Ở người, nhịp tim không phải là một hằng số mà thay đổi phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Hãy cho biết những yếu tố nào có thể làm thay đổi nhịp tim, giải thích và đưa ra ví dụ.
Phân tích đề:
- Những yếu tố nào có thể ảnh hưởng tới nhịp tim?
- Vì sao những yếu tố đó làm thay đổi nhịp tim?
- Lấy ví dụ cụ thể.
Lời giải:
Những yếu tố làm thay đổi nhịp tim ở người:
- Giới tính: Nam giới thường có nhịp tim thấp hơn nữ giới do nam thường có kích thước cơ thể lớn hơn nữ, dẫn đến tỉ lệ S/V (diện tích bề mặt cơ thể/thể tích) nhỏ hơn, nhu cầu trao đổi chất cơ bản thấp hơn, tim đập chậm hơn. Ví dụ: nam giới Việt Nam trưởng thành có nhịp tim trung bình là 70 – 80 lần/phút; nữ giới: 75 – 85 lần/phút.
- Độ tuổi: Trẻ em có nhịp tim nhanh hơn người lớn do trẻ em có kích thước cơ thể nhỏ hơn người lớn. Ví dụ: Nhịp tim trung bình ở trẻ em Việt Nam (5 – 10 tuổi) là 90 - 110 lần/phút.
- Trạng thái sinh lí: Ở phụ nữ có thai và có kinh nguyệt, nhịp tim tăng 5 – 10 lần/ phút do nhu cầu O2 và chất dinh dưỡng tăng, đòi hỏi tốc độ trao đổi chất tăng làm tim đập nhanh hơn.
- Mức độ hoạt động của cơ thể: Lúc ngủ nhịp tim giảm 20% so với lúc thức, hoạt động càng mạnh tim đập càng nhanh. Điều này là do lúc ngủ nhu cầu năng lượng của cơ thể cũng như tốc độ trao đổi chất là thấp nhất, trong khi, lúc thức cơ thể hoạt động liên tục, hoạt động càng mạnh thì nhu cầu về năng lượng càng lớn, vì vậy cơ thể phải tăng cường trao đổi chất để đáp ứng nhu cầu đó dẫn đến tim đập nhanh hơn.
- Nhiệt độ môi trường: Trời nóng nhịp tim tăng 5 – 10 lần/phút so với trời rét. Nhiệt độ tăng làm tốc độ các phản ứng trao đổi chất tăng, dẫn đến tim đập nhanh hơn.