Nghe và tóm tắt nội dung bài thuyết trình về bối cảnh lịch sử, giá trị nội dung
455
01/11/2023
Đề tài (trang 51 sgk Ngữ Văn lớp 8 Tập 2): Chọn một trong hai đề bài sau:
(1) Nghe và tóm tắt nội dung bài thuyết trình về bối cảnh lịch sử, giá trị nội dung và nghệ thuật bài thơ “Vịnh khoa thi Hương" (Trần Tế Xương).
(2) Nghe và tóm tắt nội dung của bài thuyết trình về một tập thơ tự chọn.
a) Chuẩn bị (với đề 1)
- Đọc lại bài thơ, tìm hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp của Trần Tế Xương, bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hoá của Việt Nam khi nhà thơ viết tác phẩm này. Đọc các bài viết xung quanh tác giả và bài thơ Vịnh khoa thi Hương.
– Chú ý các hướng dẫn trong mục 1. Định hướng để nắm được cách tóm tắt ý chính khi nghe. Chuẩn bị các nội dung câu hỏi chất vấn và ý kiến thảo luận.
- Xem lại dàn ý ở phần Viết để dễ theo dõi bài thuyết trình.
b) Nói và nghe
– Thực hành nghe và ghi lại các ý chính của bài thuyết trình.
– Tham khảo các yêu cầu đã nêu ở Bài 6, phần Nói và nghe, mục c (trang 31). Ở bài này, chú ý rèn luyện kĩ năng nghe nhiều hơn.
Trả lời
Bài nói tham khảo
Đề 1:
* Bối cảnh lịch sử: Vào những năm 60 của thế kỉ XIX, Việt Nam rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Các cuộc khởi nghĩa của nông dân lại tiếp tục bùng nổ dữ dội trong những năm cuối thế kỉ XIX.
* Giá trị nội dung:
- Vịnh khoa thi hương là bài thơ thuộc đề tài thi cử - một đề tài khá đậm nét trong sáng tác của Tú Xương. Qua việc tái hiện hình ảnh thảm hại của kì thi năm Đinh Dậu (1897) tại trường Hà Nam, nhà thơ bày tỏ sự xót xa, đau đớn của con người trước tình cảnh thảm hại của các nhà Nho vào thời kì mạt vận của Nho học.
- Một phần hiện thực nhốn nháo, ô hợp của xã hội thực dân nửa phong kiến buổi đầu đã được tái hiện lại đồng thời nói lên tâm sự của mình trước tình cảnh đất nước
* Giá trị nghệ thuật:
- Nghệ thuật đối, đảo ngữ
- Ngôn ngữ có tính chất khẩu ngữ, trong sáng, giản dị nhưng giàu sức biểu cảm.
Đề 2:
Minh Huệ được biết đến là một trong số những nhà thơ hiện đại Việt Nam. Trong những năm tháng cầm bút của mình ông đã để lại rất nhiều tác phẩm có giá trị như: Dòng máu Việt Hoa (1954); Tiếng hát quê hương (1959); Rừng xưa rừng nay (bút ký, 1962); Đất chiến hào (1970) ... "Đêm nay Bác không ngủ" là một trong số những bài thơ nổi tiếng và làm nên tên tuổi của ông.
Bài thơ dựa trên sự kiện trong chiến dịch Biên giới cuối năm 1950, Bác Hồ trực tiếp ra mặt trận theo dõi và chỉ huy cuộc chiến đấu của bộ đội và nhân dân ta. Bài thơ đã thể hiện tấm lòng yêu thương sâu sắc của Bác Hồ với nhân dân và bộ đội Việt Nam và tình cảm khâm phục, kính yêu của người chiến sĩ đối với vị lãnh tụ của dân tộc.
Trước hết, tác phẩm đã thể hiện vẻ đẹp của Bác qua tấm lòng yêu thương, sự chăm sóc mà Bác dành cho bộ đội, dành cho nhân dân. Ngay mở đầu bài thơ dáng vẻ giản dị ấy đã hiện ra:
"Lặng yên bên bếp lửa
Vẻ mặt Bác trầm ngâm"
Hai câu thơ vẽ ra hình ảnh bình yên hoà mình vào nhịp sống chung của những người chiến sĩ, của khổ cực, giá rét của vị lãnh tụ kính yêu. Nhưng khi đặt bài thơ vào hoàn cảnh bấy giờ của đất nước, dường như trong cái "lặng yên", "trầm ngâm" đó còn ẩn chứa sự lo lắng về tương lai, vận mệnh của đất nước.
Chúng ta vẫn thường hay gọi Bác là vị cha già của dân tộc và Minh Huệ đã thể hiện rất rõ điều đó qua những câu thơ:
"Người Cha mái tóc bạc
Đốt lửa cho anh nằm
Rồi Bác đi dém chăn
Từng người từng người một
Sợ cháu mình giật thột.
Bác nhón chân nhẹ nhàng..."
Đêm khuya trong rừng lạnh và buốt, Bác không muốn các cháu của mình bị cảm nên đã cẩn trọng đắp lại chăn cho từng người. Lời thơ như lời kể chuyện vẽ ra trước mắt chúng ta hình ảnh một vị lãnh tụ âm thầm, quan tâm chăm sóc cho từng người. Chỉ bằng vài hành động nhỏ, vài cử chỉ quan tâm ta đã thấy được tình yêu thương mà Bác dành cho những người lính thật đáng quý, đáng trân trọng biết bao.
Hình ảnh của Bác càng trở nên đẹp hơn qua cuộc đối thoại với anh bộ đội. Trước thái độ quan tâm của anh đội viên Bác tâm sự đầy chân thành và xúc động: "Bác thức thì mặc bác/ Bác ngủ không yên lòng/ Bác thương đoàn dân công... Càng thương càng nóng ruột/ Mong trời sáng mau mau". Làm sao chúng ta có thể không xúc động trước sự quan tâm, nỗi lo mà Bác dành cho dân tộc, cho đất nước? Bác thương lắm, thương vô cùng những người chiến sĩ thiếu thốn đủ thứ, chỉ có lá cây thay chiếu để nằm, manh áo dùng làm chăn trong những ngày buốt giá. Tấm lòng, tình yêu thương của Bác đã gợi nên sự xúc động mạnh mẽ trong trái tim người chiến sĩ: "Đêm nay Bác ngồi đó/ Đêm nay Bác không ngủ/ Vì một lẽ thường tình/ Bác là Hồ Chí Minh". Hai câu thơ cuối đã nói lên trọn vẹn tấm lòng bao la, tình yêu thương tha thiết mà cả cuộc đời này Bác dành cho dân tộc, cho đất nước.
Từng câu, từng chữ lướt qua trong đầu ta, lắng đọng lại trong đó là cả một nhân cách lớn, một tình cảm lớn. Vẻ đẹp của Bác chính là sự hòa quyện giữa cái phi thường và cái bình thường, giữa cái giản dị thanh cao với một nhân cách lớn.
Không chỉ vậy, vẻ đẹp của Bác còn được thể hiện ở tình cảm, tấm lòng biết ơn, cảm phục của anh đội viên dành cho Bác. Đây là nhân vật chứng kiến toàn bộ hành động của Bác và cũng là người tham gia vào câu chuyện. Đầu tiên đó là cảm xúc băn khoăn, ngạc nhiên khi thấy trời đã khuya mà sao Bác vẫn còn thức. Nhưng chính anh đã tự giải đáp cho mình thắc mắc đó: "Đêm nay Bác không ngủ", không phải là Bác chưa ngủ mà là Bác không ngủ. Không ngủ để lo việc nước, việc dân. Hiểu được tấm long Bác nên chúng ta mới bắt gặp hình ảnh: "Anh đội viên nhìn Bác/ Càng nhìn lại càng thương". Sự quan tâm của anh đội viên đã được cất lên thành câu hỏi quan tâm ân cần:
"Bác ơi! Bác chưa ngủ?
Bác có lạnh lắm không?"
Qua hình ảnh anh đội viên cùng những suy nghĩ, tình cảm của anh về Bác, Minh Huệ đã khéo léo thể hiện được tình cảm, sự biết ơn của mình dành cho Người.
Thể thơ năm chữ được tác giả kết hợp khéo léo với các phương thức biểu đạt như tự sự, miêu tả, biểu cảm khiến cho hình ảnh Bác không chỉ hiện lên qua câu chuyện mà anh đội viên chứng kiến mà còn thể hiện được tình cảm của mình dành cho Bác.
Có thể nói bài thơ được viết bằng những tình cảm chân thành cùng cách viết giống như một câu chuyện đã khiến tác phẩm sống mãi trong lòng độc giả cùng với những tình cảm yêu mến, biết ơn dành cho Bác.
Xem thêm các bài soạn văn lớp 8 Cánh diều hay, chi tiết khác: