Tiếng Việt lớp 4 Bài văn kể chuyện trang 12, 13, 14
Câu 1 trang 12 sgk Tiếng Việt lớp 4 tập 1: Đọc bài văn sau và thực hiện yêu cầu:
Từ ngày còn bé, qua giọng kể ấm áp của bà, em đã rất thích câu chuyện "Tích Chu".
Chuyện kể về cậu bé Tích Chu. Bố mẹ mất sớm nên Tích Chu ở với bà. Bà rất thương Tích Chu. Hằng ngày, bà làm lụng vất vả để kiếm tiền nuôi cậu bé. Có món gì ngon, bà cũng dành cho Tích Chu. Thế nhưng Tích Chu lại chẳng thương bà. Suốt ngày, cậu bé chỉ mải rong chơi.
Lần đó, bà sốt cao, khát nước quá, liền gọi:
– Tích Chu ơi, cho bà ngụm nước. Bà khát khô cổ rồi!
Bà gọi mãi mà không thấy Tích Chu đáp lại nên biến thành chim.
Còn Tích Chu mải chơi, đến khi thấy đói mới về. Về đến nhà, cậu bé hốt hoảng khi biết bà đã biến thành chim. Cậu bé theo hướng chim bay để tìm bà.
Đi được một đoạn. Tích Chu gặp chim đang uống nước ở một dòng suối mát. Cậu bé tha thiết gọi nhưng chim vẫn vỗ cánh bay đi.
Buồn quá, Tích Chu oà khóc. Một bà tiên hiện ra, bảo
– Nếu muốn bà trở lại thành người thì cháu phải đi lấy nước ở suối tiên cho bà uống.
Nghe bà tiên nói, Tích Chu mừng rỡ vô cùng. Cậu bé hỏi đường đến suối tiên, rồi vội vàng đi ngay.
Trải qua nhiều ngày đêm băng rừng, lội suối, cuối cùng, Tích Chu đã lấy được nước suối tiên mang về.
Được uống nước suối tiên, bà trở lại thành người. Tích Chu vui sướng ôm lấy bà. Từ đấy, Tích Chu luôn ở bên bà và hết lòng yêu thương, chăm sóc bà.
Câu chuyện bà kể đã lâu nhưng hình ảnh cậu bé Tích Chu băng rừng, lội suối tìm nước suối tiên đem về cho bà uống vẫn còn đọng lại trong tâm trí em như một lời nhắc nhở về lòng hiếu thảo.
Nam Khánh
a. Tìm trong bài văn:
– Phần giới thiệu câu chuyện.
– Phần kể lại nội dung của câu chuyện.
• Mở đầu câu chuyện.
• Diễn biến câu chuyện.
• Kết thúc câu chuyện.
– Phần nêu suy nghĩ, cảm xúc về câu chuyện.
b. Xác định các sự việc ở phần diễn biến của câu chuyện và kết quả của các sự việc ấy.
c. Các sự việc ở phần diễn biến của câu chuyện được kể theo trình tự nào?
Trả lời:
a.
- Phần giới thiệu câu chuyện: Từ ngày còn bé, qua giọng kể ấm áp của bà, em đã rất thích câu chuyện "Tích Chu".
- Phần kể lại nội dung câu chuyện:
• Mở đầu câu chuyện: Chuyện kể về cậu bé Tích Chu. Bố mẹ mất sớm nên Tích Chu ở với bà. Bà rất thương Tích Chu.
• Diễn biến câu chuyện: Từ “Hằng ngày, bà làm lụng vất vả để kiếm tiền nuôi cậu bé… suối tiên mang về”.
• Kết thúc câu chuyện: “Được uống nước suối tiên, bà trở lại thành người. Tích Chu vui sướng ôm lấy bà. Từ đấy, Tích Chu luôn ở bên bà và hết lòng yêu thương, chăm sóc bà.”
– Phần nêu suy nghĩ, cảm xúc về câu chuyện: Câu chuyện bà kể đã lâu nhưng hình ảnh cậu bé Tích Chu băng rừng, lội suối tìm nước suối tiên đem về cho bà uống vẫn còn đọng lại trong tâm trí em như một lời nhắc nhở về lòng hiếu thảo.
b. Các sự việc ở phần diễn biến của câu chuyện và kết quả của sự việc ấy là:
- Sự việc 1:
+ Diễn biến: Bà bị ốm nhưng không có ai chăm sóc.
+ Kết quả: Bà biến thành chim.
- Sự việc 2:
+ Diễn biến:Biết bà biến thành chim, Tích Chu đuổi theo và tha thiết gọi.
+ Kết quả: Chim vẫn vỗ cánh bay đi.
- Sự việc 3:
+ Diễn biến: Tích Chu gặp bà tiên.
+ Kết quả: Được bà tiên giúp đỡ, chỉ đường đến suối tiên lấy nước cho bà uống.
- Sự việc 4:
+ Diễn biến: Trải qua nhiều ngày đêm băng rừng, lội suối.
+ Kết quả: Lấy được nước suối mang về, được uống nước suối tiên, bà trở lại thành người.
c. Các sự việc ở phần diễn biến của câu chuyện được kể theo trình tự thời gian.
* Ghi nhớ:
Bài văn kể chuyện đã đọc, đã nghe thường gồm ba phần:
1. Mở bài: Giới thiệu câu chuyện.
2. Thân bài: Kể lại các sự việc của câu chuyện theo trình tự thời gian hoặc không gian.
Lưu ý: Thân bài có thể gồm một hoặc nhiều đoạn văn.
3. Kết bài: Nêu kết thúc của câu chuyện. Có thể bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của người kể về nội dung câu chuyện.
Câu 2 trang 12 sgk Tiếng Việt lớp 4 tập 1: Đọc bài văn sau và thực hiện yêu cầu:
Tôi đã đọc nhiều câu chuyện về lòng nhân hậu. Trong đó, "Người ăn xin" của nhà văn Tuốc-ghê-nhép là câu chuyện để lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc.
Câu chuyện kể về cuộc gặp gỡ của một cậu bé với ông lão ăn xin. Lần đó, khi đang đi dạo trên phố, cậu gặp một người ăn xin già. Do trời lạnh, lại mệt và đói nên nhìn ông thật thảm hại. Đôi mắt ông lão đỏ đọc, giàn giụa nước mắt. Đôi môi ông tái nhợt, áo quần tả tơi thảm hại...
Ông đứng trước mặt cậu, chìa đôi bàn tay sưng húp, bẩn thỉu, rên rỉ cầu xin cứu giúp. Cậu bé nhìn ông đầy thương cảm. Cậu lục tìm hết túi nọ, túi kia nhưng không tìm được thứ gì đáng giá. Cậu nắm chặt lấy bàn tay run rẩy của ông lão, lễ phép nói:
– Ông đừng giận cháu, cháu không có gì để cho ông cả.
Người ăn xin nhìn cậu chằm chằm bằng đôi mắt ướt đẫm. Đôi môi tái nhợt nở nụ cười và tay ông cũng xiết lấy tay cậu:
– Cháu ơi, cảm ơn cháu! Như vậy là cháu đã cho lão rồi. – Ông lão nói bằng giọng khản đặc.
Giờ phút ấy, cậu bé hiểu một điều: chính cậu cũng vừa nhận được chút gì từ ông lão.
Câu chuyện đã kết thúc nhưng hình ảnh bốn bàn tay xiết chặt vẫn đọng lại trong tâm trí tôi như một bài học về lòng nhân hậu.
Hoàng Minh
a. Xác định mở bài, thân bài, kết bài của bài văn.
b. Xác định các sự việc chính và kết quả của mỗi sự việc ấy.
Trả lời:
a.
- Mở bài: Tôi đã đọc nhiều câu chuyện về lòng nhân hậu. Trong đó, "Người ăn xin" của nhà văn Tuốc-ghê-nhép là câu chuyện để lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc.
- Thân bài: Từ “Câu chuyện kể về cuộc gặp gỡ… đến “chút gì từ ông lão”.
- Kết bài: Câu chuyện đã kết thúc nhưng hình ảnh bốn bàn tay xiết chặt vẫn đọng lại trong tâm trí tôi như một bài học về lòng nhân hậu.
b. Các sự việc chính và kết quả của mỗi sự việc ấy là:
- Sự việc 1:
+ Diễn biến: Đang đi dạo trên đường phố trong một ngày trời lạnh, gặp một người ăn xin già.
+ Kết quả: Ông đứng trước mặt cậu chìa bàn tay sưng húp, bẩn thỉu, rên rỉ cầu xin cứu giúp.
- Sự việc 2:
+ Diễn biến: Cậu bé lục túi nhưng không tìm thấy gì quý giá, cậu bé nắm bàn tay run rẩy và an ủi ông lão.
+ Kết quả: Ông lão cười cảm ơn cậu bé vì như vậy đã là giúp ông rồi. Cậu bé cũng hiểu ra như chính mình cũng vừa nhận được điều gì từ ông lão.
Vận dụng
Câu hỏi trang 14 sgk Tiếng Việt lớp 4 tập 1: Ghi lại một kỉ niệm mùa hè mà em nhớ nhất.
Trả lời:
Trong kì nghỉ hè năm ngoái, em có một kỉ niệm vô cùng đáng nhớ. Đó là lần cùng lũ bạn đi chăn trâu, bốn năm đứa tụi em cùng nhau ngêu ngao dắt trâu ra đồng gặm cỏ, vì quá mải chơi nên để trâu gặm mất lúa nhà bác Ba.
Xem thêm các bài giải SGK Tiếng Việt lớp 4 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác: