Lời giải:
♦ Yêu cầu số 1: Nội dung quyền bình đẳng giữa các dân tộc:
+ Quyền bình đẳng giữa các dân tộc là các dân tộc ở Việt Nam không phân biệt đa số hay thiểu số đều được Nhà nước và pháp luật tôn trọng, bảo vệ và tạo điều kiện phát triển. Mọi dân tộc đều bình đẳng về chính trị, văn hoá, giáo dục.
+ Các dân tộc bình đẳng về chính trị: Các dân tộc đều có quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội, tham gia vào bộ máy nhà nước, tham gia thảo luận, góp ý các vấn đề
chung của đất nước. Quyền này được thực hiện theo hai hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp.
+ Các dân tộc bình đẳng về kinh tế: Trong chính sách phát triển kinh tế, không có sự phân biệt giữa các dân tộc đa số và thiểu số. Nhà nước luôn quan tâm đầu tư phát triển kinh tế đối với tất cả các vùng, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
+ Các dân tộc bình đẳng về văn hoá, giáo dục: Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết của mình. Những phong tục, tập quán, truyền thống văn hoá tốt đẹp của từng dân tộc được giữ gìn, khôi phục, phát huy. Các dân tộc ở Việt Nam có quyền hưởng thụ nền giáo dục của nước nhà.
♦ Yêu cầu số 2: Ví dụ về quyền bình đẳng giữa các dân tộc về chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục:
+ Nhà nước đảm bảo tỉ lệ thích hợp người dân tộc thiểu số trong các cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và địa phương.
+ Chương trình 135 giúp phát triển kinh tế những xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
+ Nhà nước dành nguồn đầu tư tài chính để mở mang hệ thống trường, lớp ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và miền núi.
+ Chính sách học bổng và cộng thêm điểm ưu tiên cho con em đồng bào dân tộc khi thi và vào học các trường chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học so với những học sinh ở khu vực có điều kiện hơn.
+ Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được giữ gìn và phát huy.