Lao sơ nhiễm là gì? Các dấu hiệu nhận biết và cách phòng bệnh

Lao sơ nhiễm là một tình trạng bệnh lý xuất hiện sau khi cơ thể tiếp xúc lần đầu tiên với vi khuẩn lao và gây ra biểu hiện ở một cơ quan trong cơ thể.

Video Lao sơ nhiễm ở trẻ: Không thể lơ là

Lao sơ nhiễm cũng bao gồm tình trạng nhiễm lao, hay lao sơ nhiễm tiềm tàng: là tình trạng có vi khuẩn lao trong cơ thể nhưng không sinh trưởng được do sự khống chế của hệ thống miễn dịch, vi khuẩn tồn tại trong cơ thể nhưng không hoạt động và có thể hoạt động sau này khi sức đề kháng của cơ thể suy giảm. Người nhiễm lao không có biểu hiện lâm sàng của bệnh lao, số lượng vi khuẩn lao ít, có thể phát hiện tình trạng nhiễm lao thông qua các xét nghiệm miễn dịch học như phản ứng Mantoux, hoặc xét nghiệm IGRA (xét nghiệm trên cơ sở giải phóng interferon gamma

Khoảng 10% người khỏe mạnh bị lao sơ nhiễm sẽ chuyển thành bệnh lao trong suốt cuộc đời. Với những người suy giảm miễn dịch như đồng nhiễm HIV thì nguy cơ chuyển từ nhiễm lao sang bệnh lao hoạt động sẽ tăng lên rất cao, khoảng 10% /năm

Nguyên nhân gây bệnh lao sơ nhiễm

Nguồn: NIAIDVi khuẩn lao

Căn nguyên gây bệnh lao là vi khuẩn lao, có tên khoa học Mycobacterium Tuberculosis, còn được gọi là trực khuẩn BK (Bacille de Koch: Vi khuản do nhà khoa học Robert Koch tìm ra). Vi khuẩn này có thể được phát hiện thông qua các xét nghiệm vi sinh, sinh học phân tử và các xét nghiệm khác.

Cơ chế lây truyền trong bệnh lao: Bệnh lao là bệnh lây truyền qua đường hô hấp do hít phải các hạt khí dung trong không khí có chứa vi khuẩn lao. Các hạt khí dung có chứa vi khuẩn lao là hạt khí có đường kính khoảng 1 – 5 µm bay lơ lửng trong không khí khoảng từ vài giờ đến 24 giờ, được tạo ra khi người mắc lao phổi trong giai đoạn tiến triển ho, khạc, hắt hơi. Khả năng lây lan giảm mạnh sau điều trị từ 2 – 4 tuần, do vậy phát hiện và điều sớm bệnh lao sẽ làm giảm lây lan trong cộng đồng.

Lao sơ nhiễm gặp chủ yếu ở trẻ em chưa tiêm chủng phòng lao (BCG). Trẻ chưa tiêm chủng BCG trong tháng đầu sau sinh nếu tiếp xúc gần gũi với nguồn lây cùng sống trong một gia đình, đặc biệt là những người trực tiếp chăm sóc trẻ như người mẹ, người bà bị lao sẽ làm cho trẻ dễ bị lao sơ nhiễm. Trẻ không tiêm vắc-xin BCG có nguy cơ mắc bệnh cao hơn trẻ đã tiêm.Tuy nhiên, trẻ đã được tiêm vắc-xin tiếp xúc gần gũi với nguồn lây mạnh vẫn có khả năng lây bệnh. Hiệu quả bảo vệ của BCG khoảng 80%.

Các triệu chứng và chẩn đoán lao sơ nhiễm

Các biểu hiện lâm sàng

Ho dai dẳng, ho khạc đờm, máu là một trong các triệu chứng của lao. Nguồn: Medical News TodayHo dai dẳng, ho khạc đờm, máu là một trong các triệu chứng của lao. Nguồn: Medical News Today

Đa số bệnh nhân lao sơ nhiễm có triệu chứng âm thầm như: sốt nhẹ về chiều, mệt mỏi, chán ăn, sút cân, đổ mồ hôi lúc ngủ dù trời lạnh. Những thể nặng có sốt dao động, thân nhiệt thay đổi trên dưới 380C và nhiều biểu hiện toàn thân hơn.

Triệu chứng hô hấp: ho dai dẳng, có thể lúc đầu ho khan sau đó ho đàm, hoặc ho ra chất như bã đậu. Khi hạch lớn có thể gây chèn ép: bệnh nhân khò khè khó thở. Ngoài ra, lao sơ nhiễm còn biểu hiện nơi khác như: đau bụng, tiêu chảy kéo dài, có hạch trong ổ bụng.

Triệu chứng khác: ở trẻ nhỏ còn gặp hồng ban nút và viêm kết giác mạc phỏng nước do phản ứng dị ứng với vi khuẩn lao. Hồng ban nút là những nốt nằm ở hạ bì, chắc, đầu tiên có màu đỏ sau chuyển sang màu tím giống như khi da bị đụng dập, đau tự nhiên hoặc chỉ đau khi sờ nắn. Những nốt này tập trung ở mặt trước hai cẳng chân, mất đi sau khoảng 10 ngày, có thể xuất hiện lại đợt khác. Viêm kết giác mạc phỏng nước: một đám tổn thương nốt nhú xung quanh đỏ nằm ở nơi tiếp giáp củng giác mạc, có thể loét tạo thành sẹo giác mạc.

Lao sơ nhiễm ở ruột: biểu hiện các dấu hiệu giống viêm ruột thừa hoặc tiêu chảy kéo dài. Muộn hơn sờ thấy hạch trong ổ bụng.

Lao sơ nhiễm ở da niêm mạc: thông thường phát hiện một tổn thương thâm nhiễm hoặc loét không đau và viêm nhóm hạch khu vực lân cận.

Xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh

Phản ứng Mantoux: Phản ứng có giá trị chẩn đoán lao sơ nhiễm khi dương tính ở những trẻ chưa tiêm BCG. 

Chụp XQ/CT/MRI phổi: trên phim quy ước cho thấy phức hợp sơ nhiễm. Ổ loét sơ nhiễm (còn gọi là ổ Ghon) thường nằm ở thùy dưới phổi phải. Là một nốt mờ tròn, không đồng đều bờ không rõ, đường kính thay đổi từ 5 - 20mm. Vi khuẩn lao: tìm thấy trong đờm, trong dịch dạ dày và trong dịch phế quản.

Chẩn đoán bệnh lao sơ nhiễm

Các bác sĩ sẽ khai thác tiền sử của người bệnh về tiêm chủng BCG, tiền sử tiếp xúc với nguồn lây, các triệu chứng đã từng xuất hiện trong quá khứ. Bác sĩ sẽ khám lâm sàng, khám hô hấp, cho chụp XQ phổi, làm các xét nghiệm tìm vi khuẩn qua đờm, máu, phản ứng Mantoux. 

Người bệnh được chẩn đoán nhiễm lao khi có bằng chứng của vi khuẩn lao trong dịch cơ thể, hoặc phản ứng mantoux dương tính ở trẻ chưa tiêm chủng BCG.

Đối với trẻ em, việc chẩn đoán lao sơ nhiễm chỉ cần có 2 trong 3 yếu tố sau: 

  • Tiền sử tiếp xúc với nguồn lây trong vòng 1 năm trở lại
  • Các biểu hiện nghi nhiễm lao (không đáp ứng với điều trị thông thường)
  • Phim chụp phổi hoặc bộ phận ngoài phổi có tổn thương nghi lao

Điều trị bệnh lao sơ nhiễm

Việc điều trị được tiến hành sau khi bác sĩ đưa ra chẩn đoán bệnh hoặc còn nghi ngờ lao sơ nhiễm. Điều trị lao sơ nhiễm còn phụ thuộc vào dấu hiệu lâm sàng, XQ và xét nghiệm.

Điều trị lao sơ nhiễm cũng cần tuân theo các nguyên tắc:

  • Phối hợp các thuốc chống lao - Mỗi loại thuốc chống lao có tác dụng khác nhau trên vi khuẩn lao (diệt khuẩn, kìm khuẩn, môi trường vi khuẩn), do vậy phải phối hợp các thuốc chống lao. 
  • Phải dùng thuốc đúng liều: Các thuốc chống lao tác dụng hiệp đồng, mỗi thuốc có một nồng độ tác dụng nhất định. Nếu dùng liều thấp sẽ không hiệu quả và dễ tạo ra các chủng vi khuẩn kháng thuốc, nếu dùng liều cao dễ gây tai biến. Đối với lao trẻ em cần được điều chỉnh liều thuốc hàng tháng theo cân nặng. 
  • Phải dùng thuốc đều đặn - Các thuốc chống lao phải được uống cùng một lần vào thời gian nhất định trong ngày và xa bữa ăn để đạt hấp thu thuốc tối đa. 
  • Phải dùng thuốc đủ thời gian và theo 2 giai đoạn tấn công và duy trì - Giai đoạn tấn công kéo dài 2, 3 tháng nhằm tiêu diệt nhanh số lượng lớn vi khuẩn có trong các vùng tổn thương để ngăn chặn các vi khuẩn lao đột biến kháng thuốc. Giai đoạn duy trì kéo dài 4 đến 6 tháng nhằm tiêu diệt triệt để các vi khuẩn lao trong vùng tổn thương để tránh tái phát. 

Phòng bệnh lao

Việc phòng bệnh lao bao gồm việc phòng tránh nhiễm vi khuẩn lao và phòng ngừa nhiễm lao trở thành bệnh lao. Cần thực hiện các biện pháp:

  • Giảm tiếp xúc với nguồn lây: Người mắc bệnh lao có AFB trong đờm dương tính cần phải được cách ly điều trị theo đúng phác đồ, đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc với người khác.
  • Giữ gìn vệ sinh môi trường, không khạc nhổ bừa bãi, hệ thống thông gió tốt ở khu điều trị bệnh truyền nhiễm
  • Tiêm vắc xin BCG phòng lao cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi khỏe mạnh, không nhiễm HIV, hoặc nhiễm HIV nhưng không có biểu hiện triệu chứng bệnh HIV/AIDS
  • Mỗi người đều cần nâng cao thể trạng, tăng cường khả năng miễn dịch thật tốt bằng chế độ ăn uống, chăm sóc sức khỏe đúng cách, khoa học.
  • Người lớn nhiễm HIV nhưng không mắc lao được dùng thuốc lao để dự phòng mắc bệnh.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!