Đoạn trích sau đây là đoạn tiếp nối nội dung văn bản Đổi tên cho xã trong SGK Ngữ văn 8, tập một
Câu 8 trang 37, 38, 39, 40, 41 SBT Ngữ Văn 8 Tập 1: Đoạn trích sau đây là đoạn tiếp nối nội dung văn bản Đổi tên cho xã trong SGK Ngữ văn 8, tập một. Em hãy đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
“ÔNG THÌNH – Cô Nhàn là bạn rất thân của thằng cháu Hưng nhà tôi, là cháu ruột nhưng như con vì cháu ở với tôi từ bé, cha mẹ nó mất cả. Vâng, cô Nhàn với cháu Hưng tôi hình như hai đứa nó cũng có... cũng có tình cảm với nhau thì phải...
ÔNG NHA – Không, tôi không tán thành. Nói xin lỗi ông, thằng Hưng nhà ông ngù ngờ lắm, con giai gì mà cò dò cẫm dẫm, không hợp với con Nhàn nhà tôi đâu...
ÔNG THÌNH – Dạ thưa bác, thằng Hưng nhà tôi đi học lái tàu thuỷ ở Hải Phòng, có lẽ giờ thì đã ra trường. Nghe đâu nó học cũng khá....
ÔNG NHA – Lái tàu, lái tàu thì cũng như lái xe. Con Nhàn nhà tôi là nhà khoa học, là trí thức... Dứt khoát là không hợp. Còn thằng con thứ hai của tôi, thằng Quang Long, theo lời khuyên của anh Sửu, tôi cho nó đi theo nghệ thuật. Nó học kéo đàn, đàn vi-ô-lông, tiếng ta gọi là vĩ cầm trên Trường Cao đẳng nghệ thuật.
VĂN SỬU – Bác cho cậu Long đi như thế là sáng suốt lắm. Cậu Long rất có khiếu về âm nhạc. Gì chớ về âm nhạc thì em hiểu biết lắm. Bác giao em kiêm phụ trách văn hoá văn nghệ xã, em biết ngay là cậu Quang Long nhà bác có khiếu nhạc, cần phải đi học nhạc.
ÔNG NHA – Thế mà mới đầu nó không chịu đâu. Phải ép mãi. Ra lệnh là: Mày không đi học kéo đàn thì tao từ mày, nó mới chịu đi. Nghe đâu học đã rất khá, rất có tài, giờ đã nốt nào ra nốt nấy, bài gì cũng gảy được...
VĂN SỬU – Thì em đã tiên đoán mà. Thế là bác có hai con đi hai lĩnh vực khoa học và nghệ thuật, đều là những nghề có danh tiếng cả.
ÔNG NHA – Đã bảo ở ta không gì bằng cái tiếng. Không có tiếng tăm gì thì buồn lắm. Đến như tôi ở xã mà cũng phải cố công để người ta biết đến mình.
VĂN SỬU – Bác thì ở huyện này ai chả biết đến, rồi đây còn là toàn tỉnh, toàn quốc biết đến Hùng Tâm của đồng chí Toàn Nha...
ÔNG NHA – Ông nên bảo thằng con ông bỏ cái ý định đặt vấn đề với con gái tôi đi. Tôi rất quý ông, quý thằng Hưng, nhưng lái tàu thì... không hợp với ý tôi. Chà, ông cũng dại thật, cho con đi học gì không học, học tài xế tàu...
(Nhàn xuất hiện. Đó là một cô gái xinh xắn, tay xách chiếc túi du lịch đi đường.) NHÀN – Thầy!
ÔNG NHA – Nhàn, về bao giờ đấy con?
NHÀN – Con vừa từ bến xe về thẳng đây.
ÔNG NHA – Được về nghỉ à?
NHÀN – Không, con về hẳn a.
ÔNG NHA – Sao lại về hẳn?
NHÀN – Về làm việc ở xã ạ.
ÔNG NHA – Sao lại về xã? Không làm việc ở Viện nghiên cứu nữa à?
NHÀN – Con định xin ở lại Viện nghiên cứu, nhưng các thầy của con khuyên con nên về một cơ sở làm việc. Con cũng đã nghĩ kĩ rồi. Không lẽ ai ra trường cũng vào ngồi ở Viện nghiên cứu? Phải là những người có tài năng đặc biệt, mà con thì tự xét thấy mình chỉ là một kĩ sư nông nghiệp bình thường.
ÔNG NHA – Sao lại bình thường? Bình thường thì vứt, phải có chí tiến thủ.
NHÀN – Mà ngay người có tài đặc biệt hơn bình thường thì cũng phải trải qua thực tế làm việc. Con không còn là con bé mơ mộng viển vông trước kia nữa, con hiểu là nghề nghiệp của con, trở về địa phương, sẽ có ích hơn.
ÔNG NHA – Nghề của con... con là nhà khoa học cơ mà!
NHÀN – Thì về đây con sẽ vẫn làm khoa học chứ sao, khoa học nông nghiệp. Con là kĩ sư chăn nuôi thầy ạ.
ÔNG NHA – Chăn nuôi, nuôi gì?
NHÀN – Bò, lợn, gà, vịt,...
ÔNG NHA – Sao? Con đi học năm sáu năm để về xã nuôi lợn, nuôi gà?
NHÀN – Thì nghề của con mà. Con chuyên về truyền giống, cải tạo giống.
ÔNG NHA – Nghĩa là làm gì?
NHÀN – Ví dụ như là: thụ tinh nhân tạo, lai giống lợn.
ÔNG NHA – Ối giời ơi, cái nghề như lão Độp, mà cũng cần bằng đại học à?
NHÀN – Chứ sao ạ. Cũng là khoa học đấy! Chính các đồng chí ở huyện nói với con là hợp tác xã Cà Hạ ta chưa có một kĩ sư chăn nuôi nào.
ÔNG NHA – Bây giờ không phải hợp tác xã Cà Hạ nữa mà đã là Liên hợp xã Công Nông Thương Tín Hùng Tâm.
NHÀN – Nhưng vẫn có chuồng trại chăn nuôi chứ ạ?
VĂN SỬU – Đổi tên rồi! Không phải trại chăn nuôi mà là Trung tâm Gia súc Hùng Tâm.
NHÀN – Hay nhỉ, đổi tên thế để làm gì ạ?
ÔNG THÌNH – Sang thời kì làm ăn mới rồi cô Nhàn ạ.
NHÀN – Ôi, bác Thình.... Giờ cháu mới thấy, xin lỗi bác. Bác có nhận được thư anh Hưng luôn không?
ÔNG THÌNH – Ít lắm, nó rất ít viết thư.
NHÀN – Anh ấy rất ít viết cả cho cháu, còn cháu thì tháng nào cũng viết thư cho anh ấy, cháu giục mãi, vừa rồi anh ấy mới viết cho cháu ít dòng ngắn ngủi. Bác biết không: Anh Hưng đã ra trường và giờ đã là thuyền trưởng tàu biển....
VĂN SỬU – Sao, thuyền trưởng tàu viễn dương, Vốt-cô à? Có phải Vô-ta-cô không? NHÀN – Hình như vậy. Anh ấy không nói rõ lắm.
ÔNG NHA – Vô-ta-cô là gì chú Sửu?
VĂN SỬU – Là Công ty Tàu biển Viễn Dương. Ghê quá! Không ngờ đấy! Cậu Hưng là thuyền trưởng tàu Vô-ta-cô.
ÔNG NHA – Nhưng Vô-ta-cô là làm gì?
VĂN SỬU – Là chuyên môn chở hàng đi biển buôn bán với nước ngoài, đi đủ nước trên thế giới. Nay Nhật, mai Pháp, ngày kia Hồng Kông, Xanh-ga-po. (Tặc lưỡi) Vôtscô ngày nay là nhất đấy bác ạ. Nhất trên bậc thang danh vọng trong xã hội không nghề gì sang trọng bằng. Còn hơn cả phi công, hơn cả lái tàu vũ trụ.
ÔNG NHA (Trợn mắt) – Hơn phi công, hơn lái tàu vũ trụ, hơn Phạm Tuân?
VĂN SỬU – Đúng rồi! Tàu vũ trụ thì chở cái gì được, mua gì bán gì trên vũ trụ vắng tanh ấy. Đằng này Vôtscô... Thật đúng là bác còn xa thực tế quá đấy. “Nhất biển nhì xe”, làm như cậu Hưng vừa có danh vọng, lại vừa có... kinh tế. (Thì thào) – Giầu lắm bác ạ.
ÔNG NHA – Chứ không chỉ tài xế tàu?
NHÀN – Anh ấy là thuyền trưởng.
VĂN SỬU – Là chỉ huy của cái tàu.
ÔNG NHA – Lạ nhỉ, thế thì phải gọi là tàu trưởng chứ, sao lại thuyền trưởng?
VĂN SỬU – Thì người ta gọi tượng trưng thế. Chữ nghĩa nó phải thế. Thuyền trưởng chính là tàu trưởng. Cả xã ta, cả huyện ta từ xưa tới nay chưa ai làm được thuyền trưởng viễn dương đâu! Chú Hưng giỏi thật! Tài thật
ÔNG NHA – Như vậy là có danh tiếng?
VĂN SỬU – Danh tiếng lắm. Nhất đấy!
ÔNG NHA – Lạ thật. Cái chú Hưng trông khù khờ, bẽn lẽn rụt rè như rắn mối, ai ngờ ghê gớm thật!
ÔNG THÀNH - Thì tôi đã bảo mà….
ÔNG NHA – Tốt đấy. Mừng cho ông... Mà ông Thịnh này, lúc này ông đã nói gì nhỉ? Thằng Hưng nhà ông với con Nhàn nhà tôi.... Có phải không Nhàn?
NHÀN – Dạ... (Bối rối) Anh Hưng rất tốt ạ. Chúng con rất thân nhau... Nhưng chúng con đã hứa với nhau: Bao giờ đạt được ước mơ mới tính đến chuyện...
ÔNG NHA – Chuyện hạnh phúc lứa đôi. Ta hiểu rồi. Bây giờ thì các con đã đạt. Viễn dương hàng hải Vôtscô. Khá lắm! Phấn đấu tốt đấy. Nhất trong xã hội, ích nước, lợi nhà... Được, chú ấy xứng đáng với gia đình ta đấy! Chỉ e chính mày thì lại không xứng đáng với anh ấy. Tự dưng ai bảo mày đâm đầu chui về xã... Kĩ sư chăn nuôi... Nhàn ạ, mày chỉ nên xưng là kĩ sư thôi, không cần hai chữ chăn nuôi vào làm gì, nghe nó không ra làm sao! Ông Thình ạ, tôi tán thành đấy. Cậu con giai ông đúng là có chí lớn hơn người. Khá lắm, phải thế! Tôi rất ưng. Thế là chúng ta đã thành người nhà rồi... (Bắt tay ông Thình).
ÔNG THÌNH – Cám ơn bác... Em thay bố mẹ nó nuôi nó, là chú nhưng như cha, muốn thấy nó hiển đạt sung sướng...
ÔNG NHA – Ông có công lắm. Tôi rất quý ông. Phải có chí tiến thủ. Thế là xã Hùng Tâm ta từ nay có thêm một người quan trọng thuyền trưởng Vôtscô. Tuyệt lắm! Bao giờ cậu ấy về đây, Nhàn?
NHÀN – Con chả biết. Đời người thuyền trưởng, lênh đênh sóng nước nay đây mai đó... Không biết anh ấy còn nhớ đến quê nhà, đến những kỉ niệm cũ... (Mơ mộng) Chắc anh ấy cũng vất vả lắm... Sóng nước, bão gió... Con tàu băng qua các đại dương... Ôi, anh Hưng, đúng như lời ta hẹn ước ngày chia tay năm nào. Anh Hưng!
(Đèn chiếu vào Nhàn. Âm nhạc. Hiện lên cảnh tượng năm nào. Buổi chia tay của Nhàn và Hưng.)”.
(Tuyển tập kịch, NXB Sân khấu, Hà Nội, 1994)
a) Nội dung chính của đoạn trích trên là gì?
b) Tính chất hài kịch của đoạn trích được thể hiện như thế nào?
c) Tính cách nhân vật cô Nhàn (kĩ sư nông nghiệp) và bố mình (ông Toàn Nha) khác nhau như thế nào?
d) Đoạn trích này làm rõ thêm nội dung gì cho đoạn trích Đổi tên cho xã đã học trong SGK?