Lý thuyết Địa lí 11 Bài 20: Kinh tế Liên Bang Nga
A. Lý Thuyết
I. Các ngành kinh tế
1. Công nghiệp
♦ Tình hình phát triển chung
- Công nghiệp giữ vai trò quan trọng, chiếm tỉ trọng 30% GDP (năm 2020).
- Cơ cấu công nghiệp đa dạng, gồm các ngành truyền thống (khai thác dầu khí, luyện kim,...) và các ngành công nghiệp hiện đại (điện tử - tin học; hàng không vũ trụ,...).
- Hiện nay, công nghiệp Liên bang Nga tập trung vào sản xuất các sản phẩm công nghệ cao có tính cạnh tranh, có giá trị cao và hướng đến xuất khẩu.
- Phân bố công nghiệp có sự khác nhau rõ rệt giữa các vùng:
+ Các ngành khai thác, sơ chế tập trung ở miền Đông;
+ Các ngành công nghệ cao tập trung ở miền Tây.
- Phần lớn các trung tâm công nghiệp tập trung ở đồng bằng Đông Âu, Tây Xi-bia, ven bờ Thái Bình Dương,...
♦ Một số ngành tiêu biểu
- Công nghiệp khai thác than:
+ Liên bang Nga là nước khai thác than đứng thứ năm trên thế giới và là một trong những quốc gia xuất khẩu than đứng hàng đầu thế giới.
+ Than được khai thác nhiều nhất ở Xi-bia và Viễn Đông.
- Công nghiệp khai thác dầu khí:
+ Liên bang Nga có sản lượng khai thác dầu mỏ chiếm khoảng 12,5 % và khí tự nhiên chiếm 16,6% tổng sản lượng thế giới (năm 2020).
+ Ngành này tập trung ở Xi-bia, U-ran và ven biển Ca-xpi.
- Công nghiệp khai thác quặng kim loại:
+ Liên bang Nga khai thác nhiều quặng kim loại, là một trong số các quốc gia đứng hàng đầu về sản xuất vàng và quặng sắt.
+ Khai thác vàng tập trung ở Xi-bia, khai thác quặng sắt tập trung ở U-ran và ở vùng phía nam Mát-xcơ-va.
- Công nghiệp điện lực:
+ Có cơ cấu đa dạng (nhiệt điện, thuỷ điện, điện nguyên tử,..) và phát triển mạnh mẽ.
+ Sản lượng điện cao, đạt 1085,4 tỉ kWh (năm 2020), chiếm khoảng 4 % sản lượng điện toàn thế giới.
- Công nghiệp luyện kim:
+ Sản lượng thép đạt 71,6 triệu tấn (2020), chiếm 3,8 % sản lượng thép toàn thế giới. Liên bang Nga đứng thứ tư thế giới về xuất khẩu thép.
+ Các trung tâm luyện kim lớn là: Man-hi-to-goóc, Ê-ca-ten-rin-bua, Ni-giơ-nhi Nô-gô-rốt, Mát-xcơ-va.
- Công nghiệp hàng không vũ trụ:
+ Là cường quốc thế giới về hàng không vũ trụ. Quốc gia này có nhiều tên lửa phóng lên quỹ đạo từ chính sân bay vũ trụ ở lãnh thổ đất nước.
+ Có nhiều viện nghiên cứu khoa học, văn phòng thiết kế và nhà máy chế tạo, đạt được nhiều thành tựu trong công nghệ thực hiện chương trình tàu vũ trụ có người lái.
+ Trung tâm công nghiệp hàng không vũ trụ lớn nhất là Mát-xcơ-va.
- Công nghiệp đóng tàu:
+ Đóng được nhiều loại tàu khác nhau như: tàu ngầm, tàu phá băng nguyên tử,...
+ Trung tâm đóng tàu lớn nhất là Vla-đi-vô-xtốc.
- Công nghiệp thực phẩm:
+ Phát triển mạnh, sản xuất nhiều mặt hàng xuất khẩu như: khoai tây, rau quả, cá đóng hộp,...
+ Các trung tâm lớn là: Mát-xcơ-va, Xanh Pê-téc-bua, Nô-vô-xi-biếc,...
2. Nông nghiệp
♦ Tình hình phát triển chung
- Ngành nông nghiệp ngày càng phát triển và hiện đại hoá, sử dụng nhiều máy móc hiện đại, áp dụng khoa học kĩ thuật và công nghệ tiên tiến, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn.
- Giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm 4,0 % GDP (năm 2020).
♦ Một số ngành tiêu biểu
- Nông nghiệp:
+ Diện tích đất chiếm khoảng 13,2 % diện tích đất tự nhiên của cả nước.
+ Hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu là: trang trại doanh nghiệp, trang trại cá thể và hộ gia đình.
+ Các cây trồng quan trọng là: lúa mì, củ cải đường, khoai tây, ngô, lúa mạch...
+ Các loại gia súc được nuôi nhiều là: bò, cừu, lợn, tuần lộc…
+ Sản xuất nông nghiệp tập trung chủ yếu ở đồng bằng Đông Âu và phía nam đồng bằng Tây Xi-bia. Ở phía bắc, tuy có nhiều vùng đất bị băng tuyết bao phủ nhưng vẫn phát triển các vật nuôi phù hợp.
- Lâm nghiệp:
+ Sản lượng khai thác gỗ tròn đạt 217,0 triệu m3 (năm 2020) và đứng đầu thế giới về xuất khẩu gỗ. Gỗ và các sản phẩm liên quan đến gỗ chiếm khoảng 3 % tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu.
+ Liên bang Nga hạn chế xuất khẩu các loại gỗ quý, kiểm soát chặt chẽ việc khai thác rừng, tích cực phòng chống cháy rừng, tăng cường trồng rừng.
+ Hoạt động lâm nghiệp phát triển mạnh ở phía bắc đồng bằng Đông Âu và Xi-bia.
- Thuỷ sản:
+ Đánh bắt cá phát triển mạnh, sản lượng đánh bắt lớn. Các sản phẩm đánh bắt quan trọng là: cá kình, cá trích, cá tuyết và cá hồi, tập trung chủ yếu ở ngư trường Viễn Đông.
+ Nuôi trồng thuỷ sản phát triển chưa tương xứng với tiềm năng vốn có, sản lượng còn nhỏ.
3. Dịch vụ
♦ Tình hình phát triển chung
- Ngành dịch vụ có vị trí quan trọng trong nền kinh tế và có cơ cấu đa dạng.
- Năm 2020, ngành dịch vụ đóng góp khoảng 56,3 % GDP.
♦ Một số ngành tiêu biểu
- Giao thông vận tải: Mạng lưới giao thông vận tải phát triển mạnh, có đầy đủ các loại hình giao thông. Đầu mối giao thông lớn nhất là Mát-xcơ-va.
+ Đường ô tô: tổng chiều dài trên 933 nghìn km (năm 2020), trong đó nổi bật với hệ thống đường cao tốc liên bang.
+ Đường sắt: tổng chiều dài trên 85,5 nghìn km (năm 2020), chỉ sau Hoa Kỳ; tuyến đường sắt xuyên Xi-bia trải dài trên nhiều múi giờ.
+ Đường sông, hồ: dài trên 100 nghìn km, có mạng lưới kênh đào nối lưu vực các sông lớn; hoạt động vận tải nhộn nhịp trên các hồ lớn như: Bai-can, Ca-xpi,...
+ Giao thông đường biển phát triển mạnh, các cảng biển lớn là: Xanh Pê-téc-bua, Ác-khang-hen, Vla-đi-vô-xtốc,...
+ Tổng chiều dài đường ống của Liên bang Nga đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ. Các tuyến đường ống dẫn dầu, dẫn khí tự nhiên không những ở trong lãnh thổ mà còn đi đến nhiều nước khác.
+ Đường hàng không phát triển mạnh. Năm 2020, Liên bang Nga có trên 1 200 sân bay, nhiều sân bay hoạt động rất nhộn nhịp.
+ Tàu điện ngầm: tổng chiều dài của các tuyến là 465,4 km. Hệ thống tàu điện ngầm lâu đời nhất của Liên bang Nga là Mát-xcơ-va Mê-trô và Xanh Pê-téc-bua Mê-trô.
- Bưu chính viễn thông:
+ Bưu chính đóng vai trò quan trọng, phát triển rộng khắp trên lãnh thổ rộng lớn. Trung tâm bưu chính quan trọng nhất là Mát-xcơ-va.
+ Viễn thông phát triển mạnh, thứ ba thế giới về số lượng vệ tinh ngoài không gian (2020), đẩy mạnh việc ứng dụng hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu GLONASS trong nền kinh tế. Trung tâm viễn thông lớn là Mát-xcơ-va, Xanh Pê-téc-bua,...
- Du lịch phát triển mạnh. Du lịch quốc tế đóng vai trò quan trọng trong ngành du lịch. Năm 2019, số lượng khách du lịch quốc tế đến Liên bang Nga đạt 24,7 triệu lượt người.
- Thương mại:
+ Liên bang Nga là nước xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa lớn trên thế giới. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là: dầu thô và khí tự nhiên, kim loại quý, đá quý, gỗ, lúa mì,... Sản phẩm nhập khẩu chủ yếu là: máy móc, dược phẩm, sản phẩm điện, chất dẻo,... Các đối tác thương mại chính là: Trung Quốc, Ấn Độ,...
+ Hoạt động nội thương phát triển mạnh. Hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ,... phân bố rộng khắp; thương mại điện tử phát triển nhanh. Các trung tâm thương mại lớn là Mát-xcơ-va, Xanh Pê-téc-bua.
- Tài chính:
+ Thị trường tài chính lớn với nhiều tổ chức tài chính ngân hàng hoạt động trên thế giới.
+ Trung tâm tài chính ngân hàng quan trọng nhất của Liên bang Nga là Mát-xcơ-va.
II. Đặc điểm một số vùng kinh tế
♦ Hiện nay, Liên bang Nga có 12 vùng kinh tế, trong đó, các vùng kinh tế quan trọng là: vùng Trung ương, vùng Trung tâm đất đen, vùng U-ran và vùng Viễn Đông.
Mỗi vùng có những đặc điểm nổi bật về hoạt động kinh tế.
- Vùng Trung ương
+ Nằm ở trung tâm của phần lãnh thổ Liên bang Nga thuộc châu Âu.
+ Chiếm khoảng 3 % diện tích và 20 % số dân cả nước.
+ Là vùng kinh tế phát triển nhất, chiếm hơn 1/3 GDP của cả nước.
+ Ngành công nghiệp phát triển: chế tạo máy, hóa chất và công nghiệp dệt may.
+ Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu: cây lanh, khoai tây, rau, bỏ sữa.
+ Sân bay quốc tế lớn là Đô-mô-đê-đô-vô. Trung tâm du lịch quan trọng là Mát-xcơ-va.
+ Trung tâm công nghiệp lớn: Mát-xcơ-va, Ni-giơ-nhi Nô-gô-rốt.
- Vùng Trung tâm đất đen
+ Nằm ở phần lãnh thổ Liên bang Nga thuộc châu Âu, tiếp giáp với U-crai-na, vùng Trung ương và vùng Von-ga.
+ Chiếm khoảng 1 % diện tích và 5 % số dân cả nước.
+ Có dải đất đen màu mỡ thích hợp cho trồng trọt.
+ Công nghiệp phục vụ nông nghiệp và luyện kim đen được chú trọng.
+ Có Khu bảo tồn thiên nhiên Đất đen trung tâm (là khu thảo nguyên đất đen nguyên sinh, được thành lập từ năm 1935).
+ Trung tâm công nghiệp lớn: Vô-rô-nhe-giơ.
- Vùng U-ran:
+ Nằm ở miền Trung và phía nam dây U-ran.
+ Chiếm khoảng 5 % diện tích và 13 % số dân cả nước.
+ Tài nguyên giàu có: rừng lá kim chiếm tới 40 % diện tích vùng, nhiều loại khoáng sản.
+ Công nghiệp phát triển, chủ yếu khai khoáng, luyện kim, hóa chất, cơ khí, khai thác và chế biến gỗ.
+ Nông nghiệp còn hạn chế, chủ yếu sản xuất khoai tây, rau, bò sữa.
+ Trung tâm công nghiệp lớn: E-ca-ten-rin-bua, Man-hi-tơ-goóc.
- Vùng Viễn Đông:
+ Nằm trên bờ biển Thái Bình Dương, kéo dài từ eo biển Bê-rinh đến phía bắc bán đảo Triều Tiên, phía tây giáp với vùng Đông Xi-bia.
+ Chiếm gần 40 % diện tích và 6 % số dân cả nước.
+ Giàu tài nguyên thiên nhiên, nhất là than và gỗ.
+ Các ngành kinh tế chủ yếu: khai khoáng, khai thác gỗ, đánh bắt và chế biến hải sản, đóng tàu, cơ khí.
+ Cảng biển lớn: Vla-đi-vô-xtốc, Ma-ga-đan,...
+ Là vùng hội nhập vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
+ Trung tâm công nghiệp lớn: Vla-đi-vô-xtốc.
B. Trắc Nghiệm
Câu 1. Loại hình vận tải nào sau đây có vai trò quan trọng nhất thúc đẩy sự phát triển của vùng Đông Xi-bia?
A. Hàng không.
B. Đường sắt.
C. Đường sông.
D. Đường biển.
Chọn B
Loại hình vận tải có vai trò quan trọng nhất thúc đẩy sự phát triển của vùng Đông Xi-bia là đường sắt (chủ yếu là vận chuyển khoáng sản).
Câu 2. Mặt hàng xuất khẩu nào sau đây chiếm tỉ lệ cao nhất của Liên bang Nga?
A. Nguyên liệu, năng lượng.
B. Lương thực và thủy sản.
C. Máy móc, hàng tiêu dùng.
D. Nhiên liệu và khoáng sản.
Chọn A
Kinh tế đối ngoại là ngành khá quan trọng trong nền kinh tế Liên bang Nga. Tổng kim ngạch ngoại thương liên tục tăng và Liên bang Nga đã là nước xuất siêu (120 tỉ USD - năm 2005). Trong các mặt hàng xuất khẩu thì nguyên liệu (thực phẩm, gỗ,…) và năng lượng (dầu mỏ, khí tự nhiên,…) chiếm tỉ lệ cao, hơn 60% giá trị xuất khẩu.
Câu 3. Các ngành công nghiệp nào sau đây có điều kiện tài nguyên thuận lợi để phát triển ở phần lãnh thổ phía Tây của nước Nga?
A. Chế biến gỗ, khai thác, năng lượng, luyện kim.
B. Chế biến gỗ, khai thác, luyện kim, dệt, hóa chất.
C. Chế biến gỗ, khai thác, thực phẩm, hóa chất.
D. Chế biến gỗ, khai thác, chế tạo máy, hóa chất.
Chọn A
Các ngành công nghiệp có điều kiện tài nguyên thuận lợi để phát triển ở phần lãnh thổ phía Tây của nước Nga là ngành công nghiệp chế biến gỗ, khai thác, năng lượng, luyện kim và hóa chất.
Câu 4. Quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga đã chính thức được thiết lập vào năm nào sau đây?
A. 1945.
B. 1950.
C. 1965.
D. 1995.
Chọn B
Quan hệ Việt - Xô đã chính thức được thiết lập vào 30 tháng 1 năm 1950, khi Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết mở đại sứ quán tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Câu 5. Chức năng gắn kết Âu - Á thể hiện nội dung nào trong chiến lược kinh tế mới của Liên bang Nga?
A. Nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
B. Mở rộng ngoại giao, coi trọng châu Á.
C. Tăng cường liên kết kinh tế khu vực.
D. Tăng ảnh hưởng với các nước châu Á.
Chọn B
Nước Nga đang thực hiện chức năng gắn kết Âu - Á của mình với tư cách là không gian cầu nối và liên kết toàn diện giữa châu Âu và châu Á. Điều này được thể hiện rõ trong chính sách đối ngoại của Liên bang Nga là coi trọng châu Á, trong đó có Việt Nam.
Câu 6. Chính sách đối ngoại của Liên bang Nga coi trọng khu vực nào sau đây?
A. Châu Âu.
B. Châu Phi.
C. Châu Á.
D. Châu Mĩ.
Chọn D
Nước Nga đang thực hiện chức năng gắn kết Âu - Á của mình với tư cách là không gian cầu nối và liên kết toàn diện giữa châu Âu và châu Á. Điều này được thể hiện rõ trong chính sách đối ngoại của Liên bang Nga là coi trọng châu Á, trong đó có Việt Nam.
Câu 7. Từ trước tới nay, các ngành công nghiệp nào sau đây Liên bang Nga hợp tác với Việt Nam?
A. Điện tử - tin học.
B. Luyện kim màu.
C. Thủy điện, dầu khí.
D. Chế tạo, dệt -may.
Chọn C
Trong mối quan hệ song phương, Việt Nam và Nga đã hợp tác với nhau trên nhiều mặt về kinh tế, chính trị, quốc phòng, giáo dục,... Về kinh tế, lĩnh vực hợp tác chủ yếu là công nghiệp năng lượng thủy điện và dầu khí.
- Thủy điện: Nga đã tham gia thiết kế, cung cấp, hỗ trợ cho nhiều công trình năng lượng ở Việt Nam. Điển hình là Nhà máy thủy điện Hòa Bình; nhà máy thủy điện Yaly công suất 720 MW (khánh thành váo tháng 4/2002),...
- Dầu khí: Đã có nhiều tập đoàn liên doanh dầu khí của Nga tiến hành thăm dò, khai thác dầu khí ở vùng biển Đông. Ví dụ: Liên doanh Dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro),…
Câu 8. Vùng kinh tế quan trọng để nền kinh tế Liên bang Nga hội nhập vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương là
A. vùng Viễn Đông.
B. vùng U-ran.
C. vùng Trung ương.
D. vùng Cáp-ca.
Chọn A
Vùng Viễn Đông nằm trên bờ biển Thái Bình Dương, giữa eo biển Bê-rinh ở phía bắc và CHDCND Triều Tiên ở phía nam, tạo điều kiện cho Liên bang Nga hợp tác với các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nền kinh tế của vùng chủ yếu dựa vào một số ngành như đánh bắt và chế biến hải sản, công nghiệp cơ khí,... Các thành phố lớn trong vùng là Ma-ga-đan (Magadan), Kha-ba-rop (Khabarovsk),...
Câu 9. Diễn đàn kinh tế được tổ chức nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư ở vùng Viễn Đông của Liên bang Nga, biến khu vực này thành trung tâm kinh tế châu Á là
A. Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
B. Diễn đàn kinh tế phương Đông (EEF).
C. Diễn đàn Diễn đàn Kinh tế thế giới Đông Á (WEF Đông Á).
D. Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Chọn B
Diễn đàn kinh tế phương Đông (EEF) được tổ chức hằng năm ở thành phố Vladivostok - Vùng Viễn Đông của Liên bang Nga với mục đích thu hút đầu tư, thúc đẩy hợp tác phát triển vùng Viễn Đông và mở rộng hợp tác quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Câu 10. Năm 2020, Liên bang Nga có quy mô GDP khoảng
A. 1,5 nghìn tỉ USD.
B. 2,5 nghìn tỉ USD.
C. 1,0 nghìn tỉ USD.
D. 2,0 nghìn tỉ USD.
Chọn A
Liên bang Nga có quy mô GDP khá lớn, năm 2020 đạt khoảng 1,5 nghìn tỉ USD (chiếm khoảng 1,7% GDP toàn cầu).
Câu 11. Nhận định nào sau đây không đúng với tình hình phát triển kinh tế của Liên bang Nga?
A. Liên bang Nga có quy mô GDP khá nhỏ.
B. Tốc độ tăng trưởng GDP không ổn định.
C. Có xu hướng tăng tỉ trọng ngành dịch vụ.
D. Chú trọng ngành có hàm lượng khoa học.
Chọn A
Liên bang Nga có quy mô GDP khá lớn, năm 2020 đạt khoảng 1,5 nghìn tỉ USD (chiếm khoảng 1,7% GDP toàn cầu). Tốc độ tăng trưởng GDP không ổn định. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng các ngành dịch vụ (năm 2020, ngành dịch vụ tăng chiếm 56,1%, ngành công nghiệp có xu hướng giảm, đạt 29,9%, ngành nông nghiệp chỉ chiếm 4%) và các ngành có hàm lượng khoa học - kĩ thuật cao.
Câu 12. Nhận định nào sau đây đúng với tình hình phát triển kinh tế của Liên bang Nga?
A. Liên bang Nga có quy mô GDP khá nhỏ.
B. Tốc độ tăng trưởng GDP không ổn định.
C. Chú trọng các ngành dùng nhiều lao động.
D. Có xu hướng giảm tỉ trọng ngành dịch vụ.
Chọn B
Liên bang Nga có quy mô GDP khá lớn, năm 2020 đạt khoảng 1,5 nghìn tỉ USD (chiếm khoảng 1,7% GDP toàn cầu). Tốc độ tăng trưởng GDP không ổn định. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng các ngành dịch vụ (năm 2020, ngành dịch vụ tăng chiếm 56,1%, ngành công nghiệp có xu hướng giảm, đạt 29,9%, ngành nông nghiệp chỉ chiếm 4%) và các ngành có hàm lượng khoa học - kĩ thuật cao.
Câu 13. Nhận định nào sau đây đúng với Liên bang Nga sau khi Liên bang Xô Viết tan rã?
A. Nền kinh tế, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.
B. Đưa Liên bang Xô Viết trở thành cường quốc mạnh.
C. Đời sống người dân được cải thiện, kinh tế phát triển.
D. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, nhiều ngành mới.
Chọn A
Trước năm 1991, Liên bang Nga là một thành viên và đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng Liên Xô trở thành một cường quốc. Sau khi Liên bang Xô Viết tan rã, Liên bang Nga trải qua thời kì khó khăn trong phát triển kinh tế, đời sống, văn hóa. Nền kinh tế của quốc gia này thật sự phát triển và đạt được thành tựu lớn từ năm 1999 đến nay.
Câu 14. Ngành công nghiệp truyền thống của Liên bang Nga là
A. điện tử, tin học.
B. hàng không vũ trụ.
C. luyện kim.
D. nguyên tử.
Chọn C
Cơ cấu công nghiệp của Liên bang Nga đa dạng, gồm các ngành truyền thống (khai thác dầu khí, luyện kim, khai khoáng, đóng tàu, sản xuất gỗ,...) và các ngành công nghiệp hiện đại (điện tử - tin học, hàng không, công nghiệp vũ trụ, nguyên tử, công nghiệp quốc phòng,…).
Câu 15. Ngành công nghiệp hiện đại của Liên bang Nga là
A. hàng không.
B. khai khoáng.
C. đóng tàu.
D. sản xuất gỗ.
Chọn C
Cơ cấu công nghiệp của Liên bang Nga đa dạng, gồm các ngành truyền thống (khai thác dầu khí, luyện kim, khai khoáng, đóng tàu, sản xuất gỗ,...) và các ngành công nghiệp hiện đại (điện tử - tin học, hàng không, công nghiệp vũ trụ, nguyên tử, công nghiệp quốc phòng,…).
Xem thêm các bài Lý thuyết Địa lí 11 sách Cánh diều hay, chi tiết khác:
Lý thuyết Địa Lí 11 Bài 18: Thực hành: Tìm hiểu về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của Hoa Kỳ
Lý thuyết Địa Lí 11 Bài 19: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên và dân cư, xã hội Liên Bang Nga
Lý thuyết Địa Lí 11 Bài 21: Thực hành: Tìm hiểu về công nghiệp khai thác dầu khí của Liên Bang Nga
Lý thuyết Địa Lí 11 Bài 22: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên và dân cư, xã hội Nhật Bản