Chứng ngưng thở khi ngủ: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngưng thở khi ngủ là một chứng rối loạn giấc ngủ có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như tăng huyết áp và bệnh tim nếu không được điều trị. Chứng ngưng thở khi ngủ không được điều trị sẽ khiến nhịp thở bị ngừng lại nhiều lần trong khi ngủ, gây ra tiếng ngáy lớn và mệt mỏi vào ban ngày. Chứng ngưng thở khi ngủ có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai nhưng thường gặp ở những người đàn ông lớn tuổi bị thừa cân.

  Video Hội chứng ngưng thở khi ngủ 

Chứng ngưng thở khi ngủ là gì?

Ngưng thở khi ngủ là một chứng rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng xảy ra khi nhịp thở bị gián đoạn trong khi ngủ. Những người bị ngưng thở khi ngủ không được điều trị sẽ ngừng thở liên tục khi ngủ, có khi hàng trăm lần trong đêm.

Nếu không được điều trị, chứng ngưng thở khi ngủ có thể gây ra một số vấn đề về sức khỏe như tăng huyết áp, đột quỵ, bệnh phì đại cơ tim, suy tim, đái tháo đường và đau tim. 

Chứng ngưng thở khi ngủ không được điều trị cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến giảm chất lượng công việc, tai nạn lao động và tai nạn giao thông, cũng như giảm thành tích học tập ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Có hai loại ngưng thở khi ngủ là tắc nghẽn và trung ương:

  • Chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn là phổ biến hơn cả, xảy ra do các đợt tắc nghẽn hoàn toàn hoặc một phần lặp đi lặp lại của đường hô hấp trên trong khi ngủ. Trong cơn ngưng thở, cơ hoành và cơ thành ngực cần phải làm việc nhiều hơn để ép không khí qua vùng hẹp. Những cơn ngừng thở có thể cản trở giấc ngủ, giảm lưu lượng oxy đến các cơ quan quan trọng trong cơ thể và gây ra rối loạn nhịp tim.
  • Trong chứng ngưng thở khi ngủ trung ương, đường thở không bị tắc nhưng não không phát tín hiệu đến các cơ tham gia quá trình hô hấp do trung tâm điều khiển hô hấp không ổn định. Ngưng thở trung ương liên quan đến chức năng của hệ thần kinh trung ương.

Đối tượng bị ngưng thở khi ngủ

Chứng ngưng thở khi ngủ thường gặp ở nam giới lớn tuổi có tình trạng thừa cân, béo phì.  Nguồn ảnh: muysalud.com

Chứng ngưng thở khi ngủ thường gặp ở nam giới lớn tuổi có tình trạng thừa cân, béo phì. 

Nguồn ảnh: muysalud.com

Chứng ngưng thở khi ngủ xảy ra ở khoảng 25% nam giới và gần 10% nữ giới. Chứng ngưng thở khi ngủ có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, bao gồm cả trẻ sơ sinh, trẻ em và đặc biệt là những người trên 50 tuổi có tình trạng thừa cân, béo phì.

Một số đặc điểm cơ thể và lâm sàng thường gặp ở những bệnh nhân mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, bao gồm thừa cân quá mức, cổ to và các bất thường về cấu trúc làm giảm đường kính của đường hô hấp trên như tắc nghẽn mũi, màn hầu rủ xuống, phì đại amidan hoặc tật hàm nhỏ.

Điều gì xảy ra khi ngừng thở

Khi bạn bị ngừng thở, nhịp tim cũng có xu hướng giảm xuống, càng lâu thì cơ thể càng bị thiếu oxy. Sau đó, phản xạ không tự chủ khiến bạn giật mình tỉnh giấc vào cuối giai đoạn ngừng thở. Khi tình trạng này xảy ra, nhịp tim có xu hướng tăng nhanh và tăng huyết áp đột ngột.

Đây là những thay đổi diễn ra mạnh mẽ khi ngừng thở. Tuy nhiên, cơ thể bắt đầu có những phản ứng mạn tính nếu thường xuyên bị ngưng thở. Dữ liệu cho thấy, nguy cơ gia tăng, đặc biệt là khi ngừng thở khoảng 30 lần hoặc hơn mỗi giờ nhưng có khả năng xảy ra rủi ro ở mức tần suất thấp hơn.

Ví dụ, huyết áp có xu hướng tăng, thành tim dày lên do khối lượng công việc quá tải và làm thay đổi cấu trúc tim. Tim có xu hướng trở nên thô cứng và kém linh hoạt hơn vì có nhiều tế bào sợi phát triển giữa các tế bào cơ tim.

Tất cả những rối loạn trên làm tăng nguy cơ rung nhĩ hoặc thất, dẫn đến giảm chức năng của tim, do đó tim hoạt động kém hiệu quả hơn trong quá trình bơm máu. 

Nguyên nhân gây chứng ngưng thở khi ngủ

Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn là do tắc nghẽn đường thở, thường xảy ra do các mô mềm ở hầu họng giãn ra và gây hẹp đường thở một phần hoặc hoàn toàn. Khi ngưng thở, không khí qua vùng hẹp bị hạn chế làm giảm nồng độ oxy trong máu. 

Ngưng thở khi ngủ trung ương thường được quan sát thấy ở những bệnh nhân bị rối loạn chức năng hệ thần kinh trung ương như sau đột quỵ hoặc ở những bệnh nhân mắc bệnh thần kinh cơ gặp trong bệnh xơ cột bên teo cơ bên. Ngưng thở khi ngủ trung ương cũng phổ biến ở những bệnh nhân bị suy tim và các dạng bệnh tim, thận hoặc phổi khác.

Các triệu chứng của chứng ngưng thở khi ngủ 

 Những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ thường xuyên bị mệt mỏi và buồn ngủ ban ngày.   Nguồn ảnh: calmsage.comNhững người mắc chứng ngưng thở khi ngủ thường xuyên bị mệt mỏi và buồn ngủ ban ngày. 
Nguồn ảnh: calmsage.com

Thường thì những dấu hiệu đầu tiên của chứng ngưng thở khi ngủ, người bệnh nhân không nhận biết được mà bởi người ngủ chung giường. Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến nhất của chứng ngưng thở khi ngủ, bao gồm:
  •  Ngáy.
  • Ban ngày buồn ngủ hoặc mệt mỏi.
  • Trằn trọc khi ngủ, thường xuyên thức đêm.
  • Đánh thức đột ngột bởi cảm giác thở hổn hển hoặc nghẹt thở.
  • Khô miệng hoặc đau họng khi thức giấc.
  • Suy giảm nhận thức, chẳng hạn như khó tập trung, hay quên hoặc cáu gắt.
  • Rối loạn tâm trạng (trầm cảm hoặc lo âu).
  • Đổ mồ hôi đêm.
  • Thường xuyên đi tiểu đêm.
  • Rối loạn chức năng tình dục.
  • Đau đầu.

Những người bị chứng ngưng thở khi ngủ trung ương thường báo cáo những lần tỉnh giấc hoặc mất ngủ tái diễn, mặc dù họ cũng có thể cảm thấy nghẹt thở hoặc thở hổn hển khi thức giấc.

Các triệu chứng ở trẻ em có thể không rõ ràng, bao gồm:

  • Giảm kết quả học tập.
  • Uể oải hoặc buồn ngủ, thường bị hiểu sai là sự lười biếng trong lớp học.
  • Ban ngày thở bằng miệng và khó nuốt.
  • Di động lồng ngực ngược chiều khi hít vào.
  • Tư thế ngủ bất thường, chẳng hạn như ngủ trên tay và đầu gối hoặc cổ kéo dài quá mức.
  • Đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm.
  • Rối loạn học tập và hành vi (chứng tăng động giảm chú ý).
  • Đái dầm.

Chẩn đoán chứng ngưng thở khi ngủ

Nếu bác sĩ xác định rằng bạn có các triệu chứng gợi ý đến chứng ngưng thở khi ngủ, bạn có thể được đánh giá giấc ngủ với một chuyên gia về giấc ngủ hoặc một nghiên cứu giấc ngủ qua đêm để đánh giá khách quan chứng ngưng thở khi ngủ.

Thử nghiệm bao gồm một nghiên cứu về giấc ngủ qua đêm được gọi là polysomnogram (PSG) được thực hiện trong phòng xét nghiệm về giấc ngủ dưới sự giám sát trực tiếp của kỹ thuật viên được đào tạo chuyên môn.

Trong quá trình thử nghiệm, một loạt các chức năng của cơ thể, chẳng hạn như sóng não, chuyển động của mắt, hoạt động của cơ, nhịp tim, kiểu thở, lưu lượng khí và nồng độ oxy trong máu đều được ghi lại vào ban đêm khi ngủ. Sau khi nghiên cứu hoàn thành, số lần ngừng thở trong khi ngủ được thống kê và phân loại mức độ nghiêm trọng của chứng ngưng thở khi ngủ. 

Đối với người lớn có thể thực hiện kiểm tra giấc ngủ tại nhà (HST). Đây là một loại nghiên cứu giấc ngủ đã được sửa đổi giúp thực hiện tại nhà trong sự thoải mái. HST ghi lại ít chức năng cơ thể hơn PSG, bao gồm luồng thông khí, cường độ thở, nồng độ oxy trong máu và tiếng ngáy để xác định chẩn đoán chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn mức độ trung bình đến nghiêm trọng.

HST không thích hợp để được sử dụng như một công cụ sàng lọc cho những bệnh nhân không có triệu chứng và không được sử dụng cho những bệnh nhân có tình trạng nghiêm trọng (chẳng hạn như suy tim, bệnh tim mức độ trung bình đến nặng, bệnh thần kinh cơ hoặc bệnh phổi vừa và nặng). HST cũng không được sử dụng cho những bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ khác (chẳng hạn như ngưng thở khi ngủ trung ương, hội chứng chân không yên, mất ngủ, rối loạn nhịp sinh học hoặc chứng ngủ rũ) ngoài chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.

Các phương pháp điều trị  

Với những trường hợp ngưng thở mức độ nặng, thời gian và số lần ngừng thở kéo dài thì bệnh nhân sẽ được sử dụng máy thở khi ngủ. Nguồn ảnh: stepbystep.comVới những trường hợp ngưng thở mức độ nặng, thời gian và số lần ngừng thở kéo dài thì bệnh nhân sẽ được sử dụng máy thở khi ngủ. Nguồn ảnh: stepbystep.com

 

Điều trị bảo tồn: Trong những trường hợp nhẹ của chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, điều trị bảo tồn có thể là tất cả những gì cần thiết.

 Những người thừa cân có thể tiến hành giảm cân, khi giảm 10% trọng lượng cũng có thể làm giảm số lượng các trường hợp ngưng thở cho hầu hết các bệnh nhân. Tuy nhiên, giảm cân có thể khó thực hiện với chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn không được điều trị do tăng cảm giác thèm ăn và thay đổi chuyển hóa trong cơ thể.

Những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn nên tránh sử dụng rượu và một số loại thuốc ngủ, những thứ làm cho đường thở dễ bị hẹp lại trong khi ngủ và kéo dài thời gian ngưng thở.

Ở một số bệnh nhân mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn nhẹ, tình trạng ngừng thở chỉ xảy ra khi nằm ngửa. Trong những trường hợp như vậy, sử dụng gối hoặc các thiết bị khác giúp ngủ ở tư thế nghiêng có thể hữu ích.

Những người có vấn đề về xoang hoặc nghẹt mũi nên sử dụng thuốc xịt mũi để giảm ngáy và cải thiện luồng thông khí giúp thở dễ chịu hơn vào ban đêm. Ngủ đủ giấc là điều quan trọng đối với tất cả các bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ. 

Điều trị cơ học: Liệu pháp thở áp lực dương (PAP) là phương pháp điều trị ban đầu được ưa thích cho hầu hết những người bị chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Với liệu pháp PAP, bệnh nhân đeo mặt nạ che mũi hoặc miệng. Máy thở thổi nhẹ không khí qua mũi hoặc miệng. Áp suất không khí được điều chỉnh sao cho vừa đủ để ngăn các mô ở đường thở trên không bị xẹp xuống khi ngủ. Liệu pháp PAP ngăn chặn việc đóng đường thở nhưng các cơn ngưng thở sẽ quay trở lại khi ngừng sử dụng PAP hoặc nếu sử dụng không đúng cách. Có một số liệu pháp và loại thiết bị tạo áp lực dương tùy thuộc vào nhu cầu của bệnh nhân, bao gồm:

CPAP (thở áp lực dương liên tục) được sử dụng rộng rãi nhất trong các thiết bị PAP. Máy được đặt ở một áp suất duy nhất.

Máy thở PAP hai cấp sử dụng một áp suất trong thì hít vào và một áp suất thấp hơn trong thì thở ra. Có một tiêu chí phải được đáp ứng trước khi bảo hiểm y tế sẽ chi trả cho máy PAP hai cấp. Có nghĩa là máy CPAP phải được thử trước mà không thành công và những kết quả này được ghi lại trước khi bảo hiểm thanh toán cho PAP hai cấp.

CPAP hoặc BiPAP tự động sử dụng một loạt các áp suất tự điều chỉnh trong quá trình sử dụng tùy thuộc vào các yêu cầu về áp suất được máy phát hiện.

Liệu pháp ASV (thông khí servo thích ứng) là một loại thông khí không xâm nhập được sử dụng cho bệnh nhân ngưng thở khi ngủ trung ương, có tác dụng giữ cho đường thở luôn mở và tạo hơi thở bắt buộc khi cần thiết.

Thiết bị nâng hàm dưới: Đây là những thiết bị dành cho những bệnh nhân mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn từ nhẹ đến trung bình. Có thể thực hiện các thiết bị nha khoa hoặc thiết bị nâng hàm dưới bằng miệng giúp ngăn tụt lưỡi và đưa hàm dưới về phía trước. Những thiết bị này giúp giữ cho đường thở luôn mở trong khi ngủ. Một chuyên gia về giấc ngủ và nha sĩ (có chuyên môn về các thiết bị răng miệng) sẽ cùng phối hợp và xác định liệu phương pháp điều trị phù hợp nhất với bạn.

Máy kích thích dây thần kinh 12: Máy kích thích được cấy dưới da ở bên phải của ngực với các điện cực nằm dưới da đến dây thần kinh 12 ở cổ và các cơ liên sườn (giữa hai xương sườn). Thiết bị được bật trước khi đi ngủ bằng điều khiển từ xa. Với mỗi nhịp thở, dây thần kinh 12 được kích thích, lưỡi di chuyển về phía trước ra khỏi đường thở và đường thở được mở ra.

Phẫu thuật: Phẫu thuật có thể giúp những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn và những người ngủ ngáy nhưng không bị ngưng thở. Phẫu thuật dành cho những người có mô thừa hoặc dị dạng cản trở luồng không khí qua mũi hoặc họng, chẳng hạn như vách ngăn mũi lệch, amidan phì đại hoặc hàm dưới nhỏ bị chèn ép khiến họng bị hẹp bất thường. Phẫu thuật thường được chỉ định sau khi chứng ngưng thở khi ngủ không đáp ứng với các biện pháp điều trị bảo tồn và liệu pháp CPAP. Các loại phẫu thuật bao gồm:

  • Somnoplasty là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu sử dụng năng lượng tần số vô tuyến để làm giảm các mô mềm trong đường thở trên.
  • Cắt amidan là một thủ thuật loại bỏ các amidan ở phía sau cổ họng, nguyên nhân phổ biến gây tắc nghẽn ở trẻ bị ngưng thở khi ngủ.
  • Uvulopalatopharyngoplasty (UPPP) là một thủ thuật loại bỏ mô mềm ở thành sau họng và vòm miệng, làm tăng kích thước của đường thở.
  • Phẫu thuật nâng cao hàm dưới/hàm trên là phẫu thuật điều chỉnh một số bất thường trên khuôn mặt hoặc các chướng ngại vật ở cổ họng góp phần gây ra chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Đây là một thủ thuật xâm lấn dành riêng cho những bệnh nhân ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn nghiêm trọng với các bất thường ở đầu-mặt.
  • Phẫu thuật mũi bao gồm chỉnh sửa các dị dạng ở mũi như lệch vách ngăn.

Biến chứng của chứng ngưng thở khi ngủ

Biến chứng thường gặp của chứng ngưng thở khi ngủ là tăng huyết áp. Nguồn ảnh: DreamstimeBiến chứng thường gặp của chứng ngưng thở khi ngủ là tăng huyết áp. Nguồn ảnh: Dreamstime

Nếu không được điều trị, chứng ngưng thở khi ngủcó thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe bao gồm tăng huyết áp, đột quỵ, loạn nhịp tim, bệnh phì đại cơ tim, suy tim, đái tháo đường, béo phì và đau tim.

Có khả năng chứng ngưng thở khi ngủ dẫn đến loạn nhịp tim và suy tim vì khi bị ngưng thở, có xu hướng bị tăng huyết áp. Trên thực tế, chứng ngưng thở khi ngủ xảy ra ở khoảng 50% những người bị suy tim hoặc rung nhĩ.

Điều này là do chứng ngưng thở khi ngủ có thể gây ra

  • Các đợt giảm oxy tái diễn giảm oxy.
  • Thay đổi nồng độ CO2.
  • Ảnh hưởng trực tiếp đến tim do sự thay đổi áp suất bên trong lồng ngực.
  • Tăng mức độ viêm.

Với tần suất cao của chứng ngưng thở khi ngủ trong rối loạn nhịp tim và suy tim, các chuyên gia khuyến cáo, không nên chậm trễ trong việc đi khám sớm để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

Câu hỏi liên quan

Một số cách chữa ngưng thở khi ngủ đơn giản, bao gồm: Thay đổi lối sống, Tập yoga làm giảm chứng ngưng thở khi ngủ, Sử dụng máy tạo độ ẩm,...
Xem thêm
Các địa điểm khám hội chứng ngưng thở khi ngủ, bao gồm: Bệnh viện Vimec, Trung tâm Hô hấp – Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM,...
Xem thêm
Hội chứng ngưng thở khi ngủ gây: Buồn ngủ quá nhiều vào ban ngày, tăng nguy cơ mắc tai nạn hoặc sai lầm trong công việc trầm cảm khó thở mệt mỏi, chân sưng, Cao huyết áp kháng trị, các bệnh tim mạch (kể cả các tai biến nhồi máu cơ tim xuất huyết não), Rối loạn nhịp tim,...
Xem thêm
Các dấu hiệu nhận biết ngưng thở khi ngủ, bạn cần chú ý bao gồm: Đau đầu khi thức dậy vào buổi sáng, Buồn ngủ nhiều vào ban ngày kể cả khi ban đêm ngủ dài và không bị thức giấc, Ngủ ngáy, lúc ngủ có khi bị ngạt thở, ngừng thở, dấu hiệu này cần người bên cạnh giúp bạn kiểm tra,...
Xem thêm
Hội chứng ngưng thở khi ngủ là rối loạn nguy hiểm ở trẻ nhỏ. Thời gian ngưng thở có thể diễn ra từ 10 – 30 giây. Đó là ngưng thở khi ngủ gây ra do bị tắc nghẽn, ngưng thở trung tâm và ngưng thở hỗn hợp.
Xem thêm
Hội chứng ngưng thở khi ngủ có chữa được không còn tùy thuộc vào nguyên nhân, mức độ nặng của bệnh,....
Xem thêm
Các triệu chứng ngưng thở khi ngủ, bao gồm: Ngáy lớn, mà thường nổi bật hơn trong ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, Các giai đoạn ngừng thở trong khi ngủ do người khác chứng kiến, Bệnh nhân thường có cảm giác khô và đau họng sau khi thức, Giấc giác giữa đêm với cảm giác khó thở, thở dồn dập,...
Xem thêm
Xem tất cả hỏi đáp với chuyên mục: Ngừng thở khi ngủ
Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!