Bài tập Nguyên phân và Giảm phân
Lý thuyết
1. Nguyên phân
Nguyên phân (phân bào nguyên nhiễm) là hình thức phân bào xảy ra ở các tế bào sinh dưỡng và tế bào sinh dục sơ khai. Nguyên phân bao gồm phân chia nhân và phân chia tế bào chất.
Phân chia nhân gồm 4 giai đoạn: kì đầu, kì giữa, kì sau và kì cuối, quá trình phân chia nhân thực chất là phân chia vật chất di truyền (NST) đồng đều cho 2 tế bào con.
1.1. Phân chia nhân:
Diễn biến của quá trình phân chia nhân như sau:
1.2. Phân chia tế bào chất:
Sau khi phân chia nhân xong, tế bào tiến hành phân chia tế bào chất, quá trình này ở tế bào thực vật và tế bào động vật có một chút khác biệt:
1.3. Ý nghĩa của nguyên phân:
- Nguyên phân giúp duy trì ổn định vật chất tế bào qua các thế hệ tế bào, thay thế các tế bào già, chết, tổn thương, giúp cơ thể lớn lên và tái sinh các bộ phận.
- Là hình thức sinh sản ở những loài sinh vật nhân thực đơn bào và loài sinh sản vô tính.
Ảnh chụp các tế bào thực vật nguyên phân:
Ảnh chụp các tế bào thực vật nguyên phân:
2. Giảm phân
Giảm phân (phân bào giảm nhiễm) là hình thức phân chia của các tế bào mầm sinh dục trong quá trình sản sinh giao tử ở các cơ quan sinh sản.
Giảm phân gồm 2 lần phân bào liên tiếp gọi là giảm phân 1 và giảm phân 2, ở kì trung gian, mỗi NST đơn được nhân đôi thành NST kép.
2.1. Giảm phân I:
2.2. Giảm phân II:
2.3. Kết quả của giảm phân:
Kết thúc giảm phân II, từ một tế bào, qua 2 lần giảm phân, tạo ra 4 tế bào con với số lượng NST trong mỗi tế bào giảm đi một nửa (n). Sau đó các tế bào con sẽ biến thành các giao tử.
- Ở cơ thể đực, từ một tế bào sinh tinh qua giảm phân hình thành 4 tinh trùng
- Ở cơ thể cái, một tế bào sinh trứng qua giảm phân chỉ hình thành 1 trứng và 3 thể cực bị biến mất.
2.4. Các yếu tố ảnh hưởng tới giảm phân
Yếu tố bên trong:
- Di truyền.
- Các hormone sinh dục: người ta có thể tiêm hormone sinh dục để kích thích vật nuôi sinh sản theo ý muốn.
- Tuổi tác: phụ nữ từ 35 tuổi trở lên, tỉ lệ sinh con mắc hội chứng Down tăng.
Yếu tố môi trường:
- Một số loài thực vật chỉ ra hoa khi gặp điều kiện thời tiết, chế độ chiếu sáng thích hợp.
2.5. Ý nghĩa của giảm phân
- Giảm phân kết hợp với thụ tinh và nguyên phân là cơ sở của sinh sản hữu tính của các loài sinh vật, đảm bảo duy trì bộ NSt của loài.
- Cơ sở tạo ra vô số loại biến dị tổ hợp ở đời con, cung cấp nguyên liệu cho tiến hóa và chọn giống.
2.6. Sơ đồ tư duy giảm phân:
3. So sánh nguyên phân và giảm phân.
- Giống nhau:
+ Đều là quá trình phân bào
+ Đều diễn ra theo 4 kỳ đầu, giữa, sau, cuối
- Khác nhau:
Ví dụ minh hoạ
Ví dụ 1: Trình bày diễn biến các kì của nguyên phân.
Phương pháp giải:
Nguyên phân (phân bào nguyên nhiễm) là một trong các kiểu phân chia tế bào xảy ra ở sinh vật nhân thực.
Lời giải:
Nguyên phân có 4 kì với diễn biến như sau:
- Kì đầu: thoi phân bào bắt đầu hình thành, NST co xoắn và màng nhân và hạch nhân tiêu biến.
- Kì giữa: các NST co xoắn tối đa và nằm ở mặt phẳng xích đạo của thoi phân bào. Các vi ống của thoi phân bào đính vào 2 phía tâm động của NST.
- Kì sau: Hai chromatid chị em của mỗi NST kép bắt đầu tách rời nhau thành hai NST đơn và di chuyển trên thoi phân bào về hai cực đối diện của tế bào. Đây là kì có thời gian ngắn nhất.
- Kì cuối: Các NST dãn xoắn, hạch nhân và màng nhân tái xuất hiện hình thành nhân mới; thoi phân bào tiêu biến.
Ví dụ 2: Nêu kết quả của nguyên phân. Nguyên phân có ý nghĩa gì?
Phương pháp giải:
Thông qua quá trình nguyên phân, từ một tế bào mẹ ban đầu tạo ra hai tế bào con có bộ NST giống nhau và giống hệt mẹ.
Lời giải:
- Kết quả của nguyên phân là: Nhờ quá trình nhân đôi NST (ở kì trung gian) và phân li đồng đều các NST về hai cực của tế bào (ở kì sau) nên từ một tế bào mẹ ban đầu tạo ra hai tế bào con có bộ NST giống nhau và giống hệt mẹ.
- Ý nghĩa của nguyên phân:
+ Đảm bảo duy trì ổn định vật chất di truyền qua các thế hệ tế bào.
+ Ở sinh vật nhân thực đơn bào, nguyên phân chính là hình thức sinh sản tạo ra cá thể mới; còn ở sinh vật đa bào, nguyên phân làm tăng số lượng tế bào, thay thế các tế bào già và các tế bào bị tổn thương, giúp cơ thể lớn lên và sinh ra các bộ phận cơ thể.
+ Nguyên phân cũng là cơ chế tạo ra các cơ thể mới ở các sinh vật sinh sản vô tính.
Ví dụ 3: Phân biệt u lành tính với u ác tính.
Phương pháp giải:
Khi các tế bào phân chia quá mức bình thường sẽ dẫn đến hình thành khối u. Khối u có thể là u lành tính hoặc u ác tính.
Lời giải:
Phân biệt u lành tính và u ác tính như sau:
- U lành tính là khối u mà định vị tại một vị trí xác định và các tế bào của nó không phát tán đến nơi khác trong cơ thể.
- U ác tính là khối u mà tế bào của nó có thêm đột biến khiến chúng tách khỏi vị trí ban đầu, di chuyển đến vị trí mới tạo nên nhiều khối u khác trong cơ thể.
Ví dụ 4: Nguyên phân gây rối loạn quá trình điều hòa phân bào dẫn đến phát sinh ung thư là gì? Giải thích.
Phương pháp giải:
Nguyên nhân gây rối loạn quá trình điều hòa phân bào dẫn đến phát sinh ung thư là các tác nhân gây đột biến từ môi trường trong, ngoài cơ thể.
Lời giải:
Nguyên nhân gây rối loạn quá trình điều hòa phân bào dẫn đến phát sinh ung thư là:
- Tác nhân gây đột biến ở môi trường bên ngoài cơ thể như khói thuốc lá, các độc tố của vi sinh vật có trong các thực phẩm bị mốc, tia tử ngoại, nhiều loại hóa chất như chất độc màu da cam, tia phóng xạ,...
- Tác nhân gây đột biến bên trong cơ thể như một số loại virus gây bệnh mãn tính (virus viêm gan B, virus gây viêm tử cung); các gốc tự do trong tế bào, sản phẩm của quá trình chuyển hóa và các chất độc hại mà cơ thể hấp thụ qua thức ăn hoặc từ các vi sinh vật sống kí sinh trong cơ thể.
Hầu hết các bệnh ung thư là do đột biến gen phát sinh trong tế bào của cơ thể nên không di truyền được từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chỉ khoảng hơn 10% bệnh ung thư là do gen đột biến được di truyền từ bố mẹ.
Ví dụ 5: Những loại ung thư nào phổ biến nhất ở người Việt Nam?
Phương pháp giải:
Những loại ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam là ung thư ở gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng, vú và tuyến tiền liệt.
Lời giải:
Những loại ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam là ung thư ở gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng, vú và tuyến tiền liệt. Trong đó, theo giới tính thì:
- Ở nam giới là: ung thư ở gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng và tuyến tiền liệt chiếm 65.8% các trường hợp.
- Ở nữ giới là: ung thư ở gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng và vú chiếm 59.4% các trường hợp.
Bài tập tự luyện
Bài 1: Cơ chế nào giúp các loài sinh sản hữu tính duy trì được bộ NST của loài qua các thế hệ?
Phương pháp giải:
Ở loài sinh sản hữu tính, quá trình sinh sản có sự kết hợp của giao tử đực và giao tử cái để tạo thành hợp tử, từ đó hợp tử phát triển thành cơ thể mới.
Lời giải:
Cơ chế giúp các loài sinh sản hữu tính duy trì được bộ NST của loài qua các thế hệ là giảm phân. Giảm phân (phân bào giảm nhiễm) là hình thức phân chia của các tế bào sinh dục sơ khai (tế bào sinh tinh, tế bào sinh trứng), xảy ra trong cơ quan sinh sản để tạo ra các giao tử.
Bài 2: Cơ chế nào dẫn đến số lượng NST giảm đi một nửa sau giảm phân?
Phương pháp giải:
Số lượng NST giảm đi một nửa sau giảm phân là do sự phân li đồng đều của các NST về 2 cực của tế bào trong hai lần phân bào của quá trình giảm phân.
Lời giải:
Trong hai lần phân bào của quá trình giảm phân đã có sự phân chia đồng đều của các NST về 2 cực của tế bào, cụ thể:
- Ở kì trung gian, mỗi NST được nhân đôi tạo thành NST kép.
- Ở kì sau I, hai NST kép trong cặp tương đồng tách rời nhau ra và mỗi NST di chuyển trên thoi phân bào đi về một cực của tế bào. Sau đó, tế bào chất phân chia tạo thành hai tế bào con có số lượng NST giảm đi một nửa so với tế bào mẹ nhưng ở trạng thái kép tại kì cuối I.
- Ở kì sau II, hai chromatid của mỗi NST kép tách rời nhau ra và di chuyển trên thoi phân bào đi về hai cực của tế bào. Sau đó, tế bào chất tiếp tục phân chia tạo thành hai tế bào con.
Như vậy, từ một tế bào, qua hai lần giảm phân đã tạo ra bốn tế bào con với số lượng NST giảm đi một nửa so với tế bào ban đầu.
Bài 3: Kết quả của giảm phân tạo ra bốn tế bào con có vật chất di truyền giống hệt nhau hay không? Giải thích.
Phương pháp giải:
Kết quả của giảm phân tạo ra tạo ra bốn tế bào con có vật chất di truyền không giống hệt nhau.
Lời giải:
Kết quả của giảm phân tạo ra tạo ra bốn tế bào con có vật chất di truyền không giống hệt nhau. Nguyên nhân là do sự phân li ngẫu nhiên của các cặp NST tương đồng cũng như có sự trao đổi chéo xảy ra giữa chúng tạo ra những tổ hợp NST và tổ hợp gene mới.
Bài 4: Quá trình giảm phân chịu ảnh hưởng của những yếu tố nào? Giải thích.
Phương pháp giải:
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình giảm phân, như: yếu tố di truyền, yếu tố môi trường bên ngoài, hormone sinh dục, tuổi tác.
Lời giải:
Quá trình giảm phân chịu ảnh hưởng của những yếu tố là:
- Yếu tố di truyền: bộ nhiễm sắc thể của tế bào là đối tượng chính của quá trình giảm phân nên những bất thường về hình thái, cấu trúc, số lượng nhiễm sắc thể đều có thể ảnh hưởng tới kết quả của quá trình giảm phân của tế bào.
- Yếu tố môi trường bên ngoài, như nhiều loài cây chỉ có thể ra hoa khi gặp điều kiện thời tiết, chế độ chiếu sáng thích hợp. Ví dụ, để cho các cây thanh long ra hoa trái vụ, bà con nông dân thường thắp đèn chiếu sáng vào ban đêm.
- Các hormone sinh dục. Ví dụ, để cho vật nuôi sinh sản theo ý muốn, người ta có thể tiêm hormone sinh dục kích thích quá trình sinh sản cho vật nuôi
- Tuổi tác cũng ảnh hưởng đến giảm phân. Ở người, phụ nữ càng lớn tuổi, tỉ lệ sinh con bị hội chứng Down (do thừa một NST 21) càng gia tăng, đặc biệt từ tuổi 35 trở lên. Điều này được giải thích là do càng lớn tuổi thì quá trình giảm phân hình thành giao tử càng dễ bị rối loạn, dẫn đến tỉ lệ các giao tử bất thường tăng lên (giao tử thừa một NST 21), đặc biệt ở phụ nữ (do thời gian của kì đầu giảm phân I kéo dài quá lâu, đúng bằng số tuổi của người phụ nữ khi sinh con nên dễ dẫn đến rối loạn cơ chế phân li NST).
Bài 5: Cây hoa giấy trồng trong điều kiện khô cằn so với cây cùng loại được tưới đủ nước, cây nào sẽ ra hoa nhiều hơn? Giải thích.
Phương pháp giải:
Việc ra hoa ít hay nhiều của cây hoa giấy bị ảnh hưởng bởi điều kiện môi trường bên ngoài.
Lời giải:
Cây hoa giấy trồng trong điều kiện khô cằn sẽ ra hoa nhiều hơn so với cây cùng loại được tưới đủ nước. Nguyên nhân là do trong điều kiện được tưới đủ nước thì cây sẽ tập trung cho quá trình sinh trưởng để tăng kích thước, tăng tán cây mà trì hoãn quá trình phát triển, ra hoa.
Bài 6: Giải thích vì sao quá trình giảm phân kết hợp với thụ tinh và nguyên phân là cơ sở của sinh sản hữu tính ở sinh vật, đảm bảo duy trì bộ NST 2n đặc trưng cho loài?
Phương pháp giải:
Ở loài sinh sản hữu tính, quá trình sinh sản có sự kết hợp của giao tử đực và giao tử cái (thụ tinh) để tạo thành hợp tử, từ đó hợp tử phát triển thành cơ thể mới. Trong đó, các giao tử được hình thành nhờ quá trình giảm phân của các tế bào sinh dục chín, hợp tử qua quá trình nguyên phân sẽ tạo thành phôi. Ở phôi tiếp tục diễn ra quá trình nguyên phân và biệt hóa của các tế bào để hình thành nên cơ thể mới.
Lời giải:
- Trong giảm phân, các NST nhân đôi một lần nhưng lại phân chia hai lần, kết quả là tạo ra các giao tử có số lượng NST giảm đi một nửa (n NST) so với tế bài ban đầu (2n NST).
- Các giao tử đực và giao tử cái kết hợp với nhau trong quá trình thụ tinh tạo thành hợp tử (2n), khôi phục lại bộ NST 2n đặc trưng cho loài.
- Tế bào hợp tử trải qua nhiều lần nguyên phân và biệt hóa tế bào phát triển thành cơ thể đa bào trưởng thành.
Như vậy, quá trình giảm phân kết hợp với thụ tinh và nguyên phân là cơ sở của sinh sản hữu tính ở sinh vật, đảm bảo duy trì bộ NST 2n đặc trưng cho loài.
Bài 7: Nêu điểm khác nhau cơ bản nhất giữa nguyên phân và giảm phân.
Phương pháp giải:
Nguyên phân và giảm phân là hai hình thức phân bào khác biệt nhau. Giảm phân kết hợp với thụ tinh và nguyên phân là cơ sở của sinh sản hữu tính ở sinh vật, đảm bảo duy trì bộ NST 2n đặc trưng cho loài.
Lời giải:
Điểm khác nhau cơ bản nhất giữa nguyên phân và giảm phân:
Nguyên phân |
Giảm phân |
- Xảy ra ở tế bào sinh dưỡng và tế bào sinh dục sơ khai. |
- Xảy ra ở tế bào sinh dục chín. |
- Có một lần phân bào. |
- Có hai lần phân bào. |
- Không có sự bắt cặp và trao đổi chéo. |
- Ở kì đầu I, xảy ra sự bắt cặp và trao đổi chéo. |
- Ở kì giữa, NST xếp thành một hàng ở mặt phẳng xích đạo. |
- Ở kì giữa I, NST xếp thành hai hàng ở mặt phẳng xích đạo. - Ở kì giữa II, NST xếp thành một hàng ở mặt phẳng xích đạo. |
- Từ một tế bào mẹ cho ra hai tế bào con. |
- Từ một tế bào mẹ cho ra bốn tế bào con. |
- Số lượng NST trong tế bào con được giữ nguyên. |
- Số lượng NST trong tế bào con giảm đi một nửa. |
- Tế bào con có vật chất di truyền giống nhau và giống tế bào mẹ. |
- Tế bào con có thể có vật chất di truyền không giống nhau. |
Bài 8: Trao đổi chéo giữa các NST tương đồng trong giảm phân I có vai trò gì?
Phương pháp giải:
Trao đổi chéo giữa các NST tương đồng trong giảm phân I có vai trò góp phần tạo ra nhiều loại giao tử đa dạng khác nhau.
Lời giải:
Sự trao đổi chéo giữa các NST tương đồng ở kì đầu I, kết hơp với sự phân li và tổ hợp ngẫu nhiên của các NST trong giảm phân tạo ra nhiều loại giao tử có kiểu gene khác nhau, là cơ sở để tạo ra vô số các biến dị tổ hợp ở đời con, cung cấp nguyên liệu cho quá trình tiến hóa và chọn giống.
Bài 9: Hãy xếp các ảnh chụp các giai đoạn của giảm phân dưới kính hiển vi (ở hình bên) theo đúng trình tự các kì của quá trình giảm phân.
Phương pháp giải:
Đặc điểm các kì của giảm phân là:
- Kì đầu I:
+ Các NST kép bắt đôi với nhau thành từng cặp tương đồng và dần co xoắn.
+ Các chromatid của các NST tương đồng có thể trao đổi đoạn cho nhau (trao đổi chéo).
+ Thoi phân bào hình thành, màng nhân và hạch nhân tiêu biến.
- Kì giữa I:
+ Các cặp NST kép tương đồng co xoắn cực đại và di chuyển về mặt phẳng xích đạo của thoi phân bào, tập trung thành hai hàng.
+ Các vi ống được vào một phía tâm động của mỗi NST kép.
- Kì sau I:
+ Hai NST kép trong cặp tương đồng tách rời nhau ra và mỗi NST di chuyển trên thoi phân bào đi về một cực của tế bào.
- Kì cuối I:
+ Các NST kép dần dãn xoắn.
+ Thoi phân bào tiêu biến.
+ Màng nhân và hạch nhân xuất hiện tạo thành hai nhân mới.
+ Tế bào chất phân chia tạo thành hai tế bào con có số lượng NST giảm đi một nửa so với tế bào mẹ nhưng ở trạng thái kép.
- Kì đầu II:
+ NST kép dần co xoắn và hiện rõ.
+ Thoi phân bào được hình thành.
+ Màng nhân và hạch nhân dần tiêu biến.
- Kì giữa II:
+ Các NST kép co xoắn cực đại và di chuyển về mặt phẳng xích đạo của thoi phân bào tập trung thành một hàng.
+ Mỗi NST kép gắn với vi ống ở cả hai phía của tâm động.
- Kì sau II:
+ Hai chromatid của mỗi NST kép tách rời nhau ra và di chuyển trên thoi phân bào đi về hai cực của tế bào.
- Kì cuối II:
+ Các NST dần dãn xoắn.
+ Thoi phân bào tiêu biến.
+ Màng nhân và hạch nhân xuất hiện tạo thành hai nhân mới.
+ Tế bào chất phân chia tạo thành hai tế bào con.
Lời giải:
Sắp xếp các ảnh chụp của các giai đoạn của giảm phân dưới kính hiển vi theo đúng trình tự các kì của quá trình giảm phân là: 1 (kì đầu I), 4 (kì giữa I), 2 (kì sau I), 3 (kì cuối I), 8 (kì đầu II), 7 (kì giữa II), 6 (kì sau II), 5 (kì cuối II).
Bài 10: Bạn có một cây cam cho quả rất ngon và sai quả. Nếu muốn nhân rộng giống cam của mình, bạn sẽ chọn phương pháp chiết cành hay chọn nhân giống bằng hạt lấy từ quả của cây cam này? Hãy giải thích sự lựa chọn của bạn.
Phương pháp giải:
- Chiết cành là một trong những phương pháp nhân giống vô tính cây trồng, dựa trên cơ sở là nguyên phân. Do đó, cây con tạo ra sẽ mang các đặc tính của cây mẹ.
- Nhân giống bằng hạt của cây cam: dựa trên cơ sở giảm phân và sự kết hợp của các giao tử tạo hợp tử, từ hợp tử sẽ phát triển thành cây con. Do đó, cây con có thể không mang nhiều đặc tính tốt giống cây mẹ.
Lời giải:
Em sẽ chọn phương pháp chiết cành do phương pháp này đảm bảo cây con sẽ giữ được các đặc tính tốt (quả rất ngon và sai quả) của cây mẹ trong khi các cây con được nhân giống bằng hạt lấy từ cây cam trên chưa chắc đã có các đặc tính này của cây mẹ ban đầu.
Bài 11: Ảnh bên * chụp tế bào ung thư ở cơ thể người. Tế bào ung thư được hình thành như thế nào?
Phương pháp giải:
Ung thư liên quan đến việc phân chia tế bào một cách vô tổ chức, có thể là lành tính hoặc ác tính.
Lời giải:
Tế bào ung thư được hình thành từ sự phân chia không kiểm soát của một hoặc một số tế bào trong cơ thể.
Bài 12: Chu kì tế bào là gì? Mô tả các sự kiện chính của chu kì tế bào.
Phương pháp giải:
Các tế bào sống có chu kì sinh học của nó.
Lời giải:
- Chu kì tế bào là khoảng thời gian từ khi tế bào được sinh ra, lớn lên và phân chia thành hai tế bào con.
- Chu kì tế bào được mô tả là một vòng tròn khép kín với hai giai đoạn chính là kì trung gian và quá trình nguyên phân:
+ Kì trung gian là giai đoạn sinh trưởng chính của tế bào, được chia thành các pha G1, S và G2. Pha G1 có sự tăng kích thước tế bào, tổng hợp các bào quan và tổng hợp, tích lũy các chất. Pha S có sự nhân đôi ADN, dẫn đến nhân đôi NST tạo thành NST kép. Pha G2 là pha gia tăng kích thước tế bào và chuẩn bị cho phân chia.
+ Quá trình nguyên phân gồm 2 sự kiện chính là phân chia nhân (qua 4 kì: kì đầu, kì giữa, kì sau và kì cuối) và phân chia tế bào chất.
Bài 13: Kì trung gian là gì? Nêu tên và chức năng của các pha trong kì trung gian.
Phương pháp giải:
Kì trung gian là một giai đoạn của chu kỳ tế bào.
Lời giải:
- Kì trung gian là giai đoạn sinh trưởng chính của tế bào, được chia thành các pha G1, S và G2.
- Chức năng của các pha trong kì trung gian là:
+ Pha G1 có sự tăng kích thước tế bào, tổng hợp các bào quan và tổng hợp, tích lũy các chất.
+ Pha S có sự nhân đôi ADN, dẫn đến nhân đôi NST tạo thành NST kép.
+ Pha G2 là pha gia tăng kích thước tế bào và chuẩn bị cho phân chia.
Bài 14: Hãy cho biết các giai đoạn của chu kì tế bào có mối quan hệ với nhau như thế nào.
Phương pháp giải:
Các giai đoạn của chu kì tế bào có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
Lời giải:
Các giai đoạn của chu kì tế bào có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó giai đoạn kỳ trung gian là để tế bào lớn lên và sao chép nhiễm sắc thể của nó để chuẩn bị cho sự phân bào trong giai đoạn nguyên phân. Việc chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn khác trong chu kì tế bào được hệ thống kiểm soát chu kì tế bào điều khiển một cách nghiêm ngặt, đảm bảo các chu kì tế bào diễn ra bình thường.
Bài 15: Điểm kiểm soát chu kì tế bào là gì? Giải thích vai trò của các điểm kiểm soát chu kì tế bào.
Phương pháp giải:
Điểm kiểm soát chu kì tế bào là các thời điểm mà ở đó các tín hiệu kích hoạt quá trình truyền tin tế bào đưa ra các đáp ứng đi tiếp hay dừng chu kỳ tế bào. Mỗi điểm kiểm soát chu kì tế bào lại có đối tượng kiểm soát khác nhau.
Lời giải:
- Điểm kiểm soát chu kì tế bào là các thời điểm mà ở đó các tín hiệu kích hoạt quá trình truyền tin tế bào đưa ra các đáp ứng đi tiếp hay dừng chu kỳ tế bào.
- Giải thích vai trò của các điểm kiểm soát chu kì tế bào:
+ Tại điểm kiểm soát G/S, tế bào sẽ đưa ra “quyết định” có nhân đôi ADN để sau đó bước vào phân bào hay không.
+ Ở điểm kiểm soát G2/M – điểm kiểm soát cuối G2 trước khi tế bào bước vào nguyên phân, lúc này hệ thống kiểm soát chu kỳ tế bào “rà soát” quá trình nhân đôi ADN xem đã hoàn tất và mọi sai sót đã được sửa chữa hay chưa.
+ Ở điểm kiểm soát thoi phân bào, hệ thống kiểm soát chu kỳ tế bào “rà soát” xem tất cả các NST đã gắn với vi ống của thoi phân bào hay chưa. Nếu chưa hoàn tất, chu kỳ tế bào cũng sẽ dừng lại. Điều này rất quan trọng, nếu không, các NST có thể sẽ không được phân chia đồng đều cho các tế bào con.
Câu 16: Những điểm giống và khác nhau cơ bản giữa nguyên phân và giảm phân
Trả lời
a. Giống nhau
- Có sự nhân đôi của NST tạo thành NST kép (kì trung gian).
- Có sự tập trung của NST ở mặt phẳng xích đạo và phân li về 2 cực của tế bào.
- Trải qua các kì phân bào tương tự nhau (kì đầu, kì giữa, kì sau, kì cuối).
- Có sự biến đổi hình thái NST như đóng xoắn và tháo xoắn.
- Kì giữa, NST tập trung ở 1 hàng ở mp xích đạo của thoi phân bào.
- Giảm phân 2 có tiến trình giống nguyên phân.
b. Khác nhau:
Đặc điểm | Nguyên phân | Giảm phân |
---|---|---|
Vị trí | - Xảy ra ở tế bào sinh dưỡng, trong suốt đời sống cá thể. | - Xảy ra ở TB sinh dục (2n) ở thời kì chín. |
Số lần phân bào | - Gồm 1 lần phân bào. | - Gồm 2 lần phân bào liên tiếp. |
Số hàng NST ở kì giữa | - Kì giữa, NST tập trung 1 hàng trên mặt phẳng xích đạo của thoi phân bào. | - Kì giữa 1, NST tập trung 2 hàng trên mặt phẳng xích đạo của thoi phân bào. |
Hiện tượng trao đổi chéo | - Không có hiện tượng trao đổi chéo. | - Kì đầu 1 có hiện tượng trao đổi chéo. |
Kết quả | - Từ 1 tế bào sinh dưỡng ( 2n NST) qua nguyên phân hình thành 2TB con có bộ NST giống tế bào mẹ (2n). | - Từ 1 TB mẹ (2n NST) qua giảm phân hình thành 4 TB con có bộ NST đơn bội. (n NST) bằng 1/2 NST của tế bào mẹ. |
Ý nghĩa | - Duy trì bộ NST của loài qua các thế hệ tế bào, duy trì ổn định bộ NST của loài qua các thế hệ cơ thể ở các sinh vật sinh sản vô tính. | - Cùng với quá trình thụ tinh giúp duy trì ổn định bộ NST của loài qua các thế hệ cơ thể ở các sinh vật sinh sản hữu tính. |
Câu 17: Bộ NST 2n của loài được duy trì ổn định từ thế hệ này sang thế hệ khác nhờ vào quá trình nào? Giải thích.
Trả lời
a. Đối với các loài sinh sản sinh dưỡng
- Nhờ cơ chế nguyên phân mà bản chất là sự nhân đôi của ADN, NST và sự phân li đồng đều NST cho hai tế bào con đã đảm bảo cho bộ NST 2n của loài được duy trì ổn định qua các thế hệ.
b. Đối với các loài sinh sản hữu tính.
Nhờ sự kết hợp giữa các cơ chế giảm phân – thụ tinh – nguyên phân
- Cơ chế giảm phân bao gồm các quá trình nhân đôi, phân li đồng đều các NST cho các giao tử đơn bội.
- Cơ chế thụ tinh mà thực chất là việc tái tổ hợp NST theo từng đôi của các NST trong giao tử đực và cái, phục hồi lại bộ NST 2n cho hợp tử.
- Cơ chế nguyên phân làm cho các thế hệ tế bào trong cơ thể được phát sinh từ hợp tử có bộ NST 2n được đặc trưng.
Câu 18: Trình bày sự biến đổi của NST ở các kì của nguyên phân
Trả lời
Sự biến đổi của NST ở các kì của nguyên phân:
- Kì đầu: NST bắt đầu đóng xoắn và co ngắn nên có hình thái rõ rệt. Các NST đính vào các sợi tơ của thoi phân bào ở tâm động.
- Kì giữa: Các NST kép đóng xoắn cực đại. Các NST kép xếp thành hàng ở mặt phẳng xích đạo của thoi phân bào.
- Kì sau: Từng NST kép chẻ dọc ở tâm động thành 2 NST đơn phân li về 2 cực của tế bào.
- Kì cuối: Các NST đơn dãn xoắn dài ra, ở dạng sợi mảnh dần thành nhiễm sắc.
Câu 19: Trình bày sự biến đổi của NST ở các kì của giảm phân I
Trả lời
Trình bày sự biến đổi của NST ở các kì của giảm phân I
- Kì đầu:
+ Các NST kép xoắn, co ngắn.
+ Các NST kép trong cặp tương đồng tiếp hợp theo chiều dọc và có thể bắt chéo nhau, sau đó lại tách dời nhau.
- Kì giữa: Các cặp NST kép tương đồng tập trung và xếp song song thành 2 hàng ở mặt phẳng xích đạo của thoi phân bào.
- Kì sau: Các cặp NST kép tương đồng phân li độc lập và tổ hợp tự do về 2 cực tế bào.
- Kì cuối: Các NST kép nằm gọn trong 2 nhân mới được tạo thành với số lượng là bộ đơn bội (kép) – n NST kép.
Xem thêm các dạng bài tập Sinh học liên quan, hay khác:
50 Bài tập giảm phân (2024) có đáp án chi tiết nhất
50 Bài tập khái quát về tế bào (2024) có đáp án chi tiết nhất
50 Bài tập phân giải và tổng hợp các chất trong tế bào (2024) có đáp án chi tiết nhất
50 Bài tập công nghệ tế bào (2024) có đáp án chi tiết nhất
50 Bài tập quá trình phân bào (2024) có đáp án chi tiết nhất