Lý thuyết Sinh học 10 Bài 1: Giới thiệu khái quát chương trình môn Sinh học
A. Lý Thuyết
I. Đối tượng, lĩnh vực nghiên cứu và mục tiêu môn sinh học
1. Đối tượng và lĩnh vực nghiên cứu của sinh học
- Đối tượng nghiên cứu: các sinh vật sống và các cấp độ tổ chức khác của thế giới sống (hay chính là nghiên cứu về các cá thể sống và mối quan hệ giữa các cá thể sống với nhau và với môi trường).
- Một số lĩnh vực nghiên cứu của ngành Sinh học:
+ Di truyền học: nghiên cứu về tính di truyền và biến dị ở các loài sinh vật.
+ Sinh học phân tử: nghiên cứu về cơ sở phân tử của các cơ chế di truyền như nhân đôi DNA, phiên mã, dịch mã, các hoạt động sống của tế bào.
+ Sinh học tế bào: nghiên cứu về cấu tạo và các hoạt động sống của tế bào.
+ Vi sinh vật học: nghiên cứu các đặc điểm hình thái, cấu tạo, phân bố, các quá trình sinh học cũng như vai trò, tác hại của các loài vi sinh vật đối với tự nhiên và con người.
+ Giải phẫu học: nghiên cứu về hình thái và cấu tạo bên trong cơ thể sinh vật.
+ Sinh lí học: nghiên cứu các quá trình (cơ học, hóa học, vật lí) diễn ra bên trong cơ thể sinh vật sống thông qua hoạt động của các cơ quan và hệ cơ quan.
+ Động vật học: nghiên cứu về hình thái, giải phẫu, sinh lí, phân loại và hành vi của động vật cũng như vai trò và tác hại của chúng đối với tự nhiên và con người.
+ Thực vật học: nghiên cứu về hình thái, giải phẫu, sinh lí, phân loại thực vật; vai trò và tác hại của thực vật đối với tự nhiên và con người.
+ Sinh thái học và Môi trường: nghiên cứu mối quan hệ tương tác qua lại giữa các cá thể sinh vật với nhau và với môi trường sống của chúng, sự thay đổi các yếu tố môi trường và những vấn đề liên quan đến môi trường.
+ Công nghệ sinh học là ngành công nghệ sử dụng tế bào sống và các quá trình sinh học để ra các sản phẩm sinh học cần thiết cho con người.
2. Mục tiêu học tập môn Sinh học
- Về kiến thức: Giúp hiểu rõ được sự hình thành và phát triển của thế giới sống, các quy luật của tự nhiên.
- Về năng lực: Giúp hình thành và phát triển năng lực sinh học như nhận thức sinh học; tìm hiểu thế giới sống; vận dụng các kiến thức, kĩ năng đã học vào thực tiễn.
- Về phẩm chất: Giúp rèn luyện thế giới quan khoa học, tinh thần trách nhiệm, trung thực và nhiều năng lực cần thiết.
+ Giữ gìn và bảo vệ sức khỏe.
+ Biết yêu và tự hào về thiên nhiên, quê hương, đất nước.
+ Có thái độ tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ thiên nhiên.
+ Ứng xử với thiên nhiên phù hợp với sự phát triển bền vững.
II. Vai trò của sinh học
Ngành Sinh học ngày càng ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống con người, sự phát triển kinh tế - xã hội, sự phát triển bền vững môi trường sống và những vấn đề toàn cầu.
- Đối với con người:
+ Giúp phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi mạnh mẽ nền công nghiệp, nông nghiệp, y học,… Ví dụ: công nghệ sinh học đã tạo ra nhiều giống cây trồng sạch bệnh, nhiều loài sinh vật mang đặc tính tốt.
+ Tăng chất lượng, hiệu quả, an toàn và thân thiện với môi trường.
+ Góp phần thay đổi cuộc sống hàng ngày, giúp con người giảm bệnh tật, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng, nâng cao điều kiện chăm sóc, sức khỏe và điều trị bệnh, gia tăng tuổi thọ. Ví dụ: Công nghệ sinh học đã tạo ra được các loài sinh vật mang gene người để sản xuất hormone, protein,… cho người hoặc bằng sự hiểu biết về cấu tạo và hoạt động chức năng sinh lí của não bộ, chúng ta có thể chủ động đưa ra những phương pháp cải thiện trí nhớ, chữa trị các vấn đề tâm lí và hành vi của con người,…
- Đối với môi trường: Xây dựng các mô hình sinh thái giúp đánh giá các vấn đề xã hội như sự nóng lên toàn cầu, mức độ ô nhiễm môi trường, sự thủng tầng ozone, suy kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên,… từ đó đưa ra các biện pháp hợp lí hướng đến sự phát triển bền vững.
III. Sinh học trong tương lai
- Đối với con người:
+ Tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.
+ Tạo ra nhiều loài sinh vật biến đổi gene mang những đặc tính tốt, có khả năng chịu được môi trường khắc nghiệt.
+ Tạo ra các loại thuốc mới và thực phẩm chức năng được sản xuất để ứng dụng trong việc điều trị bệnh ở người.
- Đối với môi trường:
+ Dùng các vi sinh vật để xử lí nước thải, xử lí dầu tràn trên biển, phân hủy rác thải để tạo phân bón,…
+ Tạo ra xăng sinh học cũng là một trong những phát minh giúp bảo vệ môi trường.
- Lĩnh vực nghiên cứu y học:
+ Liệu pháp gene nhằm chữa trị các bệnh liên quan đến sai hỏng vật chất di truyền, trị liệu bằng tế bào gốc, điều trị ung thư,…
- Kết hợp với tin học để nghiên cứu sinh học trên các phần mềm chuyên dụng, các mô hình mô phỏng nhằm hạn chế việc sử dụng sinh vật làm vật thí nghiệm.
- Kết hợp với khoa học Trái Đất, khoa học vũ trụ để nghiên cứu về khả năng tồn tại của sự sống ở các hành tinh khác ngoài Trái Đất.
IV. Các ngành nghề liên quan đến sinh học và ứng dụng sinh học
1. Nhóm ngành sinh học cơ bản
- Khái niệm: Nhóm ngành sinh học cơ bản là các ngành nghề có các công việc, nghiên cứu liên quan trực tiếp đến các cấp độ tổ chức sống (tế bào, cơ thể).
- Một số ngành sinh học cơ bản:
+ Y học: Phát triển các kĩ thuật cấy ghép nội tạng, kĩ thuật hỗ trợ sinh sản, liệu pháp gene, liệu pháp tế bào gốc, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe con người,…
+ Dược học: Sản xuất nhiều loại vaccine, enzyme, kháng thể, thuốc,… nhằm phòng và chữa trị bệnh ở người.
+ Pháp y: Xét nghiệm DNA hoặc dấu vân tay để xác định mối quan hệ huyết thống, xác định tình trạng sức khỏe hoặc tình trạng tổn thương trong các vụ tai nạn giao thông, tai nạn lao động,… để giải quyết các vụ án dân sự, khám nghiệm tử thi, xét nghiệm DNA từ mẫu máu, tóc, da,…
2. Nhóm ngành ứng dụng sinh học
- Khái niệm: Nhóm ngành ứng dụng sinh học bao gồm các ngành nghề ứng dụng kiến thức sinh học để giải quyết các vấn đề thực tiễn như đảm bảo nguồn lương thực, bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học,…
- Một số ngành ứng dụng sinh học:
+ Công nghệ thực phẩm: Tạo ra các sản phẩm phục vụ cho nhiều lĩnh vực (thực phẩm, y học, chăn nuôi,…) góp phần nâng cao sức khỏe con người.
+ Khoa học môi trường: Đưa ra những biện pháp xử lí kịp thời, đồng thời chế tạo và sản xuất nhiều vật liệu, dụng cụ, thiết bị phục vụ cho việc bảo vệ môi trường. Các biệc pháp sinh học cũng đã được sử dụng rất hiệu quả (sử dụng tảo, vi sinh vật).
+ Nông nghiệp: Áp dụng các kĩ thuật hiện đại góp phần tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm (gạo, trái cây, thủy sản,…) và giảm chi phí sản xuất, đảm bảo nguồn cung cấp lương thực trong nước và xuất khẩu.
+ Lâm nghiệp: Phối hợp chặt chẽ giữa việc trồng, bảo vệ và khai thác rừng một cách hợp lí; ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cho việc quản lí và bảo vệ rừng.
+ Thủy sản: Giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
V. Sinh học phát triển bền vững và những vấn đề xã hội
1. Sinh học với phát triển bền vững
- Có vai trò vô cùng to lớn trong công cuộc bảo vệ môi trường sống:
+ Góp phần bảo vệ sự đa dạng sinh học.
+ Xây dựng các mô hình sinh thái để bảo vệ và khôi phục môi trường sống.
+ Các công trình nghiên cứu về di truyền, sinh học tế bào được áp dụng trong nhân giống, bảo toàn nguồn gene quý hiếm của các loài vi sinh vật có nguy cơ bị tuyệt chủng.
+ Quản lí và khai thác hợp lí nguồn tài nguyên thiên nhiên.
- Góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội:
+ Tạo các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao.
+ Sản xuất các chế phẩm sinh học.
2. Mối quan hệ giữa sinh học với những vấn đề xã hội
a. Sinh học và vấn đề đạo đức sinh học
- Những thí nghiệm trên cơ thể con người luôn gây nên nhiều tranh cãi trong xã hội như: nhân bản vô tính con người, dùng người để thử nghiệm thuốc,…
- Nhiệm vụ của đạo đức sinh học:
+ Có nhiệm vụ đưa ra những quy tắc các giá trị đạo đức trong khoa học nghiên cứu sự sống cũng như ứng dụng khoa học vào thực tiễn.
+ Thí nghiệm những phương pháp mới trên người động vật, thực vật, vi sinh vật cũng đòi hỏi làm rõ nguồn gốc và tuân thủ những quy định chặt chẽ về đạo đức nghiên cứu của quốc gia và quốc tế nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho đối tượng tham gia nghiên cứu.
b. Sinh học vào sự phát triển kinh tế, công nghệ
- Đối với lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, y học: cho ra đời nhiều sản phẩm như các giống cây trồng vật nuôi có chất lượng tốt chi phí thấp, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
- Góp phần thúc đẩy cho việc nghiên cứu công nghệ: Với việc nghiên cứu tập tính, hoạt động của động vật, người ta có thể chế tạo hoặc cải tiến các thiết bị máy móc phục vụ cho đời sống con người.
→ Sinh học có mối quan hệ chặt chẽ với phát triển kinh tế, công nghệ: Bảo tồn đa dạng sinh học được lồng ghép vào các dự án phát triển kinh tế, công nghệ. Ngược lại, sự phát triển kinh tế và công nghệ là nền tảng cho sự phát triển của ngành Sinh học.
B. Trắc Nghiệm
Câu 1: Đối tượng nghiên cứu của Sinh học là
A. sự biến đổi của các chất trong đời sống tự nhiên.
B. vật chất, năng lượng và sự vận động của chúng trong đời sống.
C. các cá thể sống cũng như mối quan hệ giữa các cá thể sống với nhau và với môi trường.
D. các sự vật, hiện tượng của thế giới tự nhiên và ảnh hưởng của thế giới tự nhiên đến cuộc sống con người.
Đáp án đúng là: C
Đối tượng nghiên cứu của Sinh học là các cá thể sống cũng như mối quan hệ giữa các cá thể sống với nhau và với môi trường.
Câu 2. Trong các lĩnh vực sau đây, có bao nhiêu lĩnh vực thuộc ngành Sinh học?
(1) Di truyền học.
(2) Sinh học tế bào.
(3) Khoa học Trái Đất.
(4) Vi sinh vật học.
(5) Hóa học.
(6) Công nghệ Sinh học.
A. 3.
B. 4.
C. 5.
D. 6.
Đáp án đúng là: B
Các lĩnh vực nghiên cứu của Sinh học là: (1), (2), (4), (6).
Câu 3: Mục tiêu nào dưới đây không đúng khi nói về mục tiêu học tập môn Sinh học?
A. Môn Sinh học giúp chúng ta hiểu rõ được sự hình thành và phát triển của thế giới sống.
B. Môn Sinh học giúp chúng ta hình thành và phát triển năng lực sinh học như nhận thức sinh học, tìm hiểu thế giới sống,…
C. Môn Sinh học giúp chúng ta có thái độ đúng đắn đối với thiên nhiên; biết yêu và tự hào về thiên nhiên, quê hương, đất nước;…
D. Môn Sinh học giúp chúng ta tìm ra phương pháp khai thác tài nguyên triệt để góp phần phát triển kinh tế.
Đáp án đúng là: D
A, B, C là các mục tiêu học tập môn Sinh học.
D không phải là mục tiêu học tập môn Sinh học vì phải khai thác hợp lí nguồn tài nguyên để phát triển bền vững.
Câu 4: Trong các nhận định sau đây, có bao nhiêu nhận định đúng khi nói về vai trò của Sinh học?
(1) Làm thay đổi mạnh mẽ nền nông nghiệp.
(2) Làm thay đổi mạnh mẽ nền công nghiệp.
(3) Giúp giảm tỉ lệ bệnh tật ở người.
(4) Giúp đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng của con người.
(5) Giúp gia tăng tuổi thọ cho con người.
A. 2.
B. 3.
C. 4.
D. 5.
Đáp án đúng là: D
Vai trò của Sinh học là các nhận định: (1), (2), (3), (4), (5).
Câu 5: Nhận định nào dưới đây không đúng khi nói về vai trò của Sinh học trong tương lai?
A. Góp phần tìm ra biện pháp để xử lí ô nhiễm môi trường hiệu quả.
B. Tìm ra phương pháp chữa trị nhiều bệnh nguy hiểm đối với con người.
C. Tăng cường sử dụng sinh vật làm thí nghiệm trong nghiên cứu y học.
D. Góp phần chế tạo các năng lượng sinh học.
Đáp án đúng là: C
Trong tương lai, Sinh học có thể kết hợp với Tin học trên các phần mềm chuyên dụng, các mô hình mô phỏng nhằm hạn chế việc sử dụng các sinh vật làm thí nghiệm.
Câu 6: Ngành nghề liên quan đến Sinh học nào sau đây thuộc nhóm ngành Sinh học cơ bản?
A. Nông nghiệp.
B. Công nghệ thực phẩm.
C. Khoa học môi trường.
D. Dược học.
Đáp án đúng là: D.
Nhóm ngành sinh học cơ bản: dược học.
Nhóm ngành ứng dụng sinh học: nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, khoa học môi trường,…
Câu 7: Ngành Khoa học môi trường mang lại thành tựu nào sau đây?
A. Chế tạo và sản xuất nhiều vật liệu, dụng cụ, thiết bị phục vụ cho việc bảo vệ môi trường.
B. Phát triển nhiều kĩ thuật mới nhằm nâng cao sức khỏe và kéo dài tuồi thọ cho con người.
C. Phát triển nhiều kĩ thuật hiện đại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và giảm chi phí sản xuất.
D. Phát triển nhiều kĩ thuật nhằm xác định tình trạng sức khỏe, tình trạng tổn thương trong các vụ tai nạn giao thông, tai nạn lao động để giải quyết các vụ án dân sự.
Đáp án đúng là: A
Ngành Khoa học môi trường có vai trò đưa ra các biện pháp xử lí môi trường, chế tạo và sản xuất nhiều vật liệu, dụng cụ, thiết bị phục vụ cho việc bảo vệ môi trường.
Câu 8: Ngành nghề liên quan đến sinh học nào sau đây thuộc nhóm ngành ứng dụng sinh học?
A. Y học.
B. Dược học.
C. Pháp y.
D. Khoa học môi trường.
Đáp án đúng là: D
Ngành Khoa học môi trường thuộc nhóm ngành ứng dụng sinh học.
Ngành y học, dược học, pháp y thuộc nhóm ngành Sinh học cơ bản.
Câu 9: Ngành nghề nào sau đây có vai trò sản xuất các loại vaccine, enzyme, kháng thể, thuốc,… nhằm phòng và chữa trị nhiều bệnh ở người?
A. Y học.
B. Dược học.
C. Pháp y.
D. Công nghệ thực phẩm.
Đáp án đúng là: B
Dược học là ngành có vai trò sản xuất các loại vaccine, enzyme, kháng thể, thuốc,…. nhằm phòng và chữa trị nhiều bệnh ở người.
Câu 10: Nhận định nào sau đây không thể hiện vai trò của Sinh học đối với phát triển bền vững?
A. Góp phần bảo vệ đa dạng sinh học.
B. Góp phần quản lí và khai thác hợp lí nguồn tài nguyên thiên nhiên.
C. Góp phần tăng cường ứng dụng nhiên liệu hóa thạch vào đời sống và sản xuất.
D. Góp phần xây dựng các mô hình sinh thái để bảo vệ và khôi phục môi trường sống.
Đáp án đúng là: C
Sinh học góp phần tạo ra các nguồn năng lượng sinh học, hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch góp phần phát triển bền vững.
Câu 11: Khi nghiên cứu và ứng dụng sinh học, hành vi nào sau đây không trái với đạo đức sinh học?
A. Nhân bản vô tính con người.
B. Xét nghiệm giới tính thai nhi nhằm sinh con theo ý muốn.
C. Sử dụng con người để thử nghiệm thuốc vì mục đích lợi nhuận.
D. Thông báo trước cho người tham gia thí nghiệm về những rủi ro có thể xảy ra.
Đáp án đúng là: D
Việc thông báo trước cho người tham gia thí nghiệm về những rủi ro có thể xảy ra là cần thiết trước khi tiến hành xin sự đồng ý tự nguyện của người tham gia thí nghiệm.
Câu 12: Hoạt động nào sau đây không thể hiện vai trò của Sinh học đối với sự phát triển kinh tế?
A. Tạo ra giống vật nuôi, cây trồng có chất lượng tốt, chi phí thấp.
B. Chế tạo, cải tiến các thiết bị máy móc thay thế con người trong sản xuất.
C. Tạo ra nhiều chế phẩm enzyme nhằm ứng dụng trong công nghệ thực phẩm.
D. Xét nghiệm DNA và dấu vân tay nhằm xác định quan hệ huyết thống.
Đáp án đúng là: D
Xét nghiệm DNA và dấu vân tay nhằm xác định quan hệ huyết thống là hoạt động pháp y có ý nghĩa trong điều tra tội phạm, ổn định tình hình an ninh xã hội,… không có ý nghĩa trực tiếp với phát triển kinh tế.
Câu 13: Nhận định nào sau đây là không đúng khi nói về mối quan hệ giữa sự phát triển của sinh học và sự phát triển của kinh tế, công nghệ?
A. Sự phát triển của Sinh học góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế.
B. Sự phát triển của Sinh học thúc đẩy cho việc nghiên cứu công nghệ.
C. Sự phát triển kinh tế, công nghệ là nền tảng cho sự phát triển Sinh học.
D. Sự phát triển kinh tế, công nghệ hoàn toàn là thành tựu của sự phát triển Sinh học.
Đáp án đúng là: D
Sự phát triển của Sinh học là động lực góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế, công nghệ. Ngược lại, sự phát triển của kinh tế, công nghệ là nền tảng cho sự phát triển của Sinh học.
Câu 14: Những hiểu biết về não bộ mang lại bao nhiêu lợi ích cho con người trong các lợi ích sau đây?
(1) Chủ động đưa ra các phương pháp cải thiện trí nhớ.
(2) Tư vấn và chữa trị các vấn đề về tâm lí.
(3) Tạo ra các sinh vật biến đổi gen mang lại lợi ích cho con người.
(4) Nhân nhanh giống cây trồng bằng nuôi cấy mô.
A. 1.
B. 2.
C. 3.
D. 4.
Đáp án đúng là: B
Các lợi ích của việc hiểu biết về não bộ con người đem lại là: (1) và (2).
Câu 15: Sự phát triển của sinh học góp phần bảo vệ môi trường được thể hiện qua bao nhiêu thành tựu trong các thành tựu sau đây?
(1) Sử dụng vi sinh vật để xử lí dầu tràn trên biển.
(2) Sử dụng liệu pháp gen để chữa trị các bệnh di truyền.
(3) Phân hủy rác để tạo phân bón sinh học.
(4) Sản xuất xăng sinh học.
A. 1.
B. 2.
C. 3.
D. 4.
Đáp án đúng là: C
Sự phát triển của sinh học góp phần bảo vệ môi trường được thể hiện qua các thành tựu là: (1), (3), (4).
Xem thêm các bài Lý thuyết Sinh học 10 sách Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
Lý thuyết Bài 2: Các phương pháp nghiên cứu và học tập môn Sinh học
Lý thuyết Bài 3: Các cấp độ tổ chức của thế giới sống
Lý thuyết Bài 4: Khái quát về tế bào