Những phương diện nào trong sự thay đổi của các nhân vật Tràng, người “vợ nhặt”, bà cụ Tứ đã được nhà văn chú ý miêu tả? Việc nhấn mạnh những thay đổi đó có ý nghĩa gì?
Trả lời:
Nhà văn chú ý miêu tả những thay đổi về phương diện diện mạo, tâm trạng, cách ứng xử của nhân vật:
- “Người vợ nhặt”:
+ Trước khi về nhà Tràng làm vợ: Vẻ ngoài cong cớn, chua ngoa, chao chát. Cái đói khiến thị bất chấp thể diện, ý tứ, miễn là có cái ăn để không bị chết đói.
+ Khi về nhà Tràng: Trở thành một người khác hẳn (trở về đúng bản chất con người thị), một người phụ nữ của gia đình, đảm đang, tháo vát, chịu thương chịu khó, biết đồng cảm, có ý thức chia sẻ, cảm thông và thậm chí là người thắp lên hi vọng vào tương lai cho Tràng.
- Bà cụ Tứ:
+ Khi nghe Tràng thưa chuyện lấy vợ: Bà vừa thương vừa lo cho các con. Bà cố gắng dằn nỗi lo lắng để đón nhận người con dâu mới với tất cả sự cảm thông, bao dung.
+ Buổi sáng hôm sau: Bà cũng như thành một người khác với diện mạo tươi tắn hơn, phong thái nhanh nhẹn, hoạt bát hơn. Đặc biệt bà luôn nói những chuyện vui để đem đến cho các con sự lạc quan, hi vọng. Dù hoàn cảnh khốn khó, người mẹ vẫn yêu thương và trở thành điểm tựa cho các con.
- Tràng:
+ Trước khi lấy vợ: Là người thanh niên nghèo, tốt tính, nhưng có phần khờ khạo, ít nghĩ sâu xa. Việc quyết định để người đàn bà mới quen theo mình về nhà là một quyết định tức thời “Chậc, kệ!” hơn là suy nghĩ thấu đáo.
+ Khi lấy vợ: Trở nên chín chắn, có những ý nghĩ trưởng thành, biết sống có trách nhiệm với mọi người, thậm chí mơ hồ cảm thấy phải tham gia vào hành động chung của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Việt Minh để tự giải phóng.
=> 3 nhân vật đều có sự biến chuyển toàn diện từ ngoài vào trong, đó là sự thay đổi tích cực về tinh thần lạc quan, niềm hi vọng vào tương lai tươi sáng hơn, khát vọng được hạnh phúc. => Chủ đề và giá trị hiện thực của văn bản được nổi bật, khẳng định rõ ràng.