Loại kem chống nắng nào là tốt nhất?

Kem chống nắng là một biện pháp quan trọng để bảo vệ da chống lại các tia có hại của mặt trời. Với nhiều lựa chọn như vậy, làm thế nào chúng ta có thể biết được đâu là loại kem chống nắng tốt nhất?


Video Review "chân thật" 14 loại kem chống nắng

Các sản phẩm chống nắng được sản xuất có tác dụng giúp giảm nguy cơ gây bệnh ung thư da và các bệnh lý khác. Vì lý do này, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (the United States Food and Drug Administration - FDA) coi chúng là dược phẩm và quản lý việc dán nhãn cho những sản phẩm này.

Theo luật, trên bao bì của kem chống nắng phải bao gồm chỉ số bảo vệ chống nắng (Sun Protection Factor - SPF) cho biết mức độ bảo vệ da khỏi tia UVB và UVA của mặt trời. Đây là quy định mới về kem chống nắng.

Chỉ số chống nắng (SPF) là gì?

Kem chống nắng phải có chỉ số SPF thích hợp và được dán nhãn “phổ rộng”.

Khi chúng ta tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, chúng ta sẽ tiếp xúc với hai loại tia gây hại: UVA và UVB.

Chỉ số chống nắng (SPF) là mức độ sản phẩm có thể bảo vệ da chống lại tia UVB, ví dụ: SPF15. Sản phẩm có chỉ số SPF cao và có phổ rộng sẽ bảo vệ da tốt hơn. 

Theo FDA, việc sử dụng kem chống nắng có SPF từ 15 trở lên kết hợp với các biện pháp khác (như đeo kính râm và tránh ánh nắng mặt trời) có thể giúp ngăn ngừa ung thư da.

Mức độ bảo vệ của SPF:

  • Bảo vệ thấp: SPF dưới 15
  • Bảo vệ trung bình: SPF 15-29
  • Bảo vệ cao: SPF 30-49
  • Bảo vệ rất cao: SPF trên 50

Ngoài chỉ số SPF, bao bì phải thể hiện rằng sản phẩm đã vượt qua bài kiểm tra phổ rộng của FDA. Mức độ bảo vệ da khỏi tia UVA phải tương ứng với SPF (khả năng bảo vệ khỏi tia UVB).

Không sản phẩm nào có chỉ số SPF dưới 15 có thể bảo vệ da trên phổ rộng. Tất cả các sản phẩm này phải có cảnh báo sau trên bao bì:

"Sản phẩm này đã được chứng minh là chỉ giúp bảo vệ da khỏi cháy nắng chứ không giúp ngăn ngừa ung thư da và lão hóa da sớm."

Hiểu thêm về SPF 

SPF cho biết mức độ giảm thiểu nguy cơ tổn thương da khi sử dụng kem chống nắng so với không dùng. Nó dựa vào thời gian để tia UVB đi qua kem chống nắng và khiến da đỏ lên, so với thời gian mà tia UVB đi qua da khi không có kem chống nắng.

Hệ số được tính bằng cách chia liều bức xạ mặt trời cần thiết để gây đỏ da với liều cần thiết để gây đỏ da mà không dùng kem chống nắng.

SPF = liều bức xạ gây cháy nắng với kem chống nắng / liều bức xạ gây cháy nắng khi không dùng kem chống nắng

Cách tính này dựa trên việc bôi 2mg kem chống nắng cho mỗi cm2 diện tích bề mặt da. Nếu thời gian để da bị cháy nắng khi bôi kem chống nắng lâu hơn 15 lần so với khi không bôi kem chống nắng thì SPF là 15.

Về lý thuyết, nếu trong một số điều kiện nhất định, da không được bảo vệ sẽ bắt đầu ửng đỏ mất 10 phút thì kem chống nắng có SPF 30 sẽ ngăn chặn điều này trong 300 phút hoặc 5 giờ, lâu hơn 30 lần.

Tuy nhiên, thật sai lầm khi nghĩ rằng khi bôi kem chống nắng có SPF cao hơn thì một người có thể ở dưới nắng lâu hơn.

Điều này còn phụ thuộc vào các yếu tố khác bao gồm:

  • Điều kiện thời tiết
  • Thời gian trong ngày
  • Loại da
  • Cách thoa kem chống nắng
  • Yếu tố môi trường và cá nhân khác

Ví dụ: hầu hết mọi người chỉ thoa 25 - 50% lượng kem chống nắng được khuyến nghị.

Ngoài ra, hiệu ứng bảo vệ sẽ mất đi sau tối đa 2 giờ nên sau đó, kem chống nắng cần được thoa lại.

Bao nhiêu phần trăm tia UV bị chặn bởi SPF?

Không có kem chống nắng nào ngăn chặn được tất cả tia UVB  Nguồn ảnh: healthy-skin.me

Không có kem chống nắng nào ngăn chặn được tất cả tia UVB

Nguồn ảnh: healthy-skin.me

 Mức độ bảo vệ bởi các loại kem chống nắng có SPF khác nhau như sau:

  • SPF 15 ngăn chặn 93% các tia UVB
  • SPF 30  ngăn chặn 97% tia UVB
  • SPF 50 ngăn chặn 98% các tia UVB 

Những tỷ lệ phần trăm này cho thấy rằng không có kem chống nắng nào chặn được tất cả tia UVB và việc tăng SPF sẽ làm tăng khả năng bảo vệ chỉ với một tỷ lệ phần trăm nhỏ.

Phổ rộng là gì?

Kem chống nắng giúp bảo vệ da khỏi tia UVB và UVA có hại. Tia UVB làm cho da đỏ, còn UVA thì không. Tuy nhiên, tia UVA vẫn có thể gây ảnh hưởng đến da, bao gồm cả nếp nhăn. Cả UVA và UVB đều làm tăng nguy cơ ung thư da.

Vì lý do này, điều quan trọng là phải tìm kiếm một loại kem chống nắng có chỉ số SPF phù hợp và là loại kem chống nắng phổ rộng.

Kem chống nắng phổ rộng ngăn chặn tia UVA theo tỷ lệ tương tự như SPF ngăn chặn tia UVB.

Dùng loại kem chống nắng phổ rộng và chỉ số SPF ít nhất là 15 để giảm tác hại của ánh nắng mặt trời. 

Mua loại kem chống nắng nào?

Mọi người nên sử dụng loại kem chống nắng có:

  • Chỉ số SPF từ 15 trở lên
  • Bảo vệ phổ rộng

Hiệp hội EWG (Environmental Working Group) là một tổ chức phi lợi nhuận ở Hoa Kỳ đánh giá chất lượng kem chống nắng theo những tiêu chí sau:

  • Nguy cơ: Các thành phần trong sản phẩm có độc tính hay gây ra bất kỳ mối nguy hiểm nào không?
  • Hiệu quả: EWG kiểm tra các chỉ số bảo vệ được yêu cầu và sự cân bằng giữa chúng
  • Độ ổn định: Các thành phần bị phân hủy nhanh như thế nào dưới ánh nắng mặt trời?

Trước khi mua kem chống nắng, bạn có thể kiểm tra sản phẩm theo đánh giá của EWG.

Mẹo sử dụng kem chống nắng

Quần áo chống nắng, kính râm và mũ giúp giảm sự tiếp xúc của da với tia UV  Nguồn ảnh: Pinterest

Quần áo chống nắng, kính râm và mũ giúp giảm sự tiếp xúc của da với tia UV

Nguồn ảnh: Pinterest

Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến mức độ bảo vệ da khỏi tác hại của ánh sáng mặt trời. 

Dưới đây là một số ví dụ:

  • Liều lượng kem chống nắng được sử dụng: Liều lượng sử dụng kem chống nắng chuẩn nhất là 2 mg kem tương đương với 1cm2 da. Bạn có thể ước lượng kem cần bôi bằng đầu ngón trỏ.
  • Biện pháp khác: Quần áo chống nắng, kính râm và mũ cũng rất quan trọng để giảm sự tiếp xúc của da với tia UV
  • Cách tán đều kem chống nắng: Đây là điều khó khăn khi một số bộ phận trên cơ thể cọ xát hoặc đổ mồ hôi nhiều hơn những bộ phận khác
  • Thời điểm trong ngày: Tốt nhất là nên tránh ánh nắng mặt trời từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Các tia sẽ mạnh hơn vào thời điểm này.

Theo FDA, lượng tia từ ánh sáng mặt trời bị chúng ta hấp thụ trong 15 phút lúc 1 giờ chiều tương được với lượng tia chúng ta nhận trong 1 tiếng vào 9 giờ sáng.

Không có bất kỳ loại kem chống nắng nào có thể bảo vệ bạn cả ngày hoặc hoàn toàn không thấm nước.

Tần suất bôi kem chống nắng trong ngày

Nên thoa kem chống nắng khoảng 15 phút trước khi ra nắng và thoa lại ít nhất 2 tiếng một lần. Trong môi trường nước, kem chống nắng nên được thoa lại sau mỗi 40 phút hoặc thường xuyên hơn tuỳ theo từng sản phẩm.

Lượng kem chống nắng được sử dụng trong các thử nghiệm để tạo ra chỉ số SPF là 2 mg kem dưỡng da trên mỗi 1cm2 diện tích da hoặc khoảng 6 muỗng cà phê nếu bôi toàn thân cho người vóc dáng trung bình.

Con số này tương đương với nửa thìa cà phê kem chống nắng cho mỗi vùng cánh tay, mặt, cổ và tai, và chỉ hơn một thìa cà phê cho mỗi chân. Số lượng cần thiết cũng sẽ phụ thuộc vào công thức của từng sản phẩm, cho dù là dạng kem bôi, dạng xịt hay gel.

Có an toàn khi ở ngoài ánh nắng trực tiếp không?

Không chỉ có ánh nắng trực tiếp mới gây hại. Khi tia UV chiếu vào tuyết, nước, kim loại và một số bề mặt, chúng có thể phản xạ trở lại da. 

  • Tia UV có thể xuyên sâu đến 1 mét dưới nước. Những người đang bơi vẫn có thể bị cháy nắng. Kem chống nắng chống nước bảo vệ da lên đến 40 phút trong môi trường nước.
  • Chúng ta vẫn tiếp xúc với tia UV khi ở trong bóng râm, dưới ô che nắng trên bãi biển và khi trời nhiều mây.
  • Những khu vực có nhiều cây cối rậm rạp giúp bảo vệ tốt.
  • Loại da

Nguy cơ tổn thương da còn tùy thuộc vào loại da của bạn.

  • Da rất trắng: Có nhiều nguy cơ bị tổn thương do ánh nắng mặt trời vì hàm lượng melanin ít.
  • Da trắng: Da hấp thụ nhiều năng lượng mặt trời hơn da ngăm đen trong cùng điều kiện.
  • Da sẫm màu: Đây cũng là loại da chịu tác hại của tia UV ở mức độ nhẹ hơn, vì nó chứa nhiều melanin - một trong những chất hấp thụ sinh học của tia UV.

Các hoạt động nguy cơ cao

Các hoạt động có thể làm tăng nhu cầu thoa kem chống nắng thường xuyên hơn bao gồm:

  • Bơi lội
  • Hoạt động làm tăng tiết mồ hôi
  • Trượt tuyết và các hoạt động ở trên cao khác, vì khi đó ít tia cực tím hơn được hấp thụ bởi tầng khí quyển

Chỉ số UV

Chỉ số UV đưa ra cảnh báo về hành động bảo vệ cần thực hiện khi mức độ UV cao  Nguồn ảnh: healthy-skin.me

Chỉ số UV đưa ra cảnh báo về hành động bảo vệ cần thực hiện khi mức độ UV cao

Nguồn ảnh: healthy-skin.me

Nguy cơ phơi nhiễm tia UV cũng phụ thuộc vào các yếu tố môi trường như ô nhiễm, vị trí, thời điểm trong năm và độ cao. Chỉ số UV (UVI) được thiết kế để đưa ra cảnh báo về hành động bảo vệ cần thực hiện khi mức độ UV cao.

Cục Bảo vệ môi trường (Environmental Protection Agency- EPA) cung cấp một công cụ tìm kiếm để kiểm tra UVI ở khu vực địa phương của bạn. Cấp độ 1 đến 2 có mã màu xanh lục vì chúng ít gây nguy hiểm nhất. Các cấp độ 8, 9 và 10 được mã hóa bằng màu đỏ. UV ở mức 11 được kí hiệu bằng màu tím. Ở mức độ này, da và mắt nếu không được bảo vệ có thể bị bỏng sau vài phút.

Các hành động sau được khuyến nghị:

  • 0 đến 2: Không cần đề phòng đặc biệt
  • 3 đến 7: Nên đứng dưới bóng râm, sử dụng kem chống nắng, mặc quần áo dài tay và đội mũ
  • Trên 8: Tránh ra ngoài vào giữa trưa và tìm bóng râm. Áo dài tay, kem chống nắng và mũ là những thứ cần thiết.

Quần áo chống nắng

Các mẹo chống nắng khác bao gồm đội mũ có vành, mặc quần áo dài tay và tránh ánh nắng mặt trời giữa trưa. Tia nắng vẫn có thể xuyên qua một số loại vải và bạn cần chọn chất liệu quần áo có thể bảo vệ.

Các loại vải có tác dụng hấp thụ tia UV hoặc ngăn tia UV đi qua là tốt nhất. Ví dụ:

  • Vải dệt dày và bó sát như denim có thể ngăn các tia đi qua hơn vải dệt thưa
  • Vải được xử lý để có thể hấp thụ tia cực tím
  • Vải màu tối, màu sáng và vải không tẩy trắng hấp thụ nhiều tia cực tím hơn

Mũ rộng vành và kính râm bản to cũng bảo vệ tốt hơn mũ không có vành và kính nhỏ.

Dưới ánh nắng mặt trời, quần áo sẫm màu sẽ gây nóng hơn nhưng cản tia UV đi qua hơn so với các loại vải sáng màu.

SPF có làm giảm lượng vitamin D không?

Sử dụng kem chống nắng và tránh ánh nắng mặt trời sẽ làm giảm nguy cơ tổn thương da, nhưng nó cũng có thể làm giảm nồng độ vitamin D. 90-95% lượng vitamin D của chúng ta do cơ thể sản xuất khi da tiếp xúc với ánh sáng UVB. 10% còn lại đến từ các nguồn thực phẩm. Thiếu vitamin D có liên quan đến chứng loãng xương, còi xương và các bệnh lý khác. Tình trạng này phổ biến hơn ở những người ít hoạt động dưới ánh nắng mặt trời.

Nhìn chung, dành một ít thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mỗi ngày là lựa chọn tốt nhất.

Tổng kết

FDA khuyến nghị thực hiện các biện pháp để chống nắng và giảm các vấn đề sức khỏe liên quan đến ánh nắng mặt trời:

  • Sử dụng kem chống nắng phổ rộng có chỉ số SPF từ 15 trở lên
  • Thực hiện các biện pháp chống nắng khác như tìm bóng râm và tránh ánh nắng vào giờ cao điểm 
  • Mặc quần áo chống nắng, đội mũ và đeo kính râm

Một nghiên cứu được công bố vào năm 2007 về ưu và nhược điểm của việc sử dụng kem chống nắng đã cảnh báo rằng: “Không nên lạm dụng kem chống nắng để tăng thời gian ở ngoài trời mức tối đa”.

Nhóm nghiên cứu khuyến nghị nên mặc quần áo chống nắng và tránh hoạt động ngay dưới ánh nắng gay gắt để ngăn tiếp xúc quá mức với các tia có hại của mặt trời.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!