Ít lâu nay hắn xe thóc Liên đoàn lên tỉnh. Mỗi bận qua cửa nhà kho lại thấy mấy chị con gái ngồi vêu ra ở đây. Anh/ Chị hãy phân tích nhân vật người vợ nhặt trong đoạn văn trên; từ đó, nhận x

Ít lâu nay hắn xe thóc Liên đoàn lên tỉnh. Mỗi bận qua cửa nhà kho lại thấy mấy chị con gái ngồi vêu ra ở đây. Hắn đoán họ ngồi đấy nhặt hạt rơi vãi, hay ai có công việc gì gọi đến thì làm. Một lần hắn đang gò lưng kéo cái xe bò thóc vào dốc tỉnh, hắn hò một câu chơi cho đỡ nhọc. Hắn hò rằng:

“Muốn ăn cơm trắng mấy giò này!

Lại đây mà đẩy xe bò với anh, nì!”

Chủ tâm hắn cũng chẳng có ý chòng ghẹo cô nào, nhưng mấy cô gái lại cứ đẩy vai cô ả này ra với hắn, cười như nắc nẻ:

- Kìa anh ấy gọi! Có muốn ăn cơm trắng mấy giò thì ra đẩy xe bò với anh ấy!

Thị cong cớn:

- Có khối cơm trắng mấy giò đấy! Này, nhà tôi ơi, nói thật hay nói khoác đấy?

Tràng ngoái cổ lại vuốt mồ hôi trên mặt cười:

- Thật đấy, có đẩy thì ra mau lên!

Thị vùng đứng dậy, ton ton chạy lại đẩy xe cho Tràng.

- Đã thật thì đẩy chứ sợ gì, đằng ấy nhỉ! - Thị liếc mắt, cười tít.

Tràng thích lắm. Từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ, chưa có người con gái nào cười với hắn tình tứ như thế.

Lần thứ hai, Tràng vừa trả hàng xong, ngồi uống nước ở ngoài cổng chợ tỉnh thì thị ở đâu sầm sập chạy đến. Thị đứng trước mặt hắn sưng sỉa nói:

- Điêu! Người thế mà điêu!

Hắn giương mắt nhìn thị, không hiểu. Thật ra lúc ấy hắn cũng chưa nhận ra thị là ai. Hôm nay thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt.

- Hôm ấy leo lẻo cái mồm hẹn xuống, thế mà mất mặt. à, hắn nhớ ra rồi, hắn toét miệng cười:

- Chả hôm ấy thì hôm nay vậy. Này hẵng ngồi xuống ăn miếng giầu đã.

- Có ăn gì thì ăn, chả ăn giầu.

Thị vẫn đứng cong cớn trước mặt hắn.

- Đây, muốn ăn gì thì ăn.

Hắn vỗ vỗ vào túi:

- Rích bố cu, hở!

Hai con mắt trũng hoáy của thị tức thì sáng lên, thị đon đả:

- Ăn thật nhá! Ừ ăn thì ăn sợ gì.

Thế là thị ngồi sà xuống ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì. Ăn xong thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng, thở:

- Hà, ngon! Về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố.

Hắn cười:

- Làm đếch gì có vợ. Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về.

Nói thế Tràng cũng tưởng là nói đùa, ai ngờ thị về thật

(Trích Vợ nhặt, Kim Lân, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, tr.26,27)

Anh/ Chị hãy phân tích nhân vật người vợ nhặt trong đoạn văn trên; từ đó, nhận xét về tư tưởng nhân đạo của nhà văn khi xây dựng nhân vật.      

Trả lời

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

b.Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Phân tích nhân vật người vợ nhặt qua đoạn văn trong “Vợ nhặt”. Từ đó nhận xét về tư tưởng nhân đạo của nhà văn khi xây dựng nhân vật.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng; bảo đảm các yêu cầu sau:
*Giới thiệu khái quát về tác giả Kim Lân, tác phẩm và nhân vật trong đoạn trích.

* Phân tích nhân vật

- Cuộc đời, số phận

+ Tên gọi: nhà văn không đặt cho nhân vật một cái tên riêng mà luôn gọi bằng những danh từ chung như cô ả, thị, người đàn bà -> thân phận bé nhỏ, khốn cùng của con người trong nạn đói.

+ Ngoại hình: Qua hai lần gặp gỡ, ngoại ngoại hình của nhân vật thay đổi khiến Tràng không nhận ra: gầy sọp, quần áo tả tơi như tổ đỉa, khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt trũng xoáy -> cái đói đã hủy hoại cả nhân hình của cô.

+ Công việc: ngồi vêu ra ở gần kho thóc tỉnh chờ nhặt hạt rơi, hạt vãi hoặc ai có việc gì thì gọi -> công việc hoàn toàn trông chờ vào may rủi không thể giúp cô tồn tại trong nạn đói.

=> Người vợ nhặt là một nạn nhân của nạn đói, bị cái đói dồn đuổi đến tận cùng, hủy hoại cả nhân hình.

- Vẻ đẹp khuất lấp của nhân vật: đằng sau vẻ ngoài đanh đá, chao chát, chỏng lỏn là khát vọng sống mãnh liệt, khát vọng hạnh phúc và ý thức tự trọng

+ Cái đói không chỉ hủy hoại nhân hình mà còn khiến cô tha hóa, trở thành một người phụ nữ đanh đá, chao chát, chỏng lỏn. Lần thứ nhất gặp Tràng, chỉ nghe một câu hò vu vơ mà thi đã cong cớn đáp lại, ton ton ra đẩy xe cho một người đàn ông xa lạ, thậm chí còn liếc mắt cười tình tứ với anh. Lần thứ hai gặp lại, thị sấn sổ chạy tới, sưng sỉa trách móc, thẳng thừng gợi ý để được mời ăn. Khi Tràng đồng ý, hai mắt thị sáng lên, thị thay đổi thái độ trở nên đon đả. Rồi thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc chẳng chuyện trò gì. Sau đó, bám vào một câu đùa vu vơ của Tràng, thị quyết định theo không anh về làm vợ.

+ Đằng sau những hành động ấy là khát vọng sống mãnh liệt. Giữa lúc đói khát, miếng ăn là thứ duy nhất giúp con người tồn tại nên cô sẵn sàng bám lấy mọi cơ hội để có thể tìm kiếm miếng ăn để tồn tại. Cái liếc mắt tình tứ kia không phải là bởi sức hấp dẫn của Tràng mà bởi miếng ăn hiện hữu trong câu hò của anh. Cô bám vào câu nói đùa của Tràng để theo anh về cũng bởi khát vọng trốn chạy cái đói cùng khao khát về một mái ấm gia đình bình dị như bao người.

+ Trong hai lần gặp gỡ, trước mỗi hành động được coi là sỗ sàng, cô luôn lên tiếng phủ định nỗi sợ hãi đã thật thì đẩy chứ sợ gì, ăn thì ăn sợ gì. Điều này khẳng định rằng sâu thẳm trong nội tâm thị đang tồn tại một nỗi sợ hãi khi ý thức bản thân đang chuẩn bị có những hành vi đi ngược lẽ thường. Và một khi con người con biết sợ nghĩa là trong họ còn ý thức tự trọng.

=> Nhân vật người vợ nhặt được đặt vào một tình huống độc đáo, éo le để từ đó nhà văn khai thác sự tương phản giữa bên ngoài và bên trong nhân vật thông qua những hành động, cử chỉ, ngôn ngữ. Nhân vật chính là hiện thân của những người nông dân khốn khổ trong nạn đói. Đồng thời, qua đó, ta cũng cảm nhận được tình cảm yêu thương, sự quan tâm chân thành, sâu sắc của nhà văn dành cho họ.

* Nhận xét về tư tưởng nhân đạo của Kim Lân khi xây dựng nhân vật

- Xây dựng hình tượng nhân vật người vợ nhặt, nhà văn đã thể hiện thái độ đồng cảm, trân trọng với khát vọng hạnh phúc của con người để từ đó khẳng định: dù trong tình huống bi thảm tới đâu, dù kế bên cái chết vẫn khao khát hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống và vẫn hi vọng vào tương lai, vẫn muốn sống cho ra người. Đây cũng chính là chiều sâu tư tưởng nhân đạo của ngòi bút Kim Lân thể hiện trong tác phẩm.

- Tư tưởng nhân đạo sâu sắc ấy góp phần làm nên giá trị và sức sống lâu bền trong thân bút của nhà văn xứ Kinh Bắc.

d. Chính tả, ngữ pháp

Bảo đảm chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.