Trình bày nét chính về diễn biến và ý nghĩa hai cuộc kháng chiến chống quân Xiêm (năm 1785)
15.4k
17/05/2023
Câu hỏi 1 trang 52 Lịch Sử 11: Trình bày nét chính về diễn biến và ý nghĩa hai cuộc kháng chiến chống quân Xiêm (năm 1785) và quân Thanh (năm 1789) của nhà Tây Sơn.
Trả lời
♦ Nét chính về kháng chiến chống quân Xiêm (1785) và quân Thanh (1789)
- Kháng chiến chống quân Xiêm:
+ Hoàn cảnh: sau khi chính quyền chúa Nguyễn bị lật đổ, Nguyễn Ánh chạy sang nước Xiêm cầu cứu. Lợi dụng cơ hội đó, cuối tháng 7/1784, vua Xiêm phái 5 vạn quân kéo vào Gia Định, chiếm đóng gần hết miền Tây Nam Bộ.
+ Diễn biến chính: Tháng 1/1785, Nguyễn Huệ đưa 2 vạn quân vào Gia Định, bố trí mai phục trên sông Tiền, đoạn từ Rạch Gầm tới Xoài Mút (Tiền Giang). Sáng ngày 19/1/1785, quân Tây Sơn dụ quân Xiêm vào trận địa mai phục, rồi đồng loạt tấn công.
+ Kết quả: gần 4 vạn quân Xiêm bị tiêu diệt, buộc phải rút về nước; quân Tây Sơn làm chủ vùng Gia Định.
- Kháng chiến chống quân Thanh:
+ Hoàn cảnh: sau khi bị quân Tây Sơn đánh bại, vua Lê Chiêu Thống sang cầu cứu nhà Thanh. Lợi dụng cơ hội đó, cuối năm 1788, vua Thanh cử Tôn Sĩ Nghị thống lĩnh 29 vạn quân ồ ạt tràn vào nước ta.
+ Diễn biến chính: Trước thế mạnh của giặc Thanh, quân Tây Sơn chủ động rút lui khỏi Thăng Long để bảo toàn lực lượng và gấp rút xây dựng phòng tuyến thuỷ bộ ở Tam Điệp - Biện Sơn. Tháng 12/1788, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, chỉ huy 5 đạo quân Tây Sơn, tiến về Thăng Long. Đêm 30 Tết Kỷ Dậu (1789), quân Tây Sơn bất ngờ tấn công và tiêu diệt gọn quân Thanh ở đồn tiền tiêu. Mùng 3 Tết Kỉ Dậu (1789), quân Tây Sơn bao vây và triệt hạ đồn Hà Hồi (Thường Tín, Hà Nội). Rạng sáng mùng 5 Tết Kỉ Dậu (1789), quân Tây Sơn giành thắng lợi quyết định ở đồn Ngọc Hồi và Đống Đa (Hà Nội).
+ Kết quả: Quân Thanh đại bại, buộc phải rút chạy về nước.
♦ Ý nghĩa của cuộc kháng chiến chống quân Xiêm (1785) và quân Thanh (1789)
- Đập tan tham vọng và ý chí xâm lược Đại Việt của quân Xiêm và Mãn Thanh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của dân tộc.
- Thể hiện lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, dũng cảm, bất khuất đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam.
- Để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho các cuộc đấu tranh yêu nước sau này.
Xem thêm lời giải bài tập Lịch sử lớp 11 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác: