Thuốc Bidiclor - Điều trị nhiễm khuẩn - Hộp 20 gói x 3 g - Cách dùng

Thuốc Bidiclor thường được dùng trong điều trị nhiễm khuẩn. Vậy thuốc Bidiclor được sử dụng như thế nào, cần lưu ý gì? Hãy để 1900.edu.vn giúp bạn hiểu kĩ hơn về thuốc trong bài viết dưới đây.

Video Cefaclor 125mg Hướng dẫn sử dụng thuốc kháng sinh Cefaclor 125mg

Thành phần và cơ chế tác dụng thuốc Bidiclor

Bidiclor có thành phần chính là Cefaclor.

Cefaclor là một kháng sinh cephalosporin uống, bán tổng hợp, thế hệ 2, có tác dụng diệt vi khuẩn đang trong giai đoạn phát triển và phân chia bằng cách ức chế tổng hợp thành tế bào vi khuẩn. Thuốc gắn vào các protein gắn với penicillin (Penicillin binding protein, PBP), là các protein tham gia vào thành phần cấu tạo màng tế bào vi khuẩn, đóng vai trò là enzym xúc tác cho giai đoạn cuối cùng của quá trình tổng hợp thành tế bào. Kết quả là thành tế bào được tổng hợp sẽ bị yếu đi và không bền dưới tác động của áp lực thẩm thấu. Ái lực gắn của cefaclor với PBP của các loại khác nhau sẽ quyết định phổ tác dụng của thuốc.

Dạng bào chế và hàm lượng thuốc Bidiclor

Thuốc được bào chế dưới dạng và hàm lượng như sau:

  • Thuốc bột Bidiclor 125mg: Hộp 20 gói x 3 g

Mỗi gói: Cefaclor (dưới dạng Cefaclor monohydrat) 125mg, tá dược vừa đủ 3g.

  • Viên nang Bidiclor 500mg: Hộp 1 vỉ nhôm nhôm x 10 viên; Hộp 2 vỉ nhôm nhôm x 10 viên; Hộp 2 vỉ nhôm nhựa x 10 viên; Hộp 10 vỉ nhôm nhựa x 10 viên; Lọ 100 viên; Lọ 500 viên.

Mỗi viên: Cefaclor 500mg, tá dược vừa đủ.

Chỉ định và chống chỉ định thuốc Bidiclor

Chỉ định 

Bidiclor có thể được chỉ định trong trường hợp viêm họng do vi khuẩn nhạy cảm với CefaclorBidiclor có thể được chỉ định trong trường hợp viêm họng do vi khuẩn nhạy cảm với Cefaclor

Nhiễm khuẩn đường hô hấp, bao gồm: viêm phổi, viêm phế quản, các đợt cấp của viêm phế quản mạn tính, viêm họng, viêm amidan và là 1 thành phần trong điều trị viêm xoang.

Viêm tai giữa.

Nhiễm khuẩn da và mô mềm.

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu, bao gồm: viêm bể thận và viêm bàng quang. Bidiclor có hiệu quả trong cả điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu cấp và mãn tính.

Nói chung, cefaclor có hiệu quả trong việc loại trừ Streptococci ở mũi họng, tuy nhiên, chưa có dữ liệu xác định hiệu quả của cefaclor trong việc điều trị sốt thấp khớp hoặc viêm nội tâm mạc do vi khuẩn.

Chống chỉ định 

Người bệnh có tiền sử dị ứng/quá mẫn với cefaclor hoặc kháng sinh nhóm cephalosporin hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Liều lượng và cách sử dụng thuốc Bidiclor

Cách dùng

Thuốc dùng theo đường uống, vào lúc đói.

Liều dùng

Người lớn: Liều thông thường: 250mg, 8 giờ/lần. Trong trường hợp nặng có thể tăng liều lên gấp đôi. Tối đa 4g/ngày.

Viêm họng, viêm phế quản, viêm amidan, nhiễm trùng da và mô mềm, nhiễm trùng tiết niệu không biến chứng: 

  • Uống 250 mg, 8 giờ/lần. Trường hợp nhiễm trùng nặng hơn hoặc chủng vi khuẩn phân lập kém nhạy cảm có thể dùng 500mg, 8 giờ/lần. Thời gian điều trị là 10 ngày.
  • Trường hợp viêm họng tái phát do Streptococcus beta tan máu nhóm A, cũng nên điều trị cho cả những người trong gia đình mang mầm bệnh không triệu chứng. Đối với viêm họng cấp, penicillin – V là thuốc được chọn hàng đầu.

Nhiễm trùng hô hấp dưới: Uống 250mg, 8 giờ/lần. Trường hợp nhiễm trùng nặng hơn (viêm phổi) hoặc chủng vi khuẩn phân lập kém nhạy cảm có thể dùng 500mg, 8 giờ/lần. Thời gian điều trị là 7 – 10 ngày.

Người suy thận: Cefaclor có thể dùng cho người suy thận. Trường hợp suy thận nặng, cần điều chỉnh liều cho người lớn như sau: Nếu độ thanh thải creatinin 10 – 50 ml/phút, dùng 50 – 100% liều thường dùng; nếu độ thanh thải creatinin dưới 10 ml/phút, dùng 25% liều thường dùng.

Người bệnh phải thẩm phân máu: Khi thẩm phân máu, thời gian bán thải của cefaclor trong huyết thanh giảm 25 – 30%. Vì vậy, đối với người bệnh phải thẩm phân máu đều đặn, nên dùng liều khởi đầu từ 250mg đến 1 g trước khi thẩm phân máu và duy trì liều điều trị 250 – 500mg cứ 6 – 8 giờ/lần, trong thời gian giữa các lần thẩm phân.

Người cao tuổi: Dùng liều như người lớn.

Trẻ em: Dùng 20mg/kg thể trọng/24 giờ, chia thành 3 lần uống. Có thể gấp đôi liều trong trường hợp nặng. Liều tối đa: 1g/ngày. Hoặc dùng: trẻ 1 tháng đến 1 năm uống 62,5mg, cứ 8 giờ một lần; trẻ từ 1 –  5 tuổi uống 125mg, 8 giờ/lần; trẻ trên 5 tuổi uống 250mg, 8 giờ/lần. Tính an toàn và hiệu quả đối với trẻ dưới 1 tháng tuổi cho đến nay vẫn chưa xác định.

Tác dụng phụ thuốc Bidiclor

Tiêu chảy là tác dụng phụ hay gặp nhất khi sử dụng BidiclorTiêu chảy là tác dụng phụ hay gặp nhất khi sử dụng Bidiclor

Dạ dày – ruột: tác dụng không mong muốn thường gặp nhất là tiêu chảy. Tuy nhiên, hiếm khi xảy ra đủ nghiêm trọng đến mức phải ngưng điều trị. Viêm đại tràng, bao gồm cả trường hợp hiếm gặp của viêm đại tràng giả mạc đã được báo cáo. Buồn nôn và nôn cũng đã xảy ra.

Phản ứng quá mẫn:

  • Các phản ứng dị ứng như phát ban dạng sởi, ngứa và nổi mề đay đã được quan sát. Những phản ứng này thường giảm dần khi ngưng điều trị. Các phản ứng giống bệnh huyết thanh (hồng ban đa dạng nhẹ, phát ban hoặc các biểu hiện trên da khác kèm theo viêm/đau khớp với có hoặc không bị sốt) đã được báo cáo. Bệnh hạch bạch huyết và protein niệu ít xảy ra; không có các phức hợp miễn dịch tuần hoàn và không có bằng chứng về di chứng. Đôi khi, các triệu chứng đơn độc có thể xảy ra nhưng không đại diện cho phản ứng giống bệnh huyết thanh. Các phản ứng giống như bệnh huyết thanh thường do các phản ứng quá mẫn và thường xảy ra trong hoặc sau đợt điều trị thứ 2 (hoặc xảy ra sau khi điều trị) với cefaclor. Những phản ứng như vậy đã được báo cáo ở trẻ em nhiều hơn so với người lớn. Các dấu hiệu và triệu chứng thường xảy ra vài ngày sau khi bắt đầu điều trị và thường giảm dần trong vài ngày sau khi ngưng điều trị. Thuốc kháng histamin và các corticosteroid có thể làm giảm các triệu chứng này. Chưa có báo cáo về các di chứng nghiêm trọng.
  • Hiếm khi có báo cáo xảy ra hội chứng hồng ban đa dạng (hội chứng StevensJohnson), hoại tử biểu bì nhiễm độc và phản ứng phản vệ. Phản ứng phản vệ có thể gặp ở bệnh nhân có tiền sử dị ứng với penicillin. Các biến cố do phản ứng phản vệ có thể xuất hiện dưới dạng các triệu chứng đơn độc, bao gồm phù mạch, suy nhược, phù nề (phù mặt và các chi), khó thở, dị cảm, ngất hoặc giãn mạch.
  • Các triệu chứng quá mẫn hiếm khi kéo dài vài tháng.

Máu: tăng bạch cầu ưa eosin, thử nghiệm Coombs dương tính và hiếm khi giảm tiểu cầu. Tăng lympho bào thoáng qua, giảm bạch cầu và hiếm khi xảy ra thiếu máu tan huyết, thiếu máu không tái tạo, mất bạch cầu hạt, giảm bạch cầu trung tính có thể hồi phục (có thể có ý nghĩa về mặt lâm sàng).

Gan: viêm gan và vàng da tắc mật thoáng qua hiếm khi được báo cáo, tăng nhẹ các giá trị AST, ALT hoặc phosphatase kiềm.

Thận: viêm thận kẽ có thể hồi phục hiếm khi xảy ra, có thể tăng nhẹ ure máu hoặc creatinin huyết thanh hoặc xét nghiệm nước tiểu không bình thường.

Hệ thần kinh trung ương: chứng tăng động có thể hồi phục, kích động, căng thẳng, mất ngủ, nhầm lẫn, tăng trương lực cơ, chóng mặt, ảo giác, buồn ngủ hiếm khi được báo cáo.

Các triệu chứng khác: ngứa bộ phận sinh dục, viêm âm đạo, bệnh nấm Candida âm đạo.

Lưu ý khi sử dụng thuốc Bidiclor

Thận trọng với các người bệnh có tiền sử mẫn cảm với cephalosporin, đặc biệt với cefaclor, hoặc với penicillin, hoặc với các thuốc khác. Người bệnh dị ứng penicilin có thể mẫn cảm chéo (5 – 10% số trường hợp).

Cefaclor dùng dài ngày có thể gây viêm đại tràng màng giả mạc do Clostridium difficile. Thận trọng với người bệnh có tiền sử đường tiêu hóa, đặc biệt viêm đại tràng. Cần nghi ngờ viêm đại tràng giả mạc khi xuất hiện tiêu chảy kéo dài, phân có máu ở bệnh nhân đang dùng hoặc trong vòng 2 tháng sau khi dừng liệu pháp kháng sinh.

Cần thận trọng khi dùng cefaclor cho người có chức năng thận suy giảm nặng. Vì thời gian bán thải của cefaclor ở người bệnh vô niệu là 2,3 - 2,8 giờ (so với 0,6 - 0,9 giờ ở người bình thưởng) nên thường không cần điều chỉnh liều đối với người bệnh suy thận trung bình nhưng phải giảm liều ở người suy thận nặng. Vì kinh nghiệm lâm sàng trong sử dụng cefaclor còn hạn chế, nên cần theo dõi lâm sàng. Cần theo dõi chức năng thận trong khi điều trị bằng cefaclor phối hợp với các kháng sinh có tiềm năng độc cho thận (như nhóm kháng sinh aminosid) hoặc với thuốc lợi niệu furosemid, acid ethacrynic.

Test Coombs (+) trong khi điều trị bằng cefaclor. Trong khi làm phản ứng chéo truyền máu hoặc thử test Coombs ở trẻ sơ sinh có mẹ đã dùng cefaclor trước khi sinh, phản ứng này có thể (+) do thuốc.

Tìm glucose niệu bằng các chất khử có thể dương tính giả. Phản ứng dương tính  giả sẽ không xảy ra nếu dùng phương pháp phát hiện đặc hiệu bằng glucose oxydase.

Độ an toàn và hiệu quả của cefaclor cho bệnh nhi dưới 1 tháng tuổi chưa được thiết lập.

Bidiclor chứa tá dược màu đỏ erythrosin lake nên có thể gây ra các phản ứng dị ứng.

Tương tác thuốc Bidiclor

Dùng đồng thời cefaclor và warfarin hiếm khi gây tăng thời gian prothrombin, biểu hiện gây chảy máu hay không chảy máu lâm sàng. Người bệnh thiếu vitamin K (ăn kiêng, hội chứng hấp thu kém) và bệnh nhân suy thận là những đối tượng có nguy cơ cao gặp tương tác. Ðối với những người bệnh này, nên theo dõi thường xuyên thời gian prothrombin và điều chỉnh liều nếu cần thiết.

Probenecid làm tăng nồng độ cefaclor trong huyết thanh.

Cefaclor dùng đồng thời với các thuốc kháng sinh aminoglycosid hoặc thuốc lợi niệu furosemid làm tăng độc tính đối với thận, loại tương tác đã được mô tả chủ yếu với cephalothin, một kháng sinh cephalosporin thế hệ 1.

Bảo quản thuốc Bidiclor

Nơi khô, nhiệt độ không quá 30ºC, tránh ánh sáng.

Làm gì khi dùng quá liều, quên liều?

Nếu dùng quá liều

Các triệu chứng quá liều có thể là buồn nôn, nôn, đau thượng vị và tiêu chảy. Mức độ nặng của đau thượng vị và tiêu chảy liên quan đến liều dùng. Nếu có các triệu chứng khác, có thể do dị ứng, hoặc tác động của một nhiễm độc khác hoặc của bệnh hiện mắc của người bệnh.

Xử trí quá liều:

  • Cần xem xét đến khả năng quá liều của nhiều loại thuốc, tương tác thuốc và dược động học bất thường ở người bệnh.
  • Không cần phải rửa dạ dày, ruột, trừ khi đã uống cefaclor với liều gấp 5 lần liều bình thường.
  • Bảo vệ đường hô hấp cho người bệnh, hỗ trợ thông thoáng khí và truyền dịch.
  • Làm giảm hấp thu thuốc bằng cách cho uống than hoạt nhiều lần. Trong nhiều trường hợp, cách này hiệu quả hơn là gây nôn hoặc rửa dạ dày. Có thể rửa dạ dày và thêm than hoạt hoặc chỉ dùng than hoạt.
  • Gây lợi niệu, thẩm phân màng bụng hoặc lọc máu chưa được xác định là có lợi trong điều trị quá liều.

Nếu quên liều

Tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!