Bệnh giời leo là gì? Nhận biết, cách điều trị và phòng tránh

Giời leo là cách gọi mà dân gian thường dùng để chỉ tình trạng viêm da tiếp xúc (contact dermatitis) do độc tố của côn trùng (bọ giời, kiến ba khoang…). Bệnh thường gây khó chịu và phiền toái cho người gặp phải.

Giời leo là bệnh gì?

Đây là một bệnh khá phổ biến và được dân gian biết đến từ rất lâu, bệnh giời leo không quá nguy hiểm nhưng có thể để lại di chứng nếu không điều trị đúng cách và kịp thời. Bệnh này xuất hiện quanh năm nhưng thường phổ biến nhất vào mùa gặt, các thời điểm chuyển giao mùa hay thời tiết có độ ẩm cao.

Nguyên nhân gây bệnh giời leo

Những côn trùng gây viêm da tiếp xúc thường là bướm, bù mắt, sâu ban miêu (Meloidae), bọ giời, rết (Myriapoda), kiến ba khoang (Paederus fuscipes Curtis)... 

Một số loại côn trùng gây bệnh “giời leo”: Kiến ba khoang (bên trái), con bọ giời (phía trên phải), sâu ban miêu (phía dưới phải). (Nguồn bacsiviemdacodia.com)

Người làm việc hoặc ngủ, tắm dưới ánh đèn; người làm vườn, chăm sóc cây kiểng có thể bị côn trùng bám vào khăn lau, vào cổ, mặt hay vùng da hở tứ chi, thân mình.

Phản xạ tự nhiên dùng tay quệt, đập... sẽ làm các độc chất gây bỏng da như pederin của kiến ba khoang, cantharidin của sâu ban miêu hay phosphor của con giời tiết ra gây viêm da tại vị trí tiếp xúc.

Giời leo biểu hiện ra sao?

Lúc đầu bệnh nhân có cảm giác ngứa rát, nổi hồng ban nơi vùng da tiếp xúc với côn trùng. 

Triệu chứng giời leo (Nguồn healthline.com)

Sau 6-12 giờ, sang thương sẽ sưng phù và thường kéo thành vệt dài giống như vết cào gãi, trên có nhiều mụn nước kích thước 1-5mm không đều và biến thành mụn mủ 2-3 ngày sau. Cảm giác ngứa, rát tăng dần nhưng không đau nhức.

Có thể kèm theo sốt nhẹ, nổi hạch vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với vị trí tổn thương. 

Các mụn mủ tiến triển khoảng 3-5 ngày thì đóng vẩy tiết, khô dần, để lại vết sẫm màu khi bong vẩy. 

Thời gian tiến triển viêm da tiếp xúc có thể kéo dài 1-3 tuần. Một số trường hợp viêm da tiếp xúc nhẹ chỉ có vết đỏ da, lấm tấm mụn nước nhỏ, hơi ngứa, tự khỏi sau 3-5 ngày.

Phân biệt giời leo với zona thần kinh

Bệnh zona thần kinhNhiều người bị zona thần kinh nhưng lại nhầm lẫn với giời leo và ngược lại, 2 bệnh này nhìn qua thì có vẻ giống nhau nhưng thật chất thì khác nhau: 

Về nguyên nhân: Nguyên nhân gây ra bệnh zona thần kinh là do virus thủy đậu (Varicella zoster virus) tái nhiễm lên người đã từng bị thủy đậu còn những người chưa từng bị thủy đậu thì sẽ không bị zona. Nguyên nhân gây ra bệnh giời leo là do da tiếp xúc với độc tố tiết ra từ côn trùng (như là loài bọ giời).

Cảm giác đau nhức: Khi bị bệnh zona thần kinh, người bệnh xuất hiện cảm giác đau nhức mình mẩy nhiều, nếu không chữa trị kịp thời có thể gây đau nhức về sau rất nghiêm trọng. Người bị bệnh giời leo chủ yếu là cảm giác đau, ngứa do bỏng rát gây ra.

Nổi mẩn: Bệnh nhân mắc bệnh zona thần kinh nổi nhiều mụn nước to, màu đỏ, các mụn này dính thành từng chùm, mụn nước theo thời gian sẽ hợp lại thành các bọng nước có chứa chất dịch đục. Người mắc bệnh giời leo cũng có vết mụn nước nhưng thường nhỏ, giống mụn mủ.

Vùng tổn thương: Khi bị bệnh zona thần kinh các vết mụn nước sẽ lan tập trung ở 1 bên cơ thể đi theo dây thần kinh thành từng vệt dài như 1 bên mặt, 1 bên lưng, 1 bên ngực… hiếm khi lan rộng 2 bên thân. Với bệnh nhân bị giời leo thì vùng tổn thương có thể ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, vị trí tiếp xúc với độc tố của côn trùng như chân, tay, mặt, cổ, bụng...

Cách xử trí giời leo tại nhà

Các mụn mủ nơi da tiếp xúc với côn trùng tiến triển 5-7 ngày thì đóng vẩy tiết, khô dần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, ở một số người, phản ứng dị ứng lại có thể kéo dài 1-3 tuần và dễ bị bội nhiễm vi khuẩn.

Ðể hạn chế tình trạng viêm, mọi người nên rửa sạch vùng da tiếp xúc côn trùng với nước và xà phòng; tạm sử dụng các thuốc bôi sát khuẩn ngoài da như milian, eosine; nếu ngứa nhiều có thể dùng thêm cezil, chlorpheniramine.

Nếu không thể phân biệt bệnh giời leo với bệnh zona thần kinh, chúng ta nên tới gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được khám, tư vấn và xử trí bệnh đúng cách. Bệnh giời leo không khó để chữa trị nhưng nếu không được điều trị đúng cách sẽ để lại những ảnh hưởng tới thẩm mỹ.

Thanh nhiệt giải độc cơ thể bằng việc duy trì chế độ ăn hợp lý, bổ sung đầy đủ các dưỡng chất, vitamin, khoáng chất cần thiết để tăng sức đề kháng của cơ thể. Ăn nhiều thực phẩm có chất xơ, rau củ quả có màu xanh, uống nhiều nước để giải độc cho cơ thể.

Lưu ý khi điều trị giời leo

Theo kinh nghiệm dân gian chưa có bằng chứng khoa học về việc dùng đỗ xanh nhai nát hoặc các nước ép một số cây thảo dược thúc đẩy tốc độ lành da do vậy hết sức chú ý trước nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn.

Không nên làm vỡ các nốt phỏng nước, nếu lam vỡ ra sẽ làm lan sang vùng da bên cạnh.

Không tự ý bôi hay uống acyclovir, bởi chúng chỉ có tác dụng với virus gây bệnh zona.

Bệnh thường tự hết trong 5 - 7 ngày nếu được chăm sóc tốt. Không nên tự ý bôi các loại thuốc truyền tai như corticoid vì đây là thuốc bán theo đơn cần được sự hướng dẫn của bác sỹ chuyên khoa.

Dù đây là bệnh ngoài da dễ dàng chữa trị nhưng bạn cũng không nên chủ quan, cần giữ vệ sinh vết thương, bôi thuốc thường xuyên để vết thương mau khô và lành lại tránh lây lan gây ra những biến chứng nặng hơn.

Khi lành, các sang thương viêm da dị ứng do tiếp xúc với dịch tiết côn trùng sẽ bong vảy và để lại vết sẹo thâm đen. Ít nhất từ 1-2 tháng sau, các vết thâm này mới từ từ phai mờ dần rồi sẽ mất hẳn mà không cần dùng thuốc.

Phòng tránh bệnh giời leo

Không như các bệnh về da do virus hay vi khuẩn khác, giời leo hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng một vài biện pháp sau đây:

  1. Trong mùa gặt, thời kỳ sinh sản của côn trùng, không nên bật đèn sáng trong phòng khi ngủ. Vì côn trùng thường sẽ theo ánh sáng bay vào nhà.
  2. Không dùng tay đập côn trùng để tránh độc tố gây giời leo dính vào người. Còn không nên rửa tay sạch bằng xà phòng nếu vô tình đập phải chúng. Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, nhất là các nơi ẩm thấp, côn trùng dễ trú ngụ.
  3. Vệ sinh thân thể mỗi ngày, ăn mặc thoáng mát, quần áo sạch sẽ.
  4. Khi ngủ nên kiểm tra kĩ mền gối, mắc mền để tránh côn trùng bò qua người cũng như nên ngủ trên giường cao.
  5. Không nên phơi quần áo vào ban đêm.
  6. Khi bị giời leo, người bệnh không nên sờ tay vào vùng da bị bệnh rồi chạm vào các vùng da khác. Giời leo rất dễ lây lan qua tiếp xúc thông thường.
  7. Chăm sóc vùng da bị bệnh bằng những vật dụng cá nhân riêng để tránh lây lan.
  8. Cảm thấy có dấu hiệu nóng rát, đau hoặc nổi vệt đỏ ở vùng da nào thì nên dùng dung dịch nước muối rửa sạch để chống viêm sau đó nhờ sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

Bệnh giời leo là bệnh không lây nhiễm, có thể điều trị khỏi hoàn toàn, bạn nên tuân thủ theo các phương pháp điều trị đúng đắn để bệnh nhanh lành và không để lại sẹo. Trong trường hợp bệnh nặng hơn, không tự khỏi thì bạn nên đến bác sĩ để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị thích hợp.

Xem tất cả hỏi đáp với chuyên mục: Giời leo
Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!