Các triệu chứng tiền mãn kinh có thể xảy ra trong nhiều năm trước khi bước vào giai đoạn mãn kinh. Khi phụ nữ không có kinh trong 12 tháng, nghĩa là đã bước vào thời kỳ mãn kinh. Trong lúc này, triệu chứng tiền mãn kinh vẫn có thể còn tiếp diễn, tuy nhiên chúng sẽ giảm dần theo thời gian.
Dầu hoa anh thảo là một phương pháp điều trị thay thế để giảm đau và giảm các triệu chứng khó chịu trong thời kỳ mãn kinh.
Hoa anh thảo là gì?
Hoa anh thảo là một loài hoa có nguồn gốc từ Bắc Mỹ nhưng cũng được tìm thấy ở Châu Âu và các vùng của Nam bán cầu. Hoa anh thảo có cánh hoa màu vàng, nở vào buổi tối.
Trong quá khứ, người Mỹ bản địa đã sử dụng hoa anh thảo vào mục đích chữa lành. Lá được sử dụng để điều trị vết thương nhỏ và đau họng, trong khi toàn bộ cây được sử dụng để đắp lên những vết bầm tím.
Y học hiện đại sử dụng chiết xuất dầu từ hạt hoa anh thảo để hỗ trợ điều trị eczema, đau vú và các triệu chứng mãn kinh. Dầu hoa anh thảo (EPO) có hàm lượng cao một số loại axit béo.
Cơ chế tác dụng
Cơ thể cần sự cân bằng các chất dinh dưỡng và axit béo để đảm bảo hoạt động chức năng bình thường. Axit béo omega-3 và omega-6 rất cần thiết cho hoạt động của bộ não và sức khỏe của xương. Bạn chỉ có thể có được những axit béo này thông qua thức ăn và các sản phẩm như EPO.
EPO chứa hàm lượng cao axit gamma-linolenic (GLA) và axit linolenic, cả hai đều là axit béo omega-6. Các axit này làm giảm quá trình viêm trong cơ thể.
EPO có thể được dùng bằng đường uống hoặc bôi tại chỗ. Điều quan trọng là phải thảo luận về liều dùng với các bác sỹ. Nếu sử dụng liều quá cao, có thể gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng.
Tác dụng phụ của dầu hoa anh thảo
Sử dụng EPO trong thời gian ngắn đã được chứng minh là an toàn. Tuy nhiên, không nên bổ sung tinh dầu này trong thời gian dài.
EPO có thể gây ra một số tác dụng phụ bất lợi, bao gồm:
- Đau dạ dày
- Đau bụng
- Đau đầu
- Buồn nôn
- Tiêu chảy
- Phản ứng dị ứng
- Chảy máu
- Co giật
Các bác sĩ cũng khuyến cáo chỉ nên dùng tinh dầu này một mình thay vì kết hợp với các loại thuốc khác. Tương tác với các loại thuốc khác có thể gây chảy máu, tăng nguy cơ co giật và giảm hiệu quả của các loại thuốc khác được kê đơn.
Sử dụng EPO dạng bôi tại chỗ sẽ ít gây tác dụng phụ hơn, nhưng vẫn có thể sẽ gây phản ứng dị ứng.
Nghiên cứu về dầu hoa anh thảo
Ngoài việc duy trì sức khỏe, GLA được tìm thấy trong EPO tạo ra prostaglandin, đây là một loại hormone sẽ tạo ra đáp ứng viêm và cũng có tác dụng điều chỉnh lưu lượng máu.
Một số phụ nữ đã thành công khi sử dụng EPO để điều trị các triệu chứng mãn kinh.
Trong một thử nghiệm lâm sàng năm 2013, EPO được dùng bằng đường uống trong 6 tuần so với giả dược để đánh giá hiệu quả trong việc cải thiện các cơn bốc hỏa. Kết quả cho thấy đã giảm mức độ nghiêm trọng của các cơn bốc hỏa, giảm tần suất hoặc thời gian diễn ra.
Một số nghiên cứu khác lại cho thấy EPO không hiệu quả đối với thời kỳ mãn kinh. Một nghiên cứu năm 2006 đưa EPO vào danh sách phương pháp điều trị không dùng hormone cho các cơn bốc hỏa trong thời kỳ mãn kinh nhưng cũng xác nhận rằng có rất ít dữ liệu cho thấy hiệu quả của nó đối với tình trạng này.
Tương tự, một bài báo năm 2016 về giảm các triệu chứng mãn kinh giải thích rằng các sản phẩm thảo dược, bao gồm EPO, không phải là giải pháp đáng tin cậy. Nó cũng cho rằng sử dụng sản phẩm này cùng với các thuốc khác có thể gây ra các tác dụng phụ như chảy máu.
Các chất bổ sung không được cơ quan quản lý giám sát vì vậy dễ bị kém chất lượng hoặc không đảm bảo vệ sinh.
Triển vọng
Mặc dù đã có một số trường hợp sử dụng EPO điều trị các triệu chứng thời kỳ mãn kinh hiệu quả, nhưng không nên bỏ qua các phương pháp điều trị truyền thống và thay đổi lối sống, bao gồm:
Ăn các thực phẩm toàn phần chưa qua chế biến , ngủ trong phòng mát có quạt, sử dụng gel làm mát hoặc sử dụng túi chườm lạnh để sau gáy.
Duy trì chế độ ăn giàu canxi và tập thể dục thường xuyên.
Nói chuyện các bác sỹ để có thêm các phương pháp tự nhiên giúp kiểm soát các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh.
Xem thêm: