nexium, prevacid, protonix và những loại thuốc khác
Hãy cho bác sĩ biết nếu đã từng:
- Mắc bệnh gan nặng
- Mắc lupus
- Bị loãng xương hoặc có mật độ khoáng trong xương thấp (chứng loãng xương
- Lượng magie trong máu thấp
Có nhiều khả năng sẽ bị gãy xương ở hông, cổ tay hoặc cột sống nếu dùng thuốc ức chế bơm proton lâu dài hoặc nhiều hơn một liều mỗi ngày. Tham khảo ý kiến bác sĩ về những cách để giữ cho xương luôn khỏe mạnh.
Hỏi bác sĩ trước khi sử dụng thuốc này nếu đang trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú.
Cách dùng Esomeprazole
Sử dụng đúng theo chỉ dẫn trên nhãn thuốc hoặc chỉ định của bác sĩ.
Uống thuốc với một ly nước đầy.
Esomeprazole nên được uống ít nhất một giờ trước bữa ăn.
Nuốt toàn bộ viên thuốc, không nghiền nát, nhai, bẻ hoặc mở viên thuốc.
Nếu không thể nuốt toàn bộ viên nang, hãy mở ra và rắc thuốc vào một thìa bánh pudding hoặc sốt táo. Nuốt hỗn hợp ngay lập tức mà không nhai. Nhưng hạn chế sử dụng thuốc theo cách này
Viên nang esomeprazole có thể được dùng cho bệnh nhân qua ống cho ăn thông mũi-dạ dày (NG). Đọc và làm theo cẩn thận các hướng dẫn sử dụng được cung cấp cùng với thuốc. Hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ tất cả những thắc mắc liên quan.
Esomeprazole thường chỉ được dùng trong 4 đến 8 tuần. Bác sĩ có thể đề nghị đợt điều trị thứ hai nếu cần thêm thời gian chữa bệnh.
Sử dụng esomeprazole trong đúng khoảng thời gian quy định, ngay cả khi các triệu chứng đã nhanh chóng được cải thiện.
Liên hệ bác sĩ nếu các triệu chứng trở nên nặng hơn hoặc không cải thiện trong thời gian dùng thuốc.
Thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả của một số xét nghiệm y tế. Vậy nên, cho bác sĩ biết nếu đang sử dụng esomeprazole.
Một số bệnh lý sẽ được điều trị bằng cách kết hợp esomeprazole và kháng sinh. Do đó, cần sử dụng tất cả các loại thuốc theo đúng chỉ dẫn.
Lưu trữ thuốc ở nhiệt độ phòng, tránh môi trường ẩm ướt và nhiệt độ cao.
Khi quên uống thuốc
Uống ngay khi có thể. Bỏ qua liều đã quên nếu gần đến thời gian dùng liều tiếp theo. Không tự ý sử dụng hai liều cùng một lúc.
Khi uống quá liều Esomeprazole
Liên hệ bác sĩ hoặc gọi cấp cứu ngay lập tức.
Những điều nên tránh khi dùng Esomeprazole
Esomeprazole có thể gây tiêu chảy và có thể là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng mới. Nếu bị tiêu chảy ra nước hoặc có máu, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc chống tiêu chảy.
Tác dụng phụ của esomeprazole
Gọi cấp cứu khẩn cấp nếu có các dấu hiệu của phản ứng dị ứng như: nổi mề đay; khó thở; sưng mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng.
Gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu:
- Đau bụng dữ dội, tiêu chảy ra nước hoặc có máu
- Co giật
- Có vấn đề về thận, sốt, phát ban, buồn nôn, chán ăn, đau khớp, đi tiểu ít hơn bình thường, tiểu ra máu, tăng cân
- Mức magie trong máu thấp, chóng mặt; nhịp tim nhanh, không đều; run (lắc) hoặc giật các cử động cơ; có cảm giác bồn chồn; chuột rút, co thắt cơ ở bàn tay và bàn chân; ho, có cảm giác nghẹt thở
- Có các triệu chứng mới hoặc trầm trọng hơn của bệnh lupus, đau khớp và phát ban da trên má, cánh tay, tình trạng xấu đi khi tiếp xúc ánh sáng mặt trời.
Dùng esomeprazole lâu dài có thể khiến các khối u ở dạ dày phát triển, được gọi là polyp tuyến cơ. Tham khảo ý kiến bác sĩ về nguy cơ này.
Sử dụng esomeprazole lâu hơn 3 năm, có thể có nguy cơ bị thiếu vitamin B12. Hỏi ý kiến bác sĩ về cách quản lý tình trạng này nếu mắc phải.
Các tác dụng phụ thường gặp có thể bao gồm:
- Đau đầu
- Tiêu chảy
- Buồn nôn, đau dạ dày, đầy hơi, táo bón
- Khô miệng
Danh sách trên chưa phải đầy đủ tất cả các tác dụng phụ có thể xảy ra. Hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn về vấn đề này.
Tương tác thuốc của Esomeprazole
Cung cấp cho bác sĩ về tất cả các loại thuốc hiện tại đang dùng vì nhiều loại thuốc có thể ảnh hưởng đến esomeprazole, đặc biệt là:
- Cilostazol
- Ciopidogrel
- Diazepam
- Digoxin
- Erlotinib
- Thuốc chứa sắt
- Methotrexate
- Mycophenolate mofetil
- Rifampin
- St. John's wort
- Tacrolimus
- Warfarin
- Thuốc kháng nấm - ketoconazole, voriconazole
- Thuốc điều trị HIV/AIDS
Đây không phải là danh sách đầy đủ, còn nhiều loại thuốc khác có thể tương tác ảnh hưởng đến esomeprazole. Bao gồm tất cả các thuốc kê đơn và không kê đơn, vitamin, cũng như các sản phẩm thảo dược.