Em ơi em Hãy nhìn rất xa Vào bốn nghìn năm Đất Nước Cảm nhận của anh/chị về đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về tinh thần chiến đấu bảo vệ Đất Nước của Nhân dân ta.

Em ơi em
Hãy nhìn rất xa
Vào bốn nghìn năm Đất Nước
Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Nhiều người đã trở thành anh hùng
Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ
Nhưng em biết không
Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước

  (Trích Đất Nước, Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục 2009, tr.121)

          Cảm nhận của anh/chị về đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về tinh thần chiến đấu bảo vệ Đất Nước của Nhân dân ta.

Trả lời

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Phân tích đoạn thơ; nhận xét về tinh thần chiến đấu bảo vệ Đất Nước của Nhân dân ta.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng; bảo đảm các yêu cầu sau:
*Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Khoa Điềm, đoạn trích Đất Nước và đoạn trích trong đề.

*Cảm nhận đoạn thơ:

- Khái quát chung:

+ Đoạn trích chính là cảm nhận của tác giả Nguyễn Khoa Điềm về Đất Nước khi nhìn từ phương diện lịch sử. Điều mới mẻ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm là không nhắc đến bằng các triều đại, các anh hùng nổi tiếng mà nhấn mạnh đến vô vàn những con người vô danh, bình dị đã góp công tạo dựng nên lịch sử dân tộc.

+ Đoạn trích như lời thủ thỉ tâm tình giữa hai nhân vật anh và em. Em là một phần của Đất Nước, là nhân vật mà tác giả tạo ra để trò chuyện, tâm tình để nhắn nhủ đến đời sau:

Em ơi em
Hãy nhìn rất xa
Vào bốn nghìn năm Đất Nước

- Nhà thơ đã khám phá và khẳng định đóng góp to lớn của những con người bình thường lặng lẽ:

Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh

+ Trong thời bình, những người con gái con trai bằng tuổi chúng ta đã đem sức trẻ của mình để xây dựng Đất Nước.

+ Khi có giặc người con trai ra trận ->Họ tự nguyện đảm đương xứ mệnh thiêng liêng là bảo vệ Đất Nước.

+ Còn người con gái ở lại quê nhà làm hậu phương vững chắc. Họ vượt lên nỗi đau, sự cô đơn và lo âu để thay con trai gánh vác việc đồng áng, nuôi dưỡng cha mẹ già và giáo dục con cháu. Và khi Đất Nước lâm nguy thì đàn bà cũng đánh.

- Họ đã sống, lao động và chiến đấu như vậy đó nên họ chính là những lớp người đã làm nên Đất Nước:

Nhiều người đã trở thành anh hùng
Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ
Nhưng em biết không
Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước

+ Điểm lại bốn nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, biết bao người nông dân áo vải đã trở thành anh hùng. Nhưng Nguyễn Khoa Điềm không nhắc lại tên tuổi của những bậc vĩ nhân đó.

+Vả lại làm nên sự trường cửu, làm nên vẻ đẹp của Đất Nước không phải chỉ có các anh hùng cái thế, đó còn là những con người vô danh bình dị của các thời đại.

-> Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã đặt những anh hùng vô danh vào giữa bình diện sự sống và cái chết gợi tráng thái tồn tại nối tiếp trước sự trôi chảy của thời gian trong suốt chiều dài bốn nghìn năm lịch sử để tạo thành một mạch ngầm vĩnh cửu.

- Đánh giá:

+ Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện những suy tư của mình về đất nước bằng một giọng trữ tình, chính luận. Đất nước dưới ngòi bút của nhà thơ hiện lên một cách bình dị trên phương diện lịch sử.

+ Đoạn trích thơ đã khơi gợi lên  trong thế hệ hôm nay, những người trẻ ý thức, trách nhiệm về việc giữ gìn truyền thống và tiếp nối thế hệ đi trước với thể thơ tự do, giọng thơ tâm tình, ngọt ngào, vận dụng nhiều chất liệu dân gian để diễn tả tư tưởng Đất Nước của Nhân dân.

+ Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, lời thơ nhẹ nhàng đúng giọng thủ thỉ tâm tình nhưng vẫn mang đậm hồn thơ triết lí.

*Nhận xét về tinh thần chiến đấu bảo vệ Đất Nước của Nhân dân ta.

+ Tinh thần chiến đấu bảo vệ Đất Nước của Nhân dân ta được thể hiện rõ nét qua đoạn thơ. Đó là những con trai ra trận. Người con gái ở nhà làm hậu phương vững chắc và khi Đất Nước lâm nguy họ sẵn sàng tham gia đánh giặc. Đoạn thơ thật sự đã cho thấy tinh thần thép, ý chí quyết tâm bảo vệ quê hương, Đất Nước đến cao độ của Nhân dân ta.

+ Đoạn thơ đã thức tỉnh được nhận thức của tuổi trẻ Miền Nam thời chống Mỹ và cả tuổi trẻ thời bình hôm nay. Từ đó làm sống lại truyền thống yêu nước hào hùng trong mỗi con người chúng ta.

+ Những nhận thức mới mẻ về vai trò của Nhân dân trong việc làm nên vẻ đẹp của đất nước ở phương diện lịch sử càng gợi lên lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm với Đất Nước cho mỗi người.

d. Chính tả, ngữ pháp

Bảo đảm chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.