Hỡi đồng bào cả nước,  "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai

Hỡi đồng bào cả nước, 

"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm  được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất  cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và  quyền tự do. 

Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do  và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được. 

Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp  bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa. 

Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào. 

Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản  việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết. 

Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của  ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu. 

Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân. 

Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược. 

Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu  điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu. 

Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng. 

Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng. Chúng không cho các nhà tư sản của ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn. (Trích Tuyên ngôn Độc lập – Hồ Chí Minh)  

Anh/chị hãy cảm nhận đoạn văn trên, từ đó nhận xét về phong cách văn chính luận của Hồ Chí Minh

Trả lời

Phương pháp:  

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng). 

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.

Cách giải: 

Yêu cầu hình thức: 

- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản. - Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không  mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. 

Yêu cầu nội dung: 

I. Giới thiệu chung 

- Hồ Chí Minh không chỉ là một lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, danh nhân văn hoá của thế giới, Người còn được biết đến là một nhà văn, nhà thơ lớn. 

- Bản tuyên ngôn ra đời trong hoàn cảnh đất nước đang ở trong tình thế vô cùng cấp bách: khi nền độc lập mới giành được bị đe dọa, tình thế đất nước đang nghìn cân treo sợi tóc. Đối tượng hướng tới là: Quốc dân  đồng bào và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, những lực lượng thù địch và cơ hội quốc tế đang mang dã  tâm một lần nữa nô dịch đất nước ta, đặc biệt là bọn thực dân. 

- Khái quát vấn đề: Đoạn văn đã vạch trần tội ác của thực dân pháp bằng những lý lẽ đanh thép và vô cùng  sắc bén, từ đó cho thấy phong cách văn chính luận của Hồ Chí Minh. 

II. Phân tích 

1. Giá trị nội dung đoạn trích: 

- Đoạn văn khẳng định một cách thuyết phục quyền bình đẳng, quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do  dân tộc ta cũng như các dân tộc khác trên thế giới tạo cơ sở, nguyên lí chính nghĩa cho bản Tuyên ngôn. Hồ Chí Minh đồng tình với tư tưởng tiến bộ của các bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ và Tuyên ngôn Nhân  quyền và Dân quyền của Pháp. Bác đã đặt ngang hàng ba cuộc cách mạng, ba bản Tuyên ngôn ngang hàng  nhau nhằm quốc tế hóa vấn đề độc lập của dân tộc ta. 

- Đoạn văn gợi niềm tự hào cao cả của lịch sử dân tộc Việt Nam (So sánh với tác phẩm Bình Ngô Đại Cáo). - Không chỉ trích dẫn người còn suy rộng, bình luận và nâng cao: Từ vấn đề quyền cá nhân đến quyền của dân  tộc, đưa vấn đề độc lập của dân tộc Việt nam thành vấn đề tiêu biểu cho phong trào giải phóng dân tộc trên  thế giới. 

- Đoạn văn là bản cáo trạng đanh thép với tội ác của thực dân Pháp ở Đông Dương, đặc biệt chúng đã đi ngược  lại tư tưởng tiến bộ của tổ tiên họ, trong 80 năm qua chúng đã đến cướp nước ta, áp bức đồng bào ta. Người  đã mạnh mẽ vạch trần bản chất lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái để cướp nước ta, áp bức đồng bào ta.  Đó là hành động phi nghĩa, phi nhân đạo. Người đã nêu lên một cách toàn diện tội ác của thực dân Pháp đối  với đất nước ta trong gần 100 năm. 

+ Bóc lột về kinh tế; Chúng bóc lột nhân dân ta tới tận xương tủy, cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên  liệu, độc quyền in giấy bạc và xuất nhập cảng, đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lí, không cho các nhà tư sản của  ta ngóc đầu dậy... 

+Về chính trị: Chúng tuyệt đối không cho chúng ta một chút quyền tự do nào, chúng thi hành luật pháp dã  man, chia đất nước ta làm ba kì để dễ cai trị, chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong bể máu... + Về văn hóa: Chúng lập nhà tù nhiều hơn trường học, thi hành chính sách ngu dân, dùng thuốc phiện, rượu  cồn để làm suy nhược giống nòi... 

=> Tội ác của chúng gây ra ở mọi mặt đời sống, ở mọi đối tượng nông dân, công nhân, thợ thủ công. Đó là tội  ác chồng chất, tội ác khủng khiếp, dã man vô nhân đạo. 

2. Giá trị nghệ thuật của đoạn trích: 

- Hồ Chí Minh đã sử dụng dẫn chứng chính xác, trích dẫn hai bản Tuyên ngôn của Pháp và của Mỹ để tạo nên  hành lang pháp lý vững chắc, dùng lời nói của đối phương để so sánh, phản bác âm mưu và hành động trái  với công lý của chúng, đó là nghệ thuật “gậy ông đập lưng ông, dùng miệng kẻ thù khóa miệng kẻ thù”.

- Đoạn văn sử dụng nhiều câu văn khẳng định, lời văn mạnh mẽ, trong sáng, dễ hiểu làm tăng sức thuyết phục  cho lập luận. 

- Tác giả sử dụng điệp ngữ, điệp cấu trúc câu, những hình ảnh ẩn dụ, so sánh được vận dụng khéo léo để tô  đậm những tội các dã man của thực dân Pháp. 

- Giọng điệu đanh thép, liên hoàn, trùng điệp, các ý được táchthành đoạn văn ngắn tạo điểm nhấn gây nên ấn  tượng về tội ác liên hoàn, tội ác nào cũng to lớn khủng khiếp của quân giặc. 

3. Nhận xét về phong cách văn chính luận của Hồ Chí Minh. 

- Văn chính luận của Hồ Chí Minh ngắn gọn, súc tích; lập luận chặt chẽ, lý lẽ đanh thép, bằng chứng đầy  thuyết phục, giàu tính luận chiến và đa dạng về bút pháp. 

- Văn chính luận mà vẫn thấm đượm tình cảm, giàu hình ảnh. 

- Giọng văn đa dạng: khi ôn tồn, thấu tình, đạt lí; khi đanh thép, mạnh mẽ, hùng hồn.

III. Kết luận 

- Khái quát lại vấn đề. 

- Giá trị nội dung, nghệ thuật.