Bố cục Cà Mau quê xứ
Phần 1: “Ra Mũi….thơ thần với Cà Mau”
Phần 2: “Trong ổ…những thân được mới”
Phần 3: “Còn lại”
Đọc tác phẩm Cà Mau quê xứ
Ra Mũi Cà Mau, nhiều người hỏi “Đi làm gì ?”. Trời đất, còn câu hỏi nào lối hơn thế không ? Tôi đều trả lời một câu: “Đi chơi ?”. Đi chơi, thế thôi ! Làm gì là làm gì, khi bạn đặt chân tới Mũi ? Có lẽ trừ những anh bạn đồng nghiệp và không đồng nghiệp hộ khẩu đặt ngay xứ này thì mới dám nói : “Nào, hôm nay, ta ra Mũi làm cái này, cái nọ”. Đi chơi, tôi thực ra nói vậy cũng là để đánh lừa cái ổ cứng xúc cảm đã ấp ứ tự bao giờ, đánh lừa bộ xi đi võng mạc, đánh lừa bộ khứu giác, vị giác đã nghẽn bụi đời quá lâu rồi đang khát thèm hạt phù sa ròng ròng tươi mới trong trí tưởng tự thuở xa lắc. Để khi khoác ba lô lần đầu về Đất Mũi, rằng, thôi thì, ta cứ lỏng tay thơ thẩn với Cà Mau ...
Trong ổ cứng cũ mèm của tôi từ thuở nào còn lưu những cái phai Nguyễn Tuân, Anh Đức, Xuân Diệu từ hơn bốn mươi năm trước. Những trang ký trang thư trang thơ gieo mầm dưới mỗi câu mỗi chữ là hạt hy vọng ứ nghẹn khát khao bung nở cây trái hoà bình. Và trong những cái phai ấy là ngổn ngang xác giặc, hầm chông loang máu sình lầy, là những đoàn người tranh đấu, máu và nước mắt của bà má Năm Căn, là vệt than đước đen nhức nhối trên má em bé Cà Mau mà nụ hôn cuối cùng của người cha lưu dấu lại ... Những cái phai ấy, bây giờ thực tình mở ra xem lại, thấy thật khó và chậm. Bởi nó quá nặng. Tới bây giờ tôi ưa những dòng này của cô Tư (nhà văn Nguyễn Ngọc Tư) hơn : “Trẻ con chạy rượt, u hơi ở trên sàn nhà, nhảy lò cò bên những bụi hẹ, bụi ớt lơ thơ trồng trong thúng. Cá thòi lòi dạn dĩ theo con nước chạy rột rẹt dưới sàn nhà, có lúc ngóc đầu lên, nhìn thom lom, ý hỏi ai đây ta, ai mà lặn lội tới xứ bùn sình rừng rú này, ai mà ngó tui thiếu điều lòi con mắt ra, lạ lắm sao ?”. Và tôi cũng ưa nhớ tới câu chuyện này hơn, của lão làng Sơn Nam kể về chúa đảng Cánh Buồm Đen và ngọn roi kỳ hiểm chuyên trị ác độ nhơn của Tư Hiền dọc ngang vùng đất Mũi thời mạt pháp, nhớ “Đạo phát cỏ” dóc tổ đến lạ lùng của ông Thầy Quýt ...
Mà cũng thiệt lạ ! Bàn chân tôi từng đặt trên núi non hùng vĩ địa đầu đất nước, từng đi xa Tổ quốc hàng vạn dặm, vậy mà một doi đất con con bằng phẳng hao hao một góc Gò Nổi miền Trung này lại khiến tôi và anh bạn thi sĩ đồng hành mau chóng trở thành những kẻ nông nổi kỳ quặc. Giữa buổi trưa nắng tưng bừng muốn khô quăn mấy đọt phù sa bên mỏm non sông, chúng tôi hì hục lôi tập thơ còn thơm mùi mực của anh bạn ra để ... đốt và thả xuống biển ! Chỉ vì trong tập ấy có bài thơ về đất phương Nam anh bạn hứng khởi viết trong tưởng tượng từ khi nào. Từng nghe anh bạn nhà văn đất Mũi kể đã chứng kiến đủ kiểu xúc động của các vị khách khi ngược ngàn cây số về thăm đất Mũi. Người ôm cây cột mốc, kẻ ôm cây đước, kẻ lại nằm lăn xuống bùn lầy để ... khóc vì sướng ! Còn vô khối người vốc nắm đất, mang chai nước biển về đặt trên giá sách hoặc tặng người thân ở nhà. Giờ tới lượt bạn tôi gửi lại nơi này mấy đọt phù sa thơ kèm chút gió Lào cố quận. Trương Lệ Duyên, cô bé ở Ban quản lý Khu du lịch văn hoá Mũi Cà Mau bật cười : “Các anh ngộ thiệt, em chưa từng thấy !”. Áo trắng của Duyên hắt vào tôi một mảng mây nghìn tuổi.
- Hay là chính chỗ này Nguyễn Bính dằn chén hắt rượu qua đầu buổi hành Phương Nam ấy, Thảo ơi ! “Quê nhà xa lắc xa lơ đó / Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay”.
- Nhớ nhà rồi à, mới đi có 6 ngày – chàng thi sĩ thầm thì - “Giang hồ như ... ngươi giang hồ vặt / Nghe tiếng cơm sôi đã nhớ nhà”. Như Nguyễn Bính mới là thứ thiệt, 6 tháng ngang dọc miền Tây không buồn ... đánh răng !
Thế là cãi nhau, hai thằng miền Trung, giữa cái nắng miệt mài bên những hạt phù sa sinh nở khởi từ hai chữ “quê nhà” ấy của thi sĩ đất Bắc. Chúng tôi bắt gặp ở chốn tận cùng này hai chữ thiệt hay, đó là “quê xứ”. Cả tuần nay, lang thang từ Tiền Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, xuống Sóc Trăng, Bạc Liêu ... rồi xuống miệt biển Kiên Giang, ra Phú Quốc vòng lên Long Xuyên, Cao Lãnh ..., dọc đường chúng tôi đều nghe từ chợ tới thuyền, từ xe lam, xe lôi tới thổ mộ một con chữ thật du dương mà xa lăng lắc : “Xứ”. “Nhà em ở Ngã Năm Sóc Trăng, xứ ấy qua đây mất gần một buổi đò” – cô hàng trái cây trên chợ nổi Phụng Hiệp kẹp hai đứa nhỏ chao chao cái rổ rau sầu đâu xanh mướt. “Tui từ xứ Bạc Liêu qua” - ông lão xe lôi nằm ghếch chân hút thuốc gặp ở Long Xuyên. “Em đi lấy chồng, về nơi xứ xa ...” – lảnh lót câu hát buồn vẫn thường nghe đây đó. “Cà Mau là xứ quê mùa/Muỗi bằng gà mái cọp tùa bằng trâu”. Không biết nhà văn xứ Quảng Nguyễn Thành Long - tác giả Lặng Lẽ Sa Pa đã về thấu miệt này chưa mà dịch Terre des hommes của Saint Exupéry (Bùi Giáng dịch Cõi Người Ta) ra thành “Quê xứ con người” hay đến vậy ?
... Giờ thì mấy anh em tôi ngồi cởi trần lai rai với gió trong ngôi nhà số 1. Cảm giác về xứ thật chon von, khi được ngồi trong chính ngôi nhà cuối cùng của dải đất hình chữ S, ngôi nhà được đánh số 1 trong hộ khẩu mà như thừa nhận của chủ nhà, anh Nguyễn Hoàng Phúc, nó là nhà đầu tiên tính từ Mũi trở vào của ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau này. Ngôi nhà sàn thưng lá dừa nước nằm theo leo giữa biển, tách bạch hẳn với xóm nhà bên kia, được dẫn ra bởi cây cầu lắt lẻo kết từ thân cây đước. Trên sàn nhà có đôi chục đàn bà con gái đang ngồi lột ghẹ lấy thịt, nói cười chọc ghẹo nhau rổn rảng. Nhà anh Phúc chị Tuyết là cơ sở gia công mặt hàng này, dân nơi này vẫn gọi là vựa. Ghẹ anh chị mua về phân loại, loại nhất, nhì và thấp nhất là loại ghẹ vạt. Một ký ghẹ loại nhất giá mua 43.000 đồng, loại nhì 23.000 đồng, loại vạt chỉ 6.000 đồng. Hấp lên, mỗi ký ngót xuống còn 8 lạng, lột ra thịt cứ 10 ký tươi mới được 1 ký thịt. Cùng đám chị em, chị Tuyết thoăn thoắt xếp từng lát thịt ghẹ chắc nịch vào từng hộp nhựa, rồi xếp vào thùng xốp. Thịt ghẹ được ướp đông rồi bán qua Hà Tiên, và cả xuất khẩu sang Campuchia. Vào vụ, vựa ghẹ nhà anh chị mướn khoảng 20 đến 30 nhân công, chủ yếu là chị em, có cả các em gái nhỏ quanh ấp Mũi, ngày làm giỏi mỗi người được 5-6 chục ngàn đồng, bình thường cũng 3 chục ngàn...
- Ngưng tay làm với anh em một ly, anh Ba ! - Anh bạn đồng nghiệp của tôi thường trú ở Cà Mau cất tiếng mời
Ba Phúc vốc thêm mấy con nghẹ mới hấp thiệt ngon bỏ vào đĩa, xề lại “xây chừng” một ly rồi đứng dậy:
- Mấy anh cứ lai gai đi, em mấy hôm ể mình, phải nghỉ ít hôm.
Có tiếng điện thoại reng, chị Tuyết đứng dậy nghe điện, là khách hàng gọi. Từ thuở nào, ông Nguyễn Văn Cốm - ông già chị Tuyết chống xuồng từ miệt Vĩnh Lợi - Bạc Liêu về xứ này lập nghiệp, mươi năm trước giao lại cho vợ chồng con gái cùng chàng rể Sóc Trăng hiền lành chịu thương chịu khó. Tôi bước ra chái bếp, nước biển lưng chừng chân cột nhà sàn ngợp nắng. Hai đứa nhỏ con của anh chị, đứa tám tuổi, đứa ba tuổi đang trần truồng nhảy nhót xối nước ùm ùm. Ba Phúc ở trần, cánh tay rắn chắc gạt lên gạt xuống chiếc cần bơm giếng đóng, nước vọt lên trắng loá mắt. Tôi vốc một hớp, ngọt lừ.
- Sâu thấu 180 mét đó anh, cả ấp Mũi chỉ có mình giếng này là nước ngọt nhất.
Nhìn xuống biển dưới sàn, thấy cả bầy cá bơi lượn lờ giương mắt nhìn lên, lại nhớ tới câu văn của cô Tư. Hôm tôi về Cà Mau, cô Tư rục rịch soạn đồ ra phố cổ Hội An dự hội với các nhà văn trẻ. Nghe nói là lần đầu tiên cô được đi xa đến vậy. Có một lần cô Tư trả lời trên báo Tiền Phong Chủ Nhật, giọng tưng tửng mà tôi cứ nhớ mãi, đại ý : “Nếu sinh ra ở thành phố, chắc gì tui đã ... viết văn. Ở đó cuộc sống sôi động lắm, làm sao tui cô độc đến nỗi phải viết để khỏi phải nói chuyện một mình !”...
Bên cạnh tôi, những cây đước đóng mình xuống phù sa một dáng trầm ngâm, bình minh và hoàng hôn của một ngày treo trên cùng một cây đước. Lúc nãy ngồi ở nhà “Phó Mũi” Lê Hoàng Liêm (Chúng tôi gọi đùa về chức danh Phó Chủ tịch xã Đất Mũi của anh Liêm như vậy), chợt nghe câu chuyện bề bộn về con tôm và cây đước. Một dạo khi con tôm Cà Mau còn “ôm gốc đước”, cơ man những vạt rừng đước cường tráng xanh rậm rì đã phải dời chỗ nhường cho tôm. Nhưng rồi đến lúc con tôm ngạt thở vì sình lầy, người ta lại kéo nhau đốn hạ đước để cho ra những vuông tôm sạch sẽ trong lành. Những vạt đước lui dần, cứ thế lui dần, mang theo những bình minh, hoàng hôn lùi xa con người. Anh bạn đồng nghiệp của tôi giở sổ tay đọc vanh vách quyết định kỷ luật của huyện uỷ Ngọc Hiển đối với hàng trăm đảng viên vi phạm, nghe se sắt làm sao. “Phó Mũi” Lê Hoàng Liêm vốn xuất thân từ lính biên phòng vặn tấm lưng gầy gò trên ghế, gương mặt đen sạm cứ quặn lại : “Khó lắm các anh à. Là cả một cuộc đấu tranh lớn của chúng tôi đấy ! Cà Mau mà không còn đước thì còn gì nữa đâu”. Tôi ngồi đó chợt hình dung về những trái đước bắt gặp khi ngồi trên thuyền xuyên qua những vàm những lạch. Những trái đước đeo trên cây như những hạt phù sa, đến một ngày cắm thẳng xuống phù sa, mọc lên những thân đước mới.
Về Sài Gòn, tôi lẩn mẩn với câu hỏi, không biết sau khi nước non liền dải cụ Nguyễn có về thăm Cà Mau chưa, mà để ý thấy sau này cụ hình như chưa một lần viết lại về xứ này. Anh bạn thi sĩ Phan Hoàng mách : “Hỏi già Sáng ! Nguyễn Tuân xuống miền Tây thì chỉ có Nguyễn Quang Sáng tháp tùng”. Bên đầu kia điện thoại, giọng già Sáng khề khà rặt chất Cánh Đồng Hoang:
- Năm 1976, tui có đưa Nguyễn Tuân xuống miền Tây, nhưng lần ấy ổng chỉ dừng ở Châu Đốc (An Giang), không dìa Cà Mau. Những lần sau ổng vào Nam, nhưng tui nhớ cũng chỉ ở lại Sài Gòn, hình như cũng hổng xuống xứ đó.
Nguyễn Tuân chưa về tới Cà Mau ? Hay là Nguyễn đi theo cách của mình, một mình thơ thẩn dò đường ra Mũi không để ai biết ai hay, như kiểu ông từng vào miền Trung tha thẩn với Cửa Đại một đêm ? Riêng chi tiết Nguyễn Tuân về núi Sam Châu Đốc cũng rặt một kiểu của Nguyễn. Nơi ấy thờ Bà Chúa Xứ và Lăng Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại - người có công khai khẩn vùng đất mới này với công trình kỳ vĩ là con kênh Vĩnh Tế dài 90 cây số đào suốt 5 năm trời. Nguyễn đã tìm về đây, để tạ ơn người khai sinh ra quê xứ ...
Tôi về, mang theo cái nhìn lánh đen như than đước của cô gái không tên gặp ở bến Năm Căn. Than hầm từ thân cây đước xứ này nghe nói tốt hơn mọi thứ than củi trên đời, đượm bền hơi lửa và không hề có khói. Không có khói, mà sao bước chân lên tàu rời Mũi, mắt tôi chợt cay nhoè ...
Đất Mũi, tháng 5/2006
Nội dung chính Cà Mau quê xứ
Tác phẩm Cà Mau quê xứ được khắc họa chân thực về mảnh đất Cà Mau, phía cuối của hình chữ S Việt Nam, ông chủ yếu kẻ về chuyến đi trải nghiệm thực tế của mình, kể về khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp và con người hiền lành nơi đây. Tác giả đã bộc lộ những cảm xúc, niềm mến thương nơi này qua từng nét viết. Khung cảnh ở Cà Mau được tác giả gợi ra qua những trang ký của Nguyễn Tuân, Anh Đức và Xuân Diệu.
Tóm tắt Cà Mau quê xứ
Cà Mau- mảnh đất được nhà văn Trần Tuấn lựa chọn là mảnh đất sẽ đến thăm quan và khám phá, tất cả như ngoài sức tưởng tượng của ông một khung cảnh tuyệt đẹp và hài hòa giữa thiên nhiên và con người, để rồi sau chuyến đi đó, tác giả đã viết nên tác phẩm Cà Mau quê xứ. Đối với tác giả, đây là vùng đất luôn nằm trong trí tưởng tượng từ lâu của mình, tác giả đã ấp ủ nó chỉ chờ ngày được xách ba lô lên và đi. Để rồi khi thực sự được đến Cà Mau, tác giả yêu và đắm chìm trong cái khung cảnh và con người nơi đây.
Giá trị nội dung Cà Mau quê xứ
Tác phẩm “Cà Mau quê xứ” của nhà văn Trần Tuấn là một tác phẩm chân thực và cảm động về mảnh đất Cà Mau, vùng đất nằm ở phía cuối của hình chữ S Việt Nam. Tác giả đã viết về chuyến hành trình của mình đến Cà Mau và chia sẻ những trải nghiệm thực tế và những cảm xúc sâu sắc về đất nước và con người nơi này.
Tác phẩm bắt đầu bằng việc Trần Tuấn kể về mục đích của mình khi đến Cà Mau. Ông muốn tìm hiểu và khám phá về vùng đất này, với tất cả những gì ông đã từng nghe và tưởng tượng. Khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp của Cà Mau được tác giả mô tả một cách tinh tế và sống động. Những đoạn ký sự về Cà Mau của các tác giả khác như Nguyễn Tuân, Anh Đức, và Xuân Diệu cũng được đề cập, cho thấy sự tương tác và tương thích giữa những người viết về vùng đất này.
Trong tác phẩm, Trần Tuấn chia sẻ những cảm xúc và tình cảm đặc biệt của mình đối với Cà Mau. Ông đã ghi lại những động viên và hỗ trợ từ những người dân tại đây, cũng như những câu chuyện về cuộc sống của họ. Tác phẩm này là một bức tranh sống động về Cà Mau và là sự tôn vinh của tác giả đối với đất nước và con người Cà Mau.
Giá trị nghệ thuật Cà Mau quê xứ
Tác phẩm “Cà Mau quê xứ” của nhà văn Trần Tuấn là một tác phẩm thể hiện sự kết hợp tinh tế giữa thể thơ tự do, ngôn ngữ đơn giản, và sự khắc họa hiện thực chân thật. Tác giả đã sử dụng thể thơ tự do để tạo ra một không gian sáng tạo linh hoạt, cho phép ông thể hiện tâm hồn và cảm xúc của mình đối với mảnh đất Cà Mau một cách tự do và chân thành.
Trong tác phẩm này, ngôn ngữ được sử dụng rất giản dị nhưng lại ấn tượng và sâu sắc. Tác giả không dùng những từ ngữ phức tạp hay cầu kỳ, mà thay vào đó, ông sử dụng từ ngữ gần gũi, thân quen để diễn đạt những ý tưởng và tình cảm của mình. Những từ ngữ như “Cà Mau quê xứ,” “nguyên dãi đòi,” “lúa mì nở trắng” tạo nên những hình ảnh sống động và hấp dẫn, giúp độc giả dễ dàng hình dung và đồng cảm với tác giả.
Tác phẩm còn khắc họa hiện thực chân thật của Cà Mau một cách rất sinh động. Trần Tuấn đã mô tả vẻ đẹp của thiên nhiên, vùng đất ven biển, và cuộc sống của người dân Cà Mau bằng những chi tiết rất cụ thể. Ông miêu tả những con đường, cánh đồng lúa mì, con người làm nghề chài, những ngôi nhà nhỏ, và cả những món ăn đặc sản của vùng đất này. Tất cả những mô tả này khiến độc giả có cảm giác như mình đang sống trong cảnh vật của Cà Mau.
Tuy tác phẩm chỉ dài khoảng một trang, nhưng nó mang trong mình ý nghĩa to lớn. Trần Tuấn không chỉ miêu tả vẻ đẹp của Cà Mau mà còn thể hiện sự kính trọng và tôn vinh đối với đất nước và con người nơi này. Tác phẩm này trở thành một bức tranh sống động về Cà Mau và là một lời ca tụng tình yêu và tình thân quê hương. Nó thể hiện lòng tự hào và lòng tri ân của tác giả đối với nguồn gốc và vùng đất của mình.
Xem thêm các bài soạn Bố cục Ngữ văn 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Bố cục Mộng đắc thái liên (2024) chính xác nhất lớp 11 -Kết nối tri thức
Bố cục Ai đã đặt tên cho dòng sông? (2024) chính xác nhất lớp 11 - Kết nối tri thức
Bố cục Cây diêm cuối cùng (2024) chính xác nhất lớp 11 - Kết nối tri thức
Bố cục Nữ phóng viên đầu tiên (2024) chính xác nhất lớp 11 - Kết nối tri thức
Bố cục Trí thông minh nhân tạo (2024) chính xác nhất lớp 11 - Kết nối tri thức