Nêu đặc điểm chung về nội dung và hình thức của các văn bản thơ được học trong sách Ngữ văn 10, tập hai
104
07/01/2024
Câu 3 trang 41 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: (Câu 3, SGK) Nêu đặc điểm chung về nội dung và hình thức của các văn bản thơ được học trong sách Ngữ văn 10, tập hai. Phân tích ý nghĩa của những nội dung chủ đề đặt ra trong các bài thơ được học. Xác định những điểm cần chú ý về cách đọc hiểu các văn bản thơ này.
Trả lời
- Sách Ngữ văn 10, tập hai học về thơ ở Bài 7 với thể loại thơ tự do. Bài 7 nhằm đáp ứng yêu cầu cần đạt: “Phân tích và đánh giá được giá trị thẩm mĩ của một số yếu tố trong thơ như từ ngữ, hình ảnh, vần, nhịp, đối, chủ thể trữ tình, nhân vật trữ tình.” và phản ánh được thành tựu văn học dân tộc, nhân loại cần chú ý cả thơ xưa và nay. Bài 7 sách Ngữ văn 10 hướng dẫn các em đọc một số bài thơ trữ tình Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám 1945. Đó là các bài thơ Đất nước (Nguyễn Đình Thi); Lính đảo hát tình ca trên đảo (Trần Đăng Khoa); Mùa hoa mận (Chu Thùy Liên); Đi trong hương tràm (Hoài Vũ); tự đánh giá với bài Khoảng trời, hố bom (Lâm Thị Mỹ Dạ).
- Về nội dung, mỗi bài thơ có một nội dung riêng. Tuy nhiên, nếu cần khái quát có thể thấy điểm chung của các văn bản thơ này tập trung nói lên những suy nghĩ và tình cảm thiết tha, sâu nặng của tác giá về đất nước, con người Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp đến kháng chiến chống Mỹ cứu nước và cả những cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới sau này. Bài thơ Đất nước (Nguyễn Đình Thi) là niềm xúc động, vui sướng, tự hào của tác giả trước đất trời giải phóng sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Lính đảo hát tình ca trên đảo (Trần Đăng Khoa) viết về các chiến sĩ Trường Sa với giọng thơ tinh nghịch, tếu táo mà chan chứa tình cảm mến yêu, trân trọng hết mực của tác giá với những người lính đảo. Mùa hoa mận (Chu Thuỳ Liên) thể hiện một cách tế nhị, kín đáo về tình yêu và lòng tự hào của tác giả về quê hương trong những ngày xuân. Bài thơ Đi trong hương tràm Hoài Vũ) là tình cảm thiết tha, sâu lắng về tình yêu lứa đôi gắn chặt với tình yêu quê hương, đất nước. Khép lại chùm thơ này là bài thơ Khoảng trời, hố bom (Lâm Thị Mỹ Dạ), ca ngợi lòng dũng cảm, sự hi sinh cao cả của những nữ thanh niên xung phong “Lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa / Đánh lạc hướng thù, hứng lấy luồng bom...”.
- Về hình thức, tất các các văn bản thơ học ở bài này đều viết theo thể thơ tự do với cách sử dụng vần, nhịp điệu, từ ngữ hình ảnh, số lượng từ trong mỗi dòng thơ,... rất tự đo, linh hoạt.
- Đọc hiểu các bài thơ này, vừa chú ý đến các yêu cầu đọc thơ nói chung, vừa cần chú ý đặc điểm hình thức của thơ tự do vừa nêu ở trên; chỉ ra mối quan hệ và tác dụng của các hình thức biểu đạt ấy trong việc làm nổi bật nội dung mỗi bài thơ.