Giải SGK Sinh học 10 (Cánh diều) Bài 13: Chu kì tế bào và nguyên phân

1900.edu.vn xin giới thiệu giải bài tập Sinh học 10 Bài 13: Chu kì tế bào và nguyên phân sách Cánh diều hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Sinh học10 Bài 13. Mời các bạn đón xem:

Giải Sinh học 10 Bài 13: Chu kì tế bào và nguyên phân

Mở đầu trang 81 Sinh học 10: Bằng cách nào từ một hợp tử phát triển thành một cơ thể gồm rất nhiều tế bào có bộ nhiễm sắc thể giống nhau và giống bộ nhiễm sắc thể trong hợp tử ban đầu?

Lời giải:

Từ một hợp tử phát triển thành một cơ thể gồm rất nhiều tế bào có bộ nhiễm sắc thể giống nhau và giống bộ nhiễm sắc thể trong hợp tử ban đầu là nhờ quá trình nguyên phân của tế bào.

I. Chu kì tế bào

Câu hỏi 1 trang 81 Sinh học 10: Quan sát hình 13.1 và bảng 13.1, cho biết chu kì tế bào gồm các giai đoạn, pha nào. Nêu đặc điểm của mỗi pha?

 

Quan sát hình 13.1 và bảng 13.1, cho biết chu kì tế bào gồm các giai đoạn, pha nào. Nêu đặc điểm của mỗi pha?

Quan sát hình 13.1 và bảng 13.1, cho biết chu kì tế bào gồm các giai đoạn, pha nào. Nêu đặc điểm của mỗi pha?

Lời giải:

Chu kì tế bào chia làm 2 giai đoạn là kì trung gian và quá trình phân bào. Trong đó:

- Kì trung gian gồm 3 pha: Pha G1 – Sinh trưởng, cơ sở cho nhân đôi DNA; Pha S - Nhân đôi; Pha G2 – Sinh trưởng và chuẩn bị phân bào.

- Quá trình phân bào (pha M) gồm 4 kì: kì đầu, kì giữa, kì sau, kì cuối và phân chia tế bào chất.

Câu hỏi 2 trang 81 Sinh học 10: Trong giai đoạn nào của chu kì tế bào thì một nhiễm sắc thể gồm có hai chromatid giống hệt nhau?

Lời giải:

Giai đoạn của chu kì tế bào mà một nhiễm sắc thể gồm có hai chromatid giống hệt nhau là từ pha S sau khi nhiễm sắc thể nhân đôi đến kì giữa của pha M trước khi nhiễm sắc thể phân chia (pha S, pha G2, kì đầu, kì giữa).

Câu hỏi 3 trang 81 Sinh học 10: Dựa vào bảng 13.1, cho biết điểm kiểm soát có ở những pha nào trong chu kì tế bào và vai trò của chúng ở mỗi pha là gì?

Dựa vào bảng 13.1, cho biết điểm kiểm soát có ở những pha nào trong chu kì tế bào và vai trò

Lời giải:

- Điểm kiểm soát có ở những pha là pha G1, pha G2 và pha M.

- Vai trò của các điểm kiểm soát:

+ Điểm kiểm soát G1: Khi tế bào tăng kích thước, nếu nhận được tín hiệu đủ điều kiện nhân đôi DNA tại điểm kiểm soát G1 thì chuyển sang pha S. Nếu không nhận được tín hiệu đi tiếp, tế bào ra khỏi chu kì và bước vào trạng thái không phân chia.

+ Điểm kiểm soát G2: Nếu tế bào vượt qua điểm kiểm soát G2 thì chuyển sang pha M.

- Điểm kiểm soát M: Điểm kiểm soát M điều khiển toàn tất quá trình phân bào.

Luyện tập 1 trang 82 Sinh học 10: Điều gì xảy ra với tế bào nếu không vượt qua được điểm kiểm soát G1?

Lời giải:

Nếu tế bào không vượt qua được điểm kiểm soát G1, tế bào ra khỏi chu kì và bước vào trạng thái không phân chia gọi là G0. Nếu tế bào ở G0 duy trì khả năng phân chia thì khi xuất hiện nhu cầu (như hồi phục tổn thương) sẽ đi vào pha G1.

Câu hỏi 4 trang 82 Sinh học 10: Quan sát hình 13.2, cho biết các tế bào mới được tạo ra từ một tế bào thì giống nhau hay khác nhau?

Quan sát hình 13.2, cho biết các tế bào mới được tạo ra từ một tế bào thì giống nhau hay khác nhau?

Lời giải:

Các tế bào mới được tạo ra từ một tế bào ban đầu đều giống nhau và giống tế bào mẹ ban đầu.

Câu hỏi 5 trang 83 Sinh học 10: Quan sát hình 13.3, cho biết sinh sản của tế bào theo cơ chế nguyên phân gồm những kì nào. Đặc điểm mỗi kì là gì?

Quan sát hình 13.3, cho biết sinh sản của tế bào theo cơ chế nguyên phân gồm những kì nào. Đặc điểm mỗi kì là gì?

Lời giải:

- Sinh sản của tế bào theo cơ chế nguyên phân gồm 4 kì: Kì đầu, kì giữa, kì sau, kì cuối.

- Đặc điểm của mỗi kì:

+ Kì đầu: Các nhiễm sắc thể kép bắt đầu đóng xoắn và co ngắn. Màng nhân và nhân con tiêu biến. Thoi phân bào hình thành, các nhiễm sắc thể kép đính với thoi phân bào ở tâm động.

+ Kì giữa: Các nhiễm sắc thể kép đóng xoắn cực đại và xếp một hàng trên mặt phẳng xích đạo của thoi phân bào.

+ Kì sau: Hai chromatid của nhiễm sắc thể kép phân li đồng đều thành hai NST đơn và di chuyển về hai cực của tế bào.

+ Kì cuối: NST đơn dãn xoắn, màng nhân và nhân con xuất hiện trở lại. Sự phân chia tế bào chất hoàn thành dẫn đến hình thành nên 2 tế bào con có bộ nhiễm sắc thể 2n giống nhau và giống tế bào mẹ.

Luyện tập trang 83 Sinh học 10: Vì sao hai tế bào mới sinh ra có bộ nhiễm sắc thể giống nhau và giống với tế bào ban đầu?

Lời giải:

Hai tế bào mới sinh ra có bộ nhiễm sắc thể giống nhau và giống với tế bào ban đầu vì có sự nhân đôi nhiễm sắc thể tại pha S và sự phân chia nhiễm sắc thể đồng đều tại kì sau:

- Tại pha S của kì trung gian, nhờ quá trình nhân đôi NST, mỗi nhiễm sắc thể gồm 2 chromatid dính ở tâm động nên tế bào mẹ lúc này sẽ chứa 2n nhiễm sắc thể kép.

- Tại kì sau, hai chromatid của nhiễm sắc thể kép phân li đồng đều thành 2 nhiễm sắc đơn và di chuyển về hai cực của tế bào nên mỗi tế bào con sẽ chứa 2n nhiễm sắc thể đơn giống nhau và giống hệt tế bào ban đầu.

Vận dụng 1 trang 83 Sinh học 10: Từ một đoạn thân của cây hoa hồng có thể tạo nên một cây hoa hồng mới là nhờ hoạt động sống nào của tế bào?

Lời giải:

Từ một đoạn thân của cây hoa hồng có thể tạo nên một cây hoa hồng mới là nhờ hoạt động sinh sản của tế bào theo cơ chế nguyên phân và hoạt động biệt hóa chức năng thành các phần khác nhau của tế bào.

Vận dụng 2 trang 83 Sinh học 10: Tế bào có phân chia mãi không? Cho ví dụ.

Lời giải:

- Tế bào không phân chia mãi mà chỉ phân chia khi cơ thể có nhu cầu.

- Ví dụ:

+ Khi bị thương, tế bào sẽ tăng khả năng phân chia để làm làm lành vết thương và khi vết thương đã lành thì sự phân chia tế bào sẽ dừng lại.

+ Tế bào gan người thường không phân chia cho đến khi xuất hiện nhu cầu (tế bào gan bị chết, tế bào gan bị tổn thương).

Câu hỏi 6 trang 84 Sinh học 10: Dựa vào các ví dụ nêu ở hình 13.4 cho biết nguyên phân có ý nghĩa gì đối với sinh vật.

Dựa vào các ví dụ nêu ở hình 13.4 cho biết nguyên phân có ý nghĩa gì đối với sinh vật

Lời giải:

Ý nghĩa của nguyên phân đối với sinh vật:

- Giúp tạo ra các tế bào mới để tái sinh những tế bào, mô, cơ quan bị tổn thương.

- Là phương thức tế bào sinh sản tạo ra các tế bào mới giúp mô, cơ quan, cơ thể sinh trưởng và phát triển.

II. Ung thư và cách phòng chống

Câu hỏi 7 trang 84 Sinh học 10: Phân biệt khối u lành tính và khối u ác tính.

Lời giải:

Phân biệt khối u lành tính và khối u ác tính:

- Khối u lành tính: Tế bào không lan rộng đến vị trí khác.

- Khối u ác tính: Tế bào ung thư có khả năng lây lan (di căn) sang các mô lân cận và các cơ quan xa.

Câu hỏi 8 trang 84 Sinh học 10: Tế bào ung thư khác gì với tế bào bình thường?

Lời giải:

Điểm khác nhau giữa tế bào ung thư và tế bào bình thường:

- Tế bào bình thường có chu kì tế bào được kiểm soát một cách chặt chẽ, tế bào phân chia bình thường.

- Tế bào ung thư có chu kì tế bào bị mất kiểm soát dẫn đến rối loạn phân bào, các tế bào phân chia liên tục có thể tạo khối u.

Câu hỏi 9 trang 84 Sinh học 10: Quan sát hình 13.5, nêu khái quát tình hình ung thư tại Việt Nam năm 2020 và rút ra nhận xét.

Quan sát hình 13.5, nêu khái quát tình hình ung thư tại Việt Nam năm 2020 và rút ra nhận xét

Lời giải:

Nhận xét về tình hình ung thư tại Việt Nam năm 2020:

- Số người mắc bệnh ung thư ở Việt Nam đang có xu hướng ngày một tăng.

- Có rất nhiều loại ung thư mà con người có thể mắc phải, trong đó các loại ung thư phổi biến ở Việt Nam là ung thư gan, ung thư phổi, ưng thư vú, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng,…

Câu hỏi 10 trang 85 Sinh học 10: Vì sao cần khám sức khỏe định kì để phát hiện sớm các bệnh ung thư?

Lời giải:

Cần khám sức khỏe định kì để phát hiện sớm các bệnh ung thư vì:

- Nếu phát hiện sớm, nhiều loại khối u có thể được cắt bỏ khi chúng chưa di căn và bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi như ung thư vú và nhiều loại ung thư khác.

- Đối với những trường hợp khối u ác tính, việc phát hiện sớm cũng giúp ích cho việc điều trị, kéo dài sự sống cho người bệnh.

Luyện tập 3 trang 85 Sinh học 10: Nguyên nhân khiến số người mắc và tử vong vì ung thư ở Việt Nam tăng nhanh là gì?

Lời giải:

Nguyên nhân khiến số người mắc và tử vong vì ung thư ở Việt Nam tăng nhanh là:

- Ô nhiễm môi trường sống làm phát sinh nhiều tác nhân đột biến.

- Thói quen ăn uống không khoa học (uống nhiều rượu bia, ăn nhiều mỡ động vật, các loại thức ăn bị mốc, hút nhiều thuốc lá, ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn như thịt hun khói, cá muối, thịt nướng cháy,…).

- Thói quen sinh hoạt không lành mạnh (ít vận động; lười tập thể dục, thể thao,...) .

- Do tuổi thọ gia tăng (thời gian tiếp xúc với các tác nhân đột biến dài hơn).

Vận dụng 3 trang 85 Sinh học 10: Nhiều người cho rằng ung thư là bệnh nan y nhưng khoa học phát triển đã mở ra nhiều biện pháp chữa trị hiệu quả. Em hãy tìm hiểu những biện pháp đó.

Lời giải:

Các biện pháp chữa trị hiệu quả bệnh ung thư hiện nay là:

- Phẫu thuật cắt bỏ khối u

- Chiếu xạ hoặc dùng hóa chất tiêu diệt các khối u

- Dùng tế bào gốc để hỗ trợ quá trình điều trị khối u

- Sử dụng liệu pháp miễn dịch tăng cường khả năng đề kháng cùng một số biện pháp khác

Vận dụng 4 trang 85 Sinh học 10: Tìm hiểu thông tin về bệnh ung thư ở địa phương em. Làm thế nào phòng tránh ung thư hiệu quả?

Lời giải:

- Học sinh tự tìm hiểu thông tin về bệnh ung thư tại địa phương. Lưu ý về các tiêu chí như tỉ lệ người mắc ung thư qua các năm, lứa tuổi xuất hiện ung thư, tỉ lệ người tử vong do ung thư, loại ung thư xuất hiện phổ biến,…

- Biện pháp phòng tránh ung thư hiệu quả:

+ Duy trì thói quen khám sức khỏe định kì. Khi có bất kì dấu hiệu nghi ngờ ung thư cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, phát hiện sớm hoặc loại trừ bệnh ung thư.

+ Không hút thuốc lá, thuốc lào; không sử dụng rượu bia, chất kích thích,…

+ Có chế độ ăn uống, dinh dưỡng phù hợp: ăn nhiều rau, quả; hạn chế sử dụng chất béo, thịt đỏ, thức ăn chứa nhiều muối; tránh lạm dụng đồ uống có đường; không ăn thực phẩm mốc hay ôi thiu; thực phẩm nhiễm hóa chất như thuốc trừ sâu, chất kích thích tăng trọng;…

+ Xây dựng chế độ tập luyện, nghỉ ngơi hợp lí; giữ tinh thần thoải mái, tích cực.

+ Quan hệ tình dục lành mạnh, an toàn.

+ Thực hiện tiêm chủng: viêm gan B, HPV,…

+ Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cộng đồng hiểu nguyên nhân và cách phòng tránh bệnh ung thư.

+ Giữ cho môi trường sống trong lành; phát triển nông nghiệp sạch nhằm tạo nguồn lương thực, thực phẩm an toàn.

Xem thêm các bài giải SGK Sinh học lớp 10 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Bài 11: Tổng hợp và phân giải các chất trong tế bào

Bài 12: Thông tin tế bào

Bài 14: Giảm phân

Bài 15: Thực hành làm tiêu bản nhiễm sắc thể để quan sát quá trình nguyên phân, giảm phân ở tế bào thực vật, dộng vật

Bài 16: Công nghệ tế bào

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!