Đọc văn bản
Mẹ và quả
(Nguyễn Khoa Điềm)
Những mùa quả mẹ tôi hái được
Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng
Những mùa quả lặn rồi lại mọc
Như mặt trời, khi như mặt trăng.
Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi.
Và chúng tôi, một thứ quả trên đời
Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái
Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả non xanh?
Nguồn: Thơ Nguyễn Khoa Điềm, tuyển tập 40 năm do tác giả chọn, NXB Văn học, 2012
Tác giả tác phẩm: Mẹ và quả - Ngữ văn 7
Tác giả
- Nguyễn Khoa Điềm sinh ngày 15 tháng 4 năm 1943, tại thôn Ưu Điềm, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế;
- Quê quán: làng An Cựu, xã Thủy An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
- Thơ của Nguyễn Khoa Điềm lấy chất liệu từ văn học Việt Nam và cảm hứng từ quê hương, con người, và tình thần chiến đấu của người chiến sĩ Việt Nam yêu nước...
- Thơ ông hấp dẫn bởi sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước và con người Việt Nam.
Tác phẩm Mẹ và quả
1. Thể loại
Thơ bảy chữ kết hợp 8 chữ
2. Xuất xứ
Tuyển tập 40 năm do tác giả chọn
3. Phương thức biểu đạt
Tự sự +biểu cảm
4. Tóm tắt tác phẩm Mẹ và quả
Tình cảm chân thành, tha thiết của người con đối với người mẹ kính yêu của mình, đã phải chịu đựng biết bao vất vả thiệt thòi.
5. Bố cục tác phẩm Mẹ và quả
Chia bài thơ làm 2 đoạn:
- 2 khổ thơ đầu: Thể hiện lòng mong mỏi đợi chờ cũng như công phu khó nhọc của người mẹ khi chăm sóc cây trái trong vườn.
- Khổ thơ cuối: Sự băn khoăn lo lắng khi mẹ đã già mà mình còn chưa trưởng thành.
6. Giá trị nội dung tác phẩm Mẹ và quả
- Ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng
- Mỗi người con đều phải biết yêu thương quý mến mẹ của mình.
7. Giá trị nghệ thuật tác phẩm Mẹ và quả
- Thể thơ 7 chữ kết hợp 8 chữ giàu nhịp điệu, sâu lắng
- Ngôn ngư thơ giản dị, mộc mạc, dễ hiểu