Nồng độ creatinine cao: Nguyên nhân, triệu chứng và thời điểm cần điều trị

Nồng độ creatinine cao có thể chỉ ra các tình trạng bệnh dù chưa biểu hiện ra bên ngoài nhưng cần được điều trị y tế. Sau khi điều trị nguyên nhân, mức creatinine sẽ trở lại bình thường.

Creatinine là một chất thải do cơ bắp sản xuất ra. Trong cơ thể khỏe mạnh, thận lọc creatinine từ máu và bài tiết qua nước tiểu. Do vậy, nồng độ creatinine cao có thể chỉ ra các vấn đề về thận.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu creatinine là gì và điều gì có thể gây ra nồng độ cao, các triệu chứng của creatinine cao, khi nào cần lo lắng về nồng độ creatinine cao và các phương pháp điều trị.

Creatinine là gì?

Video Những xét nghiệm trong chức năng thận

Creatinine là một chất thải trong chức năng bình thường của cơ. Nó là một chất chuyển hóa của creatine phosphate (được cơ bắp sử dụng như một nguồn năng lượng).

Người có khối lượng cơ càng lớn, nồng độ creatinine càng cao. Vì lý do này, nam giới thường có mức creatinine cao hơn so với nữ. 

Nguồn ảnh: https://synergystix.com/Nguồn ảnh: https://synergystix.com/

Cách chính mà cơ thể loại bỏ creatinine ra khỏi máu là lọc qua thận và sau đó bài tiết qua nước tiểu.

Nồng độ bình thường và nồng độ cao

Nồng độ creatinine được các chuyên gia đánh giá là bình thường có thể khác nhau giữa các bệnh viện và phòng xét nghiệm.

Theo Tạp chí Y khoa Anh , phạm vi tham chiếu thông thường đối với creatinine huyết thanh là 60–110µmol/l hay 0,7–1,2mg/dl đối với nam và 45–90µmol/l (tương đương 0,5–1,0 mg/dl) đối với nữ.

Nếu lớn hơn những mức này có thể được bác sĩ đánh giá là nồng độ creatinine cao.

Tuy nhiên, quyết định của họ còn phụ thuộc vào khối lượng cơ và một số yếu tố khác, chẳng hạn như tuổi tác, giới tính và mức độ hydrat hóa.

Xét nghiệm nồng độ creatinine như thế nào?

Các bác sĩ lấy mẫu máu để kiểm tra nồng độ creatinin. Sau đó, họ sử dụng công thức để ước tính được độ thanh thải creatinin.

Trong một số trường hợp, họ cũng có thể yêu cầu bệnh nhân lấy toàn bộ nước tiểu trong 24 giờ và mang đến phòng xét nghiệm.

Sau đó, bác sĩ có thể so sánh nồng độ creatinin trong nước tiểu với nồng độ creatinin trong máu. Những kết quả này cho biết thận đang lọc được một lượng bao nhiêu creatinine ra khỏi cơ thể và chúng đang hoạt động tốt như thế nào.

Nguyên nhân gây ra nồng độ creatinine cao

Mức creatinine cao thường cho thấy thận đang không hoạt động như bình thường. Nguyên nhân có thể do rối loạn chức năng thận, ví dụ như:

  • Nhiễm trùng thận
  • Viêm cầu thận (là tình trạng viêm các cấu trúc lọc máu trong thận)
  • Sỏi thận làm tắc nghẽn đường tiết niệu
  • Suy thận
Sỏi thận (nguồn: https://www.blueblisshospital.com/)Sỏi thận (nguồn: https://www.blueblisshospital.com/)

Ngoài chức năng của thận, một số yếu tố khác có thể tạm thời làm tăng creatinine lên cao hơn mức bình thường. Ví dụ như mất nước hay bổ sung một lượng lớn protein (thông qua nguồn thức ăn hoặc thực phẩm chức năng).

Tập thể dục cường độ cao cũng có thể làm tăng một số dấu ấn sinh học trong máu, trong đó bao gồm cả creatinine.

Một người đang chuẩn bị xét nghiệm creatinine nên cho bác sĩ biết nếu họ đang dùng bất kỳ loại thuốc nào, nhịn ăn hoặc đang tuân thủ chế độ ăn giàu protein.

Các loại thuốc gần như chắc chắn gây tăng tạm thời nồng độ creatinin huyết tương hoặc gây tổn hại đến thận.

Ngoài ra, một số tình trạng sức khỏe cũng có thể làm tổn thương cơ quan này, dẫn đến tăng nồng độ creatinin, ví dụ như:

  • Bệnh đái tháo đường
  • Tăng huyết áp
  • Bệnh tim

Các triệu chứng của nồng độ creatinine cao

Các triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân, ví dụ như:

Độc tính của thuốc

Thuốc kháng sinh, thuốc tim mạch, thuốc lợi tiểu và một số loại thuốc khác có thể gây tổn thương thận và làm ảnh hưởng đến chức năng của thận.

Các triệu chứng có thể xuất hiện như:

  • Tăng giữ nước trong cơ thể
  • Cảm thấy yếu hoặc mệt mỏi
  • Lú lẫn
  • Buồn nôn
  • Khó thở
  • Nhịp tim không đều
  • Đau ngực

Nhiễm trùng thận (viêm bể thận)

Nhiễm trùng thận không được điều trị có thể gây tổn thương đến thận, nghiêm trọng hơn dấn đến suy thận.

Mọi người có thể gặp các triệu chứng sau:

  • Sốt hoặc ớn lạnh
  • Đau ở lưng, bên hông hoặc vùng háng
  • Nước tiểu đục, sẫm màu, có máu hoặc có mùi hôi
  • Đi tiểu thường xuyên, tiểu buốt
  • Buồn nôn và nôn
Nguồn ảnh: https://healthlibrary.askapollo.com/Nhiễm trùng thận

Viêm cầu thận

Lupus, hội chứng Goodpasture và nhiễm trùng có thể gây ra viêm cầu thận, dẫn đến tổn thương và suy thận.

Các triệu chứng có thể xuất hiện như:

  • Tăng huyết áp
  • Có máu hoặc protein trong nước tiểu
  • Nước tiểu sủi bọt (do hàm lượng protein cao)
  • Sưng, phù mắt cá chân và mặt

Bệnh đái tháo đường

Ở những người này, lượng đường trong máu quá cao dẫn đến các vấn đề sức khỏe, trong đó có bệnh thận.

Các triệu chứng của bệnh đái tháo đường typ 1 có thể tiến triển đột ngột, nhưng các triệu chứng của bệnh đái tháo đường typ  2 lại có xu hướng biểu hiện dần dần.

Ở cả 2 typ bệnh, các triệu chứng có thể gặp phải như:

  • Tăng cảm giác khát và thèm ăn
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Mệt mỏi
  • Mờ mắt
  • Chậm lành vết thương
  • Tê hoặc ngứa ran ở bàn tay, bàn chân

Tăng huyết áp 

Tăng huyết áp biểu thị áp lực của máu lên thành động mạch tăng cao.

Tăng huyết áp có thể gây tổn thương các mạch máu xung quanh thận, ảnh hưởng đến chức năng thận và do đó, gây ra creatinin cao.

Nhiều người bị tăng huyết áp không có triệu chứng và đôi khi chỉ phát hiện ra bệnh khi kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Bệnh tim mạch

Xơ vữa động mạch, suy tim sung huyết và các tình trạng khác ngoài ảnh hưởng đến tim còn có thể ảnh hưởng đến chức năng thận.

Các triệu chứng của bệnh tim phụ thuộc vào từng bệnh cụ thể, có thể gặp phải như:

  • Đau ngực (cơn đau thắt ngực)
  • Khó thở
  • Buồn nôn
  • Mệt mỏi và suy nhược
  • Nhịp tim không đều
  • Sưng, phù ở chân hoặc bàn chân

Tắc nghẽn đường tiết niệu

Nếu đường tiết niệu bị tắc nghẽn do sỏi thận, khối u hoặc phì đại tuyến tiền liệt, nước tiểu có thể tích tụ trong thận, dẫn đến thận ứ nước .

Các triệu chứng gặp phải như:

  • Đau ở lưng hoặc bên hông
  • Buồn nôn và nôn
  • Tiểu buốt
  • Có máu trong nước tiểu
  • Sốt

Suy thận

Suy thận là tình trạng thận đã ngừng hoạt động. Nó có thể là tình trạng cấp tính với các triệu chứng xuất hiện nhanh chóng hoặc mạn tính với các triệu chứng tiển triển dần theo thời gian.

Mọi người nên theo dõi các triệu chứng sau vì có thể đó là dấu hiệu của bệnh lý suy thận cấp:

  • Sưng ở bàn chân và mắt cá chân
  • Tiểu quá nhiều hoặc quá ít
  • Khó thở
  • Buồn nôn và nôn
  • Nhịp tim không đều
  • Lú lẫn
  • Cảm thấy yếu

Các triệu chứng sau có thể xuất hiện trong bệnh lý suy thận mạn:

  • Khó ngủ
  • Ngứa
  • Chán ăn
  • Chuột rút

Khi nào cần liên hệ với bác sĩ

Mọi người nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào mới có liên quan đến bệnh thận, tiểu đường hoặc các vấn đề về tim mạch mà không giải thích được nguyên nhân thì nên trao đổi với bác sĩ để nhận được lời khuyên phù hợp.

Tìm kiếm lời khuyên từ bác sĩ và điều trị kịp thời giúp ngăn các vấn đề sức khỏe trở nên nghiêm trọng hơn.

Điều trị

Điều trị đối với tăng creatinine phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Nếu nguyên nhân là nhiễm trùng thận thì cách điều trị sẽ là dùng thuốc kháng sinh.

Tương tự như vậy, nếu nồng độ creatinine cao có nguyên nhân là tăng huyết áp, thì việc dùng thuốc để điều trị bệnh cũng sẽ làm giảm mức creatinine.

Tùy thuộc vào nguyên nhân, các bác sĩ cũng có thể khuyên bạn nên thay đổi thói quen hàng ngày, chẳng hạn như giảm lượng protein và tăng chất xơ trong ăn uống. Những điều chỉnh như vậy sẽ giúp kiểm soát mức creatinine tốt hơn.

Tiên lượng

Tiên lượng đối với những người có nồng độ creatinine cao khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân.

Đối với những người bị tăng tạm thời mức creatinine, bất kỳ triệu chứng nào cũng thường được giải quyết nhanh chóng sau khi điều trị nguyên nhân một cách phù hợp.

Những người có thể kiểm soát được bệnh tiểu đường hoặc tăng huyết áp của bản thân cũng sẽ nhận thấy các tác động tích cực đến sức khỏe thận và nồng độ creatinine trong cơ thể.

Nếu bị suy thận có thể cần dùng thuốc và điều trị bằng phương pháp chạy thận nhân tạo để loại chất độc, chất thải ra khỏi máu hoặc ghép thận nếu được bác sĩ đề xuất.

Tổng kết

Nếu thận không hoạt động bình thường, nồng độ creatinin trong máu sẽ tăng lên.

Một số yếu tố có thể gây ra nồng độ creatinine cao, từ chế độ ăn uống và thuốc men cho đến các bệnh lý thông thường.

Nồng độ sẽ trở lại ngưỡng bình thường sau khi nguyên nhân cơ bản được giải quyết.

Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến creatinine cao thì nên tìm đến bác sĩ để nhận được những lời khuyên phù hợp.

Điều trị kịp thời có thể làm giảm các tổn thương thận và tăng khả năng hồi phục hoàn toàn.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!