Mặc dù cả hai bệnh đều có những điểm tương đồng, nhưng cũng có những đặc điểm khác biệt, chẳng hạn như cách biểu hiện triệu chứng và sự tiến triển của bệnh.
Bài viết này giúp bạn tìm hiểu sự khác biệt giữa sốt phát ban và bệnh sởi.
Định nghĩa sốt phát ban
Sốt phát ban, còn được gọi là ban đào, hoặc bệnh ngoại ban, là một bệnh do nhiễm virus thường gặp trẻ em. Virus herpes 6 ở người (HHV-6) hoặc virus herpes 7 ở người (HHV-7) là căn nguyên gây bệnh sốt phát ban.
Bệnh này có thể lây lan qua các giọt bắn đường hô hấp vào trong không khí hoặc lưu trên các bề mặt.
Bệnh thường gặp ở trẻ em trong độ tuổi từ 6-12 tháng. Trẻ em bị sốt phát ban thường có biểu hiện sốt cao, sau đó là phát ban màu hồng hoặc đỏ.
Sốt phát ban là một bệnh do nhiễm virus thường tự khỏi mà không cần điều trị đặc hiệu. Các bác sĩ khuyên nên chăm sóc và theo dõi bệnh sốt phát ban tại nhà, nếu trẻ không có các biến chứng như co giật hoặc sốt cao dai dẳng.
Định nghĩa bệnh sởi
Sởi là một bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm đã giết chết hơn 140.000 người vào năm 2018. Đa số trong đó là trẻ em dưới 5 tuổi.
Virus sởi là một phần của họ Paramyxoviridae, thuộc giống Morbillivirusm, có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp và qua không khí.
Những người bị bệnh sởi thường có biểu hiện sốt cao và phát ban. Bệnh sởi có nguy cơ biến chứng cao hơn ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc người lớn trên 30 tuổi.
Sự khác biệt về triệu chứng giữa sốt phát ban và sởi
Video: Phân biệt sốt phan ban ở trẻ và bệnh sởi
Cả sốt phát ban và bệnh sởi đều có nhiều biểu hiện giống nhau vì chúng thường xuất hiện phát ban trên da. Tuy nhiên, sốt phát ban thường có ban màu hồng hơn, trong khi phát ban dạng sởi có màu nâu đỏ.
Mặc dù có thể dễ nhầm lẫn giữa hai loại này, nhưng các đặc điểm khác giúp phân biệt giữa sốt phát ban và bệnh sởi.
Các ban đỏ trong bệnh sốt phát ban bắt đầu ở thân và lan rộng ra, trong khi ban sởi bắt đầu trên mặt và lan xuống dưới. Ngoài ra, những đứa trẻ sốt phát ban thường không biến đổi nhiều về toàn trạng, trong khi những đứa trẻ bị sởi thường trông mệt và yếu hơn.
Sốt phát ban
Diễn biến của bệnh sốt phát ban thường có những đặc điểm riêng biệt, với các ban màu hồng xuất hiện sau khi cắt sốt, và thường diễn ra trong thời gian ngắn.
Cơn sốt sẽ kéo dài khoảng 3-5 ngày, và khi sốt giảm, trẻ có thể mọc các nốt mụn nhỏ, hoặc các ban màu hồng-đỏ có đường kính 2-5mm. Đôi khi có thể xuất hiện quầng sáng nhạt màu xung quanh các ban.
Phát ban thường bắt đầu trên thân và lan xuống cổ, mặt, chân và cánh tay trong vòng 24 giờ. Các tổn thương ban thường không ngứa và mất màu khi ấn bằng ngón tay. Các ban thường biến mất sau 1–2 ngày.
Bệnh sởi
Tương tự như sốt phát ban, ban trong bệnh sởi xuất hiện trong khoảng 3-5 ngày sau khi khởi phát triệu chứng đầu tiên. Tuy nhiên, trong trường hợp mắc bệnh sởi, các triệu chứng sốt không giảm đi mà thay vào đó là phát ban.
Ban sởi cũng không ngứa, bao gồm các nốt đỏ rõ rệt xuất hiện đầu tiên dọc theo chân tóc và sau đó lan dần xuống cổ, thân mình, tay và chân. Một số người có thể có các nốt sần nhỏ, gồ lên và có thể hợp lại thành mảng khi các ban lan rộng.
Đặc điểm nhận biết của bệnh sởi là cắt sốt khi ban ngừng lây lan.
Các triệu chứng kèm theo
Ngoài sốt và phát ban, cả hai bệnh này cũng có thể bao gồm các triệu chứng khác, như sau:
Sốt phát ban
Trẻ em bị sốt phát ban cũng có thể gặp phải:
- Sốt cao có thể trên 40 oC
- Viêm kết mạc
- Sưng nề mí mắt
- Mệt nhiều
- Quấy khóc
- Bỏ ăn
- Tiêu chảy
- Ho
- Các nốt Nagayama, vết loét miệng giữa khẩu cái mềm và lưỡi gà.
- Viêm tai trong
- Nổi hạch
Sốt phát ban thường không gây ra biến chứng. Tuy nhiên, khoảng 15% trẻ em bị sốt phát ban có co giật do sốt cao. Các triệu chứng của một cơn động kinh bao gồm:
- Mất ý thức
- Cử động co giật hoặc giật
- Ngã lăn ra đất
- Quấy khóc
Bệnh sởi
Những người bị bệnh sởi cũng sẽ bị ho, viêm kết mạc và chảy nước mũi cùng với phát ban và sốt. Một số trẻ em sẽ có các nốt Koplik từ 2 đến 3 ngày sau khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Nốt Koplik là những đốm trắng nhỏ xuất hiện trong miệng.
Bệnh sởi có thể gây tử vong trong một số trường hợp. Hầu hết những người tử vong do các biến chứng của bệnh sởi là trẻ em dưới 5 tuổi hoặc người lớn trên 30 tuổi.
Một số biến chứng nghiêm trọng:
Bệnh diễn biến bao lâu?
Sốt phát ban thường diễn biến tương đối nhanh. Sốt kéo dài từ 3-5 ngày, sau đó là phát ban. Phát ban kéo dài khoảng 2 ngày.
Các triệu chứng bệnh sởi có thể kéo dài đến 2 tuần sau khi nhiễm bệnh. Những người không gặp bất kỳ biến chứng nào thường hồi phục một tuần sau khi xuất hiện phát ban sởi.
Điều trị sốt phát ban và sởi
Điều trị sốt phát ban và sởi có nhiều điểm tương tự nhau. Có một số lựa chọn điều trị như:
Sốt phát ban
Không có phương pháp điều trị đặc hiệu đối với sốt phát ban. Bác sĩ khuyên bạn nên nghỉ ngơi và uống nhiều nước, dùng thuốc giảm đau hạ sốt như acetaminophen, hoặc thuốc chống viêm như ibuprofen để hạ sốt. Không cho trẻ bị sốt uống aspirin do có nguy cơ mắc hội chứng Reye, trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
Bệnh sởi
Cũng như với sốt phát ban, không có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh sởi. Mọi người có thể sử dụng thuốc giảm đau và thuốc chống viêm để hạ sốt và bù nước để tránh mất nước.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị bổ sung vitamin A hàng ngày trong 2 ngày cho những người bị suy dinh dưỡng hoặc suy giảm miễn dịch.
Sởi là một bệnh có thể phòng ngừa được vì đã có thuốc chủng ngừa an toàn, rẻ tiền và hiệu quả.
Khi nào cần đi khám ?
Mặc dù có thể điều trị các triệu chứng của cả hai bệnh tại nhà bằng cách nghỉ ngơi, dùng thuốc giảm đau và truyền dịch, nhưng cần đi khám bác sĩ ngay khi khởi phát các triệu chứng của bệnh sởi.
Nếu một người có biểu hiện sốt cao liên tục hoặc phát ban, thì nên đi khám. Cần xử trí cấp cứu đối với trẻ bị sốt cao co giật.
Tóm tắt
Sốt phát ban và bệnh sởi đều là những bệnh thường gặp ở trẻ em. Cả hai bệnh này đều có biểu hiện phát ban và sốt, tuy nhiên, diễn tiến bệnh của bệnh lại khác nhau.
Tổn thương ban trên da trong cả hai bệnh khác nhau về màu sắc. Sốt phát ban xuất hiện các ban màu hồng, bắt đầu ở thân và lan rộng ra, trong khi ban sởi bắt đầu ở mặt và lan dần xuống dưới.
Cả hai bệnh này đều không có thuốc điều trị đặc hiệu. Các bác sĩ khuyên mọi người nên điều trị cơn sốt bằng thuốc chống viêm và thuốc giảm đau, đồng thời uống nhiều nước.
Nếu sốt cao hoặc có bất kỳ biến chứng nào, cần đi khám ngay.
Xem thêm: