Bố cục Bếp lửa (2024) chính xác nhất lớp 8 - Kết nối tri thức

Bố cục Bếp lửa Ngữ văn lớp 8 hay, chính xác nhất sách Kết nối tri thức giúp học sinh nắm được trọng tâm văn bản Bếp lửa từ đó học tốt môn Ngữ văn 8. Mời các em tham khảo:

Bố cục Bếp lửa

- Phần 1 (khổ thơ đầu): Hình ảnh bếp lửa gợi nỗi nhớ về bà của người cháu.

- Phần 2 (bốn khổ thơ tiếp): Những kí ức tuổi thơ khi còn sống cùng bà, gắn liền với bếp lửa.

- Phần 3 (khổ thơ thứ 6): Suy ngẫm của người cháu về cuộc đời bà.

- Phần 4 (khổ cuối): Tình cảm của cháu dành cho bà, dù đã khôn lớn.

Bếp lửa

Đọc tác phẩm Bếp lửa

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

Một bếp lửa ấp iu nồng đượm

Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.

Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói

Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi

Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy

Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu

Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!

Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa

Tu hú kêu trên những cánh đồng xa

Khi tu hú kêu, bà còn nhớ không bà

Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế

Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!

Mẹ cùng cha công tác bận không về

Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe

Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học

Nhóm bếp lửa nhĩ thương bà khó nhọc

Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà

Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?

Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi

Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi

Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh

Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh.

“Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,

Mày có viết thư chớ kể này, kể nọ,

Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!”

Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen

Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn

Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…

Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa

Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ

Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm

Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm

Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi

Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui

Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ…

Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa!

Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu,

Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,

Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:

- Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?...

Bài thơ: Bếp lửa - Bằng Việt - Tạp Chí Tao Đàn

Tóm tắt Bếp lửa

“Bếp lửa” của Bằng Việt là những hồi tưởng và suy ngẫm của người cháu đã trưởng thành, nhớ lại những kỉ niệm đầy xúc động về người bà và tình bà cháu. Qua đó, bộc lộ những tình cảm sâu nặng đối với gia đình, quê hương, đất nước. Từ phương trời Tây, người cháu nhớ về bà, nhớ về bếp lửa quê hương trong cảm xúc ngậm ngùi. ngày ấy, kẻ thù xâm chiếm, gây cảnh đau thương. Bố mẹ đi kháng chiến, người cháu ở cùng bà. Bà thay bố mẹ chăm sóc và dạy bảo cháu từng ngày. Nhớ nhất là hình ảnh bếp lửa do bà nhóm mỗi ngày. Từ bàn tay bà, bếp lửa đã cháy lên trong mọi hoàn cảnh, cháy lên xuyên suốt những tháng ngày tuổi thơ của người cháu. Bếp lửa là nguồn sưởi ấm, chở che, là nguồn sống, nguồn sẻ chia, trở thành kỷ niệm không bao giờ quên được. Bếp lửa chứa đựng tình bà cháu thiêng liêng, bất diệt. Nay người cháu đã xa bà, xa quê hương nhưng hình ảnh người bà hiền hậu, hình ảnh bếp lửa nồng ấm được thắp lên mỗi sớm mai từ đôi bàn tay bà mãi mãi trở thành kí ức không bao giờ quên.

Nội dung chính Bếp lửa

“Bếp lửa” của Bằng Việt là những hồi tưởng và suy ngẫm của người cháu đã trưởng thành, nhớ lại những kỉ niệm đầy xúc động về người bà và tình bà cháu. Qua đó, bộc lộ những tình cảm sâu nặng đối với gia đình, quê hương, đất nước.

Ý nghĩa nhan đề Bếp lửa

Bếp lửa là hình ảnh quen thuộc, gần gũi đối với con người Việt Nam. Nó là kỉ niệm ấu thơ giữa tác giả và người bà. Bếp lửa cũng là hình ảnh biểu tượng cho sự chăm sóc, yêu thương mà người bà dành cho cháu. Bếp lửa còn là biểu tượng của gia đình, quê hương, đất nước, cội nguồn… có ý nghĩa thiêng liêng nâng bước người cháu trên suốt hành trình dài rộng của cuộc đời.

Giá trị nội dung Bếp lửa

Từ những suy ngẫm của người cháu, bài thơ biểu hiện một triết lí sâu sắc: Những gì thân thiết nhất của tuổi thơ mỗi người đều có sức tỏa sáng, nâng bước con người trong suốt hành trình dài rộng của cuộc đời. Tình yêu đất nước bắt nguồn từ lòng yêu quý ông bà, cha mẹ, từ những gì gần gũi và bình dị nhất.

Giá trị nghệ thuật Bếp lửa

- Kết hợp nhuần nhuyễn giữa biểu cảm với miêu tả, tự sự và bình luận.

- Sáng tạo hình ảnh bếp lửa gắn liền với hình ảnh người bà, làm điểm tựa khơi gợi mọi kỉ niệm, cảm xúc và suy nghĩ về bà và tình bà cháu.

Xem thêm các bài Soạn Bố cục Ngữ văn 8 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bố cục Mắt sói (2024) chính xác nhất lớp 8 - Kết nối tri thức

Bố cục Lặng lẽ Sa Pa (2024) chính xác nhất lớp 8 - Kết nối tri thức

Bố cục Chiếc lá cuối cùng (2024) chính xác nhất lớp 8 - Kết nối tri thức

Bố cục Đồng chí (2024) chính xác nhất lớp 8 - Kết nối tri thức

Bố cục Lá đỏ (2024) chính xác nhất lớp 8 - Kết nối tri thức

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!