Dựa vào hình 15.1, hình 15.2 và thông tin trong bài, hãy cho biết đặc điểm tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của khu vực Tây Nam Á
508
31/05/2023
Câu hỏi trang 75 Địa Lí 11: Dựa vào hình 15.1, hình 15.2 và thông tin trong bài, hãy cho biết đặc điểm tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của khu vực Tây Nam Á. Đặc điểm này có ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế - xã hội như thế nào?
Trả lời
♦ Địa hình và đất đai: Tây Nam Á có 3 khu vực địa hình chính:
- Khu vực phía bắc:
+ Là các cao nguyên, sơn nguyên và dãy núi: sơn nguyên Anatôli, sơn nguyên Iran và miền núi Ápganixtan.
+ Khu vực này có nhiều dãy núi trung bình và núi cao như Pon-tích To-ruýt,... gây trở ngại cho sự phát triển giao thông trong khu vực.
- Khu vực phía tây và nam
+ Là bán đảo Aráp rộng lớn với nhiều hoang mạc như Nê-phút, Rúp-en Kha-li. Phía tây của bán đảo là sơn nguyên A-ráp với các dãy núi chạy dọc ven biển và dải đồng bằng duyên hải nhỏ hẹp.
+ Khu vực này đất đai khô cằn, không thuận lợi cho nông nghiệp, người dân chủ yếu sinh sống ở dải đồng bằng duyên hải và trong các ốc đảo giữa hoang mạc.
- Khu vực hạ lưu các sông Ti-grơ và Ơ-phrát là đồng bằng Lưỡng Hà với đất phù sa màu mỡ, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.
♦ Khí hậu
- Tây Nam Á có khí hậu cận nhiệt và nhiệt đới lục địa, nóng về mùa hè, lạnh về mùa đông.
- Khí hậu có sự phân hóa theo chiều bắc - nam:
+ Vùng núi phía bắc là nơi đón gió nên mưa nhiều (trên 2 000 mm/năm), nhiệt độ trung bình năm từ 15 - 20°C;
+ Vùng phía nam phần lớn đều mưa ít (dưới 1 000 mm/năm).
+ Tại các hoang mạc có lượng mưa rất ít, nhiệt độ trung bình năm từ 20 - 25°C, nhiệt độ mùa hè có khi lên gần 50°C.
- Dọc theo các đồng bằng duyên hải và các sườn núi hướng ra biển có khí hậu thuận lợi hơn nên dân cư tập trung đông, trồng trọt phát triển. Ở vùng nội địa với khí hậu nóng, dân cư thưa thớt, chăn nuôi đóng vai trò chủ yếu.
♦ Sông, hồ
- Hệ thống sông, hồ của Tây Nam Á ít phát triển.
+ Các sông lớn của khu vực đều bắt nguồn từ vùng núi phía bắc; sông Ti-grơ và Ơ-phrát là các sông lớn, đổ ra biển, các sông còn lại ít nước, thường chỉ có nước vào mùa mưa. Nguồn nước sông đóng vai trò quan trọng đối với người dân và đây cũng là một trong những yếu tố góp phần hình thành và phát triển nền văn minh Lưỡng Hà thời cổ đại.
+ Tây Nam Á có nhiều hồ nước mặn, lớn nhất là hồ Van (Thổ Nhĩ Kỳ).
♦ Sinh vật
- Động, thực vật của Tây Nam Á nghèo nàn, chủ yếu là cây bụi gai và các loài bò sát, gặm nhấm nhỏ.
- Rừng chỉ xuất hiện ở phía bắc của khu vực, nơi có lượng mưa tương đối nhiều.
- Tây Nam Á có một số khu bảo tồn, các vườn quốc gia có giá trị trong bảo tồn thiên nhiên, đồng thời thu hút khách du lịch, tiêu biểu như Na-han Mê A-rốt (I-xra-en), Xô-cô-tra (Y-ê-men),...
♦ Khoáng sản
- Tây Nam Á là khu vực giàu có về khoáng sản dầu mỏ và khí tự nhiên.
+ Dầu mỏ chiếm khoảng 50% trữ lượng của thế giới. Các nước có trữ lượng dầu mỏ lớn là A-rập Xê-út, Cô-oét, I-rắc, Các Tiểu vương quốc A-rập Thống Nhất,...
+ Tây Nam Á là khu vực cung cấp nguồn dầu mỏ quan trọng cho nhiều nước trên thế giới.
- Ngoài ra, khu vực còn có than, kim loại màu nhưng trữ lượng không lớn.
♦ Biển
- Tây Nam Á tiếp giáp với nhiều vùng biển, tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế của khu vực:
+ Từ Địa Trung Hải qua Biển Đỏ đến Ấn Độ Dương là tuyến đường biển thương mại quan trọng của thế giới;
+ Biển Ca-xpi và Biển Đen cũng giúp Tây Nam Á thông thương với Nga, khu vực Trung Á và các nước châu Âu.
- Ngoài ra, các vùng biển còn cung cấp nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, độc đáo, nguồn thuỷ sản dồi dào, tạo điều kiện cho ngành du lịch biển và đánh bắt hải sản phát triển.
Xem thêm lời giải bài tập Địa lí lớp 11 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Bài 13: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á
Bài 14: Thực hành: Tìm hiểu hoạt động kinh tế đối ngoại Đông Nam Á
Bài 15: Tự nhiên, dân cư, xã hội và kinh tế Tây Á
Bài 16: Thực hành: Tìm hiểu về tài nguyên dầu mỏ và việc khai thác dầu mỏ ở Tây Nam Á
Bài 17: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội Hoa Kỳ
Bài 18: Kinh tế Hoa Kỳ