Video những điều cần biết về nhổ răng an toàn
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu được phân loại và lý do của chỉ định nhổ răng, cũng như cách chăm sóc vết thương sau nhổ răng.
Nhổ răng là gì?
Nhổ răng là việc loại bỏ răng khỏi xương ổ răng.
Nha sĩ và bác sĩ phẫu thuật hàm mặt sẽ chỉ định nhổ răng vì nhiều lý do khác nhau, bao gồm:
- Sâu răng
- Viêm nha chu
- Áp-xe răng
- Chấn thương vùng hàm mặt
- Răng khôn mọc lệch
- Chuẩn bị cho phục hình răng
- Chuẩn bị cho niềng răng, nếu răng chen chúc nhiều
- Răng sữa không rụng đúng độ tuổi
Phân loại nhổ răng
Phụ thuộc vào hình dạng, kích thước, vị trí của răng trong khoang miệng mà có thế phân loại đơn giản hoặc phức tạp.
Những răng đã mọc trên lợi và nha sĩ có thể dễ dàng loại bỏ răng khỏi ổ răng sẽ được phân loại đơn giản.
Nhổ răng phức tạp bao gồm việc loại bỏ mô mềm, xương hoặc cả hai. Nha sĩ có thể cần cắt răng thành nhiều mảnh.
Răng khôn mọc sau cùng và dễ mọc lệch nên thường xuyên phải loại bỏ để tránh biến chứng.
Chuẩn bị nhổ răng
Bạn sẽ được tư vấn trước về quá trình nhổ răng.
Trong quá trình tư vấn, nha sĩ sẽ hỏi kỹ về tiền sử bệnh và về những loại thuốc bạn đang sử dụng.
Một số người cần ngừng hoặc bắt đầu dùng một số loại thuốc vài ngày trước khi nhổ răng, tùy thuộc vào quá trình nhổ răng đơn giản hay phức tạp.
Ngừng sử dụng thuốc chống đông
Nhiều người dùng thuốc chống đông để hạn chế hình thành cục máu đông trong động mạch. Nhưng loại thuốc này có thể dẫn đến chảy máu nhiều hơn sau nhổ răng, từ đó vết thương sẽ khó lành hơn.
Nha sĩ sẽ kiểm soát chảy máu tại vị trí nhổ răng bằng cách:
- Sử dụng thuốc đông máu tại vị trí nhổ răng
- Bịt kín vết thương bằng bông gạc
- Khâu vết thương bằng chỉ tự tiêu hoặc không tiêu
Hãy cho nha sĩ biết trước khi nhổ răng nếu bạn có dùng bất kỳ loại thuốc chống đông nào.
Nha sĩ sẽ cần xem xét nghiệm máu của bạn để chỉ định ngừng sử dụng hay chuyển sang một loại thuốc chống đông khác.
Thông thường bạn sẽ cần ngừng sử dụng thuốc chống đông vài ngày trước khi thực hiện thủ thuật.
Dùng thuốc kháng sinh
Trong một số trường hợp, bạn có thể phải dùng thuốc kháng sinh trước khi nhổ răng để điều trị một số triệu chứng nhiễm trùng, chẳng hạn như sốt hoặc sưng tấy.
Răng không sưng thì không cần dùng thuốc kháng sinh. Hãy luôn tuân theo chỉ định của bác sĩ khi dùng bất cứ loại thuốc nào.
Việc dùng kháng sinh trước khi nhổ răng rất quan trọng nếu bạn có nguy cơ cao bị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), những người mắc bệnh tim mạch có nguy cơ cao viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn sau khi thực hiện thủ thuật nha khoa.
Do đó, Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ và AHA khuyến cáo dùng thuốc kháng sinh cho bất cứ ai có:
- Cấy ghép van tim
- Bất thường về van tim
- Bất thường tim bẩm sinh
- Tiền sử viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
Gây tê
Bạn sẽ được gây tê tại chỗ để không cảm thấy đau đớn. Cảm giác tê sẽ kéo dài trong vài giờ sau khi nhổ răng.
Nếu bạn quá lo lắng, nha sĩ hoặc bác sĩ phẫu thuật sẽ dùng thêm thuốc gây mê hoặc thuốc an thần trong quá trình thực hiện thủ thuật, bao gồm:
- Nitơ oxit, còn được gọi là khí cười
- Thuốc an thần uống
- Tiêm thuốc an thần tĩnh mạch
- Gây mê toàn thân
Gây mê toàn thân sẽ khiến bạn hoàn toàn ngủ trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật.
Một số phòng khám nha khoa không có sẵn các lựa chọn này. Nếu bạn có bất cứ yêu cầu gì, bạn nên hỏi ý kiến nha sĩ trước xem liệu có cần chuyển bạn tới một phòng khám khác hay không.
Quá trình nhổ răng
Nha sĩ sẽ cần chụp X-quang toàn hàm để đánh giá tổng thể về vị trí cũng như trục nghiêng của răng cần nhổ.
Sau khi thuốc tê có tác dụng, nha sĩ sẽ bắt đầu nhổ răng. Họ có thể sẽ cần cắt răng thành nhiều mảnh.
Nếu răng bị lợi chùm, bác sĩ có thể phải cắt bỏ lợi hoặc vùng xương hàm cản trở.
Bạn sẽ không cảm thấy đau đơn, nhưng có thể cảm thấy lực tác động và nghe tiếng răng bị nhổ. Trải nghiệm này không mấy dễ chịu với một số người.
Nếu cảm thấy quá đau, bạn nên thông báo cho nha sĩ hoặc bác sĩ phẫu thuật của họ dừng lại và tiêm thêm thuốc tê nếu cần thiết.
Sau đó, nha sĩ sẽ kiểm soát chảy máu bằng bông gạc hoặc khâu vết thương.
Chăm sóc sau nhổ răng
Vết thương sau khi nhổ răng sẽ cần chăm sóc cẩn thận để đẩy nhanh quá trình hồi phục cũng như hạn chế nguy cơ nhiễm trùng.
Thay băng gạc
Sau khi nhổ răng, nha sĩ sẽ bịt kín vết thương bằng một lớp gạc dày. Cắn miếng gạc với lực nhẹ sẽ giúp kiểm soát chảy máu.
Băng gạc phải giữ nguyên trong ít nhất 20–30 phút. Bạn có thể cần thay mới nếu băng gạc đã thấm nhiều máu. Vết thương sẽ chảy máu 1-2 ngày sau khi nhổ răng.
Giảm đau
Cảm giác tê sẽ chỉ kéo dài trong vài giờ sau khi nhổ răng. Hãy đi khám bác sĩ nếu cảm giác này kéo dài lâu hơn.
Nha sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau và thuốc chống viêm sau thủ thuật. Tuy nhiên, nhiều loại thuốc không kê đơn như acetaminophen hoặc ibuprofen cũng đủ để giảm đau.
Giảm sưng tấy
Bạn có thể bị sưng nhẹ ở vị trí nhổ răng. Điều này là bình thường. Chườm đá ngoài mặt có thể giúp bạn giảm sưng.
Tránh tác động lên vết thương
24 giờ đầu sau khi nhổ răng là vô cùng quan trọng.
Tác động lực lên vết thương có thể phá hủy các cục máu đông và làm chậm quá trình lành thương.
Do đó cần tránh:
- Hút phía nhổ răng
- Chạm vào vết thương
- Sử dụng ống hút
- Khạc nhổ mạnh
- Ăn thức ăn cứng và giòn
- Súc miệng mạnh
- Sử dụng đồ uống có cồn hoặc nước súc miệng chứa cồn
- Hút thuốc
Cẩn thận khi ăn
Sau khi nhổ răng, nên uống nhiều nước và ăn thức ăn mềm hoặc lỏng.
Khi việc ăn nhai trở nên thoải mái hơn, bạn có thể dần quay lại chế độ ăn uống bình thường. Bạn nên nhai ở phía đối diện với vị trí nhổ răng cho đến khi vết thương hồi phục hoàn toàn.
Đánh răng và dùng chỉ nha khoa
Bạn có thể chải răng và dùng chỉ nha khoa nhẹ nhàng sau khi nhổ răng, nhưng lưu ý không dùng lực mạnh để tránh tác động lên vết thương.
Một ngày sau bạn có thể súc miệng vài giờ một lần bằng nước muối ấm.
Biến chứng sau khi nhổ răng
Một biến chứng của nhổ răng là viêm ổ răng khô. Đây không phải là một nhiễm trùng toàn thân, mà là phần xương ở vị trí nhổ răng bị lộ ra ngoài, do máu không đông lại hoặc cục máu đông bị bong ra.
Viêm ổ răng khô có thể gây ra cơn đau dữ dội, lan rộng vùng mặt, thường xảy ra sau nhổ răng vài ngày. Nó cũng có thể gây ra hôi miệng. Nếu cơn đau của bạn kéo dài và tăng lên trong 2-3 ngày sau khi nhổ răng, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt.
Nha sĩ sẽ rửa sạch và bị kín vết thương để bảo vệ nó.
Có thể phòng ngừa viêm ổ răng khô bằng cách làm theo hướng dẫn chăm sóc của nha sĩ - đặc biệt là không hút thuốc sau khi nhổ răng.
Nhiễm trùng là một biến chứng khác, xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập và tăng sinh trong vết thương sau 1-2 ngày nhổ răng.
Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nhiễm trùng nào sau đây, hãy đi khám nha sĩ càng sớm càng tốt:
- Sưng đỏ lâu ngày
- Vết thương chảy mủ
- Sốt cao
- Sưng hạch ở cổ
Bạn có thể không cần đi khám nếu không có triệu chứng bất thường, vết thương sẽ tự hồi phục sau một thời gian.
Nha sĩ có thể hẹn bạn tái khám sau 1 tuần để kiểm tra tình trạng vết thương cũng như quá trình hồi phục.
Chi phí nhổ răng
Chi phí nhổ răng rất đa dạng, tùy thuộc vào các yếu tố như:
- Địa chỉ sinh sống
- Vị trí răng cần nhổ
- Nhổ răng đơn giản hay phức tạp
- Người thực hiện thủ thuật, vì bác sĩ phẫu thuật hàm mặt thường tốn chi phí hơn các bác sĩ nha khoa tổng quát
Nhiều chương trình bảo hiểm cung cấp các gói hỗ trợ nhổ răng.
Tuy nhiên, trung bình, một ca nhổ răng đơn giản sẽ có chi phí khoảng 130–250 đô la. Một ca nhổ răng phức tạp yêu cầu phải loại bỏ mô mềm hoặc xương sẽ có giá khoảng 250–370 đô la.
Chi phí nhổ bỏ răng khôn cũng phụ thuộc vào vị trí của răng cần nhổ - ví dụ như răng có thể nhìn thấy hoàn toàn hoặc bị bao phủ một phần bởi lợi và xương hàm. Các nha sĩ thông thường tính phí từ vài triệu cho tới chụ triệu đồng cho thủ thuật này.
Các loại thuốc an thần bổ sung, chẳng hạn như oxit nitơ, sẽ làm tăng chi phí, nhưng thuốc gây tê tại chỗ đã được bao gồm trong chi phí nhổ răng.
Ngoài ra, phí nhổ răng không bao gồm chi phí khám và chụp X-quang ban đầu.
Chi phí kiểm tra ban đầu từ miễn phí cho tới vài trăm nghìn đồng, một ca chụp X-quang tốn khoảng vài chục cho tới 100 nghìn đồng. Chụp phim X-quang toàn cảnh cho thấy toàn bộ khoang miệng và vị trí tất cả các răng có giá từ 100-200 nghìn đồng.
Hãy thảo luận với nha sĩ về tổng chi phí cho việc nhổ răng của bạn.
Tổng kết
Bạn sẽ được tư vấn trước về quá trình nhổ răng.
Trong quá trình tư vấn, bác sĩ sẽ tìm hiểu tình trạng sức khỏe tổng quát của bạn. Họ sẽ hỏi kỹ về tiền sử và tình trạng sức khỏe hiện tại, cũng như thảo luận về quá trình nhổ răng. Bạn cũng nên hỏi nha sĩ về chi phí và nêu lên bất cứ lo ngại nào trong việc sử dụng các loại thuốc an thần.
Bạn sẽ được gây tê trước khi nhổ răng. Mặc dù không gây đau đớn, nhưng nó có thể gây một chút khó chịu.
Bạn nên tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ về việc tự chăm sóc sau khi nhổ răng để vết thương hồi phục nhanh chóng cũng như tránh các nguy cơ nhiễm trùng.