Ban đầu, người ta sử dụng chuột bằng cách dùng cơ lăn bị để chuyển hướng và khoảng cách chuyển động của chuột (Hình 5.1a, Hình 5.1b).
Sau này, người ta dùng chuột quang, dùng nguồn sáng từ một đèn LED hồng ngoại hoặc LED đỏ chiếu xuống mặt bàn rồi phân tích ánh sáng phản xạ nhận được để xác định chuột di chuyển như thế nào. Người ta còn dùng chuột laser, sử dụng nguồn ánh sáng laser thay cho nguồn ánh sáng LED, có độ nhạy cao hơn cả chuột quang dùng LED.
Thời kì đầu, người ta kết nối chuột với máy tính bằng dây cáp tín hiệu dùng cổng COM, cổng PS/2 và sau này là cổng USB. Hiện nay, phổ biến là chuột dùng kết nối không dây. Có hai kiểu kết nối không dây chính là dùng sóng vô tuyến điện và dùng bluetooth. Trong trường hợp dùng sóng vô tuyến điện thì cần một thiết bị thu/phát cắm vào cổng USB (Hình 5.1d). Đối với các chuột kết nối qua bluetooth thì không cần thiết bị này nữa.
Ngoài chuột, còn có một số thiết bị trỏ khác như các máy dòng ThinkPad dùng một nút điều khiển ngay ở giữa màn hình để không phải rời tay khỏi bàn phím khi soạn thảo.
Đối với máy tính xách tay, người ta dùng bàn cảm ứng ngay trên bàn phím. Một số máy tính và các thiết bị di động dùng màn hình cảm ứng, có thể dùng các động tác chạm, vuốt trực tiếp trên màn hình.