Video Làm thế nào sớm biết nếu mắc ung thư dạ dày?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư dạ dày gây ra 783.000 ca tử vong trên toàn thế giới vào năm 2018. Đây là bệnh ung thư phổ biến thứ sáu trên toàn thế giới nhưng là nguyên nhân thứ ba gây tử vong liên quan đến ung thư.
Theo Globocan – dự án của cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế thuộc WHO, năm 2018, tại Việt Nam có thêm 17.527 ca mắc mới và 15.065 người tử vong vì căn bệnh này.
Khoảng 90-95% tất cả các trường hợp mắc ung thư dạ dày là ung thư biểu mô tuyến. Trong loại này, ung thư phát triển từ các tế bào của lớp niêm mạc – lớp niêm mạc tạo ra chất nhầy trong dạ dày.
Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết cách nhận biết, chẩn đoán và điều trị, cũng như các yếu tố nguy cơ của ung thư dạ dày.
Triệu chứng của ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày có thể gây ra một số triệu chứng. Tuy nhiên, những triệu chứng này có thể không xuất hiện trong nhiều năm vì ung thư dạ dày phát triển rất chậm. Vì lý do này, nhiều người bị ung thư dạ dày đã không được chẩn đoán sớm cho đến khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng hơn.
Các triệu chứng trong giai đoạn đầu của ung thư dạ dày bao gồm:
- Cảm giác rất no trong bữa ăn
- Khó nuốt
- Cảm thấy bị đầy hơi sau bữa ăn
- Ợ hơi thường xuyên
- Bị ợ nóng
- Chứng khó tiêu không chữa trị được
- Đau bụng
- Đau phía trong xương ức
- Bị đầy bụng
- Nôn mửa, có thể nôn ra máu
Tuy nhiên, nhiều triệu chứng trong số này rất giống với các triệu chứng của một số bệnh không nghiêm trọng khác. Nhưng bất kỳ ai có yếu tố nguy cơ mắc ung thư dạ dày nếu gặp khó khăn khi nuốt thì phải đi khám ngay lập tức.
Khi ung thư dạ dày tiến triển nặng hơn, một số người có thể gặp các triệu chứng sau:
- Thiếu máu
- Đầy bụng, có dịch trong ổ bụng, sờ thấy u ở bụng
- Đi ngoài phân đen, có máu
- Mệt mỏi
- Ăn mất ngon
- Bị giảm cân
Phương pháp điều trị ung thư dạ dày
Điều trị ung thư dạ dày phụ thuộc vào một số yếu tố như mức độ nghiêm trọng của bệnh, sức khỏe tổng thể và sự lựa chọn phương pháp điều trị của mỗi người.
Các phương pháp điều trị bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, thuốc và tham gia các thử nghiệm lâm sàng.
Phẫu thuật
Bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ tế bào ung thư dạ dày cũng như một phần tế bào khỏe mạnh và đảm bảo không để lại bất kỳ một tế bào ung thư nào trong dạ dày.
Phẫu thuật có thể bao gồm:
- Cắt niêm mạc qua đường nội soi: Bác sĩ phẫu thuật sẽ phẫu thuật qua đường nội soi để loại bỏ các khối u nhỏ trên lớp niêm mạc dạ dày. Phương pháp này thường được các bác sĩ khuyến cáo khi bạn bị ung thư dạ dày ở giai đoạn đầu, chưa xâm lấn ra xung quanh.
- Cắt dạ dày một phần: Phương pháp này cắt bỏ một phần của dạ dày.
- Cắt toàn bộ dạ dày: Bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ dạ dày.
Phẫu thuật bụng là một phẫu thuật quan trọng và cần thời gian hồi phục lâu dài. Người bệnh có thể phải ở lại bệnh viện trong 2 tuần sau khi phẫu thuật. Sau đó vài tuần thì hồi phục tại nhà.
Xạ trị
Trong xạ trị, bác sĩ sẽ sử dụng các tia phóng xạ để nhắm mục tiêu và tiêu diệt các tế bào ung thư. Đây là phương pháp không phổ biến trong điều trị ung thư dạ dày vì nguy cơ sẽ gây hại cho các cơ quan lân cận.
Tuy nhiên, nếu ung thư ở giai đoạn nặng hoặc gây ra các triệu chứng nghiêm trọng như xuất huyết hoặc đau dữ dội, thì nên điều trị bằng xạ trị.
Bác sĩ có thể kết hợp xạ trị với hóa trị trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u để sau đó phẫu thuật cắt bỏ được dễ dàng hơn. Bác sĩ cũng có thể xạ trị sau khi phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại xung quanh dạ dày.
Tác dụng phụ của xạ trị có thể gây khó tiêu, buồn nôn, nôn và tiêu chảy.
Hóa trị liệu
Hóa trị là một phương pháp điều trị chuyên khoa sử dụng thuốc để ngăn chặn sự phát triển nhanh chóng của các tế bào ung thư. Những loại thuốc này được gọi là thuốc gây độc tế bào. Đây là phương pháp điều trị chính cho bệnh ung thư dạ dày đã di căn đến các vị trí xa trong cơ thể.
Thuốc đi khắp cơ thể của người bệnh và tấn công các tế bào ung thư tại vị trí nguyên phát của ung thư và bất kỳ khu vực nào khác mà tế bào ung thư đã di căn đến.
Trong điều trị ung thư dạ dày, bác sĩ có thể tiến hành hóa trị để thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật hoặc tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau khi phẫu thuật.
Liệu pháp điều trị đích
Liệu pháp điều trị đích sẽ tấn công các protein cụ thể mà tế bào ung thư sản xuất. Trong khi hóa trị liệu nhắm mục tiêu vào các tế bào đang phân chia nhanh chóng nói chung thì điều trị đích sẽ tập trung vào các tế bào ung thư với các đặc điểm khác.
Phương pháp này làm giảm số lượng tế bào khỏe mạnh bị tiêu diệt so với phương pháp hóa trị liệu.
Có hai loại thuốc điều trị đích cho những người bị ung thư dạ dày dùng đường truyền tĩnh mạch:
- Trastuzumab (Herceptin): Thuốc này nhắm vào HER2 - một loại protein thúc đẩy sự phát triển của tế bào. Một số bệnh ung thư dạ dày tạo ra lượng HER2 quá mức.
- Ramucirumab (Cyramza): Thuốc này tập trung vào việc ngăn chặn một loại protein gọi là VEGF – protien này kích thích cơ thể sản xuất các mạch máu mới cung cấp chất dinh dưỡng cho tế bào ung thư phát triển.
Liệu pháp miễn dịch
Đây là phương pháp điều trị sử dụng thuốc để khuyến khích các tế bào miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào ung thư.
Những người bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối đã dùng hai hoặc nhiều phương pháp điều trị khác thì nên áp dụng liệu pháp miễn dịch này.
Chẩn đoán ung thư dạ dày
Những người có các triệu chứng dai dẳng của ung thư dạ dày nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, tiền sử gia đình và bệnh sử của họ, các lối sống như thói quen ăn uống, liệu họ có hút thuốc lá hay không? Bác sĩ cũng sẽ khám sức khỏe để kiểm tra khối u của dạ dày.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm máu để xác định xem có tăng một số chất chỉ điểm bệnh ung thư hay không. Ngoài ra, còn có thể chỉ định xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu toàn phần để đo số lượng tế bào hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và hemoglobin.
Nếu bác sĩ nghi ngờ ung thư dạ dày thì sẽ giới thiệu người bệnh đến bác sĩ chuyên khoa về tiêu hóa để làm các xét nghiệm kỹ hơn.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh ung thư dạ dày bao gồm:
Nội soi dạ dày
Bác sĩ chuyên khoa sử dụng ống nội soi để quan sát bên trong dạ dày. Bác sĩ sẽ kiểm tra thực quản, dạ dày và tá tràng - là phần đầu tiên của ruột non.
Nếu bác sĩ nghi ngờ ung thư thì sẽ làm sinh thiết khối u để thu thập các mẫu mô và gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích.
Chụp CT Scanner (cắt lớp vi tính)
Một bản chụp CT sẽ đưa chi tiết, hình ảnh đa chiều của các cơ quan bên trong cơ thể.
Trước khi chụp CT, bác sĩ có thể tiêm thuốc cản quang hoặc yêu cầu người bệnh uống thuốc cản quang. Thuốc cản quang cho phép máy chụp cắt lớp tạo ra hình ảnh rõ ràng hơn về các cơ quan bị ảnh hưởng.
Chụp X quang thực quản dạ dày
Phương pháp chụp X quang này giúp xác định các bất thường trong dạ dày. Đầu tiên, người bệnh được cho uống thuốc đối quang dạ dày (Barit) đi qua thực quản và dạ dày. Sau đó, bác sĩ sẽ chụp X-quang thực quản và dạ dày.
Các yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, bao gồm:
Các tình trạng bệnh
Các tình trạng bệnh liên quan đến ung thư dạ dày bao gồm:
- Nhiễm vi khuẩn H. pylori (HP) trong dạ dày
- Bệnh chuyển sản ruột, xảy ra khi các tế bào trong dạ dày thay đổi và có cấu trúc tương tự tế bào ruột
- Loét dạ dày tá tràng
- Viêm teo niêm mạc dạ dày mãn tính, hoặc viêm dạ dày lâu dài làm mỏng lớp niêm mạc dạ dày
- Thiếu máu ác tính, có thể do thiếu vitamin B12
- Polyp dạ dày
Một số bệnh di truyền làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, bao gồm:
- Hội chứng Li-Fraumeni
- Bệnh đa polyp tuyến gia đình (FAP)
- Hội chứng Lynch
- Người có nhóm máu A
Hút thuốc lá
Những người hút thuốc thường xuyên và lâu dài thì có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn so với những người không hút thuốc.
Tiền sử gia đình
Có một người thân mắc ung thư dạ dày thì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Chế độ ăn
Những người thường xuyên ăn thực phẩm chứa nhiều muối, dưa muối, hoặc thực phẩm hun khói thì có nguy cơ cao bị ung thư dạ dày. Ăn nhiều thịt đỏ và ngũ cốc tinh chế cũng làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Một số thực phẩm có chứa các chất có thể có liên quan đến ung thư. Ví dụ, dầu thực vật thô, hạt ca cao, lạc, quả sung, các loại thực phẩm và gia vị khô khác có chứa aflatoxin. Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa aflatoxin với bệnh ung thư ở một số loài động vật.
Tuổi tác
Nguy cơ mắc ung thư dạ dày tăng đáng kể sau 50 tuổi. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (The American Cancer Society), 60% những người được chẩn đoán ung thư dạ dày từ 65 tuổi trở lên.
Giới tính
Nam giới dễ bị ung thư dạ dày hơn nữ giới.
Tiền sử phẫu thuật dạ dày
Phẫu thuật dạ dày hoặc cắt một phần dạ dày để điều trị bệnh không phải ung thư như điều trị loét, có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày nhiều năm sau phẫu thuật.
Những người có các triệu chứng và có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ này thì nên đi khám bác sĩ để được tư vấn.
Phòng ngừa bệnh ung thư dạ dày
Không có cách nào để ngăn ngừa hoàn toàn bệnh ung thư dạ dày. Tuy nhiên, có thể thực hiện các bước sau để giảm nguy cơ mắc bệnh:
Chế độ ăn
Một số chế độ ăn lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ ung thư dạ dày.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (The American Cancer Society) cho rằng nên ăn ít nhất 350g trái cây và rau mỗi ngày để giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
Họ cũng khuyến nghị nên giảm số lượng thực phẩm ngâm, muối và hun khói trong chế độ ăn uống. Chuyển ngũ cốc tinh chế sang ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì và mì ống. Việc thay thế thịt đỏ hoặc thịt đã qua chế biến bằng các loại đậu, cá và thịt gia cầm, cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Bỏ thuốc lá
Hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư ở phần dạ dày gần thực quản. Những người đang hút thuốc nên bỏ thuốc lá. Những người chưa hút thuốc thì nên tránh tiếp xúc với khói thuốc.
Dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Sử dụng các loại thuốc NSAID như aspirin, naproxen hoặc ibuprofen, có thể làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày. Tuy nhiên, các loại thuốc này có thể đem lại rủi ro như chảy máu bên trong gây đe dọa tính mạng.
Chỉ dùng NSAID để điều trị các tình trạng khác như viêm khớp. Không nên lạm dụng dùng thuốc này để giảm nguy cơ ung thư dạ dày.
Kiểm tra các tình trạng và bệnh ung thư khác
Những người mắc hội chứng ung thư dạ dày lan tỏa di truyền và hội chứng Lynch làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Vì vậy, những người này sau khi nhận được lời khuyên của bác sĩ thì nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh tốt nhất.
Những người cùng huyết thống với người bị ung thư dạ dày và người bị ung thư vú tiểu thùy xâm lấn trước 50 tuổi thì nên làm xét nghiệm di truyền sớm.
Nếu xét nghiệm cho thấy có những thay đổi trong gen CDH1, bác sĩ có thể khuyên bạn nên cắt bỏ dạ dày trước khi ung thư phát triển.
Nghiên cứu hiện tại đang xem xét mối liên hệ giữa ung thư dạ dày và việc nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori ) mãn tính trong niêm mạc dạ dày.
Các nghiên cứu ban đầu cho thấy điều trị nhiễm vi khuẩn H. pylori bằng thuốc kháng sinh có thể làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày, mặc dù cần phải nghiên cứu thêm về vấn đề này.
Tuổi thọ của bệnh nhân ung thư dạ dày
Tiên lượng của bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày nói chung không tốt.
Tỷ lệ sống 5 năm tương đối là khả năng một người bị ung thư dạ dày sẽ sống sót trong 5 năm hoặc lâu hơn khi so sánh với một người không bị ung thư. Tỷ lệ sống sẽ giảm dần khi ung thư trở nên nặng hơn và lan rộng ra ngoài khối u ban đầu (di căn).
Nếu một người được chẩn đoán và điều trị trước khi ung thư dạ dày di căn thì tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 68%. Nếu ung thư xâm lấn vào các thành phần sâu hơn trong dạ dày, tỷ lệ này giảm xuống còn 31%.
Một khi ung thư dạ dày đã di căn đến các cơ quan ở xa thì tỷ lệ sống sót giảm xuống còn 5%.
Chẩn đoán sớm là chìa khóa để cải thiện được tuổi thọ cho bệnh nhân ung thư dạ dày.
Xem thêm :