VIDEO BỆNH LAO KHÁNG THUỐC - NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
Lao đa kháng thuốc là gì?
Lao kháng thuốc là bệnh xảy ra khi vi khuẩn lao trở nên kháng lại hầu hết các loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh lao. Khi đó, thuốc không còn khả năng tiêu diệt vi khuẩn lao nữa, người bệnh sẽ mất dần các vũ khí để chống lại bệnh tật. Chủng vi khuẩn lao kháng thuốc lây lan từ người sang người thông qua không khí, các giọt khí dung từ nguồn lây. Nguồn lây là người bị mắc lao khi họ nói chuyện, hát, hắt hơi, khạc đờm. Những người tiếp xúc ở gần đó có thể hít phải những vi khuẩn này và bị nhiễm bệnh.
Nguyên nhân dẫn đến lao đa kháng thuốc
- Do tình trạng điều trị bệnh lao ban đầu không triệt để với nhiều lý do: Người bệnh tự ý bỏ thuốc khi triệu chứng bệnh thuyên giảm, cơ sở y tế không đủ xét nghiệm phát hiện kháng thuốc, người bệnh không có đủ điều kiện đi khám chuyên khoa. Việc ngưng dùng thuốc khi vi khuẩn lao vẫn còn tồn tại trong cơ thể sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn cứng đầu này trở nên thích nghi hơn, chống lại được thuốc đang sử dụng.
- Do người bệnh không kiên trì điều trị hết liệu trình. Quá trình điều trị lao thường rất lâu dài, tối thiểu 6 tháng, có thể lâu hơn. Việc ngưng thuốc vì nhiều lý do cũng có thể xảy ra.
- Do tác dụng phụ của thuốc chống lao dẫn đến người bệnh bỏ thuốc, dùng thuốc không liên tục.
- Do lây nhiễm từ người bệnh mắc lao đa kháng thuốc. Vì thế, bản thân người bệnh đã được chẩn đoán lao đa kháng thuốc cần được cách ly điều trị trong khu riêng, thực hành tốt những biện pháp phòng bệnh trong quá trình điều trị nội trú cũng như tại nhà.
Ai có nguy cơ mắc lao đa kháng thuốc?
Những đối tượng sau đây có nguy cơ gặp lao đa kháng thuốc. Họ cần được tầm soát bằng xét nghiệm phát hiện kháng thuốc Xpert MTB/RIF:
- Người bệnh lao thất bại phác đồ điều trị lao thông thường
- Người nghi lao mới hoặc người bệnh lao mới có tiếp xúc với người bệnh lao đa kháng.
- Người bệnh lao không âm hóa đờm sau 2 hoặc 3 tháng điều trị phác đồ lao không kháng thuốc
- Người bệnh lao tái phát sau điều trị phác đồ lao không kháng thuốc
- Người bệnh lao điều trị lại sau bỏ trị
- Người bệnh lao mới có HIV (+)
- Các trường hợp khác: Bao gồm người nghi lao hoặc người bệnh lao có tiền sử dùng thuốc lao trên 1 tháng
Biểu hiện lao đa kháng thuốc
Người bệnh khi đang điều trị lao nhưng các triệu chứng sốt, ho, khạc đờm không thuyên giảm hoặc thuyên giảm một thời gian rồi lại xuất hiện trở lại với các triệu chứng tăng lên, bệnh nhân tiếp tục sút cân.
Tuy nhiên bệnh lao kháng thuốc có thể được chẩn đoán ở người chưa bao giờ mắc lao và triệu chứng lâm sàng của lao đa kháng có thể không khác biệt so với bệnh lao thông thường (ho kéo dài, sốt về chiều, gầy sút cân, mệt mỏi, khạc đờm, ho máu, triệu chứng nhiễm trùng, các biểu hiện của lao ngoài phổi,…)
Xét nghiệm phát hiện lao kháng thuốc
Chẩn đoán lao kháng thuốc cần làm những xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh sau:
- Xét nghiệm AFB đờm, nuôi cấy dương tính liên tục hoặc âm tính một thời gian rồi dương tính trở lại hoặc âm tính, dương tính xen kẽ ở người đang điều trị lao.
- Xét nghiệm kháng sinh đồ cho kết quả kháng với các thuốc chống lao hàng 1, hàng 2.
- Các xét nghiệm sinh học phân tử có thể chẩn đoán nhanh lao đa kháng: LPA, Xpert MTB/RIF.
- Hình ảnh tổn thương trên phim Xquang phổi không thay đổi hoặc xuất hiện thêm tổn thương mới trong quá trình điều trị đúng phác đồ
Điều trị
- Để điều trị cho các bệnh nhân lao đa kháng thuốc cần phải sử dụng theo phác đồ tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới.
- Người bệnh trong giai đoạn đầu điều trị có khả năng lây nhiễm phải được cách ly và kiểm soát trong bệnh viện. Trong giai đoạn sau của bệnh,còn tùy thuộc vào cơ sở vật chất, vị trí địa lý, khả năng đi lại để tái khám và theo dõi, người bệnh có thể cân nhắc được theo dõi tại nhà và tái khám định kỳ tại cơ sở y tế quản lý lao đa kháng thuốc.
- Thời gian điều trị lao đa kháng thuốc sẽ kéo dài hơn bệnh lao còn nhạy cảm với thuốc, tối thiểu 9 tháng
- Phác đồ điều trị sẽ cần phối hợp nhiều loại thuốc hơn, tối thiểu 5 loại thuốc.
Thực tế, có một số hạn chế trong việc điều trị như thuốc còn mới nên khả năng tiếp cận với thuốc còn hạn chế không phải bệnh viện nào cũng đủ thuốc điều trị, chi phí điều trị cao hơn rất nhiều so với lao thường, nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng trầm trọng đến sức khoẻ. Ngoài ra thời gian điều trị lao đa kháng thuốc cũng dài hơn và tỷ lệ thành công thấp hơn lao thông thường. Chính vì điều trị khó khăn nên người bệnh cần tuân thủ điều trị bệnh dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế, được sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng.
Phòng ngừa lao đa kháng
- Không tiếp xúc với người bệnh mắc lao đa kháng thuốc
- Người mắc bệnh lao cần tuân thủ tuyệt đối liều lượng thuốc và thời gian điều trị, thực hiện đúng hướng dẫn của nhân viên y tế, không tự ý bỏ thuốc.
- Người mắc bệnh lao cần tái khám định kỳ theo hướng dẫn của thầy thuốc
- Người điều trị lao nếu không thuyên giảm triệu chứng cần khám lại ngay để kịp thời điều chỉnh thuốc, tránh để xảy ra nguy cơ kháng thuốc
- Người tiếp xúc với người bệnh lao đa kháng thuốc cần đi làm xét nghiệm để loại trừ hoặc phát hiện sớm lao đa kháng. Khám tại bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi
Xem thêm: