Hướng dẫn làm bài Trình bày ý kiến về vấn đề văn hoá truyền thống trong xã hội hiện đại
* Trình bày kiến về vấn đề văn hóa truyền thống trong xã hội hiện đại
- Ở phần Đọc, em đã được học các văn bản nói về những nét đẹp riêng của các vùng miền. Những nét đẹp đó gắn với đời sống sinh hoạt của người dân, thể hiện những giá trị văn hoá lâu đời của mỗi địa phương nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung. - Tuy nhiên, những nét đẹp đó liệu có còn hiện diện và có ý nghĩa đối với cuộc sống của chúng ta ngày nay hay không? Trong những bài học trước, em đã được làm quen với cách trình bày ý kiến về các vấn đề trong đời sống. Tiếp nối nội dung nói và nghe đó, bài học này, em sẽ tập trình bày ý kiến riêng của mình về vấn đề văn hoá truyền thống trong xã hội hiện đại.
1. Trước khi nói
a. Chuẩn bị nội dung nói
- Hiện nay, trong bối cảnh đất nước đang hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, văn hóa truyền thống có nhiều cơ hội cũng như thách thức, nên văn hóa truyền thống trong xã hội hiện đại đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.
- Gợi ý một số vấn đề em có thể trình bày:
+ Thú chơi tranh dân gian trong đời sống hiện đại
+ Việc sử dụng các sản phẩm thủ công truyền thống trong đời sống sinh hoạt hàng ngày
+ Giới trẻ và việc thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống
+ Trình bày ý kiến về việc mọi người thực hiện văn hóa truyền thống trong xã hội hiện đại
….
- Em tự lập đề cương cho bài nói
* Gợi ý dàn ý:
I. Mở bài
- Đất nước đang trong quá trình hội nhập quốc tế, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc là vấn đề quan trọng. Và ý thức của thanh thiếu niên Việt Nam trong vấn đề này là điều rất đáng quan tâm suy nghĩ.
II. Thân bài
- Ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc của thanh thiếu niên Việt Nam được biểu hiện ở nhiều phương diện: cách sống, lối sống, quan niệm, suy nghĩ, hoạt động, nói năng, ăn mặc, ứng xử….
- Qua những biểu hiện trên, có thể thấy rõ ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc của thanh thiếu niên Việt Nam là như thế nào?
- Xem xét nguyên nhân của vấn đề này phải nhìn ở cả 2 mặt: khách quan và chủ quan. Khách quan là sự tác động của môi trường sống, của bối cảnh thời đại. Chủ quan là bản thân sự vận động trong tư duy của đối tượng: các thanh niên, thiếu niên đã quan tâm, suy nghĩ ở mức độ nào về vấn đề này.
- Với một ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc như vậy, thanh thiếu niên Việt Nam đang tác động như thế nào đến bộ mặt văn hoá dân tộc, đang để lại một kết quả ra sao cho tương lai, đặc biệt là trong bối cảnh quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra sôi động.
- Xã hội, gia đình, bản thân mỗi thanh niên, thiếu niên nên làm gì để góp phần khẳng định bản sắc văn hoá Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
III. Kết bài
- Bản sắc văn hoá là cái riêng của mỗi dân tộc. Giữ gìn cái riêng đó là trách nhiệm của mỗi công dân, trong đó có phần quan trọng của thế hệ trẻ.
b. Tập luyện
2. Trình bày bài nói
a. Mở đầu
b. Triển khai
c. Kết luận
3. Sau khi nói
- Trao đổi về bài nói theo gợi ý, với vai trò người nói, người nghe.
Dàn ý viết bài văn trình bày ý kiến về vấn đề văn hóa truyền thống trong xã hội hiện đại
1. Mở đầu:
– Giới thiệu vấn đề cần trình bày.
– Nêu lí do trình bày vấn đề.
2. Nội dung chính:
– Những thông tin đáng quan tâm:
– Ý kiến của em về vấn đề được bàn:
– Mong muốn của em và những giải pháp đề xuất:
– Trao đổi thêm với các bạn khác.
3. Kết thúc:
Khái quát nội dung đã trình bày.
Viết bài văn trình bày ý kiến về vấn đề văn hóa truyền thống trong xã hội hiện đại hay nhất
Bài văn mẫu số 1
Trong xã hội hiện đại ngày nay, khi giới trẻ được làm quen và tiếp cận nhiều với nền văn minh mới hiện đại và tiên tiến hơn, thì vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trở nên cần thiết hơn bất cứ khi nào hết.
Thực trạng đang diễn ra mà ai cũng cảm nhận thấy đó là xã hội đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Con người chúng ta ngày càng được hòa nhập, cởi mở hơn với những nền văn hóa mới của nhiều quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, đôi lúc chúng ta lại quên đi nét đẹp, truyền thống văn hóa của chính đất nước mà chúng ta sinh ra và lớn lên. Nhiều bản sắc đã bị mai một, giới trẻ lại ngày càng ít quan tâm và tìm hiểu về những truyền thống, bản sắc đó. Thay vào đó, giới trẻ có xu hướng theo đuổi và ưa chuộng những văn hóa các nước khác.
Hậu quả của việc chạy theo những nền văn hóa khác nhau là những giá trị truyền thống tốt đẹp sẽ ngày càng bị mai mọt và mất dần đi. Những lễ hội, cuộc thi dân gian không còn được nhận nhiều sự quan tâm của con người hoặc chỉ mang dáng dấp hình thức. Nhiều đứa trẻ hiện nay không hiểu nền văn hóa truyền thống của đất nước mình bằng sự tân tiến của các nước trên thế giới. Chính những điều này đã làm con người đánh mất đi giá trị cốt lõi của đất nước mình.
Đứng trước thực trạng đáng báo động trên, là những người trẻ chúng ta cần làm gì để khắc phục? Trước hết, mỗi cá nhân đặc biệt là học sinh cần phải tìm hiểu, trau dồi những bản sắc văn hóa vốn có của dân tộc, có trách nhiệm giữ gìn và phát huy thật tốt những giá trị đó với bạn bè năm châu. Bên cạnh đó, nhà trường cần phải tổ chức nhiều hơn những hoạt động tuyên truyền, mang đến cho học sinh nguồn tri thức đúng đắn về giữ gìn bản sắc dân tộc. Gia đình, cộng đồng cũng phải cùng chung sức, đồng lòng để tô đậm thêm nữa những giá trị văn hóa đó để không bị phai nhạt trong các luồng văn hóa khác.
Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là trách nhiệm chung của tất cả những con người Việt nam chúng ta. Vì thế, chúng ta cần có ý thức giữ gìn và phát huy những truyền thống đó để nó ngày càng đẹp đẽ và phát triển rộng rãi hơn.
Bài văn mẫu số 2
Bản sắc văn hóa dân tộc là giá trị cốt lõi nhất của nền văn hóa, thể hiện tâm hồn, cốt cách, tình cảm, lý trí, sức mạnh của dân tộc, tạo nên chất keo kết nối các cộng đồng người gắn bó, đoàn kết với nhau để cùng tồn tại và phát triển. Những giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc là một trong những động lực to lớn đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của quốc gia dân tộc.
Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam được hình thành, phát triển gắn liền với lịch sử dựng nước, giữ nước và quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bản sắc văn hóa dân tộc là tổng hòa những giá trị văn hóa bền vững, phản ánh diện mạo, sắc thái, cốt cách, tâm hồn, tâm lý… của một dân tộc, được thường xuyên hun đúc, bổ sung và lan tỏa trong lịch sử dân tộc, trở thành tài sản tinh thần đặc sắc, tạo nên sức mạnh gắn kết cộng đồng và để phân biệt sự khác nhau giữa dân tộc này với dân tộc khác trong cộng đồng nhân loại.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực còn có mặt tiêu cực của nó đó là nguy cơ xói mòn, phai nhạt và biến dạng hệ thống giá trị trong bản sắc văn hóa dân tộc, sự ru nhập của lối sống tư sản, suy giảm thuần phong mĩ tục, sự chống phá của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Thanh niên là lực lượng xung kích, sáng tạo có vai trò quan trọng to lớn trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, họ là lực lượng trực tiếp tham gia bảo vệ, giữ gìn, bổ sung, phát triển và quảng bá những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc thông qua việc thực hiện nội dung, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, để phát huy vai trò của thanh niên với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay chúng ta phải thực hiện có hiệu quả một số nội dung, biện pháp cơ bản sau:
Những giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được xây dựng và ghi nhận bởi những chiến công hi sinh thầm lặng của biết bao thế hệ người dân Việt Nam. Nó là kết tinh những gì là tinh túy nhất của dân tộc để rồi chính những giá trị đó lại lung linh tỏa sáng, soi sáng con đường chúng ta đi. Không chỉ bây giờ mà mãi mãi về sau những giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc sẽ là hành trang, động lực để cho thanh niên Việt Nam chúng ta tiến vào kỷ nguyên mới tô thắm nên truyền thống ngàn năm văn hiến của dân tộc.
Bài văn mẫu số 3
Cùng với sự bùng nổ của khoa học công nghệ, xã hội đang ngày càng thay đổi một cách chóng mặt. Kéo theo đó là những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp ngày càng bị mai một. Đó là một thực trạng đáng báo động đối với một đất nước vốn giàu truyền thống văn hóa như Việt Nam.
Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam được hình thành và phát triển gắn với lịch sử dựng nước, giữ nước cùng quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nó là tổng hòa của những giá trị văn hóa bền vững, phản ánh diện mạo, sắc thái, tâm hồn… của một dân tộc. Những giá trị đó được thường xuyên bổ sung và lan tỏa trong lịch sử của dân tộc, trở thành tài sản tinh thần quý giá. Tất cả những điều đó tạo nên sức mạnh gắn kết cộng đồng và giúp phân biệt giữa các dân tộc trong cộng đồng.
Nhưng bên cạnh những mặt tích cực thì còn tồn tại rất nhiều mặt tiêu cực. Đâu đó chúng ta vẫn bắt gặp những thanh niên với lối sống xa rời bản sắc dân tộc. Họ thờ ơ với những giá trị truyền thống kể cả vật chất lẫn tinh thần, mà đề cao những giá trị văn hóa du nhập từ nước ngoài qua sự thần tượng, sính ngoại quá ngưỡng. Ví dụ như việc các bạn trẻ vô tư dùng những ngôn từ nước ngoài xen kẽ với tiếng Việt, điều đó không sai nhưng nó sẽ tạo nên sự khó hiểu và mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Tất cả những điều đó vô tình tác động xấu đến việc duy trì và phát huy bản sắc nền văn hóa của dân tộc.
Vậy thế hệ trẻ chúng ta cần ý thức được vai trò, ý nghĩa của bản sắc dân tộc mình để nâng cao tinh thần gìn giữ những giá trị tốt đẹp đó. Đồng thời, cần tích cực rèn luyện lối sống, những hành động tích cực phù hợp với những truyền thống đạo lí tốt đẹp, phát huy những giá trị riêng đậm đà bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó, cần lên án mạnh mẽ những hành vi làm mai mọt bản sắc dân tộc và có thái độ đấu tranh quyết liệt để bài trừ và tẩy chay những hoạt động văn hóa không lành mạnh.
Tóm lại việc giữ gìn bản sắc văn hóa trong xã hội hiện nay không chỉ có ý nghĩa với cộng đồng nhân loại, mà còn mang lại ý nghĩ đối với mỗi con người. Bởi vì những giá trị văn hóa được thể hiện trong nếp sống, nếp nghĩ hàng ngày mỗi người.
Bài văn mẫu số 4
Truyền thống và hiện đại là hai yếu tố tưởng chừng như luôn xung đột nhau trong tiến trình phát triển của nhân loại. Tuy nhiên, trong thực tế, thì chúng luôn tồn tại song hành với nhau, không thể tách rời.
Văn hóa truyền thống là một khái niệm tương đối rộng. Nhưng hiểu một cách đơn giản thì đó là những gì mà cha ông để lại cho chúng ta, truyền từ đời này qua đời khác. Đó là các món ăn, trang phục, tập tục, lời ăn tiếng nói, rồi các lễ hội trong năm. Chúng đều mang những ý nghĩa tích cực, mang đậm chất riêng biệt của dân tộc nên được lưu giữ, truyền qua nhiều đời và trở thành truyền thống.
Xã hội ngày càng hiện đại với nhiều cái mới, cái tiện nghi. Nhưng song song với nó các nét đẹp truyền thống vẫn luôn hiện diện. Có thể cuộc sống xô bồ làm chúng ta tạm cất chúng đi, nhưng vào các ngày lễ, các dịp quan trọng thì chúng lại nở rộ, lại hiện diện. Tiêu biểu nhất, chính là những tà áo dài, những bộ váy dân tộc… được mặc vào những ngày quan trọng, các sự kiện đặc biệt của mọi người. Chẳng phải trước các cột mốc, người ta vẫn chọn nét đẹp của trang phục truyền thống đấy ư?
Giá trị cao cả của văn hóa truyền thống đó, chính là ở mặt tinh thần. Nó gắn kết con cháu với cha ông, gắn liền những giai đoạn lịch sử. Cho chúng ta biết mình là con cháu của ai, biết đất nước này đã đi qua những gì. Văn hóa truyền thống đem đến sự tự hào dân tộc, tình yêu quê hương mãnh liệt trong mỗi con người.
Và cũng như tinh thần yêu nước, văn hóa truyền thống là bất diệt, là trường tồn mãi trong mỗi trái tim chúng ta.
Bài văn mẫu số 5
Xã hội hiện đại ngày nay có rất nhiều những điều mới lạ. Có những phát kiến vĩ đại đến mức vào hai mươi năm trước chỉ là điều không tưởng. Mặc dù vậy, song hành với nó, vẫn là những nét văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc.
Văn hóa truyền thống là hiểu một cách đơn giản là những đặc trưng về văn hóa, lối sống tư tưởng tốt đẹp có từ xưa của cha ông và được giữ gìn cho đến tận hôm nay. Đó là những phẩm chất quý giá, như tình yêu nước, lòng thương người, tinh thần đoàn kết, sự dũng cảm… Ngoài ra văn hóa truyền thống còn hiện diện qua những đặc điểm về trang phục, về các món ăn, về cách nói năng, về các lễ hội trong năm của người dân nữa. Tựa như năm mươi tư dân tộc anh em ta, mỗi dân tộc đều có những bộ trang phục truyền thống. Ngày thường, có thể trang phục ấy không phù hợp cho sinh hoạt nên được cất đi. Nhưng vào những ngày lễ hội, những dịp quan trọng thì họ sẽ lại khoác lên mình những bộ trang phục tuyệt đẹp ấy, để thể hiện nét đặc sắc riêng của dân tộc mình. Hay như những món ăn truyền thống được truyền qua bao đời nay, không cần qua sách vở chính thống. Mà chỉ qua những người bà người mẹ ở trong bếp mà thôi. Đó là bánh chưng bánh tét ngày Tết, là bánh ít bánh mướt bánh cuốn, là tỉ tê các loại ô mai khác nhau. tất cả đều là những nét đẹp văn hóa được cô đọng lại trong cuộc sống hiện đại.
Những nét văn hóa truyền thống ấy, tồn tại một cách hài hòa với cuộc sống hiện đại ngày nay. Chúng là điểm tựa tinh thần, là cầu nối các thế hệ người dân Việt Nam ta, để quá khứ không là lãng quên mà còn mãi trong lòng dân tộc. Sức mạnh lớn lao của văn hóa truyền thống, chính là ở sức mạnh tinh thần. Nó hâm nóng đến nồng cháy tình yêu nước thương nòi, lòng tự hào dân tộc. Nó cho chúng ta biết mình là con cháu của ai, đến từ đâu; cho chúng ta tỏ tường ông cha mình đã đi qua những gì, đã sống ra sao. Bởi vậy, cùng với sự phát triển của cuộc sống hiện đại, chúng ta phải gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống.
Ngày nay, không ít một bộ phận giới trẻ có tính sùng ngoại, đồng thời có thái độ từ chối những văn hóa truyền thống của dân tộc. Họ cho rằng điều đó thật cũ kĩ, không phù hợp với cuộc sống ngày nay. Họ không hào hứng với những ngày lễ truyền thống, không thích thú với trang phục truyền thống làn điệu dân ca, không muốn ăn hay làm các món ăn có từ bao đời nay. Thật đáng buồn biết bao, khi những công dân ấy lại tỏ tường văn hóa nước ngoài hơn chính nước mình. Điều đó đang dần khiến cho nền văn hóa truyền thống nước ta gặp phải nguy cơ không thể xem nhẹ. Vì vậy, chúng ta phải có những hành động thiết thực hơn, đổi cách tiếp cận và quảng bá, để đưa văn hóa truyền thống đến gần với giới trẻ hơn.
Văn hóa truyền thống của một đất nước quan trọng như nước với cá. Vì thế, chúng ta cần phải giữ gìn và phát huy nó thật mạnh mẽ.
Bài văn mẫu số 6
Mỗi quốc gia, mỗi vùng lãnh thổ lại có một bản sắc, một nét đẹp văn hóa khác nhau. Chúng ta cần phải biết giữ gìn bản sắc văn hóa của mình cũng như quảng bá những nét đắc sắc đó đến với bạn bè năm châu. Bản sắc văn hóa dân tộc là những nét văn hóa từ lâu đời của dân tộc được truyền từ đời này sang đời khác đã trở thành những phong tục tập quán, những đặc trưng vùng miền của cả đất nước ta.
Bên cạnh đó, bản sắc văn hóa dân tộc còn là những giá trị tạo nên sự khác biệt của mỗi quốc gia, sự phong phú trong lối sống, sinh hoạt tập thể của con người và tạo nên sự đa dạng màu sắc cho cuộc sống. Bản sắc văn hóa dân tộc có tầm quan trọng lớn lao đối với cuộc sống của mỗi người nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung.
Bản sắc văn hóa dân tộc hay cụ thể hơn là văn hóa vùng miền là nơi con người giao lưu văn hóa, cùng nhau tôn vinh vẻ đẹp của quê hương mình, cũng là nơi con người gắn kết với nhau, vui đùa. Bản sắc văn hóa dân tộc còn là những đặc trưng về văn hóa của quốc gia đó, là nét làm cho đất nước mình không bị nhầm lẫn với bất kì đất nước nào khác. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều nét đẹp trong bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam ta đang bị mai một, mất dần đi hoặc suy thoái, biến tướng thành nhiều thể loại khác.
Chính vì thế, mỗi cá nhân đặc biệt là học sinh chúng ta phải có ý thức tìm hiểu những bản sắc văn hóa vốn có của dân tộc, giữ gìn và phát huy những giá trị đó với bạn bè năm châu. Nhà trường cần tổ chức nhiều hơn những hoạt động để tuyên truyền, mang đến cho học sinh nguồn tri thức về bản sắc văn hóa dân tộc. Mỗi người học sinh cần phải đặt trách nhiệm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc lên hàng đầu, tích cực trau dồi hiểu biết của mình về những giá trị văn hóa tốt đẹp của nước nhà.
Bài văn mẫu số 7
Văn hóa đọc trong thời đại hiện nay
Trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, sách đóng vai trò rất quan trọng: là chiếc chìa khóa vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người; là người thầy siêu việt thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô biên, dạy chúng ta biết sống và biết hy sinh. Có thể nói sách chính là người bạn tâm giao chia sẻ mọi nỗi vui, buồn sâu kín của mỗi con người, và đọc sách từ lâu đã trở thành một nhu cầu cần thiết của xã hội loài người không phỉa ai cũng có hứng thú với việc học. Đa số họ thờ ơ, lãnh cẩm và không coi trọng văn hóa đọc.
Tình trạng lười đọc sách ở tất cả các thành phần, lứa tuổi ngày một tăng trong khi xã hội đang rất cần tri thức. Hiện tượng này xảy ra đồng nghĩa với việc văn hóa nghe, nhìn đang có ảnh hưởng rất mạnh đến văn hóa đọc và công nghệ “mì ăn liền”: đọc nhanh, đọc ngắn, đọc sách mỏng trở thành phổ biến.
Nhiều số cán bộ công chức thích dành thời gian qua mạng tìm kiếm thông tin vừa nóng, đa dạng lại cập nhật. Số lượng đọc cũng không đều, có người đọc nhiều, có người đọc ít. Theo điều tra xã hội học thì có đến 32,27% công chức chỉ dành có 30 phút một ngày trong cho việc đọc sách, còn tầng lớp cán bộ lãnh đạo, quản lý chỉ có trên 10% đọc sách 2 giờ một ngày, con số quả là rất ít.
Các đối tượng là sinh viên thì ngại đọc sách dày, sách kinh điển, sách lý luận. Có những cuốn sách có giá trị được “đại hạ giá” vẫn không được các bạn trẻ trẻ ngó ngàng. Cũng theo điều tra xã hội thì có đến 18,18% sinh viên chỉ đọc có 15 phút một ngày, trong khi chỉ có trên 33% là đọc 3 tiếng một ngày. Lý giải điều này, người ta cho rằng văn hóa nghe, nhìn đang lấn át khi chỉ cần nghe đài, xem tivi, nhấp chuột là các bạn có thể có mọi thông tin từ trong nước đến thế giới với muôn hình vạn nẻo những sự kiện, vấn đề đang diễn ra xung quanh.
Đối với các em học sinh, thiếu niên nhi đồng thì việc đọc là một món ăn tinh thần rất bổ ích, nhất là sách tham khảo nâng cao kiến thức, truyện cổ tích, truyện tranh,… Nhưng giữa rừng sách hiện nay để chọn được cuốn sách hay và lý thú là điều không dễ dàng, thế mới biết số lượng sách nhiều, đa dạng, đẹp chưa hẳn đã hay nếu không bàn về chất lượng, tình trạng này cũng gây ra việc lười đọc ở đối tượng này.
Như ta đã biết, sách là những tác phẩm cực kỳ quý do trí tuệ cao cả của con người tạo nên được cô đọng, đúc rút qua thời gian và sự phát triển của nhân loại. Nếu dành thời gian quá ít ỏi cho việc đọc sẽ khiến con người không có chiều sâu tri thức, lười vận động, thiếu tìm tòi, và đây là một nguy cơ xấu đối với sự phát triển của một xã hội. Đồng thời, làm cho chúng ta hổng nhiều kiến thức, mất dần sự sáng tạo, không có tinh thần đổi mới, khả năng lý luận kém và không sâu…
Đổ lỗi cho văn hóa đọc đang bị văn hóa nghe, nhìn lấn lướt, tôi cho rằng không đúng như vậy. Với sự phát triển của thời đại văn minh công nghệ cao, văn hóa đọc phải chia sẻ với văn hóa nghe nhìn và với Internet. Xã hội càng phát triển thì nhu cầu của con người ngày càng phát triển theo. Ngày xưa ông cha ta học hành đều qua sách vở, thì ngày nay chúng ta học ở rất nhiều phương tiện. Việc đọc để học muôn thuở không bao giờ mất đi, trái lại nó phải là một nhu cầu thiết yếu của mỗi cá nhân con người và toàn xã hội. Không có nhà bác học thiên tài, không có nhà chính trị lỗi lạc nào chỉ dựa vào tài năng của mình để thành đạt mà thông qua việc đọc sách.
Mong muốn của em là cần có những giải pháp hay để văn hóa đọc ngày càng được tôn vinh. Nhưng cần làm như thế nào? Đó là một câu hỏi lớn và cần thực hiện ngay đối với người viết sách, đặc biệt là người làm sách và phát hành đề sách hay, bổ ích đến được tay bạn đọc.
Trước hết, cần phải hình thành thói quen đọc sách cho mỗi người, có phương pháp đọc sách và dần hình thành lòng ham mê đọc sách ở mọi tâng lớp nhân dân, điều này tự bản thân mỗi người phải tự rèn luyện.
Thứ hai, cần phải nâng cao chất lượng sách, bằng các phương tiện truyền thông, Đảng và Chính phủ nên đầu tư mạnh hơn cho hoạt động thư viện của quốc gia để định hướng cho công chúng đọc sách, phổ biến sách và văn hóa đọc trong nước.
Thứ ba, nâng cao vai trò của ngành Xuất bản, đây là yếu tố quan trọng nhất để độc giả tìm lại với văn hóa để đọc, bởi lâu nay, vai trò của ngành Xuất bản và phát hành đối với thị trường sách vẫn còn vô cảm khi bị chi phối của nền kinh tế thị trường. Muốn vậy, ngành Xuất bản cần cho ra đời nhiều tác phẩm hay thực sự, có sức cuốn hút và mang hơi thở thời đại như: Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Mãi mãi tuổi hai mươi,… để thu hút người đọc.
Để văn hoá đọc duy trì, phát triển và tạo ra thói quen đọc trong suốt cuộc đời cho mỗi người, cũng cần xây dựng thói quen đọc phải được bắt đầu từ tuổi ấu thơ, từ tuổi trước khi đến trường,… và giúp mỗi người từ khi đi học đã nắm vững kĩ năng đọc. Bởi nếu một người có thói quen đọc, nhưng thiếu kỹ năng đọc, hiệu quả đọc không cao, thậm chí không có hiệu quả, chỉ mất thời gian vô ích. Nếu nắm vững kỹ năng đọc, nhưng không tạo được thói quen đọc thì cũng chẳng thu lượm được kiến thức là bảo thiếu những kiến thức cần thiết cho cuộc sống của chính họ. Vì vậy, kỹ năng đọc của cá nhân mỗi người luôn được coi trọng, đó là sự thể hiện tổ hợp những thao tác tư duy được xác lập thành thói quen ứng xử đọc. Mục đích cuối cùng của kỹ năng đọc là đọc có hiệu quả cao nhất, nắm chắc nội dung cốt lõi và biết vận dụng những điều đã đọc được vào cuộc sống của chính
Ngày nay, trong thời đại 4.0, Đứng trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, của tri thức nhân loại, không ai có thể nắm được hết các loại khái niệm, các loại vấn đề, tuy nhiên nói nền văn đọc của mỗi quốc gia phải bao gồm đầy đủ ba thành phần: ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước, của cộng đồng xã hội và của mỗi thành viên trong xã hội. Điều đó sẽ tạo ra được một nền văn hoá đọc phát triển, góp phần xây dựng và tạo nên một xã hội học tập phát triển.
Gần đây việc quảng bá và các buổi tọa đàm tôn vinh văn hóa đọc đã được tổ chức thường xuyên ở các báo, đài, chương trình Truyền hình chào buổi sáng của VTV1 có hẳn một chuyên mục Mỗi ngày một cuốn sách, nhằm giới thiệu những cuốn sách hay, có giá trị đến với độc giả. Sự quan tâm của Nhà nước đối với hoạt động thư viện cần đẩy mạnh hơn, nhất là ở vùng sâu vùng xa, không có đủ phương tiện cũng như sách để phục vụ bạn đọc, nhằm khắc phục tình trạng lười đọc hiện nay, đặc biệt là sự thờ ơ, lạnh lùng với văn hóa đọc ở giới trẻ, đồng thời đưa văn hóa đọc lên một tầm cao mới, hình thành một xã hội học tập. Tin chắc rằng, văn hóa đọc sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn.
Bài văn mẫu số 8
Trong thời kỳ hội nhập khu vực và toàn cầu về kinh tế, văn hóa và tất cả mọi lĩnh vực, chúng ta cần xác định những gì là bản sắc, là nét riêng của mình để giữ gìn, phát huy để cùng với các quốc gia, dân tộc khác trên thế giới làm giàu kho tàng văn hóa nhân loại.
Văn hoá dân tộc Việt Nam ưa chuộng sự giản dị nhưng hết sức tinh tế và sâu sắc. Chính truyền thống văn hoá làm nên cội nguồn, gốc rễ cho dân tộc, từ đó hình thành nên ở con người Việt Nam lòng tự hào, tự tôn dân tộc, một niềm tin mãnh liệt vào tương lai.
Vì thế, nếu chúng ta không có ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá của chính dân tộc mình thì tự chúng ta sẽ làm mất đi vị thể riêng của mình, sẽ bị hoà tan vào những nền văn hoá khác trên thế giới. Có những thứ khi đã mất đi ta vẫn có thể lấy lại được nhưng có những điều nếu không níu giữ thì nó sẽ tuột khỏi tay ta mãi mãi. Từ những bài học của tiền nhân, chúng ta thấy rõ cái gì là tinh hoa của nhân loại, cần du nhập, chúng ta sẵn sàng nhập vào để làm phong phú thêm đời sống vật chất và tinh thần của mình.
Những cái gì là của riêng ta, nhưng nếu rườm rà, không phù hợp với sự phát triển thì chúng ta cũng cần mạnh dạn xóa bỏ (như chuyện búi tó củ hành, chuyện nhuộm răng đen, chuyện mặc yếm, vấn khăn mỏ quạ…). Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa thời hội nhập là công việc của mọi nhà, của mọi người và toàn xã hội. Nhưng trước hết, đó là trách nhiệm của những người quản lý và các chuyên gia văn hóa. Mỗi người chúng ta hãy có ý thức giữ gìn những nét đẹp văn hoá của dân tộc mình, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày nay.
Việc giữ gìn truyền thống văn hoá phải bắt đầu từ việc giữ gìn truyền thống của mỗi gia đình, mồi địa phương, vùng miền cụ thể. Và mỗi nét đặc sắc trong văn hoá của hơn năm mươi dân tộc anh em sẽ làm nên một nền văn hoá Việt Nam đa dạng, đậm đà bản sắc.
Bài văn mẫu số 9
Vấn đề văn hoá truyền thống trong xã hội hiện đại là một chủ đề được nhiều người quan tâm. Hiện nay, trong bối cảnh đất nước đang từng bước hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, văn hoá truyền thống có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức.
Ở trường học, vào những dịp đặc biệt như trung thu, tết nguyên đán,… em được tham gia rất nhiều những hoạt động văn hoá truyền thống đa dạng và phong phú. Điều đó giúp cho em hiểu về những giá trị xưa cũ và tinh thần giữ gìn truyền thống văn hoá của nhân dân ta.
Bên cạnh đó, trên ti vi cũng nói và truyền thông rất nhiều về những nét đẹp văn hoá truyền thống trên nhiều vùng miền trên đất nước ta. Một trong số những hoạt động: thú chơi tranh dân gian, sưu tầm các sản phẩm thủ công truyền thống, trò chơi dân gian,… Bên cạnh đó, một số nét văn hoá truyền thống cũng đang bị mài mòn do ý thức kém và lòng tham lam của con người.
Gần đây, báo chí cũng rất rầm rộ vụ hàng loạt tượng phật trong một ngôi chùa linh thiêng bị đánh cắp. Khi biết được thông tin, người dân đã không khỏi hoang mang và phẫn nộ, quyết tâm truy tìm để lên án, tố cáo những cá nhân, tập thể đã làm điều đó. Dù có một số trường hợp không có ý thức giữ gìn văn hoá dân tộc nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận được giá trị lâu bền của những nét đẹp văn hoá truyền thống. Chính những hoạt động đó khiến cho con người sống văn minh và yêu cái đẹp, yêu quê hương, dân tộc nhiều hơn.
Bài văn mẫu số 10
Bài nói trình bày ý kiến về thú chơi tranh dân gian trong đời sống hiện đại
Chào cô và các bạn. Tên em là Quỳnh Trang. Hôm nay, em sẽ trình bày ý kiến của bản thân về vấn đề thú chơi tranh dân gian trong đời sống hiện đại.
Chơi tranh được coi là một trong những hình thức giải trí, thư giãn của con người. Bước vào thời kì hiện đại, chúng ta có cơ hội tiếp xúc với nhiều loại tranh, từ tranh nước ngoài tới tranh Việt Nam rồi tranh sơn dầu, tranh đá,… Tuy nhiên, dường như con người lại bỏ quên tranh dân gian – một biểu tượng văn hóa truyền thống của đất nước.
Ngày nay, tranh dân gian dần mất đi chỗ đứng trong đời sống. Thật khó để bắt gặp một gia đình hiện đại treo tranh thờ, tranh Tết vào dịp lễ Tết cổ truyền. Vài năm trở lại đây, mọi người thường chọn tranh thêu hoặc tranh đính đá để trưng bày trong nhà. Song, đâu đó vẫn còn nhiều người hứng thú, say mê với tranh dân gian. Họ yêu những ý nghĩa sâu xa, những đường nét đơn giản của tranh. Họ cảm thấy thích thú khi được tìm hiểu về truyền thống văn hóa dân tộc.
Như vậy, chơi tranh dân gian không chỉ là một thú vui tao nhã mà còn là cách để thế hệ sau biết nâng niu, trân trọng các giá trị văn hóa tốt đẹp. Mong rằng, thú chơi này sẽ được lan tỏa tới nhiều nơi hơn nữa. Để làm được điều đó thì mỗi người cần trau dồi, mở rộng hiểu biết về tranh dân gian. Từ đó, đẩy lùi hiện tượng chơi tranh theo trào lưu hoặc treo tranh giả, tranh sao chép. Đặc biệt, là thế hệ trẻ của đất nước, chúng ta nên có suy nghĩ, hành động thiết thực, đúng đắn trong việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa dân gian.
Bài thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Rất cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.
Bài văn mẫu số 11
Bài nói trình bày ý kiến về thú chơi tranh dân gian trong đời sống hiện đại
Trong buổi học Nói và nghe hôm nay, em xin trình bày quan điểm của mình về vấn đề: thú chơi tranh dân gian trong đời sống hiện đại. Kính mong cô cùng các bạn chú ý lắng nghe.
Mọi người thân mến, hiện nay, nước ta có 12 dòng tranh dân gian tiêu biểu: tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kính Nam Bộ, tranh Kim Hoàng, tranh Thập vật, tranh làng Sình, tranh Đồ thế Nam Bộ, tranh Thờ miền núi, tranh Gói vải, tranh Thờ đồng bằng và tranh Vải. Có thể thấy, tranh dân gian xuất hiện ở nhiều vùng miền: từ miền núi đến miền xuôi, từ nông thôn đến thành thị, từ Bắc vào Nam.
Tuy nhiên, theo thời gian, những dòng tranh này dần bị mai một và đi vào lãng quên. Người ta ít nói tới tranh dân gian hay tranh Tết, tranh thờ. Thay vào đó, một vài gia đình lựa chọn treo những loại tranh khác. Song, nhiều người vẫn dành một tình cảm đặc biệt cho dòng tranh dân gian. Họ sẵn sàng bỏ ra công sức để tìm hiểu về các tác phẩm có giá trị cao.
Như đã biết, mỗi bức tranh dân gian thường ẩn chứa quan niệm, mong ước của người xưa về cuộc sống tốt đẹp. Ví như tranh chim công, cá chép luôn sóng đôi với nhau để thể hiện mong muốn công thành danh toại, ấm no, sung túc. Bởi vậy, chơi tranh dân gian chính là cách giúp chúng ta hiểu hơn về văn hóa dân tộc.
Chơi tranh dân gian cần xuất phát từ niềm yêu thích, say mê. Trong quá trình chơi tranh, chúng ta nên tích lũy cho bản thân những kiến thức cơ bản về các loại tranh. Ngoài ra, chúng ta – những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường cần biết giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của thế hệ trước. Chúng ta có thể dành chút thời gian tìm hiểu cái hay, cái đẹp của văn hóa nước nhà để tuyên truyền, giới thiệu tới mọi người xung quanh nhằm giúp tranh dân gian trở nên phổ biến hơn.
Bài thuyết trình của em đến đây là hết. Cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.
Bài văn mẫu số 12
Bài nói trình bày ý kiến về thú chơi tranh dân gian trong đời sống hiện đại
Xin chào cô và các bạn. Em tên là Quỳnh Thương. Trong tiết Nói và nghe hôm nay, em xin trình bày những suy nghĩ của mình về vấn đề thú chơi tranh dân gian trong đời sống hiện đại.
Chắc hẳn, ai trong mỗi chúng ta cũng từng nghe đến cụm từ “tranh Đông Hồ” rồi đúng không nào? Bên cạnh tranh Đông Hồ nổi tiếng, nước ta còn có nhiều dòng tranh dân gian khác như: tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng,…
Ngày nay, tranh dân gian vẫn luôn hiện hữu trong đời sống con người Việt Nam. Người dân thường mua tranh về treo trong nhà vào các dịp lễ Tết hoặc đơn giản là để trưng bày cho đẹp nhà, đẹp cửa.
Tranh dân gian được dùng cho nhiều mục đích: thờ cúng, chúc tụng, gửi gắm mong ước,… Đặc biệt, dòng tranh này không kén người chơi. Với giá thành hợp lí và ý nghĩa sâu xa như vậy, bất cứ ai cũng có thể chọn lựa treo hoặc tặng tranh dân gian.
Có thể nói, tranh dân gian là biểu tượng văn hóa từ ngàn đời nay của đất nước ta. Vì thế, chơi tranh dân gian chính là cách để chúng ta giữ gìn, kế thừa những giá trị văn hóa tốt đẹp của cha ông.
Hi vọng rằng, trong quá trình chơi loại tranh này, mỗi cá nhân sẽ tìm hiểu rõ ràng, tránh trường hợp tranh giả, tranh sao chép. Đồng thời rèn luyện cho bản thân khả năng tư duy mỹ cảm nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Là một công dân Việt Nam, chúng ta – những mầm non tương lai cần có ý thức hơn nữa về việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống mà cha ông dày công xây dựng.
Các bạn có suy nghĩ gì về vấn đề thú chơi tranh trong đời sống hiện đại? Hãy chia sẻ thêm với mọi người nhé.
Bài thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Cảm ơn cô và các bạn đã chú ý theo dõi, lắng nghe.
Bài văn mẫu số 13
Bài nói trình bày ý kiến về vấn đề sức hấp dẫn của các di tích lịch sử – văn hóa truyền thống đối với du khách
Kính chào thầy cô và các bạn, sau đây tôi sẽ trình bày ý kiến về vấn đề sức hấp dẫn của các di tích lịch sử – văn hóa truyền thống đối với du khách.
Việt Nam là một đất nước có văn hóa truyền thống lâu đời. Trên khắp mọi miền đất nước có rất nhiều di tích lịch sử – văn hóa. Có thể kể đến một số địa danh nổi tiếng thường được nhắc đến như: di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), Dinh Độc Lập (Thành phố Hồ Chí Minh). Mỗi di tích lịch sử – văn hóa đều mang một nét đẹp riêng biệt của từng vùng miền, gửi gắm một câu chuyện lịch sử hoặc giá trị văn hóa nào đó.
Ngày nay, các di tích lịch sử – văn hóa vẫn có sức hấp dẫn với khách du lịch trong nước và quốc tế. Du khách tìm đến những địa điểm này để tham quan, vãn cảnh và tìm hiểu về lịch sử – văn hóa của dân tộc Việt Nam bởi những nét nét độc đáo, thú vị. Đó cũng là một cách để góp phần quảng bá hình ảnh của một đất nước Việt Nam giàu truyền thống văn hóa đến bạn bè quốc tế.
Có thể khẳng định rằng, những di tích lịch sử – văn hóa truyền thống là tài sản vô giá mà cha ông để lại cho chúng ta. Thông qua các di tích, ta có thể hiểu hơn về kiến trúc nghệ thuật, phong tục tập quán… Đồng thời, phần nào thấy được quá trình dựng xây và phát triển quê hương, đất nước trong quá khứ. Như vậy, việc ghé thăm di tích lịch sử – văn hóa cũng được coi là cách để chúng ta hướng về cội nguồn, nhớ tới tổ tiên.
Từ đó, cần đặt ra vấn đề làm thế nào để phát triển du lịch tại các di tích văn hóa – lịch sử. Điều đó cần đến từ sự quan tâm của chính quyền các địa phương khi xây dựng kế hoạch bảo tồn và khai thác các di tích lịch sử – văn hóa một cách hợp lí. Đồng thời, nghiên cứu và đưa ra định hướng rõ ràng cho một số chương trình du lịch cụ thể, tránh tình trạng phá hoại, làm xuống cấp các di tích lịch sử, quần thể kiến trúc. Người dân ở chính các địa phương đó cần có ý thức giữ gìn, bảo vệ và quảng bá về di tích lịch sử – văn hóa của địa phương mình.
Bài văn mẫu số 14
Trong tiến trình đổi mới, con người và văn hóa Việt Nam luôn có sự liên hệ với cội nguồn truyền thống. Truyền thống là những kinh nghiệm đấu tranh sinh tồn của một dân tộc đã được đúc kết thành các giá trị và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Truyền thống bao gồm tất cả các lĩnh vực của xã hội, nhưng tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực văn hóa. Trong cuộc đấu tranh sinh tồn của một dân tộc, truyền thống có ý nghĩa vô cùng to lớn. Vừa là nguồn sống vừa là nguồn sáng tạo của dân tộc. Vì thế, truyền thống không phải là những vật trưng bày chết cứng trong viện bảo tàng, mà nó luôn tồn tại trong mối quan hệ với hiện tại và tương lai.
Tuy nhiên, chúng ta phải xác định rằng giá trị văn hóa truyền thống chỉ có ý nghĩa lịch sử tương đối. Vai trò và tác động của các giá trị văn hóa truyền thống có thể khác nhau qua các thời kỳ lịch sử. Vì thế, việc nghiên cứu sự tác động của các giá trị văn hóa truyền thống đến cuộc sống hiện tại là một nhiệm vụ quan trọng để giúp chúng ta phân biệt được những tác động tích cực với những tác động tiêu cực, từ đó phát huy mặt tích cực và khắc phục mặt tiêu cực của các giá trị truyền thống. Đó chính là vấn đề cơ bản của mối quan hệ giữa truyền thống với hiện đại.
Trước hết, cần khẳng định rằng những giá trị truyền thống cơ bản kể trên vẫn có ý nghĩa tác động tích cực đến việc xây dựng con người mới và nền văn hóa hiện đại của chúng ta. Lòng yêu nước không chỉ thể hiện ở tinh thần giữ nước, mà nó còn hun đúc cho mọi người Việt Nam tinh thần quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam giàu đẹp. Lòng tự cường dân tộc đã tiếp cho người dân một sức mạnh để đưa đất nước nhập vào dòng chảy phát triển của thế giới. Tính cần cù sáng tạo đã giúp con người và văn hóa Việt Nam đạt được những tiến bộ rất quan trọng. Cần cù sáng tạo được thể hiện trong học tập, nghiên cứu và trong lao động, sản xuất. Lòng khoan dung cũng là một giá trị truyền thống quan trọng của dân tộc ta. Cũng với tinh thần khoan dung, chúng ta đang xây dựng một nền văn hóa có khả năng dung hợp các thành tựu tiến bộ của các nền văn hóa trên thế giới. Đức tính giản dị cũng là một giá trị văn hóa truyền thống quan trọng của dân tộc, đã được Đảng và Bác Hồ nâng lên thành phương châm sống của con người mới Việt Nam. Truyền thống thương người như thể thương thân cũng đang tạo cho văn hóa Việt Nam một nét đẹp riêng và có tác động không nhỏ đến sự phát triển con người và xã hội.
Bên cạnh đó, ở nước ta hiện nay, trong lĩnh vực văn hóa tập tục, nhiều yếu tố lạc hậu, phản tiến bộ đã được hạn chế. Tuy nhiên, trong thời đại của tự do văn hóa thì nhiều hủ tục khác lại đang có cơ hội được phục hồi. Tục lệ cưới xin, ăn uống linh đình đang quay trở lại với mức độ rầm rộ hơn xưa. Hủ tục về ma chay cũng vẫn còn tồn tại khá nặng nề ở một số nơi.
Chẳng hạn như trong lĩnh vực văn hóa giáo dục, truyền thống "tôn sư trọng đạo" và hiếu học của người phương Đông là một nét đẹp văn hóa. Tuy nhiên, truyền thống tôn sư trọng đạo nhiều khi được hiểu một cách tuyệt đối hóa, dẫn đến cách truyền thụ kiến thức theo kiểu thầy đọc, trò nghe, làm cho học sinh trở thành cái máy tiếp thu thụ động, hạn chế óc tìm tòi sáng tạo của học sinh. Điều này hiện nay đang bị nhiều người lên tiếng phê phán. Hay trong lĩnh vực văn hóa tín ngưỡng - tôn giáo (không bàn tới hiện tượng lợi dụng tự do tín ngưỡng - tôn giáo để đạt mục đích ở ngoài tín ngưỡng - tôn giáo) cũng đang bị lợi dụng, làm cho nạn mê tín dị đoan tăng lên. Lễ hội tràn lan. Lễ hội cũ được phục hồi, lễ hội mới được sáng tạo thêm. Có thể nói, hiện tượng lễ bái và tình trạng lễ hội tràn lan đang là một trong những vấn đề nhức nhối của văn hóa Việt Nam. Tình trạng trên có cả nguyên nhân bên trong lẫn nguyên nhân bên ngoài.
Vậy nguyên nhân của thực trạng này là gì? Nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ tâm lý, tâm linh xa lánh cõi trần. Tất nhiên, tự thân nguyên nhân này không mang tính tiêu cực. Chỉ khi nào bị lợi dụng và được kết hợp với các nguyên nhân khác thì nó mới tạo ra tác động tiêu cực. Tiếp đến là do trình độ dân trí còn chưa cao. Chúng ta chưa kế thừa đúng đắn truyền thống văn hóa.
Ngoài ra, chúng ta không thể không kể đến một nguyên nhân bên ngoài rất quan trọng là tác động của toàn cầu hóa văn hóa dưới sự hậu thuẫn của toàn cầu hóa kinh tế. Khía cạnh lợi ích kinh tế của một số lễ hội phương Tây do toàn cầu hóa văn hóa đem lại hiện đang được khai thác triệt để ở nhiều nơi trên thế giới. Trong những ngày lễ, các nhà kinh doanh thực hiện một chiến dịch quảng cáo rầm rộ để tiêu thụ các sản phẩm ăn theo. Còn các phương tiện truyền thông thì tuyên truyền, chạy theo một cách thiếu chủ kiến, một kiểu tuyên truyền theo đuôi công chúng.
Nói tóm lại, việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khắc phục những hạn chế của một số tập quán lạc hậu là một công việc có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển trí tuệ con người và xây dựng nền văn hóa mới, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc trong xã hội hiện đại của chúng ta.
Bài văn mẫu số 15
Ngày nay, trong xã hội hiện đại, khi giới trẻ được làm quen và tiếp cận nhiều với nền văn minh mới hiện đại và tiên tiến hơn, thì vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trở nên cần thiết hơn bất cứ khi nào hết.
Thực trạng đang diễn ra mà ai cũng cảm nhận thấy đó là xã hội đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Con người chúng ta ngày càng được hòa nhập, cởi mở hơn với những nền văn hóa mới của nhiều quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, đôi lúc chúng ta lại dường như quên đi nét đẹp, truyền thống văn hóa của chính đất nước mà chúng ta sinh ra và lớn lên - đất nước Việt Nam yêu dấu. Nhiều bản sắc đã bị mai một, giới trẻ lại ngày càng ít quan tâm và tìm hiểu về những truyền thống, bản sắc đó. Thay vào đó, giới trẻ có xu hướng theo đuổi và ưa chuộng những văn hóa các nước khác.
Hậu quả của việc chạy theo những nền văn hóa khác nhau là những giá trị truyền thống tốt đẹp sẽ ngày càng bị mai một và mất dần đi. Những lễ hội, cuộc thi dân gian không còn được nhận nhiều sự quan tâm của con người hoặc chỉ mang dáng dấp hình thức. Nhiều người trẻ hiện nay thậm chí còn không hiểu biết về nền văn hóa truyền thống của đất nước mình bằng sự tân tiến của các nước trên thế giới. Chính những điều này đã làm con người đánh mất đi giá trị cốt lõi của đất nước mình.
Đứng trước thực trạng đáng báo động trên, là những người trẻ chúng ta - những thế hệ tương lai của đất nước, cần phải làm gì để khắc phục? Theo đó, trước hết, mỗi cá nhân đặc biệt là học sinh cần phải tìm hiểu, trau dồi những bản sắc văn hóa vốn có của dân tộc, có trách nhiệm giữ gìn và phát huy thật tốt những giá trị đó với bạn bè năm châu. Bên cạnh đó, nhà trường cần phải tổ chức nhiều hơn những hoạt động tuyên truyền, mang đến cho học sinh nguồn tri thức đúng đắn về giữ gìn bản sắc dân tộc. Gia đình, cộng đồng cũng phải cùng chung sức, đồng lòng để tô đậm thêm nữa những giá trị văn hóa đó để không bị phai nhạt trong các luồng văn hóa khác.
Tóm lại, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là trách nhiệm chung của tất cả những con người Việt Nam chúng ta. Vì thế, chúng ta cần có ý thức giữ gìn và phát huy những truyền thống đó để nó ngày càng đẹp đẽ và phát triển rộng rãi hơn.
Viết bài văn trình bày ý kiến về vấn đề văn hóa truyền thống trong xã hội hiện đại ngắn gọn - Đồ thủ công truyền thống
I. Dàn Ý Trình Bày Ý Kiến Về Việc Sử Dụng Các Sản Phẩm Thủ Công Truyền Thống:
1. Mở đầu:
- Giới thiệu vấn đề cần trình bày: việc sử dụng các sản phẩm thủ công truyền thống trong đời sống sinh hoạt hằng ngày.
- Nêu lí do trình bày vấn đề.
2. Nội dung chính:
- Những thông tin đáng quan tâm:
+ Sản phẩm thủ công truyền thống là những hàng hóa được sản xuất bởi người dân trong các làng nghề truyền thống.
+ Một số sản phẩm thủ công truyền thống mà ta thường bắt gặp: bình gốm, bát sứ, rổ tre, giỏ mây, tranh Đông Hồ, đồ gỗ mĩ nghệ,...
- Ý kiến của em về vấn đề được bàn:
Sử dụng các sản phẩm thủ công truyền thống giúp
+ Đem lại nguồn lợi kinh tế cho các làng nghề.
+ Góp phần bảo tồn những phong tục, tập quán truyền thống của đất nước.
+ Sử dụng sản phẩm làm từ mây, tre để thay thế cho nhựa -> giúp bảo vệ môi trường.
- Mong muốn của em và những giải pháp đề xuất:
+ Mong muốn: Các sản phẩm thủ công truyền thống sẽ xuất hiện nhiều hơn nữa trong đời sống con người.
+ Giải pháp: các địa phương cần có kế hoạch, chương trình phát triển làng nghề truyền thống.
- Trao đổi thêm với các bạn khác.
3. Kết thúc: Khái quát nội dung đã trình bày.
II. Một số bài văn mẫu:
Bài văn mẫu số 1
Trong buổi học hôm nay, em xin trình bày ý kiến của bản thân về việc sử dụng các sản phẩm thủ công truyền thống trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Mời cô và các bạn theo dõi, lắng nghe.
Chúng ta đang sống trong một kỉ nguyên với sự phát triển rực rỡ của máy móc, công nghệ, thiết bị hiện đại. Các đồ dùng sinh hoạt được sản xuất trên quy mô lớn, giá thành rẻ, đa dạng mẫu mã và hình thức. Những điều này là một phần nguyên nhân dẫn đến thay đổi thói quen của con người trong việc sử dụng sản phẩm hiện đại thay vì thủ công truyền thống.
Ngày nay, chúng ta ít khi bắt gặp nồi gang đúc hay rổ rá tre,... Chúng ta đang thay thế chúng bằng các sản phẩm ưu việt, nhiều tính năng hơn. Điều này đã gây ảnh hưởng rất lớn tới các làng nghề truyền thống. Khi nhu cầu của người tiêu dùng giảm thì việc cung ứng cũng bị trì trệ, chậm chạp. Không chỉ vậy, việc lãng quên sản phẩm thủ công truyền thống còn đồng nghĩa với việc vẻ đẹp văn hóa dân tộc dần mai một theo thời gian.
Như vậy, việc sử dụng các sản phẩm này cũng chính là cách để chúng ta giữ gìn, phát triển giá trị văn hóa tốt đẹp của đất nước. Đồng thời, góp phần đẩy mạnh giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế ở làng nghề. Ngoài ra, các sản phẩm làm từ tự nhiên như mây, tre cũng giúp bảo vệ môi trường sống, giảm thiểu rác thải từ nhựa, ni-lông.
Để các sản phẩm thủ công truyền thống trở nên phổ biến, chúng ta có thể quảng bá, giới thiệu tới mọi người. Đồng thời, nếu có cơ hội, ta nên ghé thăm một số làng nghề để tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm. Hi vọng rằng, các địa phương sẽ đẩy mạnh và phát triển mô hình du lịch làng nghề nhằm thu hút du khách tới thăm.
Đứng trước vấn đề này, các bạn có suy nghĩ như thế nào? Hãy chia sẻ nó với cả lớp nhé!
Bài thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.
Bài văn mẫu số 2
Xin chào cô và các bạn. Em tên là Minh Tâm. Hôm nay, em sẽ trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề "sử dụng các sản phẩm thủ công truyền thống trong đời sống sinh hoạt hàng ngày".
Các bạn thân mến, trong bài thơ "Việt Nam quê hương ta", nhà thơ Nguyễn Đình Thi có viết "Đất trăm nghề của trăm vùng/ Khách phương xa tới lạ lùng tìm xem". Hai câu thơ đã cho thấy sự phong phú, đa dạng về làng nghề truyền thống ở đất nước ta. Mỗi làng nghề lại sản xuất những mặt hàng, sản phẩm mang đặc trưng riêng.
Ngày nay, dù cuộc sống đã trở nên hiện đại và kéo theo nhiều thay đổi nhưng nhiều người vẫn tin tưởng sử dụng sản phẩm thủ công. Một số vật dụng vẫn hiện hữu trong đời sống sinh hoạt thường ngày như: bát sứ, tranh lụa, bình gốm,... Phải chăng, sự đổi thay dễ thấy nhất đến từ mô hình sản xuất? Thay vì làm thủ công 100%, nhiều làng nghề đã và đang áp dụng máy móc cùng những kĩ thuật tiên tiến để sản xuất nhằm đáp ứng thị trường và tiết kiệm chi phí.
Có thể nói, việc sử dụng sản phẩm thủ công mang đến rất nhiều lợi ích. Trước hết, nó đem lại lợi nhuận vô cùng lớn cho các làng nghề truyền thống. Một vài mặt hàng được sản xuất để xuất khẩu ra nước ngoài như: mây tre đan, gốm sứ, hàng thủ công thêu tay,... cũng góp phần thu về rất nhiều ngoại tệ. Tiếp đến, nếu làng nghề thủ công phát triển bền vững thì người lao động vẫn được đảm bảo công ăn, việc làm. Ngoài ra, việc sử dụng sản phẩm thủ công còn giúp lưu giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán lâu đời của cha ông.
Hi vọng rằng, các sản phẩm thủ công truyền thống sẽ được đông đảo người dân yêu thích và sử dụng. Người tiêu dùng cũng nên có cái nhìn toàn diện, sâu sắc về những sản phẩm này. Bên cạnh đó, các địa phương cần lên kế hoạch hợp lí nhằm thúc đẩy, phát triển làng nghề.
Bài trình bày của em đến đây là hết. Cảm ơn cô và các bạn đã theo dõi, lắng nghe.
Bài văn mẫu số 3
Xin chào cô và các bạn. Em tên là Đông My. Hôm nay, em xin trình bày suy nghĩ của mình về việc sử dụng các sản phẩm thủ công truyền thống trong đời sống sinh hoạt hằng ngày.
Nói về sản phẩm thủ công truyền thống, mọi người sẽ nghĩ tới thứ gì đầu tiên? Mình thì nhớ ngay tới gốm sứ, mây tre đan, vải dệt, tranh dân gian,... Những sản phẩm này đa phần được tạo nên bằng chính đôi bàn tay của người thợ. Theo thời gian, một số sản phẩm truyền thống sẽ được cải tiến để phù hợp với cuộc sống hiện đại nhưng không làm mất đi cái gốc vốn có.
Các bạn thân mến, sản phẩm thủ công đã được lưu truyền, giữ gìn từ đời này qua đời khác. Bởi vậy, việc sử dụng các sản phẩm này còn góp phần lưu giữ những phong tục, tập quán truyền thống của đất nước.
Dẫu biết máy móc, kĩ thuật hiện đại đang chiếm ưu thế to lớn nhưng hi vọng rằng, các làng nghề truyền thống vẫn tồn tại, phát triển. Mong rằng, nhà nước, địa phương sẽ có thêm các chính sách, chương trình phát triển để khôi phục, phát huy các giá trị truyền thống ở một số làng nghề.
Bài thuyết trình của em đến đây là kết thúc. Cảm ơn cô và các bạn đã chú ý lắng nghe, theo dõi. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp, nhận xét từ mọi người để bài trình bày thêm hoàn thiện.
Xem thêm một số bài văn mẫu lớp 7 hay khác:
TOP 50 mẫu Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống (2024) SIÊU HAY