Soạn bài Kể lại một truyền thuyết
Bài giảng Soạn văn lớp 6 Tập 2 Soạn bài Kể lại một truyền thuyết
A. Soạn bài Kể lại một truyền thuyết ngắn gọn
Đề bài
Truyền thuyết cũng như các truyện dân gian khác được lưu truyền nhờ lời kể, bằng lời kể. Nếu muốn kể hoặc được yêu cầu kể một truyền thuyết đã đọc, đã nghe, em sẽ thực hiện như thế nào?
Lời giải chi tiết
1. Trước khi nói
a. Chuẩn bị nội dung nói
- Chọn truyền thuyết và ngôi kể.
- Tóm tắt truyện.
- Xác định từ ngữ then chốt và giọng kể thích hợp.
b. Tập luyện
Để có bài nói tốt, em cần tập luyện:
- Tập trình bày một mình trước gương.
- Tập trình bày trước bạn bè hoặc người thân và lắng nghe các ý kiến nhận xét, góp ý để hoàn thiện bài nói.
2. Trình bày bài nói
Khi trình bày bài nói, em cần lưu ý:
- Giọng kể trang nghiêm, đôi lúc hào sảng, trầm lắng.
- Tập trung vào những sự kiện quan trọng
- Nên chuẩn bị tranh ảnh để mô phỏng.
Bài nói tham khảo
Ngày xưa ở miền đất Lạc Việt, cứ như bây giờ là Bắc Bộ nước ta, có vị thần thuộc nòi rồng, con trai thần Long Nữ, tên là Lạc Long Quân. Thần mình rồng, sức khoẻ vô địch và có nhiều phép lạ. Thần thường sống dưới nước, thỉnh thoảng lên cạn diệt trừ yêu quái giúp dân và dạy dân chăn nuôi trồng trọt…
Bấy giờ ở vùng núi cao phương Bắc có nàng Âu Cơ thuộc dòng dõi Thần Nông. Biết vùng Lạc Việt nhiều hoa thơm cỏ lạ nên nàng đến thăm. Tại đây, nàng gặp Lạc Long Quân. Họ yêu nhau, kết duyên đôi lứa, sống tại cung điện Long Trang trên cạn.
Ít lâu sau, Âu Cơ có mang. Kì lạ làm sao, đến kì sinh nở, nàng sinh ra một bọc trăm trứng, sau trăm trứng đó nở thành trăm người con trai đẹp đẽ lạ thường. Đàn con không cần bú mớm mà vẫn lớn nhanh như thổi, sức khoẻ như thần. Âu Cơ và Lạc Long Quân mừng vui khôn xiết.
Nhưng Lạc Long Quân vốn quen sống dưới nước. Một hôm, chàng đành từ biệt vợ con trở về thuỷ cung. Âu Cơ một mình vò võ nuôi con trong chờ mong buồn tủi. Một hôm, nàng gọi chồng lên than thở:
- Sao chàng lại bỏ thiếp mà đi, không cùng thiếp nuôi các con?
Lạc Long Quân ngậm ngùi:
- Ta thuộc nòi rồng, quen sống dưới vùng nước thẳm, nàng là tiên nữ, quen sống chốn non cao. Kẻ trên cạn, người dưới nước, tính tình tập quán khác nhau, khó mà ăn ở với nhau lâu dài được. Nay ta đem năm mươi người con xuống biển, nàng đem năm mươi người con lên núi, chia nhau cai quản đất đai, khi có việc cần thì giúp đỡ nhau.
Âu Cơ mang năm mươi người con lên rừng. Người con trưởng của Âu Cơ lên làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu. Triều đình có đủ tướng văn tướng võ. Con trai được gọi là Lang, con gái gọi là Mị Nương. Khi cha chết, ngôi báu được truyền cho con trưởng. Cứ thế, mười mấy đời vua Hùng đã thay nhau trị vì đất nước, không hể thay đổi hiệu Hùng Vương.
Kể từ đó, dân Việt Nam, con cháu các vua Hùng, đều tự coi mình là con Rồng, cháu Tiên.
Đấy là truyền thuyết giải thích nguồn gốc của dân tộc ta. Truyền thuyết cũng cho ta hiểu rõ hơn hai tiếng thiêng liêng "đồng bào" (cùng trong một bọc). Chúng ta tự hào hơn về nòi giống Tiên Rồng của mình. Tự hào hơn về tình đoàn kết của các dân tộc anh em trên đất Việt.
3. Sau khi nói
- Người nghe:
+ Trao đổi về bài nói với tinh thần xây dựng và tôn trọng. Có thể trao đổi một số nội dung như:
• Điều hấp dẫn, thú vị của câu chuyện.
• Những sự việc, chi tiết còn chưa rõ trong bài nói.
- Người nói:
Lắng nghe, phản hồi những ý kiến của người nghe với tinh thần cầu thị:
• Tiếp thu những ý kiến góp ý mà em cho là xác đáng.
• Giải thích thêm về những sự việc, chi tiết mà người nghe còn chưa rõ.
B. Tóm tắt những nội dung chính khi soạn bài Kể lại một truyền thuyết
Khi kể lại một truyện truyền thuyết cần đảm bảo những nội dung sau:
- Chuẩn bị nội dung nói:
+ Chọn truyện truyền thuyết và ngôi kể phù hợp
+ Tóm tắt câu chuyện với những nội dung chính
+ Xác định những từ ngữ then chốt và giọng kể thích hợp
- Tập luyện nhiều lần
- Trình bày bài nói cần tự tin, thuyết phục, thu hút người đọc.
Xem thêm các bài Soạn văn lớp 6 sách Kết nối tri thức, ngắn gọn khác: