Video Thuốc Atropine
Tên chung: Atropine (dạng tiêm)
Dạng bào chế: dung dịch tiêm (0,05 mg/ml; 0,1 mg/ml; 0,4 m/ ml; 0,4 mg/ ml-NaCl 0,9%; 1 mg/ml); dung dịch tiêm bắp (2 mg/0,7 ml); dung dịch tiêm tĩnh mạch (0,1 mg/ml; 0,4 mg/ml-NaCl 0,9%)
Nhóm thuốc: Thuốc kháng cholinergic/thuốc chống co thắt, Thuốc giải độc
Công dụng của Atropine
Atropine được sử dụng để giúp giảm nước bọt, chất nhầy hoặc các chất tiết khác trong đường hô hấp trong khi phẫu thuật.
Atropine đôi khi được sử dụng như một loại thuốc giải độc để điều trị một số loại ngộ độc. Thuốc cũng có thể được sử dụng cho các mục đích không được liệt kê dưới đây.
Cảnh báo/Thận trọng
Đến bệnh viện ngay lập tức sau khi sử dụng Atropine để điều trị ngộ độc. Sau khi tiêm Atropine, người bệnh vẫn cần thăm khám, điều trị và theo dõi thêm.
Hãy cho bác sĩ biết trước khi được chỉ định tiêm Atropine nếu bạn có tiền sử mắc:
- Hen suyễn hoặc rối loạn thở khác
- Bệnh tăng nhãn áp
- Phì đại tuyến tiền liệt
- Vấn đề về tiểu tiện
- Rối loạn nhịp tim
- Bệnh gan hoặc thận
- Bệnh nhược cơ
- Tắc ruột
Hãy nhờ sự tư vấn của bác sĩ sản khoa nếu bạn đã được tiêm Atropine khẩn cấp khi đang mang thai hoặc cho con bú.
Cách dùng Atropine
Atropine thường được chỉ định tiêm bắp, tiêm dưới da hoặc truyền vào tĩnh mạch. Nhân viên y tế có thể tiêm cho bạn hoặc hướng dẫn bạn cách tự sử dụng thuốc đúng cách.
Atropine thường được dùng càng sớm càng tốt sau khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng ngộ độc.
Có thể cần theo dõi đến 72 giờ sau tiêm để đảm bảo rằng thuốc có hiệu lực và bạn không còn bị ảnh hưởng của chất độc.
Nên làm gì nếu quên một liều?
Vì Atropine được sử dụng khi cần thiết nên không có lịch dùng thuốc hàng ngày.
Nên làm gì nếu dùng quá liều?
Bạn sẽ được theo dõi chặt chẽ để đảm bảo không dùng quá liều Atropine. Nhân viên y tế sẽ nhanh chóng điều trị nếu bạn có các triệu chứng của quá liều thuốc.
Các triệu chứng quá liều có thể bao gồm các vấn đề về thị lực, sốt, cảm thấy không vững, mất thăng bằng hoặc phối hợp, khó tập trung, nhịp tim nhanh, lú lẫn, ảo giác (nhìn hoặc nghe thấy mọi thứ), thở yếu hoặc nông hoặc ngừng thở.
Những điều nên tránh khi dùng Atropine?
Tránh lái xe hoặc hoạt động nguy hiểm do khả năng phản ứng có thể suy giảm sau khi tiêm Atropine.
Tránh để cơ thể quá nóng hoặc để bị mất nước khi tập thể dục và trong thời tiết nóng bức. Atropine có thể làm giảm tiết mồ hôi và bạn có thể dễ bị say nóng hơn.
Tác dụng phụ của Atropine
Gọi số điện thoại cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất nếu có các dấu hiệu của phản ứng dị ứng thuốc: nổi mề đay; khó thở; sưng mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng.
Hãy thông báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu bạn có triệu chứng:
- Bị ngất đi
- Nhịp tim đập thình thịch hoặc nhịp không đều trong lồng ngực
- Buồn nôn, nôn, đau dạ dày, cảm thấy no sau khi ăn một lượng nhỏ
- Mờ mắt, nhìn đường hầm, đau mắt hoặc nhìn thấy quầng sáng xung quanh đèn
- Khó nuốt
- Bồn chồn hoặc phấn khích
- Run, các vấn đề với thăng bằng hoặc chuyển động cơ bắp
- Tăng khát nước, da nóng và khô
- Mệt mỏi
- Phát ban da nghiêm trọng
Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm:
- Nhịp tim nhanh, đập thình thịch hoặc nhịp không đều trong lồng ngực;
- Đỏ bừng (nóng đột ngột, đỏ hoặc cảm giác ngứa ran)
- Các vấn đề về tiết niệu
- Táo bón, đầy bụng, đau bụng, buồn nôn, nôn
- Mất hứng thú với tình dục, liệt dương
- Khô miệng
- Khô mắt, mờ mắt, mắt có thể nhạy cảm hơn với ánh sáng
- Lú lẫn, chóng mặt
- Đau đầu, buồn ngủ
Trên đây không phải là danh sách đầy đủ các tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng Atropine. Nếu có thắc mắc, hãy liên hệ với bác sĩ điều trị để được tư vấn cụ thể.
Những loại thuốc khác sẽ ảnh hưởng đến Atropine?
Atropine có thể khiến cơ thể khó hấp thụ các loại thuốc khác mà bạn dùng bằng đường uống, bao gồm thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, vitamin và các sản phẩm thảo dược. Vì vậy, để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, cung cấp cho bác sĩ về danh sách các loại thuốc bạn đang sử dụng, đặc biệt là Pralidoxime.
Lưu ý: để thuốc này và tất cả các loại thuốc khác ngoài tầm với của trẻ em, không bao giờ dùng chung thuốc với người khác và chỉ sử dụng thuốc này theo chỉ định được kê đơn.