Sốt phát ban có lây không? Bệnh kéo dài bao lâu?

Sốt phát ban (còn được gọi là bệnh phát ban trẻ em) là một bệnh nhiễm virus phổ biến, chủ yếu gặp ở trẻ em từ 6-24 tháng tuổi. Virus gây bệnh sốt phát ban thường là lành tính, vì khoảng 2/3 số trẻ em bị nhiễm bệnh không có triệu chứng. Khi các triệu chứng xảy ra, bệnh thường khởi phát với một cơn sốt cao (38.5-40o C) kéo dài 3-7 ngày. Sau cơn sốt là sự xuất hiện các ban màu đỏ hoặc hơi hồng đặc trưng của sốt phát ban trên khắp cơ thể. Ban thường xuất hiện đầu tiên trên thân mình và lan ra tay, chân, lan lên mặt, trong khoảng thời gian từ vài giờ đến vài ngày. Không có phương pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh sốt phát ban; tuy nhiên, có thể hạ sốt bằng paracetamol và tắm cho trẻ bằng miếng bọt biển mát.

Sốt phát ban có lây không? Giai đoạn ủ bệnh kéo dài bao lâu?

Sốt phát ban là bệnh truyền nhiễm, lây nhiễm chủ yếu trong giai đoạn ủ bệnh. Thời gian ủ bệnh (tính từ khi tiếp xúc với virus đến khi phát triển triệu chứng) khoảng 5-14 ngày. Người bệnh vẫn còn khả năng lây nhiễm cho đến 1-2 ngày sau khi cắt sốt. Khi hết sốt, các ban màu hồng đặc trưng có thể xuất hiện, nhưng người bệnh thường không lây nhiễm. Sốt phát ban là bệnh do một loại virus thông thường (thuộc họ virus herpes ở người được gọi là HHV-6) gây ra. Loại virus này không gây ra mụn rộp hoặc nhiễm trùng bộ phận sinh dục. Hầu hết phụ nữ mang thai (khoảng 96%) đều miễn dịch với HHV-6 vì vậy chỉ có một số báo cáo hiếm hoi về việc người mẹ mắc bệnh sốt phát ban và truyền virus sang thai nhi, trong đó HHV-6 có thể gây ra các vấn đề như sẩy thai hoặc dị tật bẩm sinh.

Cách nhận biết sốt phát ban

Ban hồng trên da sau khi sốt là đặc trưng của sốt phát ban. (Nguồn: Mom Junction)

Bệnh sốt phát ban thường do lây nhiễm từ những người khác (ví dụ như trẻ em lây từ nhà trẻ hoặc anh chị em). Chẩn đoán sốt phát ban là dựa vào triệu chứng lâm sàng, trong đó đặc điểm phát ban màu hồng toàn thân, không gây ngứa là triệu chứng đặc trưng. Trẻ bị sốt phát ban thường ăn hoặc bú kém, tiêu chảy nhẹ, ho nhẹ kèm theo sổ mũi nhưng có vẻ vẫn hoạt động bình thường. Đa số trẻ em thường chỉ biểu hiện triệu chứng ở mức độ này. Tuy nhiên, nếu trẻ bị sốt cao (38.5-40 oC) và không hạ sốt, trẻ có thể tiến triển bệnh nặng hơn. Hầu hết người bệnh cần đi khám để loại trừ các bệnh khác có thể gây nguy hiểm(ví dụ, viêm màng não).

Sốt phát ban lây truyền như thế nào?

Sốt phát ban thường dễ dàng lây lan từ trẻ mắc bệnh sang những đứa trẻ khác tại nhà trẻ, trường mầm non, hoặc lây giữa những đứa trẻ trong cùng một nhà, khi chúng tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp và/hoặc nước bọt của trẻ bệnh. Việc dùng chung các vật dụng như cốc, đồ dùng, đồ chơi là con đường dễ dàng cho virus lây lan. Đối với những người lớn chưa bao giờ bị nhiễm HHV-6, họ cũng có thể bị nhiễm bệnh, nhưng bệnh thường không nghiêm trọng.

Khi nào có thể khỏi bệnh?

Nói chung, khi cơn sốt giảm khoảng 1 đến vài ngày, người bệnh thường được coi là đã khỏi và không còn khả năng lây lan. Các ban trên da có thể tồn tại trong vài ngày. May mắn thay, hầu hết mọi người đều từng bị nhiễm bệnh khi còn nhỏ và có miễn dịch bảo vệ chống lại bệnh, và miễn dịch này thường bảo vệ suốt đời.

Khi nào cần đi khám bệnh?

Hình: Đưa trẻ đi khám nếu có sốt cao, sốt kéo dài hoặc co giât( Nguồn: Pampers UK)

Nếu sốt phát ban không cải thiện sau một vài ngày hoặc sốt cao trên 39 oC, hoặc sốt dưới 39 oC kéo dài trong khoảng một tuần, hoặc xuất hiện co giật, ăn kém hoặc bỏ ăn, hoặc trẻ mệt nhiều, không hoạt động bình thường, cần đưa trẻ đi khám ngay. Nếu bạn không chắc chắn về những gì phải làm, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ gia đình để được hướng dẫn. 

Xem thêm: 

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!