Giải SGK Giáo dục công dân 8 (Kết nối tri thức) Bài 2: Tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc

1900.edu.vn xin giới thiệu giải bài tập GDCD 8 Bài 2 (Kết nối tri thức): Tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc sách Kết nối tri thức hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Giáo dục công dân 8 Bài 2 Mời các bạn đón xem:

Giải SGK GDCD 8 Bài 2: Tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc 

Mở đầu

Mở đầu trang 10 Bài 2 GDCD 8Em hãy kể tên một số phong tục, tập quán đặc sắc của các dân tộc trên thế giới mà em biết.

Trả lời:

Một số phong tục, tập quán đặc sắc của các dân tộc trên thế giới:

+ Té nước là một lễ hội lâu đời của người Thái, Lào và người Khơ-me. Trong dịp lễ này, người dân sẽ mang nước ra đường và đổ vào người qua đường như mộ cử chỉ cần phúc an lành.

+ Kimono là trang phục truyền thống của người dân Nhật Bản. Vào những dịp lễ, tết, cưới hỏi,.. người Nhật thường mặc trên mình những bộ kimono đẹp nhất, vừa sang trọng vừa thể hiện sự lịch sự và tôn trọng văn hóa của dân tộc.

1. Sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới

Khám phá trang 11 GDCD 8a) Em hãy nêu những biểu hiện của sự đa dạng dân tộc và các nền văn hóa của Nhật Bản, Nga và Ni-giê-ri-a (về ẩm thực, trang phục, lễ hội,...) qua các thông tin trên.

Trả lời:

Biểu hiện của sự đa dạng dân tộc và các nền văn hóa của Nhật Bản, Nga và Ni-giê-ri-a

- Ở Nhật Bản (đoạn thông tin 1):

+ Người Nhật nổi tiếng với tính kỉ luật, chăm chỉ lao động, trung thành và thượng võ, đúng giờ. Võ sĩ Sa-mu-rai chính là biểu tượng của những đức tính này.

+ Món ăn truyền thống của Nhật Bản là xư-si.

+ Trang phục truyền thống của Nhật Bản là ki-mô-nô.

+ Lễ hội hoa anh đào là một trong những lễ hội truyền thống của Nhật Bản.

- Ở Nga (đoạn thông tin 2):

+ Những món ăn truyền thống của Nga là cháo ka-sa (được nấu từ hạt ngũ cốc) và bánh mì đen.

+ Trang phục truyền thống đa dạng nhưng có điểm chung là màu sắc rực rỡ, lộng lẫy.

+ Nước Nga có nhiều lễ hội đặc sắc gắn liền với sinh hoạt mùa màng, nổi tiếng nhất là lễ hội tiễn mùa đông.

- Ở Ni-giê-ri-a (đoạn thông tin 3):

+ Có tới 521 hệ ngôn ngữ khác nhau, trong đó có 510 ngôn ngữ dùng trong đời sống hằng ngày.

+ Món ăn truyền thống của người Ni-giê-ri-a là: cơm giô-lốp (nấu từ gạo, cà chua, hành và ớt).

+ Có nhiều trang phục truyền thống với điểm chung là đều sử dụng màu sắc sặc sỡ, mặc kèm nhiều phụ kiện và trang sức.

+ Ni-giê-ri-a cũng là nơi có nhiều lễ hội độc đáo như: lễ hội hoá trang, lễ hội bắt cá, đặc biệt là lễ hội khoai lang.

Khám phá trang 11 GDCD 8b) Hãy nêu thêm một số biểu hiện của sự đa dạng dân tộc và các nền văn hóa khác trên thế giới mà em biết.

Trả lời:

Nêu thêm một số biểu hiện của sự đa dạng dân tộc và các nền văn hóa:

- Ở Hàn Quốc:

+ Một số món ăn truyền thống của người Hàn Quốc là kim chi, cơm cuộn rong biển,…

+ Trang phục truyền thống của Hàn Quốc là Hanbok.

+ Hàn Quốc cũng là nơi có nhiều lễ hội độc đáo, như: Lễ hội Lửa Jeju; Lễ hội đèn lồng hoa sen; Lễ hội biển Busan; Lễ hội núi tuyết Teabaeksan,…

- Ở Campuchia:

+ Trang phục truyền thống có tên là Sam-pot. Sam-pot có nhiều loại khác nhau, thể hiện nét đặc trưng riêng của vùng miền, nhưng đặc điểm chung là: có một tấm lụa dài và rộng để quấn xung quanh thắt lưng.

+ Một số món ăn đặc sản của người Campuchia là: Cà ri đỏ Khơ-me; bún cà ri; cua rán tiêu đen,…

+ Đền Ăng-co Vát; Ăng-co Thom,… là những công trình kiến trúc độc đáo, đồng thời là những biểu tượng văn hóa - lịch sử của Campuchia.

2. Ý nghĩa của việc tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới

Khám phá trang 12 GDCD 8: a) Nen-xơn Man-đê-la đã làm gì để chống lại chế độ phân biệt chủng tộc? Những việc làm đó có ý nghĩa như thế nào đối với dân tộc Nam Phi?

Trả lời

- Để chống lại chế độ phân biệt chủng tộc, Nen-xơn Man-đê-la đã:

+ Tham gia vào tổ chức Đại hội Dân tộc Phi để đấu tranh cho quyền lợi người da đen ở Nam Phi.

+ Kiên trì hoạt động chống chế độ phân biệt chủng tộc (dù bị chính quyền da trắng cầm tù đến 27 năm).

+ Lãnh đạo người dân Nam Phi đấu tranh tranh từng bước phá bỏ thành trì của nạn phân biệt chủng tộc.

- Ý nghĩa: hàn gắn hố sâu mâu thuẫn sắc tộc, mở ra kỉ nguyên mới cho Nam Phi sau nhiều năm xung đột.

Khám phá trang 12 GDCD 8b) Em hiểu ý nghĩa của việc tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới như thế nào qua các thông tin trên?

Trả lời:

Tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới có ý nghĩa quan trọng:

+ Tạo cơ hội để chúng ta có thêm hiểu biết; tiếp thu những tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác; làm phong phú thêm những giá trị của dân tộc mình;

+ Củng cố niềm tin, sự đồng cảm, hoà hợp và tăng cường tình hữu nghị, hoà bình, hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới.

Khám phá trang 12 GDCD 8: c) Hãy nêu thêm ví dụ về một hoạt động tôn trọng sự đa dạng của các nền văn hóa và ý nghĩa của hoạt động đó.

Trả lời:

- Ví dụ: tổ chức ngày hội giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản

- Ý nghĩa:

+ Tạo cơ hội để nhiều người Việt Nam và các du khách quốc tế có điều kiện tìm hiểu thêm về đất nước, văn hóa, con người và ngôn ngữ Nhật Bản.

+ Thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, hữu nghị, cùng phát triển giữa Việt Nam và Nhật Bản.

3. Thực hiện việc tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới

Khám phá trang 14 GDCD 8a) Nêu ý nghĩa của Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc.

Trả lời:

Ý nghĩa: Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc là một văn kiện cam kết các quốc gia thành viên loại bỏ phân biệt chủng tộc và thúc đẩy sự hiểu biết giữa tất cả các chủng tộc.

Khám phá trang 14 GDCD 8: b) Bạn Hà và các bạn trong trường hợp 2 đã làm gì để thể hiện thái độ tôn trọng sự đa dạng dân tộc và văn hóa?

Trả lời:

Để thể hiện thái độ tôn trọng sự đa dạng dân tộc và văn hóa, bạn Hà và các bạn trong Trường hợp 2 đã:

+ Bạn Hà tham gia một khoá học tiếng Anh trực tuyến với người nước ngoài. Bạn cũng sưu tầm được nhiều tranh ảnh, tư liệu giới thiệu với bạn bè nước ngoài về những nét hay, nét đẹp của truyền thống dân tộc, văn hóa Việt Nam.

+ Các thành viên trong lớp học trực tuyến của Hà đến từ nhiều quốc gia, với độ tuổi, màu da, sở thích, văn hóa khác nhau. Mọi người đều thống nhất tuân thủ nguyên tắc: tôn trọng sự khác biệt trên tinh thần khoan dung, không kì thị, phân biệt chủng tộc và văn hóa.

+ Các thành viên trong lớp học đã cùng nhau giới thiệu, chia sẻ những phong tục tập quán, văn hóa độc đáo của dân tộc mình và các dân tộc khác trên thế giới.

Khám phá trang 14 GDCD 8: c) Hãy kể một số việc cần làm thể hiện thái độ tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc, các nền văn hóa.

Trả lời:

Một số việc cần làm thể hiện thái độ tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc, các nền văn hóa:

+ Tôn trọng tính cách, truyền thống, phong tục tập quán,... của các dân tộc;

+ Luôn tích cực tìm hiểu và tiếp thu những giá trị tốt đẹp của các dân tộc; đồng thời thể hiện lòng tự hào chính đáng về dân tộc mình;

+ Phê phán những hành vi kì thị, phân biệt chủng tộc và văn hóa.

Luyện tập

Luyện tập 1 trang 14 GDCD 8Em đồng tình hay không đồng tình với ý kiến/ việc làm nào dưới đây. Vì sao?

a) Bạn T cho rằng, chỉ nên tôn trọng, học hỏi những dân tộc giàu có

b) Chị Q cho rằng, mọi dân tộc đều có cái hay, cái đẹp để học hỏi.

c) Anh K cho rằng, mọi sản phẩm của các dân tộc, các nền văn hóa đều tốt, đều đáng được tiếp thu và học tập.

d) Theo bạn B, cần tiếp thu có chọn lọc những sản phẩm nào phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh dân tộc, văn hóa của đất nước mình.

e) Với niềm đam mê du lịch, chụp ảnh và tìm hiểu văn hóa các dân tộc, chị N (người Pháp) đã cùng một người bạn dành gần 3 năm đi xuyên Việt, xây dựng bộ ảnh đặc trưng của 54 dân tộc Việt Nam.

g) Bố mẹ bạn H không xem các chương trình nghệ thuật nước ngoài mà chỉ xem chương trình nghệ thuật Việt Nam vì cho rằng như vậy mới là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Trả lời:

- Ý kiến a) Không đồng tình. Vì: dân tộc nào cũng có những nét hay, nét đẹp đáng để chúng ta tôn trọng và học hỏi.

- Ý kiến b) Đồng tình. Vì: mỗi dân tộc đều có những nét đặc trưng riêng về văn hóa truyền thống, có những nét đẹp để chúng ta tôn trọng và học hỏi.

- Ý kiến c) Không đồng tình. Vì: ở mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa, bên cạnh những điều tốt đẹp, vẫn còn tồn tại một số hạn chế hoặc những phong tục, tập quán không phù hợp. Do đó, trong quá trình giao lưu, học hỏi, chúng ta cần tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa tiến bộ của các dân tộc trên thế giới.

- Ý kiến d) Đồng tình. Vì: mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa, đều có những nét văn hóa đặc trưng riêng biệt. Những nét văn hóa này được hình thành và phát triển dựa trên những điều kiện, hoàn cảnh đặc thù của dân tộc/ quốc gia đó. Vì vậy, trong quá trình giao lưu, học hỏi, chúng ta cần tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa tiến bộ, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh dân tộc và văn hóa của đất nước mình; không nên tiếp thu toàn bộ một cách máy móc, sao chép nguyên bản,…

- Ý kiến e) Đồng tình. Vì: hành động của chị N và các bạn đã thể hiện tình yêu và sự tôn trọng về đa dạng dân tộc và văn hóa của Việt Nam.

- Ý kiến g) Không đồng tình. Vì: việc xem các chương trình văn hóa nghệ thuật nước ngoài cũng là một hành vi thể hiện sự tôn trọng đa dạng dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới.

Luyện tập 2 trang 15 GDCD 8Em sẽ xử lí như thế nào nếu là nhân vật trong các tình huống sau?

a) Anh S mang trong mình dòng máu Việt Nam và Mỹ gốc Phi nên bị một số bạn trong lớp trêu chọc về màu da.

b) Bạn M rất thích đọc sách về các dân tộc, các nền văn hóa trên thế giới nhưng bố mẹ lại yêu cầu phải dành thời gian để học các môn học chính khoá trong nhà trường.

Trả lời:

- Xử lí tình huống a) Nếu là anh S, em sẽ:

+ Giải thích cho các bạn hiểu: (1) mỗi dân tộc trên thế giới đều có những nét đặc trưng riêng về màu da, ngoại hình, truyền thống văn hóa,… (2) Bản thân rất yêu và tự hào về màu da của mình. (3) Việc các bạn tỏ thái độ trêu chọc về màu da là biểu hiện của sự phân biệt chủng tộc và văn hóa; đồng thời gây nên sự tổn thương tinh thần cho mình.

=> Từ đó, yêu cầu các bạn trong lớp chấm dứt hành vi trêu chọc.

+ Nếu các bạn trong lớp không chấm dứt hành vi và thái độ kì thị, anh S nên báo cáo sự việc với thầy/ cô giáo chủ nhiệm để nhờ sự can thiệp, hỗ trợ từ phía thầy cô.

- Xử lí tình huống b)Nếu là M, em sẽ:

+ Giải thích để bố mẹ hiểu: việc đọc sách về các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới sẽ giúp mình mở rộng và nâng cao vốn hiểu biết; đồng thời, đây cũng là biểu hiện của sự tôn trọng đa dạng dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới.

+ Hứa với bố mẹ: bản thân dù dành thời gian tìm hiểu về các dân tộc, các nền văn hóa trên thế giới nhưng vẫn học tập thật tốt các môn học chính khóa trong lớp.

Luyện tập 3 trang 15 GDCD 8Em hãy cùng các bạn xây dựng một tiểu phẩm về chủ đề phê phán những hành vi kì thị, phân biệt chủng tộc và văn hóa.

Trả lời:

(*) Tham khảo tiểu phẩm: Bình đẳng giữa các dân tộc trong lao động và việc làm

TIỂU PHẨM: QUYỀN BÌNH ĐẲNG GIỮA CÁC DÂN TỘC

TRONG LAO ĐỘNG VÀ VIỆC LÀM

PHẦN 1. DẪN NHẬP

- Người dẫn truyện (trình bày):

Thưa cùng các bạn!

Quyền bình đẳng giữa các dân tộc là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam, được ghi nhận trong các bản Hiến pháp và được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp luật, như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động,…

Tiểu phẩm pháp luật “Bình đẳng dân tộc trong lao động, việc làm” dưới đây sẽ gửi tới Quý vị những thông tin về điều đó.

Tiểu phẩm có sự tham gia của các diễn viên sau:

- Bạn ……….. trong vai anh Giàng A Páo (người dân tộc H’mông).

- Bạn ……… trong vai bác Sơn (chủ nhà trọ)

- Bạn ……….. trong vai anh Hùng (nhân viên Trung tâm tư vấn và giới thiệu việc làm)

Sau đây, tiểu phẩm xin được phép bắt đầu!

PHẦN II. NỘI DUNG TIỂU PHẨM

Người dẫn truyện (giới thiệu): Anh Giàng A Páo là người dân tộc H’mông, anh sinh ra và lớn lên ở một bản làng nghèo thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh tham gia làm việc tại một công ty chuyên về lắp ráp linh kiện điện tử tại địa phương. Đầu năm 2022, trước những biến động phức tạp của tình hình kinh tế thế giới, công ty của anh Páo bị thiếu đơn hàng, nên buộc phải cắt giảm nhân sự. Không may, anh Páo thuộc đối tượng “dôi dư”, phải nghỉ việc. Anh Páp đã xuống Hà Nội để tìm việc làm. Anh thường xuyên đọc báo, đăng kí các vị trí tuyển dụng nhưng chưa đâu vào đâu cả…

Cảnh 1. Tại phòng trọ của anh Páo

Người dẫn truyện (đọc): Cầm tờ báo trên tay, anh Páo chạy ngay ra ngoài sân, thấy bác Sơn đang chăm sóc cây cảnh, anh vui mừng thông báo với bác

Anh Páo: Bác ơi! Bác xem này, cháu vừa thấy có thông tin tuyển công nhân phù hợp với cháu, bác ạ!

Bác Sơn (đặt bình tưới nước xuống đất, lau nhanh tay, rồi đón lấy tờ báo anh Páo đưa, đọc to thành tiếng”: “Công ty Công nghệ XYZ chuyên gia công lắp ráp linh kiện điện thoại cần tuyển công nhân, yêu cầu: Độ tuổi: 18-35 tuổi. Trình độ chuyên môn: Tốt nghiệp THPT trở lên. Tình trạng sức khỏe: Tốt. Người lao động sẽ được hưởng mức lương cơ bản, các khoản phụ cấp và chế độ Bảo hiểm xã hội theo Bộ luật Lao động…

(bác Sơn ngẩng lên nhìn khuôn mặt đang tràn đầy hy vọng của anh Páo, rồi ngần ngại đọc tiếp): Nhưng… Páo ơi, bác bảo này, cháu không để ý à, họ ghi… “không tuyển đối tượng lao động người dân tộc thiểu số…”.

Anh Páo(không đợi bác Sơn nói hết câu, anh vội lấy tờ báo đọc lại, nét mặt buồn bã): Sao lại không tuyển lao động người dân tộc thiểu số nhỉ? Cháu có thâm niên 7 năm làm công nhân lắp ráp linh kiện điện tử rồi. Sao họ không cho thử việc đã rồi hãy quyết định nhận hay không nhận? Sao lại có thể…

Người dẫn truyện (đọc): Thấy anh Páo căng thẳng, bác Sơn nhẹ nhàng động viên

Bác Sơn: Còn nhiều việc phù hợp với năng lực và kinh nghiệm của cháu mà. Mình cứ kiên nhẫn tìm kiếm nhất định sẽ tìm được việc làm như ý cháu ạ!

Người dẫn truyện (đọc): Nói rồi bác Sơn lại tiếp tục với công việc chăm sóc cây của mình, vừa làm, chị vừa thầm nghĩ: “Khổ thân, từ ngày Páo xuống đây ở trọ tại nhà mình, mình thấy nó cũng là người chăm chỉ, thật thà. Từ bản làng nghèo ở vùng biên giới, xuống đất Hà Nội này lập nghiệp, vậy mà,… Mà kể cũng lạ, thời đại nào rồi mà vẫn có công ty phân biệt đối xử giữa người dân tộc đa số với dân tộc thiểu số. Mình phải nghĩ cách gì giúp nó mới được”. Ngẫm nghĩ một hồi, bác chợt nhớ ra mình có người cháu đang làm việc tại trung tâm tư vấn việc làm A, bác Sơn ngừng tay, quay sang nói với anh Páo

Bác Sơn: Páo này, bác có người cháu đang làm việc tại trung tâm tư vấn việc làm A. Trung tâm ấy cách nhà bác không xa đâu, độ 4-3 km thôi. Hay mai cháu sắp xếp thời gian, đến đó, nhờ họ tư vấn xem thế nào

Anh Páo (nét mặt đầy hi vọng): Ôi, thế thì tốt quá, bác cho cháu xin địa chỉ của trung tâm ấy với ạ, với bác cho cháu xin thông tin liên hệ của cháu bác với, để cháu tiện liên lạc với bạn ấy ạ!

Bác Sơn (vỗ vai Páo): được rồi, để bác vào nhà lấy sổ ghi chép, bác tìm số điện thoại của nó cho cháu. Gớm khổ, bác già rồi, trí nhớ không được tốt!

Anh Páo: Dạ, cháu cảm ơn bác nhiều lắm ạ!

Cảnh 2. Tại văn phòng của trung tâm giới thiệu việc làm A

Anh Páo (rụt rè, hỏi một nhân viên): Dạ chào anh, tôi muốn gặp anh Trần Văn Hùng, mong anh có thể chỉ giúp tôi anh ấy ngồi làm việc ở vị trí nào ạ!

Người dẫn truyện (đọc): Người nhân viên ấy hơi ngạc nhiên, nhưng có vẻ nhớ ra điều gì đó, nên anh ấy ngay lập tức tươi vui nét mặt!

Anh Hùng: Chào anh! Tôi là Trần Văn Hùng đây, anh có phải là anh Giàng A Páo không ạ?

Anh Páo: Vâng, chính là tôi đây ạ, sao anh lại…

Anh Hùng (ngắt lời anh Páo, đưa tay mời anh Páo ngồi xuống ghế, rót nước mời): À, hôm qua tôi có nghe chú Sơn nói về trường hợp của anh rồi. Bây giờ, anh muốn tôi tư vấn hay giúp đỡ vấn đề gì ạ?

Anh Páo (vui mừng tình bày): Anh ạ, tôi là công nhân, có thâm niên 7 năm làm trong lĩnh vực lắp ráp linh kiện điện tử. Hôm qua tôi đọc báo, thấy 1 công ty điện tử có tuyển dụng lao động, nhưng họ từ chối tiếp nhận hồ sơ của lao động người dân tộc thiểu số. Tôi… tôi muốn hỏi anh xem: các công ty làm như vậy có đúng luật hay không? Vì thực lòng, ngoài chuyện thất nghiệp phải lo miếng cơm manh áo, khi bị kì thị như thế, tôi cũng cảm thấy tổn thương. Dù là dân tộc đa số hay thiểu số, thì chúng ta đều là người Việt Nam mà!

Anh Hùng (nét mặt cảm thông, động viên): Tôi rất hiểu tâm trạng của anh! Xin trả lời câu hỏi của anh: công ty nào làm như vậy là trái quy định của pháp luật! Tại khoản 8 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định cụ thể về khái niệm phân biệt đối xử trong lao động như sau (vừa nói, anh Hùng vừa mở sách, chỉ cho anh Páo xem): “Phân biệt đối xử trong lao động là hành vi phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên dựa trên chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hoặc nguồn gốc xã hội, dân tộc, giới tính, độ tuổi, tình trạng thai sản, tình trạng hôn nhân, tôn giáo, tín ngưỡng, chính kiến, khuyết tật, trách nhiệm gia đình hoặc trên cơ sở tình trạng nhiễm HIV hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có tác động làm ảnh hưởng đến bình đẳng về cơ hội việc làm hoặc nghề nghiệp”. Như vậy, việc công ty nào từ chối hồ sơ của anh vì lý do anh là người dân tộc thiểu số thì hành động đó có thể coi là phân biệt đối xử trong lao động. (Ngừng một chút, ngấp ngụm nước, anh Hùng nói tiếp), hơn nữa: căn cứ theo quy định tại Điều 8 của Bộ luật lao động năm 2019, phân biệt đối xử trong lao động cũng là một hành vi bị nghiêm cấm.

Anh Páo (hồi hộp hỏi tiếp): Pháp luật đã nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử trong lao động, vậy tại sao các công ty vẫn làm như vậy nhỉ?

Anh Hùng (mỉm cười, đáp): Cũng có vài trường hợp đến đây nhờ chúng tôi tư vấn về vấn đề này rồi. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: nhiều doanh nghiệp có tâm lí e ngại người lao động dân tộc thiểu số, vì họ cho rằng: trình độ nhận thức, khả năng tiếp cận với kĩ thuật, công nghệ của người dân tộc thiểu số còn hạn chế; hoặc họ cũng mang tâm lí e ngại một số vấn đề về phong tục, tập quán,… hoặc, xin lỗi, mong anh thông cảm, một số người tuyển dụng lao động còn nói với tôi rằng họ sợ bị bùa, ngải gì đó….

Anh Páo (tỏ thái độ bức xúc)Thật không công bằng, sự khác nhau về thành phần dân tộc không thể nào phản ánh về trình độ hiểu biết, nhận thức của con người. Rất nhiều người dân tộc thiểu số nhưng họ có trình độ hiểu biết cao, có cống hiến lớn cho sự phát triển của đất nước và xã hội. Về văn hóa, mỗi dân tộc đều có những nét đặc trưng riêng; văn hóa của dân tộc nào cũng có cái hay, cái đẹp đáng để học hỏi; nhưng cũng có những nét văn hóa lạc hậu so với thời đại mới. Tôi thừa nhận là ở các dân tộc thiểu số như chúng tôi vẫn còn tồn tại một số phong tục không phù hợp, chẳng hạn như: tục tảo hôn, kết hôn cận huyết… Tuy nhiên, người dân tộc Kinh, dù là dân tộc đa số, nhưng cũng tồn tại các vấn đề như: mê tín dị đoan; tổ chức ma chay, cưới hỏi linh đình, gây tốn kém và lãng phí,… Anh thấy tôi nói vậy có đúng không?

Anh Hùng (vui vẻ đáp): Vâng, anh nói đúng. Sự phân biệt, kì thị dân tộc thiểu số chỉ xảy ra ở một số doanh nghiệp thôi, chứ không phải tất cả anh nhé! Vẫn có rất nhiều doanh nghiệp khác vẫn làm đúng quy định của pháp luật. Là do anh chưa có “duyên” gặp họ hoặc trong thời điểm này họ không có nhu cầu tuyển dụng lao động mà thôi…

Anh Páo (Gương mặt trông đã dễ chịu hơn rất nhiều, anh tươi cười nói): Cảm ơn anh đã cho tôi hiểu biết thêm các quy định của pháp luật. Khi biết được những quy định như anh vừa nói thì tôi có đủ tự tin để đi xin việc rồi. Tiện đây, cho tôi hỏi thêm mới đây có Công ty nào trên địa bàn thành phố ta đang tuyển dụng lao động trong lĩnh vực lắp ráp linh kiện điện tử không ạ?

Anh Hùng (vui vẻ đáp): Có đấy anh ạ! Một số công ty vừa mới gửi Thông báo tuyển dụng về Trung tâm chiều hôm qua. Tôi đã dán ở bảng Thông báo ngoài kia, anh có thể ra tra cứu, tham khảo xem vị trí nào, công ty nào phù hợp với mình thì mình nộp hồ sơ nhé! Trong quá trình tìm việc làm và gửi hồ sơ ứng tuyển, nếu có vướng mắc gì cần tư vấn, anh cứ liên hệ với tôi. Tôi rất sẵn lòng giúp đỡ anh!

Anh Páo (mừng rỡ): Vâng, vâng, tôi cảm ơn anh ạ!

Người dẫn truyện (đọc): Anh Páo ra bảng thông báo của Trung tâm tư vấn và giới thiệu việc làm, xem các thông báo tuyển lao động, trong lòng anh ngập tràn niềm tin, anh nghĩ mình sẽ xin được việc trong thời gian sớm nhất.

* HẾT*

Luyện tập 4 trang 15 GDCD 8Em hãy nêu những việc nên làm và không nên làm để thể hiện tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc và giải thích tại sao.

Trả lời:

- Những việc nên làm:

+ Tôn trọng tính cách, truyền thống, phong tục tập quán,... của các dân tộc;

+ Luôn tích cực tìm hiểu và tiếp thu những giá trị tốt đẹp của các dân tộc; đồng thời thể hiện lòng tự hào chính đáng về dân tộc mình;

+ Phê phán những hành vi kì thị, phân biệt chủng tộc và văn hóa.

+ Tích cực quảng bá, giới thiệu những nét đẹp về văn hóa, đất nước và con người của dân tộc mình.

+ …

- Những việc không nên làm:

+ Tỏ thái độ hoặc hành động kì thị, phân biệt giữa các dân tộc, các nền văn hóa, các vùng, miền,…

+ Tiếp thu một cách rập khuôn, máy móc; sao chép nguyên bản, không có sự chọn lọc các yếu tố văn hóa bên ngoài.

+ Ủng hộ các hành vi kì thị, phân biệt chủng tộc và văn hóa.

+ Khép kín, không chịu tiếp thu thành tựu văn hóa của các quốc gia, dân tộc khác.

+ Tỏ thái độ và hành động xấu hổ, tự ti về văn hóa, đất nước và con người của dân tộc mình.

+ …

Vận dụng

Vận dụng 1 trang 15 GDCD 8: Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 từ) giới thiệu về một nét văn hóa đặc sắc 200 từ) giới của một dân tộc trên thế giới.

Trả lời:

(*) Tham khảo: giới thiệu về Nghi lễ cấp sắc của người Dao ở Việt Nam

Người Dao ở Sơn La (Việt Nam) còn bảo tồn nhiều phong tục tập quán truyền thống, đặc biệt là các nghi lễ chu kỳ đời người, trong đó có lễ cấp sắc. Lễ cấp sắc là nghi lễ quan trọng, công nhận sự trưởng thành đối với người đàn ông ở tất cả các ngành Dao. Trong lễ cấp sắc, người thụ lễ được đặt pháp danh (tên âm). Sau khi trải qua nghi lễ này, người đàn ông Dao được công nhận là con cháu Bàn Vương, được trao quyền làm thầy, được cấp âm binh và được thờ cúng tổ tiên.

Theo tiếng địa phương, cấp sắc được gọi là quá tang hay quá tăng. Ngoài ra còn có các tên gọi khác như: say cháy, chay thầy xấy hay phùn voòng,…

Lễ cấp sắc thường tổ chức cho con trai từ 10 tuổi trở lên và thực hiện vào thời gian nông nhàn. Để chuẩn bị lễ cấp sắc, gia đình phải nuôi lợn, tích lương thực, thực phẩm, vàng mã và các thứ khác để làm lễ và cỗ mời bà con, họ hàng...

Lễ cấp sắc của các ngành Dao thực hiện một số nghi lễ, như: lễ nhận thầy; lập ban thờ mới; mời thần linh nhà thầy cúng đi làm lễ; mời thần linh, tổ tiên nhà người được cấp sắc về làm lễ; lễ cấp đèn; lễ đặt tên; lễ dạy làm thầy/truyền phép…Tuy nhiên, mỗi ngành Dao lại có những khác biệt riêng.

Lễ cấp sắc là một trong những nghi lễ độc đáo và được lưu truyền từ nhiều đời nay trong cộng đồng dân tộc Dao. Trong lễ cấp sắc, người được cấp sắc và những người tham dự có thể hiểu hơn về lịch sử, cội nguồn của mình từ những bài cúng, tích truyện mà thầy cúng đọc, từ đó, nâng cao ý thức bảo tồn những phong tục, tập quán tốt đẹp của người Dao. Lễ cấp sắc phản ánh đời sống tinh thần phong phú của người Dao, thể hiện qua các điệu múa, hát đối đáp - páo dung, tranh vẽ, hình cắt giấy… Lễ cấp sắc có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần, tín ngưỡng của đồng bào Dao, giúp họ có thêm sức mạnh tinh thần vượt qua khó khăn trong cuộc sống, hướng tới điều tốt đẹp trong tương lai. Lễ cấp sắc hướng người đàn ông Dao cũng như các thành viên trong cộng đồng biết tôn sư trọng đạo, kính trọng cha mẹ, luôn làm điều thiện.

Ghi nhận giá trị tiêu biểu của di sản, Lễ cấp sắc của người Dao ở Sơn La được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Vận dụng 2 trang 15 GDCD 8Thiết kế hoặc sưu tầm hình ảnh thể hiện sự đa dạng của các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới.

Trả lời:

(*) Tham khảo:

Thiết kế hoặc sưu tầm hình ảnh thể hiện sự đa dạng của các dân tộc

Xem thêm lời giải bài tập SGK GDCD lớp 8 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác: 

Bài 1: Tự hào về truyền thống dân tộc Việt Nam

Bài 3: Lao động cần cù, sáng tạo

Bài 4: Bảo vệ lẽ phải

Bài 5: Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên

Bài 6: Xác định mục tiêu cá nhân

Xem tất cả hỏi đáp với chuyên mục: Tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!