Văn bản Thánh Gióng (Truyền thuyết) - Nội dung, Tác giả tác phẩm

" Thánh Gióng" - Ngữ văn 6 bộ kết nối tri thức đầy đủ, chi tiết giúp các học sinh đọc lại văn bản và tìm hiểu chung về tác giả tác phẩm Thánh Gióng. Dưới đây là nội dung văn bản đọc Thánh Gióng lớp 6 mời các bạn cùng tham khảo.

Đọc văn bản

Thánh Gióng(1)

        Tục truyền(2), đời Hùng Vương(3) thứ sáu, ở làng Phù Đổng(4), có hai vợ chồng ông lão nhà nghèo, chăm làm ăn và có tiếng là phúc đức(5). Hai ông bà ao ước có một chút con để tuổi già đỡ hiu quạnh. Một hôm, bà ra đồng, trông thấy một vết chân to hơn vết chân người thường. Thấy hay hay, bà đặt bàn chân mình vào, ướm thử. Không ngờ về nhà bà thụ thai, rồi sau mười hai tháng thai nghén, bà sinh ra một em bé, mặt mũi rất khôi ngô. Hai vợ chồng lấy làm mừng lắm. Nhưng kì lạ thay, chú bé đã ba tuổi mà chẳng biết cười, biết nói gì cả, và cũng không nhích đi được bước nào, đặt đâu nằm đấy […].

        Bấy giờ, có giặc Ân(6) đến xâm phạm bờ cõi nước ta. Thế giặc rất mạnh, nhà vua lo sợ, bèn truyền(7) sứ giả(8) đi khắp nơi, tìm người tài giỏi cứu nước. Chú bé nghe tin, bỗng dưng cất tiếng nói với mẹ:

– Mẹ ra mời sứ giả vào đây, con xin thưa chuyện.

Tóm tắt Thánh Gióng hay, ngắn nhất (5 mẫu) | Ngữ văn lớp 6 Kết nối tri thức

        Sứ giả vào. Chú bé bảo:

– Ông về tâu(9) với vua, đúc cho ta một con ngựa bằng sắt, làm cho ta một bộ áo giáp(10) bằng sắt, và rèn cho ta một cái roi cũng bằng sắt, ta nguyện phá tan lũ giặc này.

        Sứ giả vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ, vội vàng về tâu với vua. Vua lập tức sai thợ đêm ngày phải làm cho đủ những đồ vật như lời chú bé dặn.

        Càng lạ hơn nữa, sau hôm gặp sứ giả, chú bé lớn nhanh như thổi. Cơm ăn mấy cũng không no. Áo vừa may xong đã chật ních. Hai vợ chồng làm ra bao nhiêu cũng không đủ nuôi con, thành thử(11) phải chạy nhờ bà con hàng xóm. Bà con hàng xóm cũng vui lòng gom góp gạo thóc để nuôi chú bé, vì ai cũng mong chú bé giết giặc, cứu nước.

        Giặc đã đến chân núi Trâu Sơn(12). Thế rất nguy, ai nấy đều hoảng hốt. Vừa lúc đó thì sứ giả đem ngựa sắt, áo giáp sắt, roi sắt đến. Chú bé vùng dậy, vươn vai một cái, bỗng biến thành một tráng sĩ, oai phong lẫm liệt(13). Tráng sĩ bước lại, vỗ vào mông ngựa. Ngựa hí vang lên mấy tiếng. Tráng sĩ mặc áo giáp vào, cầm roi, nhảy lên mình ngựa. Ngựa phun lửa, phi thẳng đến chỗ quân giặc đóng. Tráng sĩ xông vào trận đánh giết; giặc chết như ngả rạ(14). Bỗng roi sắt gãy(15). Tráng sĩ bèn nhổ những cụm tre cạnh đường quật vào giặc. Giặc tan vỡ. Đám tàn quân(16) giẫm đạp nhau mà trốn thoát. Tráng sĩ đuổi đến núi Ninh Sóc(17). Nhưng đến đấy, không biết vì sao, Người một mình cưỡi ngựa lên đỉnh núi, cởi giáp sắt bỏ lại, rồi cả người lẫn ngựa từ từ bay lên trời, biến mất.

        Vua nhớ công ơn, không biết lấy gì đền đáp, bèn phong là Phù Đổng Thiên Vương, và lập miếu thờ ngay ở quê nhà.

(Theo Lê Trí Viễn, Văn tuyển (Lớp 5 tập I), Bộ Giáo dục xuất bản, Hà Nội, 1957, tr. 18 – 19)

Tác giả - Tác phẩm Thánh Gióng

Truyền thuyết

1. Khái niệm: 

-  Là loại truyện dân gian kể về các sự kiện và nhân vật ít nhiều có liên quan đến lịch sử, thông qua sự tưởng tượng, hư cấu.

2. Một số yếu tố của truyền thuyết

- Truyền thuyết thường kể lại cuộc đời và chiến công của nhân vật lịch sử hoặc giải thích nguồn gốc các phong tục, sản vật địa phương theo quan điểm của tác giả dân gian.

- Truyền thuyết được kể theo mạch tuyến tính (có tính chất nối tiếp, theo trình tự thời gian). Nội dung thường gồm ba phần gắn với cuộc đời của nhân vật chính: hoàn cảnh xuất hiện và thân thể; chiến công phi thường; kết cục.

- Nhân vật chính của truyền thuyết là những người anh hùng. Họ thường phải đối mặt với những thử thách to lớn, cũng là thử thách của cả cộng đồng. Họ lập nên những chiến công phi thường nhờ có tài năng xuất chúng và sự hỗ trợ của cộng đồng.

- Lời kể của truyền thuyết cô đọng, mang sắc thái trang trọng, ngợi ca, có sử dụng một số thủ pháp nghệ thuật nhằm gây ấn tượng về tính xác thực của câu chuyện.

- Yếu tố kì ảo (lạ và không có thật) xuất hiện đậm nét ở tất cả các phần nhằm tôn vinh, lí tưởng hóa nhân vật và chiến công của họ.

Tác phẩm Thánh Gióng

1. Thể loại: Truyện truyền thuyết 

Tóm tắt Thánh Gióng hay, ngắn gọn (ảnh 4)

2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác: 

- Theo Lê Trí Viễn, Văn tuyển (Lớp 5, tập I), 1957 

3. Phương thức biểu đạt: Tự sự

4. Người kể chuyện: Ngôi thứ ba 

5. Tóm tắt: 

Đời Hùng Vương thứ sáu, làng Gióng có hai vợ chồng ông lão chăm chỉ, phúc đức nhưng không có con. Một hôm bà vợ ra đồng ướm vào vết chân to, về nhà thụ thai. Mười hai tháng sau sinh cậu con trai khôi ngô. Lên ba tuổi mà chẳng biết đi, không biết nói cười. Giặc xâm lược, nhà vua chiêu mộ người tài, cậu bé cất tiếng nói yêu cầu vua sắm roi sắt, áo giáp sắt, ngựa sắt để đánh giặc. Cậu ăn khỏe, lớn nhanh như thổi. Cả làng phải góp gạo nuôi. Giặc đến, chú bé vùng dậy, vươn vai biến thành tráng sĩ, giáp sắt, ngựa sắt, roi sắt xông ra đánh tan giặc, roi sắt gãy tráng sĩ nhổ những cụm tre quật giặc. Tráng sĩ mình một ngựa, lên đỉnh núi cởi bỏ giáp sắt cùng ngựa bay lên trời. Nhân dân nhớ ơn lập đền thờ, giờ vẫn còn hội làng Gióng và các dấu tích ao hồ,...

 Tác giả - tác phẩm: Thánh Gióng - tác giả, bố cục, tóm tắt, nội dung, dàn ý | Kết nối tri thức Ngữ văn lớp 6

6. Bố cục: 

Gồm 4 phần: 

+ Phần 1 (từ đầu đến “cứ đặt đâu thì nằm đấy”): Sự ra đời của Thánh Gióng

+ Phần 2 (tiếp theo đến “giết giặc, cứu nước”): Gióng đòi đi đánh giặc và sự lớn lên kì lạ

+ Phần 3 (tiếp theo đến “bay lên trời, biến mất”): Gióng cùng nhân dân đánh thắng giặc Ân và bay về trời

+ Phần 4 (còn lại): Nhân dân ghi nhớ công ơn của Thánh Gióng

7. Giá trị nội dung: 

Hình tượng Thánh Gióng với nhiều sắc màu thần kì là biểu tượng rực rỡ của ý thức và sức mạnh bảo vệ đất nước, đồng thời là sự thể hiện quan niệm và ước mơ của nhân dân ta ngay từ buổi đầu lịch sử về người anh hùng cứu nước chống giặc ngoại xâm.

8. Giá trị nghệ thuật: 

Xây dựng nhiều chi tiết tưởng tượng kì ảo tạo nên sức hấp dẫn cho truyền thuyết

        Hiện nay, vẫn còn đền thờ ở làng Phù Đổng, tục gọi là làng Gióng. Mỗi năm đến tháng Tư, làng mở hội to lắm. Người ta kể rằng những bụi tre đằng ngà ở huyện Gia Bình(18) vì ngựa phun lửa bị cháy, nên mới ngả màu vàng óng như thế. Còn những vết chân ngựa nay thành những hồ ao liên tiếp. Và khi ngựa thét ra lửa có cháy mất cả một làng. Làng đó nay gọi làng Cháy(19).

(Theo Lê Trí Viễn, Văn tuyển (Lớp 5 tập I), Bộ Giáo dục xuất bản, Hà Nội, 1957, tr. 18 – 19)

 

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!